Biến cố đằng sau lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba

Print Friendly, PDF & Email

cuba-em

Nguồn: Peter Kornbluh & William M. Leogrande, “The Real Reason It’s Nearly Impossible to End the Cuba Embargo“, The Atlantic, 10/05/2014.

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Phạm Trang Nhung

Bill Clinton đã thử tiếp xúc với Castro. Sau khi Havana bắn rơi hai máy bay Mỹ, tất cả đều tan vỡ.

Sự thù địch của Mỹ đối với Cuba và Dự luật Helms-Burton

Khởi đầu nhiệm kỳ tổng thống của Bill Clinton đánh dấu một sự thay đổi về thái độ (của Mỹ) đối với chính sách Cuba. Cá nhân ông Clinton hiểu sự điên rồ của thái độ thù địch mà nước Mỹ dành cho hòn đảo này. “Bất kỳ ai với nửa bộ não cũng có thể thấy rằng cấm vận là việc làm phản tác dụng,” sau này ông đã nói vậy với một người thân cận tại phòng Bầu Dục. “Điều đó gây khó khăn cho những chính sách tiếp xúc khôn ngoan hơn mà chúng ta đã theo đuổi trong quan hệ với một số quốc gia Cộng sản thậm chí ở thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh lạnh.”

Những cử chỉ thiện chí đầu tiên của chính quyền Clinton bao gồm việc đảm bảo công khai rằng Mỹ không gây ra mối đe dọa quân sự nào cho Cuba – và để nhấn mạnh điểm này, các quan chức Mỹ bắt đầu thực hiện cảnh báo sớm với nhà chức trách Cuba về những hoạt động qua lại thường kỳ của Hải quân Mỹ gần hòn đảo này và mở các cuộc thảo luận ở cấp thấp về việc hợp tác chống buôn lậu các chất cấm. Các quan chức Mỹ cũng giảm thiểu các luận điệu chống Castro. Ở Havana, phía Cuba công nhận và đánh giá cao sự thay đổi về giọng điệu này. “Trong năm nay Nhà Trắng có ít những ngôn từ thù địch hơn so với 12 năm qua,” Raul Castro đã nói vậy với một nhà báo Mexico. Dù vậy, chính quyền Mỹ vẫn làm việc tối đa để đảm bảo với cộng đồng người Cuba sống lưu vong và những Nghị sĩ đảng Cộng hòa rằng trong tương lai gần sẽ không có chuyện mở cửa với Cuba. Chính sách của Mỹ, theo Richard Nuccio, chuyên viên tư vấn về Cuba cho chính quyền Clinton, là “tiếp tục duy trì những cấm vận đang tồn tại, lệnh cấm vận toàn diện nhất mà chúng ta áp dụng đối với bất kỳ một quốc gia nào”

Những người theo lập trường cứng rắn ở Quốc hội Mỹ không được xoa dịu. Lãnh đạo phe đa số ở thượng viện và ứng cử viên tổng thống triển vọng của đảng Cộng hòa Robert Dole tuyên bố rằng “tất cả mọi dấu hiệu đều cho thấy (triển vọng) bình thường hóa và đàm phán bí mật với Castro.” Vào tháng 9/1995, Hạ viện Mỹ thông qua một đạo luật do thượng nghị sĩ Jesse Helms và nghị sĩ Dan Burton đề xuất nhằm cấm Mỹ hỗ trợ Cuba cho đến khi Cuba có nền dân chủ và áp đặt trừng phạt đối với những quốc gia và tập đoàn làm ăn với đảo quốc này. “Đã đến lúc chúng ta xiết chặt đai ốc,” Thượng nghị sĩ Helms tuyên bố trong lần đầu tiên ông trình bày dự luật trước Ủy ban đối ngoại Thượng viện. Nghị sĩ Burton dự đoán rằng việc thông qua sẽ là “cái đinh cuối cùng đóng vào quan tài của Castro.”

