Tác động từ TPP và ứng phó của Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

china-us-flag

Tác giả: Nguyễn Tăng Nghị

Trong những năm gần đây, Mỹ cùng với các nước đã tiến hành rất nhiều vòng đàm phán và đã đạt được thoả thuận cuối cùng cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào tháng 10 năm 2015.  Rất nhanh chóng, TPP đã trở thành một đề tài nóng và nhận được sự quan tâm rất lớn từ giới học giả trong và ngoài nước. TPP là một trong những Hiệp định có ảnh hưởng nhiều mặt đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong đó có khu vực Đông Á. Việc phân tích chính sách và chiến lược của Hiệp định do Mỹ dẫn dắt là điều cần thiết. Cùng với đó, Trung Quốc ngày càng trỗi dậy một cách mạnh mẽ không chỉ phương diện kinh tế mà còn chính trị và quân sự. Vậy TPP sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với Bắc Kinh? Nó có phải là lực đẩy đẩy Trung Quốc đi xa hơn hay nó sẽ là lực hút đối với Trung Quốc? Và những đối sách của Bắc Kinh sẽ là gì? Tất cả những vấn đề này đáng được chúng ta tìm hiểu, phân tích và đưa ra dự đoán.

Chiến lược TPP trong chính sách của Mỹ

TPP có nguồn gốc từ Hiệp định Hợp tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (Trans – Pacific Strategic Economic Partnership Agreement – còn gọi là P4) – một Hiệp định Thương mại Tự do được ký kết ngày 3 tháng 6 năm 2005, có hiệu lực từ ngày 28 tháng 5 năm 2006 giữa 4 nước Singapore, Chile, New Zealand, Brunei[1]. Tháng 2 năm 2008, Mỹ tuyên bố gia nhập và tiến hành đàm phán dựa trên bộ khung “Hiệp định Quan hệ Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương” và sau đó được đổi tên thành “Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương”[2]. Tháng 11 năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama đề xuất “Kế hoạch mở rộng quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương”. Kể từ đó, TPP đã trở thành trụ cột quan trọng trong Chiến lược “Tái cân bằng” của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương.

TPP đã trải qua 19 Vòng đàm phán chính thức, 04 Phiên họp cấp Bộ trưởng thương mại và hàng chục vòng đàm phán không chính thức cấp kỹ thuật hoặc cấp Trưởng Đoàn đàm phán[3]. Trong thời gian này, các nước như Canada, Mexico, Peru, Australia, Malaysia, Việt Nam, Nhật Bản đã gia nhập và tham gia đàm phán. Phần lớn các điều khoản trong TPP đã được các quốc gia này đi đến thống nhất[4].

Trong đàm phán TPP, Mỹ cố gắng dẫn dắt mọi tình huống theo hướng có lợi cho mình. Có thể nói TPP đã giúp Mỹ mở rộng không gian chính trị đồng thời tăng cường sự hiện diện về nhiều mặt của mình tại châu Á – Thái Bình Dương[5]. Qua đó từng bước can thiệp vào tình hình kinh tế, chính trị và quân sự tại khu vực Đông Á. Việc Mỹ chủ động dẫn dắt trong đàm phán TPP một phần có liên quan mật thiết đến việc tái bố trí chiến lược an ninh quốc gia của mình tại châu Á – Thái Bình Dương. Nó không chỉ là yếu tố tăng cường hợp tác kinh tế, đầu tư thương mại giữa các nước mà còn là thước đo đánh giá chiến lược và tầm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực rộng lớn và đầy tiềm năng này.

Nhìn từ góc độ kinh tế, mục tiêu chủ yếu để Mỹ tham gia đàm phán và cầm trịch TPP là tăng cường liên hệ mật thiết về thương mại kinh tế giữa Mỹ với các nước; tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa vào khu vực này; xây dựng lại một trật tự kinh tế tại châu Á – Thái Bình Dương theo kiểu mới trong đó lấy Mỹ làm trọng tâm; đồng thời tiếp tục duy trì lợi ích của mình tại khu vực có nền kinh tế năng động, tăng trưởng nhanh nhất thế giới[6].

