Quan điểm của TQ về sự tăng cường quan hệ Việt-Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

obamainvn

Nguồn: Yun Sun, “China’s perspective on the US-Vietnam rapprochement”, PacNet No. 48A, 06/06/2016.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam vào tháng trước và việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí là một bước ngoặt quan trọng, mang tính lịch sử trong quan hệ Mỹ – Việt. Mặc cho giới truyền thông và các nhà quan sát nhìn chung đều đã giải thích sự xích lại này giữa hai nước là nhằm hướng đến Trung Quốc, nhận thức và đánh giá của Bắc Kinh về sự phát triển quan hệ Mỹ-Việt hầu như không được đề cập. Một phân tích về quan điểm của Trung Quốc sẽ hữu ích khi dự đoán phản ứng của nước này. Quan trọng hơn, nó sẽ cho thấy những thông tin cốt lõi về nỗ lực của Việt Nam nhằm cân bằng chính sách đối nội với mục tiêu chính sách đối ngoại của mình, đồng thời tiết lộ những sự thật ít được biết về quan hệ Việt – Trung.

Về mặt chính thức, phản ứng của Trung Quốc trước chuyến thăm và việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí là khá bình thản. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra phát biểu: “Là một nước láng giềng với Việt Nam, Trung Quốc rất vui khi thấy Việt Nam phát triển quan hệ bình thường với tất cả các nước, trong đó có Mỹ. Và chúng tôi hy vọng điều này sẽ có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.” Phản ứng, hay đúng ra là phản ứng mà như không phản ứng này, dường như đã khiến một số nhà quan sát và phân tích thất vọng.

Hiểu rằng việc công khai bày tỏ sự không hài lòng sẽ chẳng thay đổi được bất cứ điều gì mà chỉ làm họ trở nên nhỏ mọn, Bắc Kinh đã cố gắng để thể hiện mình vô cảm. Tuy nhiên, cộng đồng các nhà nghiên cứu chính sách của Trung Quốc đã lên tiếng về chuyến viếng thăm và những tác động của nó đối với cân bằng quyền lực trong khu vực. Họ thừa nhận rằng một nước Mỹ quan ngại trước sự quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực và một Việt Nam lo ngại về an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ sẽ (giúp hai nước) có nhiều điểm chung. Bên cạnh mối quan ngại truyền thống về chiến lược ngăn chặn (containment) của Mỹ, việc Việt Nam là một nước xã hội chủ nghĩa, là một “người em”, một “đồng chí” về mặt tư tưởng của Trung Quốc đặc biệt gây bất an.

Nhưng lo ngại của Trung Quốc cần phải được chứng minh. Nhìn chung, Bắc Kinh lo lắng về sự suy giảm trong quan hệ với các nước Đông Nam Á, và họ xem chiến lược tái cân bằng của Mỹ chính là yếu tố cơ bản phá hoại các mối quan hệ này. Tuy nhiên, đối với trường hợp Việt Nam, đánh giá của Trung Quốc sẽ phức tạp hơn. Một mặt, Trung Quốc có những lý do thực sự để lo lắng về sự phát triển của quan hệ Mỹ-Việt. Mặt khác, họ cũng thấy được một số hạn chế trong việc hợp tác giữa Washington và Hà Nội.

Ví dụ, sự kiện quan trọng nhất trong chuyến đi của ông Obama là việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, vốn được xem là trở ngại cuối cùng để bình thường hóa hoàn toàn quan hệ hai nước. Mặc dù thông báo bỏ cấm vận vũ khí thực sự có tính chất quyết liệt và đã cho thấy sự chuyển hướng trong chính sách, phía Trung Quốc vẫn chỉ coi nó mang tính biểu tượng hơn là đe dọa về quân sự. Nga lâu nay vẫn là nước bán vũ khí lớn nhất cho Việt Nam. Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ phải mất nhiều năm để làm quen với thiết bị và hệ thống của Mỹ. Và điều này là dựa trên giả định rằng Việt Nam thực sự có khả năng chi trả cho những thiết bị đắt tiền từ Mỹ, điều ngân sách quốc phòng hiện nay của Hà Nội có thể không cho phép. Hơn nữa, xét đến mối quan hệ của Việt Nam với Nga và Trung Quốc, người Trung Quốc không thể không tự hỏi liệu Washington có sẵn sàng bán các thiết bị tối tân cho Việt Nam hay không, nếu chẳng may cuối cùng Việt Nam lại nghiêng về phía Nga hoặc Trung Quốc?

Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có lẽ mới là mối quan ngại lớn hơn đối với Trung Quốc. Trung Quốc xem TPP như một công cụ chính sách của Mỹ nhằm tăng cường quan hệ kinh tế, thúc đẩy kinh tế thị trường, đa dạng xã hội, và nhiều khả năng là tự do hóa chính trị tại Việt Nam. Họ cũng công nhận rằng Việt Nam rất muốn gia nhập TPP để thúc đẩy tăng trưởng trong nước và giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Tuy nhiên, việc gia nhập TPP có làm thay đổi vai trò quan trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế Việt Nam hay không thì vẫn chưa có câu trả lời. Trung Quốc vẫn có lợi thế trên thực tế, vì thương mại Trung-Việt lớn gấp đôi thương mại Mỹ-Việt. Dù không phải là một nhà đầu tư hàng đầu xét về tổng đầu tư lũy kế tại Việt Nam, FDI của Trung Quốc vẫn đang tăng lên một cách nhanh chóng. Trong giai đoạn 2012 – 2014, FDI của Trung Quốc đã tăng từ 312 triệu USD (2012) lên 7,9 tỷ USD (2014). Cộng đồng chính sách của Trung Quốc cho rằng các tranh chấp hàng hải là trở ngại chính trong việc đầu tư nhiều hơn, mặc dù điều đó có thể sẽ được giảm nhẹ nhờ vào động lực từ sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” (OBOR) của Trung Quốc tại Đông Nam Á lục địa.

Trung Quốc cũng tin rằng Hà Nội sẽ thực dụng và theo đuổi một chính sách ngoại giao cân bằng chứ không phải liên minh với một cường quốc nào đó. Theo quan điểm của Trung Quốc, lịch sử gần đây của chính sách đối ngoại Việt Nam cho thấy rằng mục tiêu quan trọng nhất của Hà Nội là duy trì nền độc lập và tối đa hóa tính linh hoạt. Vì thế, Việt Nam đã không do dự trong việc thay đổi chính sách với Trung Quốc và Mỹ. Do đó, Việt Nam có thể tạm thời nghiêng về Mỹ, nhưng liệu họ có quay sang chống lại Trung Quốc hay không, đặc biệt là vượt ra ngoài vấn đề Biển Đông, thì vẫn còn để ngỏ.

Hoài nghi này đã không đề cập đến yếu tố quan trọng nhất trong việc đánh giá các mối quan hệ của Hà Nội với cả Bắc Kinh và Washington: đó là tình hình chính trị trong nước của Việt Nam. Trung Quốc tin rằng Việt Nam là một quốc gia xã hội chủ nghĩa nên sẽ phải đối mặt với những hạn chế cơ bản trong việc phát triển quan hệ với Mỹ, vốn là nước không chỉ phê phán vấn đề nhân quyền của Việt Nam, mà còn có ý định thay đổi hệ thống chính trị Việt Nam thông qua “diễn biến hòa bình.” Theo Trung Quốc quan sát, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ không có ý định tự do hóa chế độ độc đảng tại Việt Nam trong tương lai gần, và do đó, việc tăng cường quan hệ với Mỹ sẽ bị hạn chế. Đồng thời, quan hệ của Washington với một nước xã hội chủ nghĩa/chuyên chế như Việt Nam về cơ bản cũng sẽ bị hạn chế bởi cử tri trong nước, đặc biệt là Quốc hội và cộng đồng nhân quyền.

