Chiến dịch ‘nước Mỹ trước tiên’ nguy hiểm của Trump

Print Friendly, PDF & Email

donald-trump-foreign-policy-america-first

Nguồn: Yuriko Koike, “Trump’s Dengerous America First Campaign”, Project Syndicate, 27/04/2016.

Biên dịch: Nguyễn Hồng Nhung | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ đầy lỗ mãng của Donald Trump đã khiến cả thế giới bối rối và kinh ngạc, có lẽ chỉ ngoại trừ Tổng thống Nga Vladimir Putin và các đồng minh châu Âu khác theo chủ nghĩa dân túy của ông, như chính trị gia Pháp Marine Le Pen. Quả thực là khó có thể đánh giá được không chỉ việc ông Trump sẽ làm gì trên cương vị Tổng thống, mà còn là dân tộc, tôn giáo thiểu số, hay quốc gia nào bị ông ta coi thường nhất.

Kể tên bất kỳ một nhóm người hoặc quốc gia nào, và bạn gần như có thể cá rằng Trump đã từng xúc phạm họ. Ông ta gọi những người nhập cư Mexico là “tội phạm” và “những kẻ hiếp dâm” của nước Mỹ. Ông ta đã đề xuất ngăn cấm người Hồi giáo đến Mỹ. Ông ta đã quăng những lời lẽ công kích phân biệt giới tính vào những phụ nữ có địa vị, như chuyên gia về chính trị Megyn Kelly, người đã can đảm đứng lên chống lại ông ta. Trump cũng từng gọi những người khác là “đồ chó” và “những kẻ lười biếng béo ị”. Ông ta đã chế nhạo các đồng minh châu Á và châu Âu của Mỹ, đồng thời đổ lỗi cho Trung Quốc về các tai ương kinh tế của Hoa Kỳ.

Nhưng có vẻ như đối tượng mà Trump coi thường nhất lại chính là những người ủng hộ ông ta. Thay vì đưa ra những câu trả lời thẳng thắn về chính sách mà mình sẽ theo đuổi nếu thực sự trúng cử, ông ta lại thổi bùng lên và lợi dụng những cơn giận dữ mới chớm của họ vốn bắt rễ từ sự thất vọng với mức lương trì trệ và nỗi lo sợ về tương lai bất định.

Nhật Bản có lý do cụ thể để bất an bởi  những lời lẽ có tính kích động của Trump, điều có tiềm năng gây ra những tổn hại trong dài hạn. Có thời điểm ông ta coi Nhật Bản như một kẻ vô ơn, khiến người dân Nhật bất an về tình hình liên minh an ninh chủ chốt của mình với Mỹ. Tiếp đó, ông ta nói rằng mình không đắn đo về việc Nhật Bản (và cả Hàn Quốc) sẽ trở thành các quốc gia có vũ khí hạt nhân, làm tăng thêm lo ngại rằng cuộc chạy đua vũ trang hiện nay ở châu Á có thể sẽ leo thang vượt ra ngoài vũ khí thông thường. Sau đó, ông ta lại nhanh chóng lùi bước và khẳng định những lời lẽ trên đã bị truyền thông thêu dệt.

Trong những trường hợp bình thường, thế giới có thể bỏ qua sự ồn ào, lộn xộn, thiếu hiểu biết của một người theo chủ nghĩa dân túy như Trump, và chiến dịch của ông sẽ được coi là một việc nhỏ. Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại Trump đã chiếm được số phiếu lớn nhất tại các cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng Hòa. Đồng thời, vào giai đoạn cuối của chiến dịch này, dường như đảng này sẽ không thể sáng suốt trở lại và giới thiệu được một ứng cử viên phù hợp cho cuộc bầu cử vào tháng 11. Nói cách khác, Nhật Bản và các nước khác trên thế giới sẽ phải chấp nhận mọi rủi ro nếu phớt lờ Trump.

Đảng Cộng hòa – và thực ra là tất cả người dân Mỹ – cần phải hiểu những được rủi ro đối với sự bất ổn và thậm chí là hòa bình thế giới, những điều có thể xảy ra khi chiến dịch tranh cử tổng thống bị Trump biến thành một màn trình diễn mị dân dễ gây kích động. Và điều đó có thể xảy ra. Chiến dịch của Trump hiện đang được quản lý bởi một trong những cố vấn hiệu quả nhất trong lĩnh vực tư vấn chính trị: Paul Manafort. Đây là người mà những nỗ lực định vị lại truyền thông của ông năm 2010 đã khiến người dân Ukraine tin rằng Viktor Yanukovych, người mà cuối cùng bị họ lật đổ trong một cuộc cách mạng đẫm máu, là một nhà dân chủ.