Tăng trưởng kinh tế tại châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là sự phát triển kinh tế tại khu vực Đông Á trong những năm gần đây là rất khả quan. Trong hơn 3 thập kỷ liền, các nền kinh tế khu vực này đã duy trì được sự tăng trưởng hết sức ngoạn mục với mức tăng bình quân hàng năm trên dưới 8%, có thời kỳ lên tới mức 2 con số[7]. Nó đã dần trở thành điểm nóng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Điều này càng khẳng định châu Á – Thái Bình Dương có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế Mỹ và là thị trường xuất khẩu chủ yếu của quốc gia này[8]. Trong những năm gần đây, Các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã nhập khẩu khoảng 60% các sản phẩm về chế tạo công nghiệp, 72% nông sản và 39% về thương mại dịch vụ từ Mỹ[9]. Cựu Ngoại trưởng của Mỹ Bà Hillary Clinton đã từng khẳng định: “tương lai của đất nước Mỹ và khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ trở nên khắn khít hơn, trong tương lai không xa khu vực này nhiều khả năng sẽ lệ thuộc vào Mỹ. Cùng với đó Mỹ mong muốn tiếp tục duy trì vị trí lãnh đạo về chiến lược cũng như kinh tế của mình tại khu vực này. Đồng thời các quốc gia trong vùng cũng mong muốn phát triển mối quan hệ nhiều mặt với Mỹ[10]. Vì vậy TPP đã trở thành một trong những công cụ quan trọng để Mỹ can dự và kiểm soát các cơ chế hợp tác mang tính khu vực từ lâu đã gạt Mỹ qua một bên như cơ chế “ASEAN +1”, “ASEAN +3” và “ASEAN +6”. Có thể nói TPP một trong những chính sách, bước đi rõ ràng nhất của Mỹ trong hợp tác kinh tế tại khu vực, và nó luôn giữ một vị trí vô cùng quan trọng và then chốt[11]. Hiệp định này cũng sẽ là mắt xích quan trọng trong việc bảo vệ và duy trì lợi ích của Mỹ trên phạm vi toàn cầu.

Nhìn từ góc độ chính trị, việc Mỹ tham gia đàm phán và dẫn dặt cuộc chơi TPP còn có một ý nghĩa quan trọng nữa, đó chính là tìm cách can thiệp vào tiến trình xây dựng cộng đồng các nước Đông Á đồng thời thiết lập trật tự mới tại châu Á – Thái Bình Dương trong đó Mỹ giữ vai trò chủ đạo. TPP được xem là công cụ nhằm bảo đảm và duy trì quyền lực của Mỹ tại khu vực này[12]. Vậy đâu là nguyên nhân sâu xa để Mỹ tham gia đàm phán và cầm trịch cuộc chơi TPP? Có hai nguyên nhân có thể phân tích dưới dây:

Thứ nhất, TPP không chỉ thuần túy về thương mại mà nó ý nghĩa chính trị đối với Mỹ. Thông qua TPP, các nước khu vực Đông Á có thể từng bước tiếp nhận và làm quen với một trật tự mới của châu Á – Thái Bình Dương do Mỹ dẫn dắt[13]. Điều đó cũng đồng nghĩa TPP sẽ hạn chế tối đa sức mạnh và ngăn ngừa từ xa Trung Quốc có thể trở thành một cường quốc tại khu vực [14]. Đây có thể được xem là nguyên nhân chủ yếu của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Nếu kịch bản các nước Đông Á tiếp nhận cuộc chơi do Mỹ dẫn dắt, nghĩa là Mỹ đã nắm được quyền chủ đạo cả khu vực. Khi đó khả năng các quốc gia trong vùng ngày càng phụ thuộc vào Mỹ là rất cao. Điều này sẽ càng làm gia tăng quyền lực và sự chi phối của Washington tại châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Đông Á nói riêng[15].

Thứ hai, TPP còn được xem là một trong những công cụ nhằm hiện thực hóa chiến lược “Tái cân bằng” của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương. Hiệp định này sẽ giúp Mỹ và các nước trong khu vực đặc biệt là Đông Á thắt chặt và xích lại gần nhau hơn. TPP hy vọng sẽ thúc đẩy hợp tác toàn diện từ ngoại giao đến kinh tế, chính trị và an ninh với các quốc gia trong vùng. Đây chính là nền tảng vững chắc trong việc triển khai chiến lược “Tái cân bằng” của Mỹ trong thời gian tới. Mục tiêu của TPP còn có một ý nghĩa đặc biệt khác đó chính là bảo vệ sức ảnh hưởng của mình tại khu vực Đông Á[16] mà Mỹ đã “lãng quên” hoặc không đánh giá đúng tầm quan trọng của nó.

