Tác giả: Shuaihua Cheng | Biên dịch: Trần Tuấn Minh
Việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu (gọi tắt là TPP) thiếu vắng sự hiện diện của Trung Quốc đã gợi lên nhiều câu hỏi: Liệu TPP có phải là một câu lạc bộ “ai cũng được trừ Trung Quốc”, được thiết lập nhằm kiềm chế quốc gia này hay không? Liệu Trung Quốc có phản ứng lại bằng các khối thương mại cạnh tranh tương tự, từ đó gia tăng sự thù địch trên lĩnh vực kinh tế đối với Hoa Kỳ? Điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với tương lai của trật tự thương mại toàn cầu?
Dù TPP xét cho cùng cũng có thể phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh vẫn hoài nghi về những quy tắc đang được soạn thảo trong hiệp định này. Đối với Trung Quốc, việc tham gia sâu hơn vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thông qua vòng đàm phán Doha vẫn là một ưu tiên hàng đầu và quan trọng hơn so với việc xây dựng một nhóm thương mại mới.
TPP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) có phạm vi hết sức rộng lớn, hiện đang trong quá trình đàm phán bao gồm 12 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2006, Brunei, Chile, New Zealand và Singapore bắt đầu khởi động một FTA 4 bên, còn được gọi là Pacific-4. Sau đó, 5 quốc gia khác bao gồm Hoa Kỳ, Úc, Malaysia, Peru và Việt Nam cùng tham gia vào hiệp định này và dẫn đến việc hình thành TPP. TPP tổ chức vòng đàm phán đầu tiên tại Úc vào tháng Ba năm 2010. Tiếp theo, Mexico, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đề nghị tham gia TPP. Trong số bốn quốc gia ứng cử này, các thành viên của TPP chỉ chấp nhận cho ba nước gia nhập và từ chối Hàn Quốc.
Mục tiêu của TPP là nhằm “tạo nên một hiệp định tiêu chuẩn cao, phù hợp với thế kỷ 21” như lời công bố của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR). Theo thông tin đưa ra, TPP hướng đến nền thương mại phi thuế quan đối với các sản phẩm công nghiệp, tự do hóa toàn diện lĩnh vực dịch vụ, đồng thời đồng nhất hóa sâu sắc hơn sự điều tiết của các thành viên trong các lĩnh vực đầu tư, mua sắm công, chính sách cạnh tranh, các rào cản kỹ thuật đối với thương mại, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước, thương mại điện tử, lao động và môi trường.
Theo David Pilling trong bài viết trên trang Financial Times, khó có thể chứng minh Hoa Kỳ đang thiết lập một câu lạc bộ “ai cũng được trừ Trung Quốc” như ý kiến của nhiều người. Trên lý thuyết, TPP không ngăn Trung Quốc trở thành thành viên của khối. Như Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã giải thích, nếu một nền kinh tế nào đó muốn gia nhập vào TPP, họ chỉ cần nộp đơn xin tham gia chính thức, và sau đó các thành viên hiện có của TPP sẽ xét duyệt và quyết định chấp nhận hay không dựa trên cơ sở đồng thuận.
Lần gần đây nhất Trung Quốc thể hiện mong muốn gia nhập TPP là vào tháng Năm năm 2013. Một đại diện của Bộ Thương mại Trung Quốc đã cho biết Trung Quốc “sẽ phân tích ưu và nhược điểm cũng như khả năng tham gia TPP sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, dựa trên nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi”.
Việc tham gia vào TPP có ý nghĩa kinh tế rất quan trọng đối với Trung Quốc. Nếu đứng ngoài hiệp định này, các công ty Trung Quốc sẽ phải đối diện với tình trạng phân biệt đối xử trong thị trường TPP. Ví dụ, TPP sử dụng nguyên tắc “xuất xứ lũy kế” (cumulation of origin) để khuyến khích các công ty từ các quốc gia thành viên nhập nguyên vật liệu từ nội khối TPP thay vì từ những quốc gia bên ngoài như Trung Quốc chẳng hạn, trong khi nước này lại là quốc gia sản xuất nguyên vật liệu lớn nhất thế giới.
