Hồi ký Miyazawa: Nhật đề nghị ký hòa ước với Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

JAPAN - U.S. PACKTS AND TREATIES

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Bài liên quan: Mỹ thay đổi chính sách đối với Nhật

Hối suất trên trời rơi xuống

Một việc lớn Dodge làm được trong năm 1949 là ấn định tỷ giá hối suất đồng Yen với đồng dollar Mỹ. Kinh tế Nhật nhất thiết phải dựa vào xuất khẩu, nhưng các mặt hàng xuất khẩu lại áp dụng các tỷ giá hối suất khác nhau: hàng dệt Nhật có sức cạnh tranh nhất dùng tỷ giá 270/1, tơ sống là 420/1, hàng công nghiệp chế tạo kém sức cạnh tranh hơn, như kính tấm dùng tỷ giá 600/1 – nghĩa là không có một tiêu chuẩn thống nhất để đo lường. Hôm 2/4, Dodge đề nghị dùng hối suất thống nhất 330/1. Bộ trưởng Tài chính Ikeda nói như thế thì Nhật không chịu nổi, ít nhất cũng phải là 350/1. Chúng tôi cho rằng vấn đề này nên gác lại đến cuối năm.

Ai ngờ trên các báo buổi sáng ngày 23/4 bỗng xuất hiện tin điện từ Washington: “Hối suất giữa đồng Yen Nhật với đồng USD là 360, bắt đầu thực hiện từ ngày 25/4.” Chiều hôm đó SCAP ra thông báo cùng nội dung ấy.

Tỷ giá này giữ nguyên ngay cả khi đồng Bảng Anh mất giá hồi tháng 9 và được duy trì cho tới tháng 8/1971, khi Nhật thực hiện chế độ tỷ giá thả nổi. Dĩ nhiên đó là do Dodge dự đoán chính xác, song chủ yếu là do kinh tế Nhật đã phải gồng mình lên tự điều chỉnh để thích nghi với tỷ giá 360/1. Không ngờ biện pháp đao to búa lớn của Dodge thực hành cân bằng ngân sách và ấn định tỷ giá cố định đã nhanh chóng có hiệu quả.

Trong quá trình khôi phục kinh tế Nhật bằng phương thức kinh tế thị trường, cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào tháng 6/1950 trở thành cứu tinh cho kinh tế Nhật. Cố nhiên trước đó, nhờ thực hiện chính sách Dodge, kinh tế Nhật đã bước lên con đường tự chủ tự lập.

Mùa thu năm 1949, một tờ báo đăng phóng sự dưới đầu đề “Kẻ trộm vào nhà lấy trộm tiền”. Tôi dịch bài này cho Dodge nghe, ông ta rất mừng vì thấy kẻ trộm chỉ lấy tiền không lấy đồ, chứng tỏ đồng Yen đã có giá ổn định, lạm phát đã được kiểm soát.

Từ đầu năm 1950, kinh tế Nhật bỗng gặp khó khăn. Tuy lạm phát đã chấm dứt nhưng nguồn thu rất eo hẹp, thất nghiệp tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đứng trước nguy cơ phá sản. Người Nhật cho rằng đó là do đường lối thắt lưng buộc bụng của Dodge gây ra. Tâm lý chống Mỹ bắt đầu hình thành.

Theo dự định, tháng 6/1950 sẽ bầu Thượng viện. Để làm dịu sự bất mãn của dân, Thủ tướng Yoshida đề nghị Dodge sửa đổi đường lối kinh tế. Yoshida sẽ cử Bộ trưởng Tài chính Ikeda (đang có thế lực lớn và quen biết Dodge) sang Mỹ để thương lượng.[1] Song khó khăn là ở chỗ tướng MacArthur – con người tự cao tự đại này luôn lấy lý do mình được giao sứ mạng phụ trách nước Nhật để không cho phép có sự can thiệp từ nước Mỹ. Ông ta nghiễm nhiên cho mình là Thái thượng hoàng của chính phủ và dân chúng Nhật. Vì thế muốn cử một quan chức cấp cao đi Mỹ nếu không khéo léo thu xếp thì chẳng những bị MacArthur từ chối mà còn ảnh hưởng tới thái độ của ông ta đối với chính phủ Nhật.

Tôi xin tiết lộ một bức thư của Thủ tướng Yoshida gửi Bộ trưởng Ikeda:

“Kính gửi Ngài Ikeda: Việc huynh đi Mỹ, đệ định tuần sau khi gặp Nguyên soái MacArthur sẽ xin phép ông ấy. Trước ngày đi, xin huynh hết sức giữ kín việc này, nếu không sẽ ảnh hưởng tới kết quả chuyến đi. Thời cơ cực kỳ hệ trọng, không thể để mất. Để cẩn trọng, xin viết thư này nhắc lại. Kính thư. Yoshida. Ngày 24/2.”