Tóm lại, việc Mỹ “cầm trịch” TPP có ý nghĩa kinh tế lẫn chính trị. Một mặt Mỹ tăng cường thương mại, đầu tư hợp tác với các quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhằm tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới cho mình. Từng bước xác lập lại sức ảnh hưởng về kinh tế cũng như quyền lực mềm của mình tại khu vực[17]. Trong phân tích các dự báo mới đây cho thấy TPP có thể nâng tổng kích cỡ nền kinh tế Mỹ lên thêm 0,5% vào năm 2030 so với nếu không có TPP[18]. Đồng thời các nước sẽ tìm đến Mỹ như một miền đất hứa trong xuất khẩu hàng hóa của mình ví dụ như Việt Nam, Malaysia và Nhật Bản. Từng bước làm giảm bớt sức ảnh hưởng và phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc. Ngoài ra TPP còn được xem như là công cụ nhằm thực thi chiến lược “Tái cân bằng” của Mỹ. Qua đó khẳng định hình ảnh, vị thế của mình tại khu vực vốn bị xem nhẹ trong suốt thời gian dài của Mỹ. Đây cũng là cách mà Mỹ thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của mình đối với các đồng minh.

Những ảnh hưởng của Hiệp định TPP đối với Trung Quốc

TPP là một cơ chế hợp tác đa phương mang tính khu vực đang dần được hình thành và sẽ là trật tự mới mà trong hợp tác kinh tế ở châu Á – Thái Bình Dương nhiều khả năng phải đối mặt. Những ảnh hưởng của nó đối với quá trình phát triển quan hệ kinh tế, chính trị tại khu vực được bàn thảo rất nhiều. Là một cường quốc trong khu vực, Trung Quốc trỗi dậy một cách mạnh mẽ và giữ một vị trí quan trọng trong khu vực. Việc TPP có ảnh hưởng đến Trung Quốc hay không và ảnh hưởng như thế nào cũng đáng được quan tâm và cần phân tích một cách kỹ càng.

Nhìn từ góc độ kinh tế, Mỹ và ASEAN đều là đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc. Bên cạnh đó, khu vực châu Á – Thái Bình Dương luôn có một vị trí và ý nghĩa rất lớn đến quá trình phát triển Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ hoàn toàn không kêu gọi Trung Quốc tham gia vào quá trình xây dựng và đàm phán TPP. Vô hình trung đẩy Trung Quốc ra ngoài cuộc chơi do các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương xây dựng. Vì vậy sau khi Hiệp định này chính thức được thông qua và có hiệu lực, tất cả hiệu ứng chuyển dịch thương mại sản xuất, chuyển giao công nghệ, nông sản …v…v… sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc. Một trong những ảnh hưởng tiêu cực và dễ dàng thấy là Mỹ và các nước có liên quan sẽ chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu của Trung Quốc. Điều đó sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc vốn dĩ dựa vào xuất khẩu bị sụt giảm, vị thế và tầm ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc sẽ bị lung lay.

Sau khi cải cách mở cửa, phát triển kinh tế đối ngoại đã trở thành sứ mệnh quan trọng nhằm “vực dậy” nền kinh tế Trung Quốc vốn dĩ kiệt quê sau 10 năm Cách mạng Văn hóa. Kinh tế đối ngoại giữ vị trí quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế Trung Quốc nói chung. Châu Á – Thái Bình Dương được xem là địa bàn, là nơi mà Trung Quốc thực hiện chính sách “đi ra ngoài” tương đối hiệu quả.  Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia Đông Á chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc. Trong đó Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai và ASEAN giữ vị trí thứ ba của Trung Quốc[19]. Vì vậy nếu kết luận châu Á – Thái Bình Dương có ý nghĩa then chốt đối với sự phát triển kinh tế và thương mại hàng hóa của Trung Quốc không có gì là sai cả. Mặt khác, khi TPP chính thức có hiệu lực thì nhiều khả năng trật tự kinh tế thương mại tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ thay đổi đáng kể. Mỹ sẽ nhập khẩu hàng hóa từ các thành viên trong khối TPP thay vì từ Trung Quốc. Các nước quốc gia thành viên sẽ tìm cách chuyển dần từ đối tác thương mại lớn và chủ yếu là Trung Quốc sang Mỹ và các thành viên khác. Các quốc gia thành viên trong khối TPP sẽ có thêm nhiều lựa chọn để xuất nhập khẩu hàng hóa của mình với mức thuế ưu đãi nhất định. Một số học giả Trung Quốc cho rằng sự hình thành cũng như những quy định của TPP sẽ kiến Trung Quốc đối mặt với môi trường cạnh tranh thiếu công bằng ngay tại sân chơi của mình[20].

