Tại sao ISIS vẫn tồn tại dai dẳng?

Print Friendly, PDF & Email

article-sayyaf2-isis

Nguồn: Jeffrey D. Sachs, “Why ISIS persists, Project Syndicate, 05/07/2016.

Biên dịch: Vũ Thành Nam  |  Hiệu đính: Phạm Trang Nhung

Các vụ tấn công khủng bố chết người ở Istanbul, Dhaka, và Baghdad đã cho thấy phạm vi tàn sát của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) ở châu Âu, Bắc Phi, Trung Đông, và một vài khu vực ở châu Á. ISIS có thể duy trì được các thành lũy của chúng ở Syria và Iraq càng lâu thì mạng lưới khủng bố của chúng sẽ còn gây ra những cuộc tàn sát như vậy càng nhiều. Tuy nhiên, đánh bại ISIS không phải là quá khó khăn. Vấn đề là trong số các quốc gia tham chiến ở Iraq và Syria, bao gồm Hoa Kỳ và các đồng minh, không quốc gia nào coi ISIS là kẻ thù chính của họ. Đã đến lúc họ nên làm như vậy.

ISIS có lực lượng chiến binh khá khiêm tốn, mà Hoa Kỳ ước tính chỉ vào khoảng 20.000 đến 25.000 ở Iraq và Syria, và khoảng 5.000 nữa ở Libya. So với lực lượng quân sự thường trực ở Syria (125.000), Iraq (271.500), Ả-rập Xê-út(233.500), Thổ Nhĩ Kỳ (510.600), hoặc Iran (523.000), quy mô của ISIS là cực kì nhỏ.

Mặc dù vào tháng 9 năm 2014 tổng thống Mỹ Barrack Obama đã cam kết “làm suy yếu và cuối cùng là tiêu diệt” ISIS, nhưng thay vào đó Mỹ và các đồng minh của họ, bao gồm Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel (thầm lặng) lại tập trung vào việc lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Hãy xem xét một tuyên bố thẳng thắn gần đây của Thiếu tướng Isarel Herzi Halevy (theo lời một nhà báo tham dự buổi phát biểu của Halevy): “Israel không muốn chứng kiến tình hình ở Syria chấm dứt với việc [ISIS] bị đánh bại, các siêu cường rời khỏi khu vực, và [Israel] bị bỏ mặc với một Hezbollah và Iran có năng lực mạnh hơn”.

Israel chống ISIS, nhưng mối lo ngại lớn hơn của Israel là việc Assad hỗ trợ Iran. Assad tạo điều kiện để Iran hỗ trợ cho hai kẻ thù bán quân sự của Israel là Hezbollah và Hamas. Vì vậy Israel ưu tiên việc loại bỏ Assad hơn việc đánh bại ISIS.

Đối với Hoa Kỳ, do thúc đẩy của phe tân bảo thủ, cuộc chiến ở Syria là sự tiếp nối của kế hoạch bá chủ toàn cầu của Mỹ do Bộ trưởng Quốc phòng Richard Cheney và Thứ trưởng Paul Wolfowitz khởi xướng khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Năm 1991, Wolfowitz nói với Tướng Mỹ Wesley Clark:

“Có một điều chúng ta đã học được [từ cuộc chiến tranh Vùng Vịnh] là chúng ta có thể sử dụng quân đội trong khu vực này – tức Trung Đông – và Liên Xô sẽ không cản được chúng ta. Và chúng ta có khoảng 5 hoặc 10 năm để xóa sạch các chế độ Xô viết cũ ở Syria, Iran (nguyên văn), Iraq – trước khi siêu cường kế tiếp đến thách thức chúng ta “.

Những cuộc chiến tranh của Mỹ ở Trung Đông – Afghanistan, Iraq, Syria, Libya, cũng như ở những quốc gia khác – đều tìm cách loại Liên Xô, và sau đó là Nga, ra khỏi cuộc chơi và dành cho Mỹ khả năng bá quyền. Những nỗ lực này đã thất bại thảm hại.

Đối với Ả-rập Xê-út, cũng giống như Israel, mục đích chính của họ là lật đổ Assad để làm suy yếu Iran. Syria là một phần của cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Iran của người Hồi giáo dòng Shia và Ả-rập Xê-út của người Sunni, thể hiện tại các chiến trường ở Syria và Yemen cũng như qua cuộc đối đầu gay gắt giữa dòng Shia và dòng Sunni tại Bahrain và các quốc gia bị chia rẽ khác trong khu vực (bao gồm cả chính Ả-rập Xê-út).

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, việc lật đổ Assad sẽ củng cố vị thế của họ trong khu vực. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang phải đối mặt với ba kẻ thù ở biên giới phía nam: Assad, ISIS, và những người Kurd có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa. Cho đến nay vấn đề ISIS luôn đứng sau các mối quan ngại về Assad và người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng các cuộc tấn công khủng bố do ISIS chỉ đạo ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể thay đổi điều đó.

Nga và Iran cũng theo đuổi những lợi ích khu vực riêng của họ, thông qua các cuộc chiến ủy nhiệm và hỗ trợ cho các hoạt động bán quân sự. Tuy nhiên, cả hai đã thể hiện rằng họ sẵn sàng hợp tác với Mỹ để đánh bại ISIS, và có lẽ để giải quyết những vấn đề khác nữa. Cho đến nay, Mỹ từ chối những đề nghị đó, bởi vì họ vẫn tập trung vào lật đổ Assad.