Trung Quốc tin rằng miễn là Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn duy lý – mà theo “từ điển” của Trung Quốc nghĩa là họ sẽ không “tự tử chính trị” giống như Liên Xô dưới thời Gorbachev – thì quan hệ Việt- Trung sẽ không bị “trật đường ray.” Trung Quốc cho rằng không cần thiết phải thúc đẩy tự do hóa chính trị ở Việt Nam. Nhưng với Mỹ thì khác. Thật vậy, Trung Quốc cực kỳ xem trọng tình đoàn kết giữa hai Đảng Cộng sản và tin tưởng rằng “mỏ neo” ý thức hệ này cuối cùng sẽ giúp Trung Quốc và Việt Nam giải quyết các vấn đề song phương.

Người Mỹ sẽ thấy rằng sự gần gũi giữa hai Đảng Cộng sản là không nhất quán với câu chuyện của một Việt Nam đang cố gắng thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc. Trong thực tế, hồ sơ các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Việt Nam cho thấy mâu thuẫn lớn đối với mong muốn của Việt Nam nhằm chuyển từ Trung Quốc sang gắn kết với Mỹ. Chuyến thăm Washington của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 7/2015 vốn được nhiều người xem là bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, người ta lại quên không đề cập rằng ông đã có một chuyến thăm tương tự đến Bắc Kinh ba tháng trước khi ông đến Mỹ. Và sáu tháng trước khi Hà Nội đón Tổng thống Obama, họ cũng đã tiếp đón một chuyến thăm cấp cao của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong năm 2015, ba trong số bốn nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội – đã đến thăm Bắc Kinh. Các chuyến đi của họ đã được đáp lại bằng chuyến thăm của hai thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc: Chủ tịch Tập và Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ. Tháng 1/2016, ông Tập là nguyên thủ đầu tiên cử đặc phái viên đến chúc mừng ông Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội Đảng lần thứ 12. Và đặc phái viên của vị Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là khách mời nước ngoài đầu tiên ông Tập tiếp đón sau Tết Nguyên đán.

Xét đến sự gần gũi ở cấp cao nhất này, cộng đồng chính sách của Trung Quốc nhận định rằng tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam tuy khó khăn, nhưng sự hiểu biết và việc quản lý vấn đề này ở cấp cao nhất đã được cải thiện đáng kể. Bắc Kinh hiểu rằng Việt Nam ít có khả năng sẽ chấp nhận các yêu sách của mình và sẽ tìm cách cân bằng sức mạnh với Trung Quốc thông qua Mỹ. Nhưng mối quan hệ song phương vẫn còn quản lý được. Trung Quốc cũng tin rằng Hà Nội đã trở nên cẩn thận hơn trong việc kích động chủ nghĩa dân tộc trong nước và sẽ không để lặp lại các cuộc biểu tình chống Trung Quốc như hồi năm 2014. Điều này không nhất thiết là vì lợi ích của quan hệ Trung-Việt, mà là vì an ninh chế độ của Hà Nội, bởi một số các cuộc biểu tình đã chuyển sang nhắm vào chế độ xã hội chủ nghĩa và chính quyền cộng sản Việt Nam, cả hai đều liên quan chặt chẽ với Trung Quốc.

Nếu đánh giá của Trung Quốc là chính xác, Việt Nam sẽ còn phải cân nhắc và đưa ra rất nhiều quyết định khó khăn trước khi xác định được mục tiêu quan trọng nhất và lựa chọn đồng minh tốt nhất cho mình. Cuối cùng thì, trong trường hợp này, chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam sẽ phải đối mặt với những mâu thuẫn nội bộ chủ chốt.

Yun Sun ([email protected]) là một nghiên cứu viên của Chương trình Đông Á tại Trung tâm Stimson. Chuyên môn của bà là Chính sách đối ngoại Trung Quốc, quan hệ Mỹ-Trung, và quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng và các chế độ chuyên chế.

Xem thêm:

TQ bình luận việc TBT Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]