Ngoài ra TPP sẽ tác động tiêu cực đến quá trình triển khai mạng lưới Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Trung Quốc với các nước. Có thể nói chiến lược thành lập khu thương mại tự do đã trở thành công cụ quan trọng giúp Trung Quốc đi sâu trong hợp tác kinh tế mang tính khu vực và liên khu vực[21]. Hiện tại một số quốc gia vừa tham gia TPP vừa ký kết FTA với Trung Quốc bao gồm Singapore, New Zealand, Chile, Peru;  Australia đang tiến hành đàm phán và sẽ ký trong tương lai[22]. Một khi TPP phát triển và đi vào ổn định thì việc xây dựng các khu thương mại tự do của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức rất lớn. Một khi các quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương có được liên hệ mật thiết cả về kinh tế lẫn chính trị với Mỹ khi đó vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ ngày một giảm đáng kể. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả cũng như tiến trình đàm phán các FTA giữa Trung Quốc với các nước. Cụ thể là các nước đã tham gia vào TPP nhưng lại đang tiến hành đàm phán FTA với Trung Quốc sẽ áp dụng triệt để các quy định và bộ tiêu chuẩn mới của TPP nhằm áp đặt Trung Quốc theo hướng có lợi cho mình. Các quốc gia chưa ký FTA với Trung Quốc sẽ cân nhắc lựa chọn TPP hay FTA với Trung Quốc. Tất cả những điều này sẽ là vật cả trên con đường xây dựng hệ thống FTA của Trung Quốc với các nước trong khu vực.

Nhìn từ góc độ chính trị, Mỹ xem TPP là bàn đạp nhằm xích lại và tăng cường sợi dây liên kết kinh tế với các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đồng thời thông qua TPP, Mỹ từng bước khẳng định sẽ liên hệ mật thiết về mặt chính trị với các quốc gia trong vùng[23].  Mỹ đã dùng cơ chế đa phương để can dự vào các vấn đề liên quan đến chính trị và kinh tế khu vực. Đây được xem là một trong những tiêu chí quan trọng và là bản chất của Mỹ khi tham gia đàm phán và “cầm trịch” TPP.  Ngoài ra Mỹ sẽ tìm cách chia rẻ những hợp tác về kinh tế, chính trị giữa Trung Quốc với các nước, từ đó hạn chế tối đa sức ảnh hưởng cũng như những chiến lược mà Trung Quốc đang đeo đuổi[24].

Bất chấp sự can thiệp cũng như chính sách kiềm hãm của Mỹ, nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển ấn tượng trong nhiều năm qua. Tăng trương GDP bình quân hàng năm 9,8% là một thành tựu to lớn. Nhật Bản và “4 con rồng châu Á” (Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Công, Singapore) sau Chiến tranh thế giới thứ hai cũng đã có chu kỳ tăng trưởng kinh tế cao kéo dài nhưng không đạt tới thời gian dài 30 năm như Trung Quốc[25]. Trung Quốc tích cực tham gia và phát huy vai trò của mình tại khu vực ngày một rõ, trong đó vấn đề Bán đảo Triều Tiên là một ví dụ. Điều đó cho chúng ta thấy rằng Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng Đông Á[26]. Các cơ chế hợp tác mang tính khu vực như “ASEAN+1”, “ASEAN+3” và “ASEAN+6” đang cho thấy tính hiệu quả. Thông qua các cơ chế hợp tác này, quan hệ hợp tác đa phương giữa các nước Đông Á đã phát triển nhanh chóng và toàn diện[27].