Ý định ký hòa ước của Thủ tướng Yoshida

Thủ tướng Yoshida đành phải đóng kịch nói với MacArthur rằng cử Ikeda đi Mỹ là để khảo sát tình hình kinh tế tài chính tiên tiến của Mỹ, đồng thời để báo cáo với chính phủ Mỹ kết quả thực hiện đường lối kinh tế Dodge.

Thực ra trước khi về Mỹ (cuối 1949), Dodge đã đề nghị MacArthur cho Ikeda thăm Mỹ; vì thế MacArthur nhanh chóng đồng ý chuyến đi này. Ikeda mới đầu chỉ dự định đi Mỹ để giải quyết các vấn đề kinh tế như đề nghị giảm thuế thu nhập, tăng lương công chức, lập ngân hàng xuất nhập khẩu … nhưng vài hôm trước ngày đi, Thủ tướng Yoshida bỗng đổi ý, đề nghị Ikeda “thử thăm dò thái độ của Mỹ về vấn đề ký hòa ước với Nhật”. Ai ngờ vấn đề đó lại trở thành sứ mạng lớn nhất của phái đoàn Ikeda.

Hồi ấy ở Nhật có hai quan điểm về vấn đề ký hòa ước. Một quan điểm chủ trương sớm ký hòa ước, dù chỉ ký với các nước phe Mỹ cũng được. Một quan điểm khác của Đảng Xã hội và Đảng Cộng sản Nhật yêu cầu ký với cả hai phe Mỹ và Liên Xô, nhằm giải quyết tình trạng chiến tranh với Liên Xô.

Chủ trương sớm ký hòa ước vướng phải vấn đề bảo vệ nước Nhật, vì khi Nhật đã là nước độc lập thì đa số người Nhật khó có thể đồng ý cho quân đội Mỹ đóng ở Nhật. Yoshida chưa bao giờ nói ý kiến của ông về vấn đề này. Trước khi Ikeda lên đường, ông mới cho Ikeda biết ông chủ trương trong trường hợp bất đắc dĩ thì cứ ký hòa ước riêng với phe Mỹ, và nói thêm: “Để thực hiện sớm ký hòa ước, nếu cần thì Nhật sẽ đứng ra yêu cầu Mỹ đóng quân tại Nhật.” Đây chính là ý đồ về hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ sau này. Yoshida yêu cầu Ikeda truyền miệng quan điểm đó tới các nhà lãnh đạo Mỹ.

Nhắm rượu tại Washington

Ngày 25/4/1950, phái đoàn đầu tiên của chính phủ Nhật đi Mỹ, với mục đích bên ngoài là “khảo sát tình hình kinh tế tài chính Mỹ”. Đoàn gồm hai người: bộ trưởng Ikeda – quan chức thân tín của Thủ tướng Yoshida, và tôi – thư ký Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Tới Washington, đoàn chúng tôi trọ tại một khách sạn hạng trung gần trụ sở bộ Tài chính Mỹ (nay là khách sạn Washington). Ikeda và tôi ở chung một phòng đôi, tiền trọ 7 USD/ngày. Thời ấy đồng dollar có giá lắm, ngay đồng 25 cent cũng mua được khối thứ. Còn đồng 100 USD thì cực hiếm, ai có sẽ bị nghi ngờ. Dù sao hai người ở chung một phòng 7 USD vẫn là quá thảm hại.

Vì biết ông Ikeda xuất thân từ một gia đình nấu rượu nên tôi có mang theo một chai sa kê cùng lọ dưa muối. Tôi đặt chai rượu vào bồn rửa mặt rồi mở vòi nước nóng để hâm nóng rượu. Hồi ấy chỉ ở Mỹ mới có sẵn nước nóng như vậy, cho nên khi mở vòi nước nóng tôi rất xúc động.

Hai thày trò ngồi xếp bằng tròn trên giường nhắm rượu sa kê với dưa muối. Khách sạn này chỉ có bia mà không có rượu. Còn nhớ một hôm tôi về phòng thấy trên bàn có một chai nước tương cà chua, bèn hỏi ông Ikeda lấy đâu ra của này. Ông ấp úng nói là định bảo hầu phòng mang cho chai nước cà chua ép, nhưng vì nói sai tiếng Anh thành ra họ mang lên chai này. Hồi ở trong nước, có lần Ikeda phát âm sai từ ngoại lai “lễ tiết’ (tiếng Pháp etiquete) thành “equitiete”, bị các nhà báo cười một mẻ nên thân.