Tác động đối với Nhật Bản và toàn châu Á từ tầm nhìn của Trump về một Nhật Bản có vũ khí hạt nhân là một ví dụ điển hình cho việc chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến hỗn loạn của ông ta có thể làm xáo trộn các diễn ngôn chính trị như thế nào. Thủ tướng Shinzo Abe gần đây đã tiến hành một số cải cách khiêm tốn đối với chính sách quốc phòng của Nhật Bản, với mục tiêu đảm bảo rằng nếu xảy ra khủng hoảng ở khu vực, Lực lượng Tự vệ Nhật Bản có thể trợ giúp cho các đồng minh – cụ thể là Mỹ. Tuy nhiên, một số người Nhật nhìn nhận những cải cách này với thái độ quan ngại, lo sợ rằng một nước Nhật hòa bình trong vòng 7 thập kỷ qua sẽ đột ngột quay trở lại thành một nước Nhật quân phiệt của những năm 1930.

Những luận điệu kích động của Trump đã đẩy những nỗi sợ hãi này lên mức độ cao hơn, với việc nhiều người phản đối chính sách quốc phòng của ông Abe tin rằng họ đã phát hiện ra mầm mống của một âm mưu bí mật với Mỹ nhằm biến Nhật Bản thành một nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Tất nhiên, những kẻ gieo rắc nỗi sợ hãi này sẽ chỉ thu hút được sự chú ý của những người cả tin nhất. Nhưng nếu xét sự cần thiết phải trấn an người dân Nhật rằng các cải cách của ông Abe sẽ chỉ đúng như những gì ông nói, tức chỉ là những thay đổi khiêm tốn nhất để cho phép Nhật làm sâu sắc thêm các mối quan hệ liên minh của mình, thì các phát ngôn của Trump chính là đỉnh cao của sự vô trách nhiệm.

Ngoài việc làm suy yếu những liên minh chính trị cốt lõi, Trump dường như sẵn sàng phá hoại những tiến triển đã đạt được trong việc làm sâu sắc thêm các quan hệ kinh tế giữa Mỹ với không chỉ Nhật Bản mà còn cả thế giới. Ông Abe đã chấp nhận nhiều rủi ro chính trị tại quê nhà để ủng hộ Hiệp định TPP, với mục đích xây dựng một trật tự dựa trên các quy tắc trong thương mại và đầu tư giữa 12 quốc gia ở hai bên bờ Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo khác, bao gồm Tổng thống Mỹ Barack Obama, cũng đã làm điều tương tự. Tuy nhiên, Trump dường như sẵn sàng chống đối lập trường đó nhằm thổi bùng lên sự giận dữ của các cử tri và duy trì sự ủng hộ của họ.

Tất nhiên, câu hỏi thực sự là những ý tưởng của Trump đã bắt rễ sâu đến mức nào đối với người dân Mỹ. Liệu có khả năng rằng một số lượng lớn người Mỹ hiện nay thực sự muốn đi theo chủ nghĩa biệt lập không?

Đối với Nhật Bản và các đồng minh khác của Mỹ, một nước Mỹ theo chủ nghĩa biệt lập sẽ vẫn là một viễn cảnh xa xôi. Tuy nhiên, như chúng ta đã chứng kiến Anh quốc đang chuẩn bị cho một cuộc trưng cầu dân ý về việc có rời bỏ Liên Minh Châu Âu hay không, sự hoài nghi đã bắt đầu xuất hiện. Ở Anh, một bộ phận có tư duy hạn hẹp của Đảng Bảo thủ đã sử dụng những chiêu bài cảm tính tương tự như Trump để khơi dậy cơn giận dữ về mặt chính trị và biến “Brexit” (việc nước Anh rời khỏi EU) thành một khả năng có thể xảy ra. Và cũng như những gì Trump đã thực hiện với Đảng Cộng hòa, họ đã phá tan đảng của mình – đảng của Winston Churchill và Margaret Thatcher – trong quá trình đó. Nhìn vào điều này, có lẽ bây giờ là thời điểm để thừa nhận rằng Mỹ thực sự có khả năng quay trở lại với chủ nghĩa biệt lập kiểu “nước Mỹ trước tiên” của những năm 1930, điều mà Trump đã khẳng định là một mục tiêu của mình.

Bạn bè và đồng minh trên toàn thế giới của Mỹ cần phải tuyên bố rõ ràng, như Obama đã từng làm với người Anh, rằng một chính sách cô lập với đặc trưng là sự coi thường các nước khác sẽ chỉ khiến cho việc đạt được hòa bình và thịnh vượng càng trở nên khó khăn hơn. Ở Mỹ, các thành viên Đảng Cộng hòa như Thượng nghị sĩ John McCain và Lindsey Graham, những người quan tâm sâu sắc tới vị thế của Mỹ trên thế giới, sẽ phải gác sự trung thành với đảng sang một bên vì lòng yêu nước và từ chối ủng hộ Trump (và có lẽ cả Ted Cruz, nhân vật gây ra những kích động không kém) trong cuộc chạy đua tổng thống. Nếu thực sự Trump trở thành tổng thống, đó sẽ là một tổn thất lớn đối với Đảng Cộng hòa nói riêng, nước Mỹ nói chung, và cả các đồng minh.

Yuriko Koike, cựu bộ trưởng quốc phòng và cố vấn an ninh quốc gia, là Chủ tịch Hội đồng Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản và hiện tại là thành viên Quốc hội Nhật Bản.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Trump’s Dengerous America First Campaign
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]