21/05/1988: Gorbachev củng cố quyền lực

Print Friendly, PDF & Email

History_Gorbachev

Nguồn:Gorbachev consolidates power”, History.com (truy cập ngày 21/5/2016)

Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân

Trong một nỗ lực để củng cố quyền lực của mình và giảm bớt căng thẳng chính trị và sắc tộc ở các nước cộng hòa Xô-viết là Armenia và Azerbaijan, nhà lãnh đạo Nga Mikhail Gorbachev đã cách chức các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản ở hai nước cộng hòa này.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 1985, Gorbachev đã phải đối mặt với rất nhiều vấn đề trong nỗ lực thực hiện các cải cách trong nước ở Liên Xô. Đầu tiên và quan trọng nhất chính là sự chống đối của nhiều quan chức Nga bảo thủ, những người tin rằng những cải cách kinh tế và chính trị của Gorbachev có thể đe dọa vị trí của Đảng Cộng sản ở Liên Xô. Cả Karen S. Demirchyan và Kyamran I. Bagirov, những người đứng đầu Đảng Cộng sản ở Armenia và Azerbaijan, đều thuộc nhóm này, và Gorbachev đã phải công khai phàn nàn về sự thất vọng của mình trong việc tiến hành cải cách kinh tế tại hai nước cộng hòa đó.

Vấn đề lớn thứ hai mà Gorbachev phải đối mặt là sự gia tăng tình trạng bất ổn sắc tộc ở một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô. Trong trường hợp của Armenia và Azerbaijan, tình trạng bất ổn tràn qua biên giới của họ, với việc người Azerbaijan và Armenia cáo buộc lẫn nhau về sự ngược đãi mà người nước này gây cho nước kia. Cả Demirchyan lẫn Bagirov đều không cho thấy có khả năng đối phó với tình hình. Gorbachev do đó đã quyết định bắn một mũi tên trúng hai đích, và vào ngày 21/5 đã thông báo rằng cả hai người đã bị loại khỏi các vị trí của họ vì “lý do sức khỏe.” Họ đã nhanh chóng được thay thế bằng những lãnh đạo do đích thân Gorbachev lựa chọn cẩn thận.

Hành động của Gorbachev chỉ là một giải pháp tạm thời cho vấn đề. Trong ba năm sau đó, tốc độ cải cách chậm chạp ở Liên Xô đã không thể theo kịp tốc độ đổ vỡ của nền kinh tế cũng như sự sụp đổ nhanh chóng của hệ thống chính trị ngày càng bè phái hóa. Và căng thẳng sắc tộc ở Armenia, Azerbaijan, và các nước cộng hòa Xô-viết khác tiếp tục không suy giảm, đôi khi còn bùng nổ thành bạo lực. Đến năm 1991, rõ ràng là Liên Xô đã tan rã. Tới tháng 12, Gorbachev đã từ chức tổng thống và Liên Xô ngay sau đó chấm dứt tồn tại trong vai trò một quốc gia.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]