Dự luật Helms-Burton trở thành một chiến trường cay đắng giữa cơ quan hành pháp và lập pháp. Dự luật không chỉ “tấn công quyền lực theo hiến pháp của Tổng thống trong việc thực hiện chính sách đối ngoại,” theo một bản ghi nhớ của Nhà Trắng về chiến lược lập pháp cho Clinton, “Dự luật Helms-Burton thực tế gây hại đến khả năng chuyển giao dân chủ ở Cuba, và có thể mâu thuẫn với những lợi ích lớn hơn của Mỹ, bao gồm việc tuân thủ những thỏa thuận thương mại quốc tế trọng yếu… và cam kết tôn trọng luật pháp quốc tế.” Ngoại trưởng Mỹ Warren Christopher đe dọa rằng Tổng thống sẽ phủ quyết dự luật này.

“Những người anh em đến giải cứu”

Trong khi bộ luật Helms-Burton thống lĩnh những tranh luận của xã hội về chính sách Cuba vào nửa sau của năm 1995, một “bi kịch Hy Lạp” thực sự đã diễn ra trên bầu trời ngoài khơi Cuba – một thảm kịch được khởi động chính bởi việc một nhóm phi công người Mỹ gốc Cuba được biết đến với cái tên Những người anh em đến giải cứu (Brothers to the Rescue – BTTR) liên tục thâm nhập vào vùng trời của Cuba. Từ năm 1991, nhóm Anh em đã thực hiện những chuyến bay để tìm kiếm những thuyền nhân người Cuba bất mãn rời Cuba đến Mỹ, ban đầu ở con số vài trăm, rồi đến hàng ngàn người, và báo cho lực lượng Tuần duyên Mỹ nếu có một con tàu nhỏ hay xuồng cần được giải cứu.

Nhưng bất chấp sứ mệnh nhân đạo của họ, người sáng lập và giám đốc của BTTR, Jose Basulto, lại có một tiểu sử chống Castro một cách bạo lực. Vào tháng 4/1961, Basulto cùng với với 1.500 người Cuba lưu vong được CIA huấn luyện đã tham gia vào chiến dịch Vịnh Con Lợn (chiến dịch sau đó thất bại) với mục tiêu lật đổ Castro. Vào tháng 8/1962, ông ta đã neo một con thuyền với một khẩu pháo 20 ly ở mũi tàu ngoài khơi Havana và bắn phá khách sạn Hornedo de Rosita, nơi ông và những người đồng mưu cho rằng Castro sẽ dùng bữa tối. “Tôi được nước Mỹ huấn luyện trở thành một tên khủng bố, sử dụng bạo lực để đạt được mục tiêu,” Basulto đã nói vậy trong một cuộc phỏng vấn với một nhà làm phim tài liệu, nhưng ông tuyên bố rằng ông đã chuyển sang bất bạo động. “Khi tôi còn trẻ, người hùng Hollywood của tôi là John Wayne, giờ tôi là Luke Skywalker. Tôi tin rằng sức mạnh ủng hộ chúng ta”.

José Basulto, người sáng lập nhóm BTTR.
José Basulto, người sáng lập nhóm BTTR.

Sau khi những hoạt động ngoại giao bí mật chấm dứt khủng hoảng thuyền nhân vào mùa thu năm 1994, Basulto thay đổi sứ mệnh của BTTR từ giải cứu sang khiêu khích. Vào ngày 10/11, Basulto thả những miếng dán trang trí xe của BTTR xuống vùng quê Cuba. Liên tục trong 8 tháng tiếp theo, các máy bay của BTTR xâm phạm không phận của Cuba. Hành động khiêu khích nhất của họ trong năm 1995 diễn ra vào ngày 13 tháng 7, khi chiếc máy bay Cessna Skymaster của Basulto bay trên bầu trời Havana và rải xuống hàng ngàn tượng ảnh tôn giáo và truyền đơn viết rằng “Anh em, chứ không phải đồng chí” dọc đại lộ Malecon ven biển của Havana. “Chúng tôi tự hào về những gì chúng tôi đã làm,” Basulto tuyên bố một cách phấn khởi trên đài truyền hình địa phương sau khi hạ cánh ở Miami. “Chúng tôi muốn đối đầu,” Basulto tuyên bố, khoe rằng sự xâm nhập táo bạo của ông như là “một thông điệp đến người dân Cuba.  Rằng chế độ này không phải là không thể tổn thương.”