Đối với Mỹ, việc hình thành và phát triển Cộng đồng Đông Á đồng nghĩa ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ không ngừng được củng cố và nâng tầm. Nhiều năm qua, Trung Quốc đã rót vào lượng tiền lớn chưa từng có trong lịch sử: 50 tỷ USD cho Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á, 41 tỷ USD cho Ngân hàng Phát triển mới, 40 USD tỷ cho vành đai kinh tế Con đường tơ lụa, và 25 tỷ USD cho Con đường tơ lụa trên biển. Bắc Kinh cũng đã cam kết sẽ đầu tư 1250 tỷ USD trên toàn thế giới vào năm 2025[28]. Nếu Mỹ không nhanh chóng tìm cách can dự hay tham gia vào quá trình hợp tác kinh tế tại châu Á – Thái Bình Dương thì lợi ích kinh tế, chính trị của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Điều này sẽ uy hiếp trực tiếp đến vị trí lãnh đạo của Washington không chỉ ở khu vực mà còn trên thế giới. Nhằm hạn chế tối đa kịch bản này xảy ra, Mỹ đã tuyên bố thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ Thái Bình Dương của người Mỹ. Qua TPP, Mỹ sẽ can dự vào các vấn đề liên quan đến châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Đông Á nói riêng. Mỹ cố gắng xây dựng cơ chế mới trong hợp tác khu vực đồng thời tăng cường củng cố mối quan hệ với các đồng minh của mình. Mỹ sẽ tìm đủ mọi cách để hạn chế khả năng hình thành Cộng đồng Đông Á theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Ngoài ra Washington dùng sức hấp dẫn của nền kinh tế và thể chế chính trị của mình để can thiệp vào tiến trình hợp tác giữa Trung Quốc với các quốc gia trong vùng, tìm cách làm tiêu hao sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực xuống mức thấp nhất[29].

Trung Quốc vẫn đứng ngoài TPP, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế lẫn chính trị đối với Trung Quốc. Sự phát triển và mở rộng của TPP sẽ lấy đi thị trường xuất khẩu của Trung Quốc, đảo lộn các chính sách kinh tế trong đó rõ nhất là hệ thống FTA giữa Trung Quốc với các quốc gia trong vùng. Ngoài ra, TPP sẽ là gọng kiềm kiềm hãm vai trò và sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực. Đứng trước quá nhiều thách thức như đã phân tích, Trung Quốc sẽ lựa chọn chính sách như thế nào?

Đối sách của Trung Quốc

Sau thế chiến thứ hai, Mỹ đã can thiệp vào nhiều vấn đề của châu Á từ kinh tế, chính trị đến quân sự. Từng bước phát huy sức ảnh hưởng của mình tại châu Á – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Mỹ còn xây dựng hệ thống đồng minh tại khu vực này và biến nó thành những căn cứ chính trị của mình nhằm phát huy tối đa sức mạnh trên phạm vi toàn cầu. Kinh tế Trung Quốc trong ba thập kỷ trở lại đây không ngừng phát triển. Tiếng nói và tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ngày càng lớn đối với các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Việc Mỹ đã và đang đạo diễn luật chơi mới thông qua TPP nhằm mục đích kiềm hãm chính sách của Trung Quốc. Điều này sẽ kiến cho việc hợp tác kinh tế, thương mại giữa các quốc gia trong khu vực với Trung Quốc trở nên phức tạp và khó khăn hơn[30].

Trung Quốc buộc phải đưa ra những lựa chọn của mình. Kịch bản đầu tiên, Trung Quốc quyết không đi theo những gì mà Hoa Kỳ đã vẽ sẵn, mà vẫn tiếp tục đi theo con đường đã chọn cho mình – Xây dựng Cộng đồng Đông Á. Khi đó, kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng rất nhiều như đã phân tích trên. Trung Quốc sẽ mất dần thị trường xuất khẩu về tay Mỹ, đồng thời hệ thống FTA của Trung Quốc với các nước chưa được đàm phán và ký kết sẽ gian nan hơn. Kịch bản thứ hai nếu tham gia thì Trung Quốc sẽ chuyển từ thế bị động sang chủ động, hóa giải được những ảnh hưởng bất lợi do TPP mang lại. Khi ấy Trung Quốc sẽ có thể mở rộng không gian để triển khai các chính sách riêng của mình kết hợp với các ưu đãi từ Hiệp định này. Dưới đây là số khả năng Trung Quốc có thể sẽ thực hiện trong thời gian tới.