Việc tham quan các bộ và ngân hàng xếp kín lịch làm việc 2 tuần ở Mỹ, không còn thời gian để làm việc quan trọng nhất mà Thủ tướng Yoshida đã yêu cầu; vì thế chúng tôi lo lắm. Một hôm chúng tôi bảo Dodge: “Chúng tôi không đến đây để chơi đâu!” Dodge nói: “Tôi thừa biết chuyện ấy, nhưng không bố trí thế này thì Bộ Tư lệnh chiếm đóng Mỹ ở Nhật (SCAP) của MacArthur sẽ gây rắc rối ngay, hậu quả chẳng thể lường được đâu. Ta đành làm việc vào các buổi tối và Chủ nhật vậy.”

Trong các buổi làm việc ngoài giờ ấy, người Mỹ đi thẳng vào vấn đề. Trước mặt Dodge, họ hỏi: “Có đúng là ngày càng nhiều người Nhật nghĩ rằng do thắt lưng buộc bụng mà đồng Yen quay vòng chậm phải không?” Trưởng đoàn Ikeda thẳng thắn đáp: “Vâng, chính vì thế mà chúng tôi đến đây gặp ngài Dodge.” Khi đến Bộ Quốc phòng, chúng tôi gặp khá nhiều tướng 5 sao, họ đều rất hòa nhã, khác hẳn cảnh tại SCAP, gặp một viên thiếu tướng Mỹ là chúng tôi đã phải cúi gập người chào. Đang sống ngột ngạt trong nước Nhật bị chiếm đóng, nay sang Mỹ thật là được nếm mùi vị của tự do.

Bóng ma chiến tranh lạnh Mỹ -Liên Xô

Về nguyên tắc, phía Mỹ chấp nhận các yêu cầu của đoàn chúng tôi, nay chỉ còn việc thăm dò thái độ của Mỹ về vấn đề ký hòa ước với Nhật.

Hồi mới chiếm đóng Nhật, tướng MacArthur nói sẽ biến Nhật thành “Thụy Sĩ phương Đông”;[2] lúc ấy MacArthur chưa dự kiến được quan hệ Mỹ-Xô sẽ xấu đi. Bộ Lục quân Mỹ cũng dự đoán Nhật sẽ trở thành nước trung lập không vũ trang, vì thế Nhật sẽ không có ý nghĩa chiến lược đối với Mỹ; và Mỹ muốn gửi hy vọng vào chính phủ Trung Quốc của Tưởng Giới Thạch. Hiến pháp mới của Nhật ghi rõ quy định từ bỏ chiến tranh.

Thế nhưng quan hệ Mỹ-Xô không ngừng xấu đi. Năm 1948, Liên Xô phong tỏa Berlin. Mỹ bắt đầu thay đổi chính sách đối với Nhật, nhưng nội bộ họ chưa nhất trí. MacArthur chủ trương Mỹ không nên kéo dài chiếm đóng Nhật, muốn Mỹ ký hòa ước sớm. Một phái khác chủ trương giúp Nhật mạnh lên để tránh Nhật bị cộng sản hóa; họ cho rằng sớm ký hòa ước với Nhật chưa chắc đã là thượng sách. Bộ Lục quân Mỹ ngả nghiêng giữa hai quan điểm này, về sau nghiêng về phái chống sớm ký hòa ước.

Chúng tôi tới thăm viên trung tướng nguyên tư lệnh quân đoàn 8 chiếm đóng Nhật, ông này nói đại ý: Quan điểm của MacArthur làm chúng tôi rất bị động. Nay xảy ra vụ phong tỏa Berlin, quân đội Mỹ còn đâu sức lực bảo vệ Nhật. Việc bảo đảm an toàn của Nhật còn quan trọng hơn việc ký hòa ước. Chính phủ Mỹ tuy muốn sớm ký hòa ước nhưng cho rằng phải tìm được cớ để giữ quân đội Mỹ ở lại Nhật. Chủ trương biến Nhật thành nước trung lập không đáng giá một xu … Mỹ đã sai khi áp dụng chính sách trừng phạt Nhật quá mức. Nếu sớm biết Liên Xô hung hăng thế này thì Mỹ đã giao châu Âu cho Đức, giao châu Á cho Nhật, như vậy sẽ tốt hơn hiện nay bao nhiêu.

Ngoại trưởng Mỹ Acheson chủ trương cứ ký hòa ước với Nhật dù Liên Xô không ký. Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ thì cho rằng làm như thế chỉ khêu gợi Liên Xô phát động một cuộc tấn công toàn cầu. Hiện Liên Xô chưa làm thế chỉ vì Mỹ còn đang kiểm soát vùng Viễn Đông. Nếu vì ký hòa ước với Nhật mà Mỹ không nắm Nhật nữa thì Liên Xô sẽ được rảnh tay ở Viễn Đông và họ sẽ yên chí tấn công ở châu Âu. Anh và Pháp cũng có cùng quan điểm như thế, cho nên họ sẽ không hưởng ứng chủ trương sớm ký hòa ước với Nhật. Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ còn xét vấn đề nếu Liên Xô không ký hòa ước với Nhật thì về luật pháp, Xô – Nhật vẫn còn ở trạng thái chiến tranh với nhau, cho nên Liên Xô có quyền tự do tấn công Nhật bất cứ lúc nào.