Những chuyến bay như thế là một thách thức trực tiếp đến an ninh quốc gia của Cuba và là một sự sỉ nhục trắng trợn đến chủ quyền của Cuba. “Thật là nhục nhã,” sau này Castro phát biểu với tạp chí Time. “Nước Mỹ sẽ không chịu đựng được nếu không phận Washington bị xâm phạm bởi các máy bay nhỏ.” Castro và các tướng lĩnh của mình có những ký ức lâu dài về những năm đầu tiên làm cách mạng khi những chiếc máy bay nhỏ cất cánh từ Florida và thả những thiết bị gây cháy nổ xuống vùng quê Cuba trong một phần của cuộc chiến phá hoại ngầm do CIA tiến hành.

Khi nhắc đến lịch sử đen tối đó, các quan chức Cuba đã nói rõ với chính quyền Clinton rằng họ không thể và sẽ không khoan nhượng những cuộc xâm phạm như thế. Phía Cuba đệ trình hết công hàm phản đối này đến công hàm phản đối khác, và cảnh báo trong bức công hàm sau cuộc xâm phạm ngày 13/7 rằng lực lượng an ninh Cuba có “quyết tâm cứng rắn rằng họ sẽ áp dụng bất kỳ quan điểm nào cần thiết để tránh những hành động khiêu khích,” và “bất kỳ con tàu ngoại quốc nào cũng sẽ bị nhấn chìm và bất kỳ chiếc máy bay ngoại quốc nào cũng sẽ bị bắn hạ.” Ở Miami, các quan chức của Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã gặp mặt Basulto và cảnh báo ông phải tránh xa khỏi Cuba. Những quan chức Bộ Ngoại Giao Mỹ cùng lúc đó đã sử dụng thư từ ngoại giao để yêu cầu chính phủ Cuba phải “cực kỳ thận trọng và kiềm chế và tránh sử dụng bạo lực quá mức” trong việc giải quyết những vụ xâm nhập.

Cuba trước các cuộc xâm phạm không phận

Nhưng BTTR và Basulto tiếp tục thách thức. Giữa tháng 8/1995 và tháng 2/1996, chính phủ Cuba gửi thêm 4 công hàm phản đối những xâm phạm về vùng trời – nhưng FAA lại chỉ yêu cầu thêm bằng chứng, vì cục này đã quyết định rằng Basulto không thể bị cấm bay cho đến khi họ hoàn tất một báo cáo điều tra. Được khuyến khích bởi việc không bị trừng phạt, vào ngày 13/2/1996, Basulto tiếp tục đưa những máy bay của mình vào bầu trời Havana, và lần này rải nửa triệu truyền đơn kêu gọi người dân Cuba hãy “Thay đổi tất cả ngay bây giờ.” Khả năng của ông trong việc chọc thủng không phận Cuba, như Basulto khoe khoang trên đài phát thanh khi quay về Miami, cho thấy rằng “Castro không phải là bất khả xâm phạm, rằng nhiều điều có thể đạt được trong tầm với của chúng ta .”

Lực lượng quân sự Cuba đã cố gắng gửi một lời cảnh báo thông qua những kênh riêng. Có một lần Thiếu tướng không quân Cuba Arnaldo Tamayo Mendez đã nói tóm tắt với một phái đoàn sĩ quan về hưu của Mỹ về những chuyến bay của BTTR, cảnh báo rằng Cuba có khả năng “bắn hạ chúng vào bất cứ lúc nào.” Tamayo giải thích rằng: “Chúng tôi chưa làm điều đó chính xác bởi vì chúng tôi không muốn làm nóng tình hình, vì đến lúc đó, dĩ nhiên Cuba sẽ trở thành kẻ có tội còn những kẻ vi phạm và những kẻ khuyến khích những hành động chống lại chúng tôi như thế này sẽ thoát thân mà chẳng bị dính chàm.” Castro, khi nói chuyện với hai trong số các đại biểu trong một cuộc nói chuyện bên lề, đã ra lệnh không quân phải sử dụng tất cả mọi bước đi cần thiết để phòng chống một sự xâm phạm không phận Cuba tiếp theo. “Các ông phải chờ họ đánh bom chúng ta trước rồi mới hành động à?” Castro đã hỏi các chỉ huy của mình trong thất vọng.

“Quân đội của các ông sẽ phản ứng như thế nào nếu chúng tôi bắn hạ một trong số những máy bay đó?” Tamayo hỏi những vị khách Mỹ, khiến họ sững sờ với câu hỏi.

