Tại sao người Trung Đông ít tin tưởng nhau?

Print Friendly, PDF & Email

middleeastpp1

Nguồn: Timur Kuran, “The Roots of Middle East Mistrust”, Project Syndicate, 08/07/2016

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Thật khó mà không nhận ra những ngờ vực đang lan tỏa khắp Trung Đông. Nhiều thí nghiệm có kiểm soát đã cho thấy: người Ả Rập có rất ít niềm tin vào người lạ, ở cả trong và ngoài nước, ít hơn rất nhiều so với người châu Âu chẳng hạn. Điều này cản trở sự tiến bộ trên nhiều mặt, từ phát triển kinh tế đến cải cách chính phủ.

Các xã hội có niềm tin thấp thường ít tham gia vào thương mại quốc tế và thu hút đầu tư cũng giảm. Và, quả thật, theo tổ chức World Values Survey cũng như các nghiên cứu có liên quan, sự tin tưởng giữa các cá nhân ở Trung Đông đã xuống thấp tới mức làm hạn chế giao dịch thương mại, chỉ còn lại giao dịch giữa những người đã biết nhau từ trước, hoặc là giao dịch thông qua người quen. Cũng vì thiếu lòng tin, người Ả Rập thường bỏ qua nhiều cơ hội kinh doanh béo bở nhờ vào các hoạt động trao đổi.

Tương tự, trong khi giao dịch với các thể chế công quyền, người Ả Rập có xu hướng tìm kiếm một người trung gian mà họ có quen biết. Một trong các hậu quả của điều đó là khiến các tổ chức này hoạt động không công bằng, hay làm giảm tính hiệu quả của chúng.

Rõ ràng cần phải giải quyết tình trạng thiếu tin tưởng ở Trung Đông. Và bước đầu tiên là phải hiểu nguyên nhân của nó.

Một đầu mối quan trọng là sự khác biệt giữa nhận thức của người Hồi giáo và người Thiên Chúa giáo. Dù không có số liệu chính thức nào, nhưng ở phần lớn Trung Đông hiện nay, số lượng người Thiên Chúa giáo là quá ít để có thể tiến hành các so sánh thống kê có ý nghĩa. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng ngẫu nhiên cho thấy rằng người mua hàng, thương nhân và nhà đầu tư trong khu vực lại cho rằng người Thiên Chúa giáo đáng tin hơn người Hồi giáo. “Luôn luôn là như vậy”, họ nói. Nghiên cứu mà tôi và nhà sử học kinh tế Jared Rubin thực hiện – xem xét các bút lục của tòa án Hồi giáo tại Istanbul vào thế kỷ 17, 18 – có thể lý giải nguyên nhân của tình trạng trên.

Tại thời điểm đó, Istanbul là một thành phố quốc tế; với khoảng 35% cư dân địa phương là người Thiên Chúa giáo, và 6% là người Do Thái. Theo Luật Hồi giáo (Sharia), người Hồi giáo phải kinh doanh theo quy định của đạo Hồi, và nếu họ muốn đưa các tranh chấp ra tòa, họ buộc phải sử dụng một tòa án Hồi giáo. Về phần mình, người Thiên Chúa giáo và người Do Thái cũng có thể kinh doanh theo quy định riêng của họ, nhưng họ cũng được tự do tuân theo luật Hồi giáo và sử dụng tòa án Hồi giáo nếu muốn. Nhưng, tất nhiên, nếu họ tham gia vào một vụ kiện chống lại một người Hồi giáo, nó sẽ phải được thụ lý bởi một tòa án Hồi giáo.

Khi một người theo đạo Hồi và một người không theo đạo Hồi ở về hai bên khác nhau trong một vụ kiện thì người theo đạo Hồi sẽ có lợi thế đáng kể. Đầu tiên, các thẩm phán đã được đào tạo theo hướng không buộc tội người Hồi giáo đồng đạo. Thứ hai, các nhân viên tòa án đều là người Hồi giáo, điều đó có nghĩa là mọi lời khai sẽ chỉ được xem xét trên quan điểm của đạo Hồi. Thứ ba, trong khi người Hồi giáo có thể làm chứng chống lại bất cứ ai, người Thiên Chúa giáo và người Do Thái giáo lại chỉ có thể làm chứng chống lại một người không theo đạo Hồi khác.