Lời nhắn miệng tuyệt mật của Thủ tướng Yoshida

Trước khi đi Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Ikeda được Thủ tướng Yoshida nhờ chuyển tới phía Mỹ một lời nhắn tuyệt mật. Giờ đây ông Ikeda đang cân nhắc xem sẽ nên chuyển cho ai và chuyển vào lúc nào là tốt nhất lời nhắn tuyệt mật ấy. Ikeda cho rằng việc này không được tiết lộ ra ngoài; đồng thời ông cũng nghĩ rằng người nhận lời nhắn ấy sẽ có dịp nâng cao thanh thế của mình trong Quốc hội Mỹ.

Ikeda bàn với tôi và cuối cùng quyết định chuyển lời nhắn này cho Dodge, vì Dodge là công sứ của chính phủ Mỹ, lại làm cố vấn Bộ Lục quân;[3] chỉ với người ấy, Ikeda mới có thể cởi mở chân tình.

Ngày 3/5/1950, chúng tôi đến phòng làm việc của Dodge tại Bộ Lục quân Mỹ. Cả thảy có 4 người dự hội đàm: Dodge và thư ký của ông ta (sau làm Cục phó Cục Dự toán), ông Ikeda và tôi. Hội đàm kéo dài 2 giờ đồng hồ, các phát biểu đều có ghi lại.

Mấy hôm sau, phía Mỹ đưa biên bản hội đàm tới. Theo chỉ thị của Ikeda, tôi có sửa chữa vài chi tiết. Biên bản này sau đó đã trình lên Cố vấn chính phủ Dulles, Bộ Lục quân và nguyên soái MacArthur tại Tokyo, mỗi nơi một bản. Hiện tôi còn giữ một bản.

Nay xin giới thiệu tóm tắt như sau. Toàn bộ phần mở đầu là phát biểu của Ikeda:

“Gần đây vì nhiều lý do, lời hô hào mong muốn sớm ký hòa ước rất mạnh mẽ. Ngược lại, trong Quốc hội Nhật đang hình thành một liên minh các đảng đối lập yêu cầu ký hòa ước toàn diện, với trung tâm là Đảng Cộng sản Nhật, có sự tham gia dần dần của Đảng Xã hội Nhật. Những người đó ngoài việc yêu cầu ký hòa ước toàn diện ra còn phản đối Nhật cung cấp căn cứ quân sự cho Mỹ.

Về vấn đề đó, nội các Yoshida tuy hy vọng có nhiều nước tham gia đàm phán ký hòa ước nhưng trên tình cảm thì khó có thể chịu đựng để Nhật bị chiếm đóng cho tới khi các nước thù địch Nhật cũng tham gia đàm phán. Hiện nay là lúc có thể hy vọng ký được một bản hòa ước tốt nhất [cho Nhật], nếu không nhanh chóng ký thì chẳng còn con đường nào khác để giành lại độc lập cho nước Nhật. Đặc biệt là nay đã sắp đến kỳ bầu cử Thượng nghị viện, không nghi ngờ gì nữa, vấn đề đó sẽ trở thành mục tiêu toàn dân quan tâm.

Các đảng đối lập thường đề ra trước Quốc hội vấn đề: Bộ Tư lệnh quân chiếm đóng Mỹ ở Tokyo thậm chí còn tiến hành các can thiệp không cần thiết vào những việc chi tiết trong nền kinh tế chính trị của Nhật Bản. Kết quả là trên thực tế Nhật Bản không được hưởng một chút quyền lợi tự do dân chủ gì. Dù không rõ ý đồ của ngài MacArthur thế nào, song nguyên nhân thực tế gây ra tình trạng này là do chính phủ Nhật chỉ biết vâng vâng dạ dạ. Cần kiên quyết lên án thái độ xấu luồn cúi, một mực theo đuôi quân đội chiếm đóng ấy. Chúng tôi cho rằng cho dù xuất phát từ tình hình đó cũng cần thiết phải tranh thủ thật sớm ký hòa ước.”