Nỗ lực ngoại giao bí mật ở cấp cao nhất được đảm trách bởi chính Fidel Castro. Nhà lãnh đạo Cuba đã nắm lấy thời cơ trong chuyến thăm vào tháng 1/1996 của Bill Richardson để đề nghị một sự trao đổi: đổi tù chính trị lấy việc cấm Basulto bay. Lúc đó tuy ông còn là một Nghị sĩ vô danh từ New Mexico có quan hệ mật thiết với Tổng thống Clinton, Richardson đã nổi tiếng vì những sứ mệnh nhân đạo ở nước ngoài, trước đó ông đã thành công trong việc thuyết phục Saddam Hussein trao trả hai người Mỹ mà Iraq giam giữ vì nghi họ là gián điệp.

Khi ông đến Cuba, Richardson nhận thấy Castro là một “người dễ ưa, hấp dẫn và vui tính,” như ông đã viết trong hồi ký. Fidel đã đối đãi với Richardson một cách rất trọng thị, đưa ông đi xem một trận đấu bóng chày, có một cuộc gặp mặt thâu đêm để bàn về quan hệ Mỹ-Cuba, và đưa cho ông một hộp xì gà Cuba cao cấp làm quà cho Tổng thống Clinton. (Món quà này bị tịch thu bởi Mật vụ Mỹ trước khi Tổng thống biết về nó.) Ông cũng đã nói với Richardson, theo người viết tiểu sử Castro và cựu quan chức Nhà Trắng Peter Bourne, rằng ông sẽ thả một số tù chính trị nếu vị Nghị sĩ có thể đảm bảo lời hứa của Clinton rằng những chuyến bay của BTTR sẽ bị ngăn chặn.

Richardson trở về Washington và đã nêu vấn đề trên với Tổng thống, người đã chỉ đạo Bộ trưởng Giao thông Federico Pena chấm dứt các chuyến bay trên. Khi Richardson quay lại Havana vào ngày 9/2 để đón ba tù nhân về Mỹ, Castro cảm thấy Richardson đã đến với một lời hứa rằng Clinton sẽ chấm dứt những vụ xâm phạm không phận Cuba. Castro, theo Bourne, đã nói với Richardson rằng ông thả các tù nhân với niềm tin rằng “ông đã có một lời cam kết rõ ràng giữa hai nguyên thủ quốc gia rằng các chuyến bay sẽ bị chấm dứt.”

Nhưng khi ông quay về Florida với những tù nhân được thả, Richardson nói với các phóng viên CNN rằng Castro đã không có đòi hỏi gì khác, ông phủ nhận rằng đã có một sự trao đổi khi trả lời một phóng viên tờ New Yorker hai năm sau. Khi ôn lại giai đoạn này vào năm 2011, Richardson thừa nhận rằng thực ra ông đã làm việc với Nhà Trắng về các chuyến bay BTTR, dù ông không thể nhớ rằng ông đã nói với ai.

Nhiều năm sau, sau khi từ chức, Castro nhớ rằng Richardson đã “nói với tôi một cách rất thành khẩn, như tôi nhớ, rằng: ‘Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa; Tổng thống đã ra lệnh chấm dứt các chuyến bay.” Khi BTTR tiếp tục vi phạm không phận Cuba chỉ hai tuần sau đó, Bourne thuật lại, “Castro cảm thấy bị xúc phạm và nổi giận với cách hành xử của Clinton và thấy rằng lời nói của ông không có ý nghĩa gì.”

Trong những tuần lễ, ngày và giờ trước cuộc đối đầu cuối cùng ở vùng trời ngoài khơi Cuba, một số quan chức Mỹ nhận ra rằng một thảm họa đang đến. Vào tháng 1, radar quân sự Mỹ tìm được chứng cứ rằng không quân Cuba đang luyện tập đánh chặn và bắn rơi những máy bay tốc độ chậm. Các quan chức Bộ ngoại giao Mỹ liên tục yêu cầu FAA phải hành động. “Bộ ngoại giao đang ngày càng lo ngại về phản ứng của phía Cuba đối với những vi phạm rõ rệt này,” Cecilia Capestany, một quan chức ở bộ phận hàng không quốc tế của FAA, viết như trên vào ngày 22/1/1996. “Kịch bản tệ nhất là một ngày nào đó phía Cuba sẽ bắn hạ một trong những chiếc máy bay đó.