Giới hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ quở trách Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc bảo vệ Assad, trong khi Nga đổ lỗi cho Mỹ về việc cố gắng lật đổ tổng thống Syria. Những chỉ trích này có vẻ tương xứng nhau, nhưng thực chất là không. Nỗ lực của Mỹ và các đồng minh nhằm lật đổ Assad vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc, trong khi việc hậu thuẫn Assad của Nga là phù hợp với quyền tự vệ của Syria theo Hiến chương. Assad đúng là một kẻ độc tài, nhưng Hiến chương Liên Hợp Quốc không cho phép bất cứ quốc gia nào phế truyaats những kẻ độc tài nào mà họ muốn.

Sự tồn tại dai dẳng của ISIS nhấn mạnh ba sai lầm chiến lược trong chính sách đối ngoại của Mỹ, cùng với một sai lầm chiến thuật chết người.

Trước hết, việc phe tân bảo thủ tìm kiếm bá quyền Mỹ thông qua thay đổi chế độ không chỉ là sự kiêu ngạo trơ tráo mà còn là sự quá đà điển hình của chủ nghĩa đế quốc. Nó đã thất bại ở tất cả những nơi mà Mỹ đã thử. Syria và Libya chỉ là những ví dụ gần đây nhất.

Thứ hai, CIA từ lâu đã trang bị vũ khí và đào tạo những chiến binh thánh chiến Sunni thông qua các hoạt động bí mật do Ả-rập Xê-út tài trợ. Đổi lại, các tay súng thánh chiến đó lại đã hình thành nên ISIS, một hậu quả trực tiếp, dù không lường trước được, của các chính sách mà CIA và các đối tác Ả-rập Xê-út của họ theo đuổi.

Thứ ba, việc Mỹ coi Iran và Nga là hai kẻ thù cố hữu của họ trên nhiều phương diện đã quá lỗi thời và là một lời tiên tri tự trở thành hiện thực. Việc tái lập quan hệ với hai nước là hoàn toàn khả thi.

Thứ tư, về mặt chiến thuật, nỗ lực của Mỹ trong một cuộc chiến hai mặt trận chống lại cả Assad và ISIS đã thất bại. Bất cứ khi nào Assad bị suy yếu, thì các chiến binh thánh chiến Sunni, bao gồm ISIS và Mặt trận al-Nusra, lại lấp đầy khoảng trống.

Assad và những người đồng nhiệm của ông ta ở Iraq có thể đánh bại ISIS nếu Hoa Kỳ, Nga, Ả Rập Xê-út và Iran cung cấp không quân yểm hộ và hỗ trợ hậu cần. Đương nhiên, Assad sẽ tiếp tục nắm quyền; Nga sẽ giữ lại được một đồng minh ở Syria; và Iran sẽ có ảnh hưởng ở khu vực đó. Các vụ tấn công khủng bố chắc chắn sẽ lại tiếp tục, thậm chí có lẽ vẫn do ISIS trong một thời gian; nhưng nhóm này sẽ không thể đặt căn cứ hoạt động tại Syria và Iraq được nữa.

Một kết quả như vậy sẽ không chỉ tiêu diệt ISIS trên mặt trận ở Trung Đông; mà nó có thể đặt nền móng cho việc giảm căng thẳng trong khu vực nói chung. Mỹ và Nga có thể bắt đầu đẩy lùi cuộc chiến tranh lạnh mới bùng phát gần đây giữa họ thông qua các nỗ lực chung nhằm loại bỏ chủ nghĩa khủng bố thánh chiến. (Cam kết rằng NATO sẽ không kết nạp Ukraine làm thành viên hay tăng cường phòng thủ tên lửa ở Đông Âu cũng sẽ giúp ích phần nào cho tiến trình này.)

Và còn nhiều phương thức khác nữa. Một cách tiếp cận mang tính hợp tác nhằm đánh bại ISIS sẽ mang đến cho Ả-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ lý do và cơ hội để tìm một phương thức mới để chung sống với Iran. An ninh của Israel có thể được tăng cường bằng cách đưa Iran vào mối quan hệ hợp tác về kinh tế và địa chính trị với phương Tây, qua đó giúp tăng cường cơ hội giải quyết vấn đề hai nhà nước tồn đọng từ rất lâu với Palestine.

Sự trỗi dậy của ISIS là một triệu chứng của những thiếu sót trong chiến lược hiện nay của phương Tây, cụ thể là Mỹ. Phương Tây có thể đánh bại ISIS. Vấn đề đặt ra là liệu Hoa Kỳ có thực hiện việc đánh giá lại chiến lược vốn cần thiết để hoàn thành mục tiêu đó hay không.

Jeffrey D. Sachs là Giáo sư về Phát triển Bền vững, Chính sách và Quản lý Y tế, và là Giám đốc Viện Địa Cầu tại Đại học Columbia. Ông cũng đồng thời là Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Ông là tác giả các cuốn sách The End of Poverty, Common Wealth, và gần đây nhất là The Age of Sustainable Development.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Why ISIS persists
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]