Tiếp đó Ikeda chuyển sang vấn đề khác:

“Tôi xin chuyển đến các vị lời nhắn miệng của Thủ tướng Yoshida như sau: ‘Chính phủ Nhật mong muốn nắm bắt cơ hội tranh thủ sớm nhất ký hòa ước. Cho dù đã ký hòa ước, nhưng để bảo đảm an ninh của Nhật Bản và vùng châu Á, quân đội Mỹ vẫn cần ở lại Nhật Bản. Nếu phía Mỹ không tiện đưa ra mong muốn đó thì chính phủ Nhật đồng ý nghiên cứu cách để phía Nhật đưa ra kiến nghị này. Về vấn đề đó, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của các nhà hiến pháp học. Tựu trung lại, ý kiến của họ như sau: nếu trong hòa ước có đặt một điều khoản cho phép quân đội Mỹ đóng lại Nhật Bản thì sẽ không nảy sinh vấn đề vi phạm hiến pháp; áp dụng phương thức để phía Nhật Bản dùng hình thức nào đó yêu cầu quân đội Mỹ đóng lại Nhật Bản sẽ không vi phạm hiến pháp Nhật Bản’.”

Đoạn văn in đậm trong dấu ‘…’ là lời nhắn miệng của Thủ tướng Yoshida. Tiếp đó Ikeda nói:

“Người Nhật cho tới nay vẫn còn nhớ là tháng 2/1949 khi ông Royall bộ trưởng Lục quân Mỹ thăm Nhật, ông từng phát biểu cái gọi là ‘Thuyết từ bỏ Nhật Bản’, nghĩa là xét về chiến lược của Mỹ thì Mỹ không cần Nhật Bản. Nhất là xem xét các vấn đề phát sinh sau đó, thái độ của Mỹ đối với Đài Loan luôn luôn không rõ ràng. Bởi vậy người Nhật rất nghi ngờ việc Mỹ liệu có thực sự định bảo vệ khu vực châu Á cho đến phút chót hay không.

Hơn nữa, thế lực cộng sản tại Đông Dương thuộc Pháp đang ngày một bành trướng. Còn nói về Nam Triều Tiên thì lại càng khó thấy có ổn định. Mọi người lo rằng một khi xảy ra tranh chấp thì Mỹ có thể từ bỏ khu vực này.”

Không đầy hai tháng sau lần hội đàm đó, cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ ra.[4] Bởi vậy những lời nói trên thật là có ý nghĩa sâu xa.

“Do nguyên nhân ấy, nếu Liên Xô ra tay trước, lợi dụng tâm lý nôn nóng của người Nhật để đưa ra vấn đề ký hòa ước với Nhật và tỏ ý trả lại (cho Nhật) quần đảo Nghìn đảo[5] và đảo Kuril, khi ấy Mỹ sẽ đối phó ra sao?

Lùi lại một bước mà nói, nếu bây giờ chưa thể ký hòa ước thì Mỹ phải cho Nhật Bản được hưởng nhiều quyền tự do hơn về chính trị và kinh tế, gắng hết sức xây dựng một thể chế gần sát với độc lập, tức thực hiện việc gần như là ký hòa ước trên thực tế. Chính là với niềm mong muốn đó mà dân chúng Nhật ủng hộ nội các Yoshida. Nếu không làm được như thế thì tình hình chính trị có thể lại xảy ra mất ổn định.”

Trên đây là tóm tắt phát biểu của Ikeda.

Nghe xong những lời đó, Dodge tỏ ra thận trọng nói phát biểu của ông ta không thay mặt cho chính phủ Mỹ, cũng không phải là ý kiến chính thức mà hoàn toàn chỉ là ý kiến cá nhân; sau đó ông nói đại ý:

“Xét về mối quan hệ quốc tế, khi quan hệ Mỹ-Xô càng căng thẳng thì việc để cho Nhật Bản được độc lập ở Viễn Đông lại càng nguy hiểm. Quan điểm đó đã dần dần chiếm ưu thế tại Washington. Nhất là cùng với sự xấu đi của mối quan hệ Mỹ-Xô, thì việc xem xét vấn đề về mặt quân sự hoặc chiến lược, lẽ tự nhiên, sẽ chiếm vai trò quan trọng hơn việc xem xét về mặt ngoại giao. Nếu lại làm suy yếu hơn nữa địa vị quân sự mà Mỹ hiện có tại Nhật Bản, thì cũng bất lợi cho Nhật. Đương nhiên như thế không phải là nói chúng tôi phản đối việc ký hòa ước, mà là nói địa vị quân sự của Nhật và Mỹ đối với Liên Xô chớ nên yếu hơn hiện nay.

Vấn đề này sẽ được bàn bạc tại hội nghị ngoại trưởng ờ London, song chẳng nói cũng biết hiện nay phương châm của các nước có rõ ràng hay không.

Tóm lại, điều tôi hôm nay có thể nói là: chính phủ Mỹ mong muốn ký hòa ước với Nhật sớm nhất và hy vọng Nhật sớm có đủ điều kiện thực hiện hòa ước.”

