Kim cương Kohinoor và di sản chủ nghĩa thực dân Anh

Print Friendly, PDF & Email

koh-i-noor

Nguồn: Shashi Tharoor, “India’s Jewel in the Crown”, Project Syndicate, 05/05/2016.

Biên dịch: Trần Thị Ngọc Thúy | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Tổng cố vấn pháp lý Ấn Độ, ông Ranjit Kumar, mới đây đã tuyên bố rằng Ấn Độ không tìm cách thu hồi viên kim cương Kohinoor – một trong những viên kim cương lâu đời và giá trị nhất thế giới – từ phía Anh, quốc gia đã được Ấn Độ “tặng” báu vật này. Tuyên bố của ông đã gây sốc cho Ấn Độ và châm ngòi cho một loạt những cuộc tranh luận sôi nổi. Trên thực tế, những tranh cãi này đã diễn ra theo chiều hướng tiêu cực đến mức chính phủ phải tuyên bố lại rằng họ vẫn muốn lấy lại viên kim cương. Tuy nhiên, cam kết của chính phủ trong việc đòi lại Kohinoor nói một cách nhẹ nhàng là vẫn vô cùng không thuyết phục.

Tuyên bố của ông Kumar được đưa ra trước Toà án Tối cao Ấn Độ trong bối cảnh một tổ chức phi chính phủ có tên Mặt trận Nhân quyền và Công lý xã hội Ấn Độ đệ một đơn kiện, yêu cầu chính phủ phải tìm cách đòi lại kim cương Kohinoor, thứ đang ngự trên vương miện Hoàng gia Anh. Ông Kumar khẳng định rằng vương quốc Sikh trong lịch sử đã trao viên kim cương cho Công ty Đông Ấn Anh vào năm 1849 như một sự bồi thường chiến phí tự nguyện sau khi cuộc chiến tranh giữa Anh và người Sikh kết thúc. Thêm vào đó, Đạo luật về Cổ vật và Di sản nghệ thuật năm 1972 không cho phép chính phủ đòi lại những cổ vật đã được mang ra nước ngoài trước thời điểm Ấn Độ giành được độc lập vào năm 1947. Theo nhận định của ông Kumar, chính phủ Ấn Độ không có cơ sở nào để đòi lại được viên kim cương quý giá này.

Phản ứng dữ dội từ phía công chúng mà tuyên bố của ông Kumar gây ra đã buộc các phát ngôn viên chính phủ phải nhanh chóng nói ngược lại, khẳng định rằng quan điểm của ông không phải là quan điểm chính thức cuối cùng. Bộ Văn hoá thông báo rằng việc đòi lại viên kim cương vẫn sẽ được tiếp tục. Tuy nhiên, trừ phi ông Kumar bị buộc phải nộp ý kiến mới lên Toà án Tối cao, thì tuyên bố của ông có vẻ đã đặt dấu chấm hết cho yêu sách của Ấn Độ đối với viên kim cương huyền thoại nhất thế giới này. Vậy nên câu hỏi được đặt ra là liệu đó có nên là kết quả cuối cùng của sự việc hay không.

Kim cương Kohinoor đầu tiên được tìm thấy ở gần Guntur (nay là bang Andhra Pradesh) dưới triều đại Kakatiya. Các vị vua Kakatiya đặt nó trong một ngôi chùa, nơi sau này bị bất ngờ cướp phá bởi vị sultan (vua Hồi giáo) của Delhi tên là Alauddin Khilji. Viên kim cương, cùng với rất nhiều báu vật khác, đã bị vị vua này tước đoạt và mang về kinh đô của ông ta. Sau đó, quyền sở hữu viên kim cương thuộc về đế chế Mughal vốn xâm chiếm Delhi vào thế kỷ 16.

Vào năm 1739, kim cương Kohinoor rơi vào tay của vua Ba Tư Nadir Shah. Trong cuộc chinh phục Delhi, cùng với việc thảm sát nhiều người dân, Shah đã cướp được một lượng lớn chiến lợi phẩm, bao gồm cả chiếc Ngai vàng Chim Công (Peacock Throne) vô giá. Truyền thuyết kể lại rằng chính Nadir Shah là người đã đặt tên cho viên kim cương là Kohinoor, nghĩa là “Ngọn núi ánh sáng”. Một trong số những người vợ của ông hồi tưởng một cách đầy màu sắc, “Nếu một người đàn ông khoẻ mạnh ném 4 viên đá về 4 hướng – một về hướng Bắc, một về hướng Nam, một về hướng Đông, một về hướng Tây – và viên thứ 5 ném lên không trung, và nếu khoảng không giữa chúng được lấp đầy bởi vàng ròng, thì số vàng đó cũng chưa thể sánh bằng giá trị của Kohinoor.”

Sau khi Nadir Shah băng hà vào năm 1747, viên kim cương rơi vào tay của một trong số những tướng lĩnh dưới trước của ông là Ahmad Shah Durrani, người về sau trở thành vua Afghanistan. Năm 1809, một trong số những hậu duệ của Durrani đã buộc phải triều cống viên kim cương Kohinoor cho vị vua người Sikh quyền lực tại Punjab là Ranjit Singh. Tuy nhiên, những người kế vị của Singh lại thất bại trong việc giữ nước. Người Sikh đã bị đánh bại bởi thực dân Anh trong 2 cuộc chiến tranh, và cho đến năm 1849 đế chế Anh về cơ bản đã sáp nhập hầu hết lãnh thổ của người Sikh. Đó cũng là khi viên kim cương Kohinoor được cho là được tặng cho người Anh.