Thứ nhất, thông qua quá trình đàm phán và gia nhập TPP, Trung Quốc sẽ tìm cách tác động đến chính trị cũng như tuyên truyền về lợi ích của việc hợp tác khu vực và hình thành Cộng đồng Đông Á. Trung Quốc sẽ tận dụng tối đa vai trò của một thành viên của TPP để thúc đẩy tiến trình tự do hóa thương mại ở khu vực – điều mà Bắc Kinh đeo đuổi lâu nay. Từng bước khẳng định lập trường, quan điểm chính sách của mình trong hợp tác kinh tế khu vực. Qua nhiều năm nỗ lực, hợp tác kinh tế Đông Á cơ bản đã gặt hái được những tiến triển tích cực, tuy nhiên nó vẫn chưa tương xứng với vị thế và mong mỏi của các nước trong khu vực. Do những nguyên nhân liên quan đến chính trị, lịch sử …v..v… hợp tác Đông Á vẫn chưa đạt đến trình độ nhất thể hóa khu vực (integration). Rất nhiều hình thức hợp tác song phương và những cơ chế hợp khu vực đã được triển khai, tuy nhiên kết quả như mong đợi vẫn là thứ xa xỉ. Vì vậy xây dựng một cơ chế hợp tác kinh tế khu vực mang tính thống nhất là điều mà các quốc gia trong vùng luôn mong đợi. TPP có thể sẽ mang lại một cơ hội hợp tác mang tính lịch sử cho khu vực, nó có thể điều chỉnh lại các cơ chế tự do thương mại khu vực mà vẫn bảo đảm được tiêu chí phát triển của TPP. Là một quốc gia trọng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc sẽ tận dụng tối đa cơ hội này để gia nhập TPP. Cùng với đó, Trung Quốc có thể tiếp tục phát huy sức mạnh kinh tế của mình đồng thời vẫn duy trì được sự hiện diện và tẩm ảnh hưởng tại khu vực[31].

Thứ hai, nếu gia nhập TPP đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ tăng cường mối quan hệ nhiều mặt đối với Mỹ. Tận dung vai trò chủ đạo cũng như tiếng nói của Mỹ đối với các quốc gia thành viên, cùng với đó mối quan hệ Trung – Mỹ luôn được xem là một trong những cặp quan hệ song phương quan trọng bậc nhất hiện nay. Cả Trung Quốc và Mỹ sẽ tìm cách xích lại gần nhau hơn trong hợp tác khu vực, trong đó Trung Quốc có thể là nước chủ động và xuống nước. Nếu Trung Quốc gia nhập TPP, các cơ chế hợp tác tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương như “ASEAN +3” ,“ASEAN +6” nhiều khả năng sẽ bị TPP dần thay thế và dẫn dắt[32].

Thứ ba, gia nhập TPP Trung Quốc sẽ tận dụng tối đa các tiêu chuẩn thương mại mới này để đẩy mạnh tiến trình cải cách toàn diện của mình. Sự nghiệp cải cách mở của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn chín mùi. Gần 40 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc luôn ở mức rất cao. Cùng với sự phát triển, Trung Quốc phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như bảo vệ môi trường, mua sắm chính phủ, quản lý lao động….TPP sẽ là chìa khóa giúp Trung Quốc tháo gỡ những khó khăn, thách thức này. Thông qua các điều khoản về bảo vệ môi trường cũng như quản lý doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ của TPP, Trung Quốc sẽ từng bước điều chỉnh các những mặt hạn chế, yếu kém của mình. Điều đó cho thấy TPP rất có thể sẽ giúp tiến trình cải cách của Trung Quốc trở nên xuôi chèo mát mái hơn trong thời gian tới.

Kết luận

Dưới sự dẫn dặt của Mỹ và sự nỗ lực của các quốc gia thành viên, TPP đã được thông qua vào tháng 10 năm 2015. Mỹ đã cố tình không muốn Trung Quốc tham gia vào quá trình đàm phán. Một mặt Mỹ muốn các quy định mới này phải được viết theo hướng hoàn toàn mới, có lợi cho cho mình. Mặt khác nếu Trung Quốc tham gia đàm phán sẽ khiến Mỹ lúng túng trong vấn đề hợp tác tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên suốt thời gian vừa qua, chúng ta có thể thấy Trung Quốc đã chủ động bày tỏ mong muốn được gia nhập tổ chức này bởi:

Thứ nhất nếu không tham gia TPP, Trung Quốc sẽ xem như ở ngoài cuộc chơi, chẳng những không có cơ hội phát huy những ảnh hưởng của mình mà ngược lại Bắc Kinh sẽ phải mất đi nhiều thứ cả về kinh tế lẫn chính trị. Các nước trong khu vực sẽ nghiêng về kinh tế và ngày càng phụ thuộc vào Mỹ. Khi đó Mỹ sẽ danh chính ngôn thuận can thiệp vào mọi vấn đề của khu vực, tìm cách kiềm hãm sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đến mức tối đa.