Từ quan điểm hệ thống có thể thấy, Trung Quốc sẽ có lợi hơn khi tham gia và xây dựng các quy định ngay từ bây giờ, nếu không sẽ phải chấp nhận các quy định một cách thụ động trong tương lai. Một số qui tắc mới về kinh tế hoặc liên quan đến kinh tế mà TPP đang phát triển có triển vọng sẽ thay thế những quy tắc hiện hành lỗi thời của WTO vốn được thiết lập từ năm 1995.
Tuy nhiên, Trung Quốc hiện nay vẫn chưa nộp đơn xin gia nhập và còn đang lo lắng hai vấn đề sau:
Thứ nhất là về tình hình ổn định trong nước. Trung Quốc có thể hưởng lợi từ quá trình mở rộng tự do hóa trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, từ các chính sách bảo vệ và khuyến khích đầu tư ở mức cao đối với lĩnh vực này, thậm chí cả từ những quy định chống tham nhũng ngặt nghèo hơn, bởi lẽ những vấn đề này phù hợp với chương trình cải cách của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Mặc dù vậy, Trung Quốc cũng rất lo lắng về những khó khăn có thể vấp phải trong lĩnh vực kinh tế khi áp dụng các quy tắc của TPP trên quy mô toàn quốc trong một thời gian ngắn. Quá trình gấp gáp này có thể gây ra những bất ổn xã hội hoặc thậm chí là những bất ổn về mặt chính trị.
Lo lắng thứ hai của Trung Quốc là ở chỗ một số tiêu chuẩn cao của TPP không hẳn đã tốt và phù hợp với Trung Quốc. Điều khoản về quyền sở hữu trí tuệ (IP) của hiệp định này là một ví dụ điển hình. Như một số nhóm lợi ích công đã chỉ ra, điều khoản về IP “quá thiên về các nhóm lợi ích doanh nghiệp lớn” của các nước công nghiệp phát triển và có “ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển”.
Nhiều nhà bình luận cho rằng, để đối phó với TPP, Trung Quốc đã chủ động xây dựng riêng các khối thương mại đối địch, ví dụ như tổ chức Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), và Khu vực Tự do Thương mại châu Á Thái Bình Dương (FTAAP)
Quan điểm và nhận thức như vậy là sai lầm và thiếu cơ sở thực tế. RCEP không phải là sáng kiến của Trung Quốc. Chính Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã khởi động sáng kiến khu vực này tại cuộc họp thượng đỉnh ở Campuchia năm 2012, với sự có mặt của 10 thành viên ASEAN cộng với 6 quốc gia khác mà ASEAN hiện đã ký kết các FTA như Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, và New Zealand. Các thành viên đã nhất trí rằng, chính ASEAN sẽ nắm vai trò điều hành trong các cuộc đàm phán hiệp định này chứ không phải Trung Quốc hay bất kì các thành viên nào khác ngoài ASEAN.
FTAAP cũng không phải là sáng kiến của Trung Quốc, và cũng không phải là một sáng kiến mới. Với cương vị là chủ tọa Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương năm 2014, Trung Quốc đã chủ động thúc đẩy việc hiện thực hóa FTAAP. Tuy nhiên, từ trước đó, vào đầu năm 2006, các nhà lãnh đạo APEC đã nhất trí xem xét về triển vọng của FTAAP. Tại Hội nghị Bộ trưởng vào tháng 5 năm 2014, tất cả 21 thành viên APEC bao gồm cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đồng ý thiết lập một nhóm nghiên cứu để thảo luận về hướng phát triển cho FTAAP.