Nội dung email của Cecillia Capestany ngày 22/1/1996 “Chúng tôi đã nhận được thông tin từ Bộ Ngoại giao rằng một chuyến bay không cho phép đã diễn ra vào thứ bảy ngày 20 vào buổi sáng. Máy bay, theo Bộ Ngoại giao, không bay qua Havana và cũng không rải truyền đơn. Xét đến những xâm phạm vào tuần trước, chuyến bay gần đây nhất chỉ có thể được xem như một hành động khiêu khích hơn nữa đối với chính phủ Cuba. Bộ ngoại giao ngày càng lo ngại về những phản ứng của phía Cuba đối với những vi phạm rõ rệt đó. Họ cũng hỏi FAA rằng cơ quan này đã làm gì để ngăn chặn những hành động trên. Sự thật là Phó Ngoại trưởng đã gọi điện cho Bộ trưởng Pena vào tuần trước để kiểm tra tiến độ trong việc ngăn chặn Basulto. Kịch bản tệ nhất là một ngày nào đó phía Cuba sẽ bắn hạ một trong các máy bay và FAA nên sẵn sàng tất cả nguồn lực.”

Tại Nhà Trắng vào tối ngày 23/2, Richard Nuccio nhận được một cảnh báo rằng BTTR sẽ bay vào ngày hôm sau. Ông gửi một email khẩn đến Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Sandy Berger. “Những chuyến bay trước thực hiện bởi Jose Basulto của nhóm Anh em đã vấp phải sự phản ứng của giới chức trách Cuba. Tuy nhiên, căng thẳng với Cuba đã lên đến mức mà chúng tôi lo rằng việc này sẽ khiến phía Cuba tìm cách bắn hạ hoặc buộc máy bay hạ cánh,” Nuccio cảnh báo.

Nuccio chỉ thị các quan chức FAA ở Miami dừng chuyến bay, nhưng bất ngờ thay, họ từ chối, họ chỉ đồng ý “cảnh báo Basulto một lần nữa về việc vi phạm không phận Cuba.” Điều tốt nhất mà ông có thể làm là cố gắng cảnh báo chính phủ Cuba. Được cho biết rằng nếu liên lạc qua những kênh bán chính thức “có thể sẽ làm mọi chuyện tệ hơn,” Nuccio nắm lấy cơ hội cuối cùng để cảnh báo phía Cuba trong một buổi biểu diễn ballet.

Thật trùng hợp là tối đó Nuccio đi xem màn trình diễn của nhóm Ballet Folklorico của Cuba – một sự kiện văn hóa lớn diễn ra nhờ một sáng kiến ngoại giao nhân dân mà Clinton đã khởi động. Biết rằng Fernando Remirez, lãnh đạo mới của Bộ phận Lợi ích Cuba (Cuban Interest Section), cơ quan ngoại giao trên thực tế của Cuba ở Washington, cũng sẽ tham dự buổi diễn, Nuccio hy vọng sẽ gặp ông ta ở đó, một cách không chính thức lần đầu tiên, bởi vì ông không được phép gặp các nhà ngoại giao Cuba một cách chính thức. Nhưng một sự giới thiệu một cách không chính thức và tình cờ sẽ hữu ích trong việc giải quyết một khủng hoảng trong tương lai. “Tôi chỉ rất muốn có một cuộc đối thoại với Remirez,” Nuccio kể với các tác giả. “Tôi tưởng tượng rằng một ngày nào đó tôi phải nói chuyện gay gắt trên điện thoại với ông này và tôi muốn ông ta biết được một chút gì đó về tôi.”

Khi vũ đoàn trình diễn về lịch sử phong phú của âm nhạc Cuba, Nuccio đang ở trong “một trạng thái lo âu” vì những chuyến bay của BTTR. Nhưng khi cơ hội gặp Remirez tại buổi tiệc sau màn trình diễn đến, hai người lại chỉ trò chuyện xã giao. Nội dung trao đổi có ý nghĩa nhất là khi Remirez nhắc đến tình trạng khó khăn của quan hệ Mỹ-Cuba. Người vợ gốc Mexico của Nuccio, Angelina, nhắc ông về một câu nói nổi tiếng ở nước của bà: “Rất xa Thiên Chúa, rất gần nước Mỹ”

“Vâng, chính thế,” Remirez trả lời. “Bà hiểu chúng tôi rất chính xác.”