Luận điểm cho rằng viên kim cương được trao cho Anh như một sự bồi thường chiến phí mang tính tự nguyện nghe thật lố bịch. Trước tiên, việc sang tay chính thức được thực hiện bởi vị vua cuối cùng của đế chế Sikh, Duleep Singh, vào thời điểm đó mới chỉ 10 tuổi – và gần như bị giật dây trong việc định đoạt số phận của viên kim cương. Như tôi đã chỉ ra với các chính khách Ấn Độ khác, nếu bạn dí súng vào đầu tôi, có thể tôi sẽ phải đưa ví cho bạn, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là tôi tặng ví của tôi cho bạn – và nó cũng không có nghĩa là tôi không nên đòi lại ví của mình.

Việc bồi thường chiến phí thường được hiểu là bồi thường của người thua trận cho kẻ thắng trận. Sự đền bù này không phải lúc nào cũng dựa trên cơ sở tự nguyện. Trên thực tế, nhiều thuộc địa cũ của Anh đã lập luận một cách chính xác rằng chính đế quốc này mới phải đền bù cho họ vì hàng thế kỷ áp bức và bóc lột của Anh. Bước đầu tiên cần làm là trao trả lại những cổ vật mang giá trị văn hoá đã bị cướp bóc trong thời kỳ thực dân.

Một điều chắc chắn là đang có rất nhiều bên đòi quyền sở hữu đối với viên kim cương Kohinoor, biến việc giải quyết tranh chấp thành một thử thách không nhỏ. Người Iran cho rằng Nadir Shah đã giành được viên kim cương một cách “công chính”, trong khi người Afghanistan lại khẳng định chính người Sikh đã buộc họ phải từ bỏ báu vật này. Hiện nay, Pakistan cũng đã tham gia vào cuộc tranh chấp xung quanh viên kim cương quý giá, nhưng với một luận điểm tương đối yếu cho rằng kinh đô của đế chế Sikh, người sở hữu không thể tranh cãi của viên kim cương trước khi rơi vào tay người Anh, nằm ở Lahore. (Họ cố tình che đậy sự thật rằng sau hàng thập kỷ thanh lọc sắc tộc ở Pakistan, còn rất ít người Sikh sinh sống ở đấy). Nhưng dựa trên thực tế rằng kim cương Kohinoor có phần lớn quãng đời tồn tại trên hoặc dưới các tầng đất thuộc Ấn Độ, người Ấn Độ mặc nhiên cho rằng báu vật này phải thuộc về mình.

Về phía Anh Quốc, việc tồn tại những yêu sách cạnh tranh nhau này thực ra lại làm giảm gánh nặng cho họ. Cuộc tranh chấp đã giúp Anh bác bỏ hàng loạt những đòi hỏi giải quyết những bất công bắt nguồn từ hơn hai thế kỷ bóc lột các nước thuộc địa nằm ở những vùng đất xa xôi. Sự chiếm hữu của Anh đối với di sản của các dân tộc khác, từ bộ điêu khắc cẩm thạch Parthenon cho đến kim cương Kohinoor, đang là trọng tâm tranh cãi. Người Anh lo sợ rằng trao trả bất cứ một cổ vật nào cũng có thể là khởi đầu cho rất nhiều rắc rối về sau.

Trong chuyến thăm Ấn Độ vào năm 2010, Thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố dứt khoát rằng kim cương Kohinoor phải “ở nguyên vị trí”, bởi “nếu bạn đồng ý trao trả một cổ vật, bạn sẽ thấy toàn bộ Bảo tàng Anh bỗng chốc trở thành trống trơn.” Với việc ông Kumar cơ bản đứng về phía Anh trong vấn đề Kohinoor, dù là vì các lý do khác, những người dân tộc chủ nghĩa như tôi đang mất dần hi vọng về việc lấy lại được di sản vô giá này.

Nước Anh nợ chúng ta. Nhưng thay vì trao trả bằng chứng của sự tham lam của họ cho những người chủ sở hữu hợp pháp, người Anh lại đang trưng viên kim cương Kohinoor lên vương miện của Thái hậu (mẹ Nữ hoàng Elizabeth II) trong Tháp London. Điều đó nhắc nhở chúng ta về bản chất thực sự của chủ nghĩa thực dân: sự xâm lược, áp bức và cướp bóc trơ trẽn. Có lẽ đó là lập luận thuyết phục nhất cho việc để viên kim cương Kohinoor ở lại Anh Quốc, nơi nó hoàn toàn không thuộc về.

Shashi Tharoor là cựu Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và cựu Quốc phụ khanh về Phát triển Nguồn nhân lực và Quốc vụ khanh về Ngoại giao của Ấn Độ. Hiện tại ông đang là thành viên quốc hội Ấn Độ đại diện cho Đảng Quốc đại, và là chủ tịch Uỷ ban thường vụ quốc hội về vấn đề đối ngoại. Cuốn sách mới nhất của ông là “Pax Indica: India and the World of the 21st Century”. 

Hình: Kim cương Kohinoor trên vương miện Hoàng gia Anh. Nguồn: Ibtimes.

Copyright: Project Syndicate 2016 – India’s Jewel in the Crown
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]