Biên bản hội đàm do phía Mỹ thảo, sau khi ghi lại phát biểu của Ikeda và Dodge, có viết thêm một dòng:

Ngài Ikeda đồng ý rằng các ý kiến của ngài và của chính phủ ngài ghi trong biên bản hội đàm, sau khi được ngài soát lại, bản sao biên bản sẽ gửi tới chính phủ Mỹ và người lãnh đạo Bộ Lục quân Mỹ.” Phía sau có chữ ký của Joseph Dodge.

Trên đây là tóm tắt biên bản hội đàm ngày 3 tháng 5. Ngày 6, sau khi Ikeda ký tên, biên bản này trở thành bản chính thức.

Thiếu tướng Makt nổi nóng

Dodge bản tính ít nói, mới đầu ông ta chỉ chăm chú nghe Ikeda phát biểu. Tôi có ấn tượng là nửa đoạn sau trong phát biểu của Dodge lúc rõ lúc không. Như trên đã nói, tôi cảm thấy thái độ của chính phủ Mỹ khác với Bộ Lục quân; khó có thể biết rõ sau đây tình hình sẽ phát triển ra sao.

Nhưng trong biên bản ấy, chính phủ Nhật  lần đầu tiên bày tỏ cho Mỹ biết ý đồ dùng việc thừa nhận quân đội Mỹ đóng lại Nhật làm điều kiện để xúc tiến việc ký hòa ước. Như vậy là đã ấn định xong nền tảng của Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ.

Thời gian đó tình hình tại Washington như sau: ở đây chẳng những không có đại sứ quán Nhật Bản mà ngay người Nhật cũng chí có nhõn hai nhà báo của Ashahi ShimbunTin tức Tokyo. Để chuẩn bị các tư liệu và số liệu thống kê cần thiết cho đàm phán, chúng tôi đành phải tính toán chênh lệch giờ giấc giữa Washington với Tokyo, vào đêm khuya gọi điện thoại đường dài về Tokyo. Nhưng điện thoại chỉ có thể gọi đến Cục Điện thoại quốc tế mà thôi chứ không chuyển đến trụ sở Bộ Tài chính Nhật Bản được; dù cho ngẫu nhiên chuyển được thì cũng không gặp được quan chức cần thiết.

Thật là khó khăn khi chúng tôi phải dựa vào trí nhớ để soạn thảo văn bản; ngoài ra trong khách sạn không có máy chữ cũng không có giấy.

Cuối cùng, một người của Bộ Lục quân Mỹ bảo: “Thôi vậy, để tôi làm giúp các vị cho.” Nhờ thế văn bản mới được đánh máy xong xuôi. Bây giờ nghĩ lại chuyện ấy, tôi có cảm giác như đã lâu cả thế kỷ.

Ngày 22/5 chúng tôi về nước, chấm dứt ngót 2 tháng thăm Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Ikeda cần đọc lời phát biểu tại sân bay Haneda khi về tới Nhật, song chẳng có nơi nào in bài phát biểu đó. Chẳng rõ là may mắn hay không mà khi ấy máy bay lại hạ cánh tại Hawaii để tiếp dầu giữa đường. Thế là chúng tôi ủy cho một tòa báo của Nhật tại đây in giúp hai bản tuyên bố bằng tiếng Nhật và tiếng Anh.

4h30 sớm ngày 23, chúng tôi về đến sân bay Haneda (tức Vũ Điền, ở Tokyo). Nghe nói Thủ tướng Yoshida đang ở Kyoto để diễn thuyết tranh cử Thượng viện, chúng tôi lập tức lên tàu đến Kyoto. Trên tàu, chúng tôi được biết trong thời gian chúng tôi ở Mỹ, tại Nhật Bản đã xảy ra một sự việc làm rung chuyển dư luận.

Khi tàu hỏa sắp tiến vào đường hầm núi Phùng Bản, viên trưởng tàu đưa cho tôi một bức điện báo. Thời ấy đâu có được tự do đánh điện báo, huống chi lại là điện viết bằng tiếng Anh. Bức điện như sau:

“Trưởng ga Kyoto chuyển ông Miyazawa thư ký Bộ trường Tài chính Ikeda đọc:

‘Thừa lệnh của hai tướng Makt và Wheatney, tôi là Độ Biên [viên chức tài vụ của Bộ Tài chính] gửi điện này báo cho ngài biết các sự việc sau đây, trước khi Bộ trưởng Tài chính tham gia hoạt động tranh cử:

  1. Lần này Bộ trưởng Tài chính đi thăm Mỹ nhằm để khảo sát tình hình Mỹ và báo cáo tình hình Nhật – điều này ngài Bộ trưởng Tài chính đã hoàn toàn đồng ý trước khi đi Mỹ. Thế nhưng, (ngài ấy) đã biến chuyến thăm Mỹ này thành ra cuộc đàm phán chính trị dùng để giải quyết vấn đề kinh tế (ghi chú: cái gọi là làm dịu đường lối Dodge) – điều đó là vô cùng không thỏa đáng.
  2. Dựa vào thư của Dodge có thể thấy Dodge từng nhấn mạnh với Bộ trưởng Tài chính là chính sách của nước Nhật trong tương lai phải phục tùng quyết định của Quan Tư lệnh Tối cao quân chiếm đóng Mỹ. Bộ trưởng Tài chính không nên trực tiếp ký hiệp nghị với chính quyền Mỹ.
  3. Là Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính, vì tranh cử mà làm rùm beng việc đã được chính phủ Mỹ nới lỏng đường lối Dodge – đây là hành động thất lễ nghiêm trọng. Nếu xảy ra chuyện này, sau đây khi thực hành kế hoạch ổn định kinh tế, giữa các ngài với Bộ Tổng Tư lệnh [quân chiếm đóng Mỹ] sẽ khó tránh khỏi xảy ra các chuyện rắc rối.”

Thật khó mà hình dung nổi tâm trạng không vui của tôi khi đọc bức điện này, nhất là đoạn cuối cùng, nói không phục tùng mệnh lệnh thì khó tránh khỏi phiền toái – đây thật là giọng lưỡi đê tiện đến mức nào!

Thế nhưng bức điện ấy được gửi đi với hình thức mệnh lệnh của hai tướng Makt và Wheatney, điều đó thể hiện tính chất quan trọng của vấn đề. Hai người này luôn luôn đi theo MacArthur ngay từ trước khi quân Nhật tấn công Philippines hồi tháng 3/1942 cũng như sau khi họ trốn ra khỏi quần đảo Bataan của Philippines,[6] song họ đều là loại nhát như cáy. Hai người dùng cách cùng hành động, rõ ràng là có sự xúi giục ngầm của MacArthur.

Chúng ta hãy tìm hiểu sự việc trên qua sách “Nhật ký Độ Biên” (Nhà xuất bản Đông Dương kinh tế tân báo) [Độ Biên là quan chức tài chính ở Bộ Tài chính Nhật hồi đó]

Ngày 18/5:  “Hôm nay khi tôi đang nói chuyện với Acheson thì Makt đến bảo là có thư của Dodge gửi MacArthur. Thư viết đại ý: Ikeda chủ trương tăng lương cho viên chức chính phủ, giảm thuế. Dodge tỏ ý bất mãn trước việc Ikeda trực tiếp trao đổi với Washington. Ngoài ra, bài phát biểu của Ikeda tại Washington nói xưa nay ông ta đều phản đối thu thuế địa phương, đã làm MacArthur chú ý, và gây ra phản ứng mạnh mẽ của SCAP. Phản ứng của họ đối với phát biểu của Ikeda tại Washington cũng đều không tốt.”

Ngày 24/5:  “Bộ trưởng Tài chính Ikeda sáng hôm qua đáp tàu đêm từ Kyoto về Tokyo, theo dự định trước 10h30 hôm nay sẽ đến gặp tướng Makt, nhưng bất chợt lại nhận được thông báo là do có việc nên Makt không thể tiếp Ikeda được. Sau khi Bộ trưởng Tài chính về, qua tìm hiểu mới biết nguyên do. Thì ra Thủ tướng Yoshida viết thư cho MacArthur tỏ ý muốn đưa ra biên bản hội đàm Ikeda-Dodge. Sau khi đọc thư đó, Makt cảm thấy bất mãn với việc Ikeda vượt ra ngoài vấn đề mình được phép thảo luận và áp dụng cách làm trực tiếp thọc từ trên xuống của Thủ tướng. Ngoài ra ông ta cũng bực tức khi thấy các nhà báo cầm máy ảnh chầu chực để chụp ảnh Ikeda; do đó Makt sẽ từ chối tiếp Ikeda.”

Ngày 26/5:  “Vì lợi ích trong việc tranh cử vào Thượng viện, Bộ trưởng Tài chính nên tiến hành dẫn dắt dư luận, song ông lại càng cần xét tới hoàn cảnh của MacArthur. Ông Ikeda giống như viên tướng oai phong lẫm liệt thắng trận trở về, tuy đã mệt bã người mà lại buộc phải cố làm ra vẻ đáng thương hại. Các nhà báo nói tâm trạng của Ikeda giống như cuốn phim đang chiếu đến chỗ gay cấn nhất thì bất chợt mất điện.”