Khi những lời xã giao kết thúc, Nuccio đối diện với một quyết định quan trọng: có nên cảnh báo quan chức Cuba đó về sự xâm nhập sắp đến không. “Tôi nhớ rằng tôi nhìn về hướng Remirez khi ông đi đến cửa và đấu tranh với thôi thúc kéo ông ta qua một bên,” Nuccio sau này viết trong một cuốn hồi ký không được xuất bản. “Tôi phải đấu tranh giữa bản năng tự nhiên muốn kêu gọi phía Cuba hãy kiềm chế trong phản ứng với chuyến bay và nỗi lo rằng những gì tôi nói sẽ bị hiểu lầm nếu thảm kịch thật sự xảy ra.” Sự an toàn của việc giữ im lặng đã chiến thắng. “Trong khi Remirez rời đi, tôi quay về phía quầy rượu và không nói gì hết.”

Havana đáp trả

Vào lúc 1:15 chiều ngày hôm sau, máy bay của Basulto cất cánh từ sân bay Opa-Locka ở Miami, với hai máy bay BTTR bay theo. Họ đã gửi một kế hoạch bay giả tới FAA thông báo rằng họ sẽ tuần tra vùng biển ngoài khơi phía bắc Cuba để tìm thuyền nhân. Thực tế là mục đich của họ là tiếp tục thâm nhập không phận Cuba như một cử chỉ đoàn kết với một nhóm bất đồng chính kiến ở Cuba tên là Concilio Cubano. Trong một chiến dịch đàn áp các đối thủ, cảnh sát của Castro đã bắt hàng chục thành viên Consilio một vài ngày trước.

“Chào buổi chiều, Trung tâm Havana,” Basulto liên lạc với những người kiểm soát không lưu ở Cuba khi các máy bay hướng đến hòn đảo này. “Lời chào thân mật từ BTTR và chủ tịch Jose Basulto.”

Những người kiểm soát ở Cuba cảnh báo ông ta ngay lập tức rằng ông không được bay vào vùng trời Cuba. “Tôi báo với anh rằng khu vực ở phía bắc Havana đang trong tình trạng sẵn sàng. Anh sẽ gặp nguy hiểm bằng việc thâm nhập hướng 24 độ Bắc.”

“Chúng tôi sẵn sàng làm việc đó,” Basulto phản hồi một cách ngang tàng. “Đây là quyền của chúng tôi với tư cách là những người Cuba tự do.”

Hành động theo lệnh của Castro nhằm ngăn chặn sự xâm nhập vùng trời Cuba, hai máy bay chiến đấu MiG-29 cất cánh ngay lập tức từ căn cứ ở San Antonio de ló Banos. Các phi công Cuba không tuân theo bất kỳ thông lệ quốc tế nào về việc cảnh báo, ngăn chặn và hộ tống các máy bay không trang bị vũ khí của dân thường. Thay vào đó, vào lúc 3:19 chiều, một tên lửa tầm nhiệt bắn tung chiếc Cessna đầu tiên của BTTR, vào lúc 3:26, chiếc thứ hai bị bắn hạ. Cuộc tấn công đã cướp mạng sống của 4 người Mỹ gốc Cuba trẻ tuổi: Mario de la Pena, Armando Alejandre, Carlos Costa, và Pablo Morales. Chỉ có Basulto và ba thành viên tổ bay của ông thoát được về Miami.

Khủng hoảng

Ở Washington, cuộc bắn hạ đã tạo nên một cuộc khủng hoảng thực sự. Trong vài phút, Nuccio đã nhận được một cuộc gọi yêu cầu báo cáo ngay lập tức với văn phòng của Sandy Berger, ở đó ông được giao việc phác thảo những lựa chọn “cứng rắn”, bao gồm các “phản ứng quân sự,” để Tổng thống Clinton xem xét. Nuccio cảnh báo rằng không nên phản ứng thái quá. BTTR đã “chơi với lửa,” ông nói với Berger. “Họ đã đạt được những gì họ muốn. Nếu chúng ta có phản ứng quân sự, họ sẽ thành công trong việc tạo nên một khủng hoảng mà họ đã tìm kiếm.” Nhưng việc các chuyến bay BTTR mang tính khiêu khích giờ cũng không còn là vấn đề quan trong nữa. Nước Mỹ, theo lời Berger, đơn giản không thể “đứng yên và để Castro giết dân Mỹ.”

