19/05/1916: Anh-Pháp thỏa thuận phân chia Trung Đông

Print Friendly, PDF & Email

sykespicotmap

Nguồn:Britain and France conclude Sykes-Picot agreement”, History.com (truy cập ngày 19/5/2016)

Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân

Vào ngày này năm 1916, đại diện của Vương quốc Anh và Pháp đã bí mật đạt được một thỏa thuận, gọi là thỏa thuận Sykes-Picot,  theo đó hầu hết các vùng đất Ả-rập dưới sự cai trị của Đế chế Ottoman sẽ được chia thành các khu vực ảnh hưởng của Anh và Pháp sau khi Thế chiến I kết thúc.

Sau khi chiến tranh nổ ra vào mùa hè năm 1914, phe Hiệp ước – gồm Anh, Pháp và Nga – đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận về tương lai của Đế chế Ottoman – lúc đó đang tham chiến bên phía của Đức và Liên minh Trung tâm – và vùng lãnh thổ rộng lớn của đế quốc này ở Trung Đông, bán đảo Ả-rập và Trung – Nam Âu. Vào tháng 3 năm 1915, Anh đã ký một thỏa thuận bí mật với Nga. Chính tham vọng lãnh thổ của Nga đối với đế chế Ottoman đã khiến người Thổ tham gia phe Đức và Áo-Hung vào năm 1914.

Trong các điều khoản của mình, Nga muốn sáp nhập thủ đô Constantinople của Ottoman và nắm quyền kiểm soát eo biển Dardanelles (eo biển hết sức quan trọng nối Biển Đen với Địa Trung Hải), cũng như bán đảo Gallipoli, nơi vốn là mục tiêu của một cuộc đổ bộ quân sự lớn của phe Hiệp ước vào tháng Tư năm 1915. Đổi lại, Nga sẽ đồng ý để Anh chiếm các khu vực khác của đế chế Ottoman và trung tâm Ba Tư, bao gồm cả các khu vực Lưỡng Hà giàu dầu mỏ.

Hơn một năm sau khi đạt thỏa thuận với Nga, đại diện của Anh và Pháp, Sir Mark Sykes và Francois Georges Picot, đã cùng soạn thảo nên một thỏa thuận bí mật phân chia chiến lợi tương lai sau khi Thế chiến I kết thúc. Picot đại diện cho một nhóm nhỏ quyết tâm giữ quyền kiểm soát Syria cho Pháp. Về phần mình, Sykes cũng nâng các yêu sách của Anh để cân bằng lại ảnh hưởng của Pháp tại khu vực. Thỏa thuận này phần lớn không tính đến sự phát triển trong tương lai của chủ nghĩa quốc gia Ả-rập, thứ tại thời điểm đó đang được chính phủ và quân đội Anh lợi dụng để chống lại người Thổ.

Trong thỏa thuận Sykes-Picot, được ký vào ngày 19 tháng 5 năm 1916, Pháp và Anh chia các vùng lãnh thổ Ả-rập của đế quốc Ottoman trước đây thành các khu vực ảnh hưởng của mình. Hai bên đồng ý rằng trong vùng ảnh hưởng riêng của mình, mỗi nước sẽ được phép thành lập chính quyền quản lý hoặc sự kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp theo ý muốn, tùy thuộc vào sắp xếp với các nhà nước Ả-rập hoặc Liên đoàn các Quốc gia Ả-rập.

Theo thỏa thuận Sykes-Picot, bờ biển Syria và phần lớn nước Li-băng ngày nay thuộc về Pháp; Anh sẽ giành quyền kiểm soát trực tiếp đối vơi khu vực miền trung và miền nam của khu vực Lưỡng Hà, xung quanh các tỉnh Baghdad và Basra. Palestine sẽ có một chính quyền quản lý quốc tế bởi các cường quốc Kitô giáo khác, cụ thể là Nga, cũng quan tâm đến khu vực này. Các phần lãnh thổ còn lại – một khu vực rộng lớn bao gồm Syria ngày nay, Mosul ở miền bắc Iraq, và Jordan – sẽ nằm dưới sự quản lý của các tù trưởng Ả-rập địa phương dưới sự giám sát của Pháp ở phía bắc và Anh ở phía nam. Ngoài ra, Anh và Pháp sẽ giữ quyền tự do đi lại và giao thương trong khu vực ảnh hưởng của bên còn lại.

Xem thêm:

Bài học từ Hòa ước Versailles cho Trung Đông ngày nay

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]