Trung Quốc không hề có ý định phản ứng lại bằng cách thiết lập các FTA đối nghịch để chống lại Hoa Kỳ, do Trung Quốc không chỉ thấy những thách thức mà còn thấy các cơ hội mà TPP có thể mang lại, ví dụ như việc Trung Quốc có thể tận dụng học hỏi những tiêu chuẩn cao của các nước công nghiệp phát triển. Trung Quốc hướng đến việc trở thành một nước phát triển tầm trung vào giữa thế kỷ 21.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Trung Quốc đã thiết lập khu vực Tự do Thương mại Thượng Hải năm 2013 với sự ủng hộ của Thủ tướng Lý Khắc Cường. Khu vực Thương mại này ra đời nhằm lĩnh hội và áp dụng các tiêu chuẩn và quy định quốc tế mới giống như trong TPP và triển khai tự do hóa đơn phương và các cải cách độc lập. Một mặt, bằng cách chỉ áp dụng mức độ tự do hóa sâu hơn và các tiêu chuẩn cao hơn vào một khu vực cố định, thử nghiệm này có thể (giúp Trung Quốc) kiểm soát các tác động và tránh gián đoạn kinh tế và xã hội quy mô lớn. Mặt khác, nó sẽ giúp Trung Quốc chuẩn bị các bước cần thiết để tham gia vào TPP trong tương lai.
Các quốc gia đều có quyền đàm phán các FTA rộng lớn, được thúc đẩy bởi những mối quan tâm khác về địa chính trị, kinh tế và thương mại của riêng mình.
Tuy nhiên, bản thân những cuộc đàm phán về các FTA rộng lớn này có hai vấn đề nghiêm trọng. Trước hết, các cuộc đàm phán sẽ tiêu tốn các nguồn lực chính trị và tài chính to lớn mà đáng lẽ ra nó phải được sử dụng để kết thúc vòng đàm phán Doha. Thứ hai, các cuộc đàm phán này không giải quyết các vấn đề nhạy cảm nhưng rất hệ trọng đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế toàn cầu, ví dụ như hỗ trợ và trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp trong nước, trợ cấp thủy sản và các quy định về chống bán phá giá.
Chính vì lý do đó, Trung Quốc, Hoa Kỳ và các nền kinh tế lớn khác có thể và nên chú trọng hơn vào công việc tái tham gia vào WTO. Thỏa thuận đa phương là khuôn khổ pháp lý hiệu quả nhất hiện có để đảm bảo một môi trường thương mại không phân biệt đối xử giữa tất cả các thành viên, đặc biệt là đối với những nhóm nước nhỏ và nghèo nhất. Điều quan trọng nhất là phải thúc đẩy toàn cầu hóa toàn diện, mà nếu không có nó, tình trạng nghèo đói tất yếu sẽ dẫn đến khủng bố và tội phạm.
Thỏa thuận thương mại Bali Package mà tất cả các thành viên WTO đồng ý vào tháng 12 năm 2013 đã mở ra hi vọng cho các cuộc đàm phán đa phương. Tại Bali, các thành viên cũng đã hứa hẹn cùng nhau thiết lập nên một chương trình hậu-Bali vào cuối năm 2014 với mục tiêu kết thúc vòng đàm phán Doha.
Thời hạn này đã gần kề. Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Obama gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh vào tháng Mười một (hoặc sớm hơn) năm nay, họ không nên tập trung vào TPP hay FTAAP. Thay vào đó, cả hai cần phải cùng thể hiện vai trò lãnh đạo, sự can dự và cam kết chung để kết thúc vòng đàm phán Doha, bởi đây chính là những gì mà Châu Á – Thái Bình Dương và phần còn lại của thế giới đang rất cần.
Shuaihua Cheng là Giám đốc điều hành của Trung tâm Quốc tế về Thương mại và Phát triển Bền vững Trung Quốc.
Biên tập: Nguyễn Thị Nhung | Bản gốc tiếng Anh: Yale Global