Người Mỹ gốc Cuba biểu tình phản đối Castro sau vụ Cuba bắn rơi máy bay của nhóm BTTR.
Người Mỹ gốc Cuba biểu tình phản đối Castro sau vụ Cuba bắn rơi máy bay của nhóm BTTR.

Khi tổng thống Clinton tập hợp nhóm an ninh quốc gia tối cao của ông hai ngày sau, ông tính đến một cuộc không kích chính xác hoặc tấn công bằng tên lửa nhằm vào các căn cứ MiG ở Cuba nhưng quyết định không sử dụng chúng. Thay vào đó Clinton ra lệnh rằng một cảnh báo riêng sẽ được gửi đến Castro: “Hành động tương tự tiếp theo sẽ nhận được phản hồi quân sự trực tiếp từ phía Mỹ.” Thêm vào đó, Clinton ra lệnh cấm các chuyến bay thương mại giữa Cuba và Mỹ, hạn chế các quan chức ngoại giao Cuba trong việc đi lại ngoài nhiệm sở ở New York và Washington, và cho phép bồi thường cho gia đình bốn nạn nhân BTTR từ các tài khoản đã bị đóng băng của Cuba.

Quan trọng hơn, tổng thống tuyên bố rằng ông sẽ “hành động ngay lập tức” để đạt được một thỏa thuận với Quốc hội nhằm thông qua đạo luật Helms – Burton. Được thôi thúc và tiếp sức, các phe chống Castro trong Quốc hội bổ sung thêm một nội dung đáng chú ý vào dự luật – biến lệnh cấm vận thành luật. Tổng thống không thể nào tự mình dỡ bỏ lệnh cấm vận chống Cuba nữa, bây giờ để làm được điều đó sẽ cần bầu đa số ở Quốc hội. Nội các Clinton không phản đối.

Nuccio cố gắng phản đối việc áp dụng trọn gói Đạo luật Helms-Burton, nhưng bị bác bỏ. “Hãy quên nó đi,” Phó Ngoại trưởng Peter Tarnoff nói với ông. “Quyết định đã được đưa ra, mọi chuyện kết thúc rồi.” Nuccio biết rằng phán quyết đó còn đi xa hơn cả dự luật Helms-Burton. “Ông ấy nói rằng ván bài để cải thiện quan hệ đã chấm dứt, hết rồi.” Ít lâu sau, Nuccio từ chức cố vấn đặc biệt về vấn đề Cuba.

Vào ngày 12/3/1996, với gia đình của bốn phi công BTTR đứng sau lưng, Tổng thống Clinton ký dự luật Helms-Burton thành luật như là một “thông điệp đoàn kết và mạnh mẽ gửi đến Havana.” Clinton hiểu ông đã làm gì. Ông cảm thấy rằng ông đã bị “đẩy vào một chính sách đảm bảo thất bại,” ông than thở với một người thân tín ở phòng Bầu dục (rằng ông phải), “kết thúc những tiếp xúc chính trị hướng đến một cuộc chuyển giao hòa bình ở Cuba” vì động cơ bầu cử. “Ủng hộ dự luật là hành động chính trị hợp lý trong năm bầu cử ở Florida,” Clinton thừa nhận trong tự truyện của ông, “nhưng nó đã phá hủy bất kỳ cơ hội nào giúp tôi có thể dỡ bỏ lệnh cấm vận để đổi lấy những thay đổi tích cực ở Cuba nếu tôi thắng nhiệm kỳ thứ hai.”

Với tính toán chính trị đó. Clinton đã từ bỏ quyền lực tổng thống của ông trong việc xây dựng chính sách đối với Cuba, và quyền lực của các tổng thống sau ông. Bao gồm cả vợ của ông, nếu bà thắng cử tổng thống vào năm 2016.

Bài này đã được phỏng theo cuốn sách của Peter Kornbluh và William M. LeoGrande có tên “Back Channel to Cuba”.

Peter Kornbluh là giám đốc của Dự án tài liệu Cuba tại Trung tâm lưu trữ An ninh Quốc gia tại Washington D.C. William M LeoGrande là giáo sư về quản trị chính quyền tại đại học American University.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]