Bi kịch đổi đất lấy viện trợ của Ai Cập

Print Friendly, PDF & Email

aca

Nguồn: Barak Barfi, “Egypt for Sale”, Project Syndicate, 15/04/2016.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Trong chuyến thăm Ai Cập hồi tuần trước của Vua Ả Rập Saudi Salman, hai nước đã ký kết 22 thỏa thuận, trong đó có một thỏa thuận dầu khí trị giá 22 tỷ USD nhằm vực dậy nền kinh tế đang hấp hối của Ai Cập. Nhưng sự trợ giúp hào phóng nào cũng có cái giá của nó: Ai Cập đã phải trả hai hòn đảo trên Biển Đỏ mà Ả Rập Saudi đã nhượng lại cho nước này vào năm 1950. Động thái này đã vạch trần luận điệu của giới lãnh đạo Ai Cập, rằng nước này vẫn là một cường quốc khu vực, chỉ là một lời nói dối. Thật vậy, Ai Cập thậm chí còn không thể xử lý được những thách thức trong nước, do dân số phát triển quá nhanh và phụ thuộc vào nguồn trợ cấp mà chính phủ không có khả năng chi trả. Đây là tình thế mà các phần tử thánh chiến đang khai thác khá thành công. Vậy làm thế nào mà Ai Cập lại rơi vào hoàn cảnh này?

Khi Muhammad Ali đánh bại người Anh vào năm 1807, Ai Cập trở thành quốc gia Ả Rập đầu tiên giành được độc lập trên thực tế (de facto). Nhưng cháu trai của Ali, Ismail, đã phá tan nền độc lập ấy bởi lối chi tiêu vung tay quá trán, để rồi đất nước phải phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, kéo dài cho đến ngày nay.

Đầu tiên, vào năm 1875, Ismail đã buộc phải bán cổ phần của Ai Cập trong kênh đào Suez để trang trải thâm hụt ngân sách. Nhưng điều đó không đủ để ngăn chặn chảy máu ngân sách, và các chủ nợ châu Âu đã thành lập một ủy ban để đảm bảo thanh toán. Tính đến năm 1877, hơn 60% nguồn thu ngân sách của Ai Cập đã phải dùng để chi trả món nợ này. Năm 1882, người Anh đã nắm quyền kiểm soát đất nước để bảo vệ các khoản đầu tư của họ.

Ai Cập tiếp tục phụ thuộc vào Anh cho đến khi Gamal Abdel-Nasser lên nắm quyền vào năm 1952. Ông ta đã quay sang Liên Xô, nước cung cấp các loại vũ khí tiên tiến, để đổi lấy cùng loại “giấy nợ” vốn đã làm hại những người tiền nhiệm của mình. Đến khi Nasser qua đời vào năm 1970, Hải quân Liên Xô đã gần như biến cảng Alexandria thành một nước Cộng hòa Xô Viết, nơi mà tiếng Nga đã trở thành ngôn ngữ thứ hai.

Trong khi đó, Nasser lại theo đuổi các chính sách kinh tế dân túy tốn kém. Ông mở rộng bộ máy quan liêu khi cho tất cả các cử nhân đại học vào làm việc “ngồi không ăn lương” cho chính phủ; ngày nay, 24% lực lượng lao động Ai Cập đang làm việc cho nhà nước. Ông cũng cho tiến hành trợ cấp hàng hóa cơ bản, từ bánh mì đến dầu, lên tới 8,1% GDP trong năm 2013-2014. Trong năm 2014-2015, 81% ngân sách được dùng chi trả nợ, trợ cấp và tiền lương, lấn át giáo dục và các khoản đầu tư khác cần thiết cho tăng trưởng dài hạn.

Tất cả những điều này làm gia tăng nhu cầu nhận viện trợ nước ngoài của Ai Cập. Và, trên thực tế, dù Nasser thân Liên Xô, Mỹ mới là nước viện trợ nhiều nhất cho Ai Cập, mãi cho đến cuộc chiến thảm khốc của nước này với Israel vào năm 1967 khiến quan hệ Mỹ – Ai Cập bị đóng băng. Không thể đánh bại Israel về mặt quân sự, phi công Liên Xô đã hỗ trợ kẻ thù của Israel (Ai Cập) trong những trận không chiến trên kênh đào Suez. Nasser, người chống lại chủ nghĩa đế quốc và sự phụ thuộc kinh tế, cuối cùng lại biến đất nước mình trở thành chư hầu.