Thứ hai nếu tham gia TPP Trung Quốc sẽ chuyển từ thế bị động sang chủ động. Chí ít Bắc Kinh sẽ cùng với các quốc gia trong vùng tạo thế chân vạc nhằm hạn chế sức mạnh độc tôn và sự thao túng của Mỹ[33]. Vì thế có thể kết luận rằng, việc Trung Quốc tham gia TPP chỉ còn là vấn đề thời gian. Việc Trung Quốc gia nhập TPP không chỉ có lợi cho Mỹ mà còn có lợi cho các nước trong khu vực. Bởi Trung Quốc xưa nay vốn được xem là công xưởng của thế giới. Đồng thời với dân số 1.3 tỷ, đây cũng sẽ là một thị trường lý tưởng để các nước thành viên TPP có thể tiêu thụ hàng hóa đặc trưng của mình tại quốc gia này. Tuy nhiên liệu đại bàng của Mỹ có se duyên được với rồng Trung Quốc hay không? Tất cả đang còn ở phía trước và cần thời gian để chúng ta tiếp tục quan sát và đưa ra những dự báo của mình.

Nguyễn Tăng Nghị là giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, và là Nghiên cứu sinh Học viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc.

Bài viết được đăng lần đầu với tựa đề “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương: Tác động và những vấn đề đặt ra đối với Trung Quốc” trên tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số tháng 5/2016.

———————–

[1]  http://www.trungtamwto.vn/trang/lich-su-hinh-thanh-va-dien-bien-dam-phan-tpp

[2] 邓海清, 从政治视角浅析美国的TPP霸权战略, 太平洋学报,  2013年第5期:(Đặng Hải Thanh, Chiến lược bá quyền TPP của Mỹ dưới góc độ chính trị, Tạp chí Thái Bình Dương, (Trung Quốc) số 5 năm 2013).

[3] http://www.trungtamwto.vn/tpp/cap-nhat-tinh-hinh-dam-phan-chung-tpp-den-thang-52015

[4] Chunding Li and John Whalley, China and the Trans-Pacific Partnership: A Numerical Simulation Assessment of the Effects Involved [J]. The World Economy, Vol.37, No.2, 2014.

[5] Christopher M. Dent, Paths ahead for East Asia and Asia-Pacific Regionalism [J]. International Affairs, Vol.89, No.4, 2013.

[6] Đặng Hải Thanh (Trung Quốc), Sđd.

[7]TS. Phạm Quốc Trụ, “Đầu tàu Đông Á”, truy cập ngày 31/3/2016, nguồn tại: http://tgvn.com.vn/so-184-dau-tau-dong-a-11177.html

[8] 舒建中, 跨太平伙伴关系协定:美国的意图与中国的选择,南京政治学院学报,2014年第4期. (Thư Kiến Trung, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương – Ý đồ của Mỹ và những chọn lựa của Trung Quốc, Tạp chí Học viên Chính trị Nam Kinh (Trung Quốc) số 4 năm 2014).

[9] Đặng Hải Thanh (Trung Quốc), Sđd.

[10] Hillary Clinton, Remarks on Regional Architecture in Asia: Principles and Priorities, January 12, 2010, http://www.state.gov/secretary/20092013clinton/rm/2010/01/135090.htm

[11] Ashley J. Tellis, Balancing without Containment: A U.S. Strategy for Confronting China’ s Rise [J]. The Washington Quarterly, Vol.36, No.4, 2013.

[12] Mireya Solis, The Trans-Pacific Partnership: Can the United States Lead the Way in Asia-Pacific Integration [J]. Pacific Focus, Vol.27, No.3, 2012.