Nhưng những lợi thế này có một nhược điểm. Bởi vì hệ thống pháp luật đã tạo điều kiện để người Hồi giáo dễ vi phạm hợp đồng hơn nhưng lại không bị trừng phạt, họ đã thường xuyên quỵt nợ và không thực hiện nghĩa vụ của mình trên cương vị đối tác kinh doanh và người bán hàng. Trong khi đó, người không theo đạo Hồi – những người buộc phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình – lại giành được uy tín ngày một cao. Để phản ánh sự khác biệt trong nhận thức về rủi ro này, những người cho vay, chủ yếu là người Hồi giáo, đã tính lãi vay cho người Thiên Chúa giáo và Do Thái là 15%, thấp hơn mức 17% dành cho người Hồi giáo.

Vậy thì có vẻ nhận thức về sự tin cậy trong thế giới Ả Rập bắt nguồn, ít nhất là một phần nào đó, từ việc thực thi không đồng đều các cam kết theo luật Hồi giáo. Sự khác biệt tôn giáo trong thực thi pháp luật không kéo dài. Vào giữa thế kỷ 19, tòa án Hồi giáo đã được thay thế bởi các tòa án về cơ bản là thế tục, ít nhất là về mặt thương mại và tài chính. Từ đó trở đi, việc thực thi các cam kết trở nên công bằng hơn [giữa các tôn giáo].

Thế nhưng, số người không theo đạo Hồi ở các nước Hồi giáo chiếm đa số tại Trung Đông đã giảm đáng kể do di cư và trao đổi dân số. Kết quả là, rất ít người Hồi giáo vùng Trung Đông có kinh nghiệm làm ăn với những người không theo đạo Hồi. Tuy nhiên, chuyện người Hồi giáo không đáng tin vẫn tiếp tục được lưu truyền qua các gia đình và các mạng lưới quan hệ. Thói quen vi phạm hợp đồng cũng tiếp diễn và củng cố thêm những định kiến trước đây. Xu hướng  chỉ giao dịch với bạn bè và những người quen biết là một phản ứng tự nhiên trong môi trường có độ tin cậy thấp.

Thật trớ trêu khi những định kiến tai hại đó lại xuất phát từ một hệ thống pháp lý rõ ràng nhằm tạo lợi thế cho người Hồi giáo (vốn áp đảo về mặt quân sự lẫn chính trị) trong quan hệ xã hội và quan hệ kinh tế với người Thiên Chúa giáo và người Do Thái. Ngoài việc làm tăng chi phí giao dịch kinh tế giữa những người Hồi giáo vào thời điểm đó, các quy định nhằm hạn chế tự do tôn giáo – từ chối quyền tự do “lựa chọn pháp luật” đối với người Hồi giáo và hạn chế quyền làm chứng của những người không theo đạo Hồi – còn tạo nên một “nền văn hóa của sự mất lòng tin”, vốn đang cản trở sự tiến bộ trong các lĩnh vực khác nhau. Luật Hồi giáo do đó lại làm suy yếu các cộng đồng Hồi giáo vốn dĩ nó được thiết kế để bảo vệ.

Vào thời điểm mà nhiều phong trào chính trị đang tìm cách tái áp dụng Luật Sharia, việc hiểu được những hậu quả lâu dài mà điều đó gây ra lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Những gì Trung Đông cần ngay hôm nay không phải là luật Hồi giáo, mà là những nỗ lực trên nhiều mặt để xây dựng lại lòng tin trong cộng đồng và trong các tổ chức tư nhân và chính phủ. Làm sống lại luật Hồi giáo sẽ chỉ làm sâu sắc thêm sự thiếu hụt lòng tin, vốn là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến những thất bại về kinh tế và chính trị hiện nay ở Trung Đông.

Timur Kuran là Giáo sư Kinh tế và Khoa học Chính trị tại Đại học Duke và là tác giả cuốn The Long Divergence: How Islamic Law Held Back the Middle East.