Người kế nhiệm Nasser, Anwar Sadat, đã cố gắng làm hồi sinh Ai Cập thông qua tự do hóa nền kinh tế, làm hòa với Israel, từ bỏ liên minh với Liên Xô và quay sang ủng hộ Mỹ và Tây Âu. Nhờ vậy mà ông nhận được một gói viện trợ trị giá trung bình hơn 2 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, với tốc độ gia tăng dân số hằng năm là 2,2% thì gói viện trợ này vẫn chưa đủ cho Ai Cập.

Ngày nay, Ai Cập còn phụ thuộc vào viện trợ từ châu Âu và vùng Vịnh Ba Tư, chẳng hạn như qua Quỹ Phát triển Kinh tế và Xã hội Ả Rập, Quỹ Phát triển Abu Dhabi và Quỹ Phát triển Saudi. Quỹ Kuwait cho Phát triển Kinh tế Ả Rập đã viện trợ cho Ai Cập 2,5 tỷ USD, với hơn 50% trong số đó là viện trợ không hoàn lại, khiến Ai Cập trở thành nước nhận viện trợ lớn nhất của quỹ này. Các khoản viện trợ này hỗ trợ cho nền kinh tế Ai Cập bằng cách tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng và cứu trợ ngân sách. Việc các khoản nợ đôi khi được xóa cũng giúp ích tương tự.

Người Ai Cập hiếm khi nghe về tình hình tài chính eo hẹp của đất nước họ. Thay vào đó, giới báo chí do chính phủ kiểm soát thường chỉ tự hào về những cây cầu mới và việc gia tăng sản lượng công nghiệp, đồng thời nêu bật vai trò của Ai Cập trong các vấn đề khu vực, chẳng hạn như tiến trình hòa bình Israel-Palestine [vốn đang trì trệ] hay việc giúp hình thành chính phủ liên hiệp ở Lebanon.

Việc tuyên truyền như vậy là nhằm mục đích duy trì niềm tin rằng Ai Cập vẫn giữ vị thế quan trọng ở Trung Đông. Chắc chắn là không giống hầu hết các nước Ả Rập khác, đặc biệt là Lebanon và Yemen, người Ai Cập có nhận thức về bản sắc dân tộc bắt nguồn từ các đế chế của các vị Pharaon thời cổ đại. Thêm nữa, dân số gần như đồng nhất của nước này – 90% người Hồi giáo dòng Sunni – đã cho phép Ai Cập tránh được những xung đột giáo phái như ở Iraq và Syria, và xây dựng một chính quyền trung ương mạnh.

Nhưng luận điều về cường quốc khu vực mà các nhà lãnh đạo Ai Cập hay nói tới đang ngày càng xa vời. 750.000 sinh viên Ai Cập tốt nghiệp mỗi năm đều muốn có việc làm, chứ không phải những lời hứa suông dựa trên vinh quang quá khứ. Những lao động không có tay nghề trong ngành du lịch đang suy tàn thì mòn mỏi đợi chờ du khách nước ngoài quay lại. Các công nhân nhà máy khao khát mức sản xuất mà sức mua của những người tiêu dùng địa phương đang thất nghiệp không thể duy trì.

Thay vì giải quyết những vấn đề trên, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã buộc phải từ bỏ lãnh thổ cho Ả Rập Saudi nhằm đảm bảo có được nguồn viện trợ nước này cần để duy trì đất nước, và ông đã phải đối mặt với rất nhiều những nhạo báng trong quá trình này. Tuy nhiên, trong trò chơi có tổng bằng không mang tên “chính trị Trung Đông”, thất bại của một bên sẽ là chiến thắng của một bên khác. Và trong trường hợp của Ai Cập ngày nay, các nhóm Hồi giáo cực đoan đang gặt hái những phần thưởng khi người dân “vỡ mộng” về chính phủ.

Các phần tử Hồi giáo cực đoan cũng có lập luận riêng của họ: rằng Ai Cập hiện nay đã không thể đáp ứng được kỳ vọng của người Ả Rập và Hồi giáo. Điều này nhận được sự đồng cảm của những người dân đang phải chịu đựng sự thất bại của nhà nước hàng ngày. Tập trung khôi phục quá khứ vinh quang của người Hồi giáo đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn so với việc hồi sinh một cường quốc khu vực mà thậm chí còn chẳng thể bảo đảm được quyền lợi cho người Palestine.

Các nhà lãnh đạo Ai Cập vẫn duy trì được tính chính danh và sức mạnh cần thiết để ngăn chặn lập luận nguy hiểm này. Nhưng, nếu muốn thành công, họ sẽ phải thừa nhận thực tế của Ai Cập. Ai Cập là một đất nước mà lịch sử cổ xưa luôn được xem trọng, nhưng huyền thoại về cường quốc khu vực là một trong những vết tích sẽ sớm biến mất.

Barak Barfi hiện là nghiên cứu viên tại Viện New America.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Egypt for Sale
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]