[13] Jinsoo Park, Regional Leadership Dynamics and the Evolution of East Asian Regionalism [J]. Pacific Focus, Vol.27, No.2, 2012

[14] Anthony Rowley, What the TPP Is Really About , Business Times ( Singapore), February 2, 2011.

[15] Doug Stokes and Richard G, Whitman, Transatlantic Triage? European and UK “Grand Strategy” after the US Rebalance to Asia [J]. International Affairs, Vol.89, No.5, 2013.

[16] 孙溯源, 美国TPP战略的三重效应, 当代亚太 2013年第3期, (Tôn Tô Nguyên, Ba chính sách quan trọng trong chiến lược TPP của Mỹ, Tạp chí Châu Á Đương đại (Trung Quốc) số 3 năm 2013.

[17] Ma JingJing , TPP Reflects the United States’ Asia Complex,  International Understanding, No.1, 2011, pp. 25-26.

[18] Nguyễn Quỳnh Chi dịch, hiệu đính Lê Hồng Hiệp, “Hiệp định TPP có lợi cho nước Mỹ không?” Truy cập ngày 21/3/2016 tại:  https://nghiencuuquocte.org/2016/02/25/hiep-dinh-tpp-co-loi-cho-nuoc-my-khong/

[19] Thư Kiến Trung (Trung Quốc), Sđd.

[20] 沈铭辉, 跨太平洋伙伴关系协议(TPP)的成本收益分析: 中国的视角,当代亚太,2012 年第1期: (Thẩm Minh Huy, Phân tích những lợi ích cơ bản của Hiệp định TPP dưới góc độ Trung Quốc, Tạp chí Châu Á Đương đại (Trung Quốc) số 1 năm 2012).

[21]  金中夏, 张薇薇, TPP对中国的挑战即中国的选择,外交经济与管理,2014年第6期, (Kim Trung Hạ, Trương Vi Vi, TPP những lựa chọn và thách thức đối với Trung Quốc, Tạp chí Quản lý Kinh tế Ngoại giao (Trung Quốc)  số 6 năm 2014).

[22] Thư Kiến Trung (Trung Quốc), Sđd.

[23] 熊李力, 参与还是回避:TPP机制的发展与中国的区域战略反应,当代世界与社会主义, 2015年第1期, (Hùng Lý Lực,  Tham gia hay trở lại – Phát triển cơ chế TPP và phản ảnh chiến lược khu vực của Trung Quốc, Tạp chí Xã hội và Thế giới Đương đại (Trung Quốc) số 1 năm 2015).

[24] Ann Capling and John Ravenhill, Multilateralising Regionalism: What Role for the Trans-Pacific Partnership Agreement [J]. The Pacific Review, Vol.24, No.5, 2011.

[25] Nguyễn Huy Quý, “Kinh tế Trung Quốc trong quá trình chuyển đổi phương thức phát triển hiện nay”,  Tạp chí Cộng sản, truy cập ngày 30/3/2016 nguồn tại:  http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/The-gioi-van-de-su-kien/2015/35662/Kinh-te-Trung-Quoc-trong-qua-trinh-chuyen-doi-phuong-thuc-phat.aspx

[26] Nick Bisley, East Asia’s Changing Regional Architecture: Toward an East Asia Economic Community, In Public Affairs,Vol.80 , No.4, Win. 2007, pp. 603-625.

[27] Nguyễn Thu Mỹ, “Hợp tác ASEAN + 3 – Thành tựu sau hơn 10 năm phát triển”, Tạp chí Cộng sản, truy cập ngày 26/3/2016 tại: http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/The-gioi-van-de-su-kien/2007/1956/Hop-tac-ASEAN-3-thanh-tuu-sau-hon-10-nam-phat.aspx

[28] https://www.foreignaffairs.com/articles/china/2015-06-16/china-s-soft-power-push

[29] 高程, 从规则视角看美国重构国际秩序的战略调整, 世界经济与政治,2013年第12期, (Cao Trình, Điều chỉnh chiến lược trật tự thế giới của Mỹ nhìn từ góc độ quy tắc, Tạp chí Chính trị và Kinh tế Thế giới (Trung Quốc) số 12 năm 2013.

[30] Thư Kiến Trung (Trung Quốc), Sđd.

[31] Hùng Lý Lực (Trung Quốc), Sđd.

[32] Hùng Lý Lực (Trung Quốc), Sđd.

[33] Thẩm Danh Huy (Trung Quốc) , sdt.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]