Chúng tôi được biết, trong thời gian chúng tôi ở Washington, ngày nào Dodge cũng viết báo cáo chi tiết gửi đến MacArthur. Hơn nữa, qua tin của các nhà báo Nhật Bản cũng có thể cảm thấy mối quan hệ giữa chúng tôi với SCAP không hợp nhau. Song bây giờ nhớ lại, hồi ấy cách nghĩ của mọi người là khi sống tại một nước tự do như Mỹ, chẳng ai cho chuyện ấy có gì ghê gớm cả; nhưng khi trở về nước Nhật bị chiếm đóng, đầu óc chúng tôi còn chưa chuyển đổi kịp, vì thế mà đã gây ra cơn sóng gió.

Vụ tranh chấp với SCAP kéo dài ngót chục hôm, cuối cùng chấm dứt bằng một chuyện vô vị: Bộ trưởng Tài chính viết một bản báo cáo chuyến đi thăm Mỹ gửi lên Thủ tướng; trong báo cáo có trình bày các biện pháp sau đây sẽ áp dụng (các vấn đề đã bàn xong tại Washington). Thủ tướng viết một công hàm gửi cho Tư lệnh Tối cao MacArthur kèm theo bản báo cáo này, xin “ý kiến chỉ đạo và khuyến cáo”. Sau đấy MacArthur viết một bức thư phúc đáp. Thế là xong chuyện.[7]

Có lẽ ngày nay mọi người rất khó hiểu nổi tình cảnh nước nhà bị chiếm đóng thì không vui tới mức nào. Sự thật về chuyện kể trên còn chưa tiết lộ ra ngoài, song những tin tức đại loại như “mối quan hệ giữa SCAP với chính phủ Nhật nhanh chóng lạnh lẽo” đăng trên các báo đã làm cho chính phủ Nhật Bản rơi vào tình trạng rất tế nhị trước ngày bầu cử. Đồng thời các sự việc sống động xảy ra sau vụ đó đã nêu lên một vấn đề: rốt cuộc có được bao nhiêu khả năng thực hiện nền chính trị nghị viện trong điều kiện đất nước bị chiếm đóng ?

[Phần sau của hồi ký Miyazawa cho biết: ngày 4/9/1951 khai mạc Hội nghị San Francisco bàn việc ký Hòa ước giữa Nhật với 51 nước khối Đồng minh chiến thắng Nhật. Ngày 8 làm lễ ký Hòa ước với Nhật (Treaty of Peace with Japan, thường gọi là Treaty of San Francisco). Trong số 52 nước dự hội nghị, có 49 nước ký vào Hòa ước này; phái đoàn ba nước Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc rút ra khỏi hội nghị và không ký vào Hòa ước. Cũng ngày 8 Nhật-Mỹ làm lễ ký Hiệp ước bảo đảm An ninh Nhật-Mỹ. Hòa ước Francisco có hiệu lực từ ngày 28/4/1952, từ đó chấm dứt thời kỳ nước Nhật bị chiếm đóng (28/8/1945-28/4/1952), Nhật bắt đầu trở thành một nước độc lập, tạo điều kiện để kinh tế Nhật phát triển nhanh chóng].

Đón xem:

Phần 3: Nội tình Khủng hoảng tên lửa Cuba

Hình: Quang cảnh lễ ký Hiệp ước liên minh Mỹ-Nhật tại San Francisco.

—————-

[1] Dodge đã về Mỹ từ cuối 1949.

[2] Switzerland of the Orient, tức biến Nhật thành một nước trung lập. Hồi ấy dân Nhật rất thích ý tưởng này. Thụy Sĩ từ 1815 trở đi là nước trung lập và từ 1515 không tham gia bất cứ cuộc chiến tranh nào ở nước ngoài.

[3] Thời đó Chính phủ Mỹ có War Department (Bộ Lục quân, lập 1789) và Navy Department (Bộ Hải quân, lập 1798), từ 9/1947 mới lập Department of Defense (Bộ Quốc phòng) và giải thể hai bộ trên.

[4] Ngày 25/6/1950, quân đội Bắc Triều Tiên tiến xuống Nam vĩ tuyến 38, tấn công Nam Triều Tiên, bắt đầu cuộc chiến tranh.

[5] Tiếng Nhật là Chishima.

[6] 2/1/1942 Nhật chiếm Manila, lính Mỹ đóng ở Philippines rút về bán đảo Bataan trên đảo Luzon cố thủ, đến 9/4, toàn bộ 75 nghìn lính Mỹ ở đây đầu hàng Nhật, trừ một số trốn được.

[7] Về sau, tháng 4/1951, MacArthur bị TT Truman bãi chức Tư lệnh Tối cao SCAP và Tổng Tư lệnh Lực lượng Liên Hợp Quốc tham gia chiến tranh Triều Tiên vì ông này chủ trương đưa quân Mỹ vượt biên giới Triều Tiên-Trung Quốc truy kích quân Trung Quốc và quân Bắc Triều Tiên, trái với chủ trương của Truman không mở rộng chiến tranh.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]