Chiến lược của ISIS tại châu Âu

Print Friendly, PDF & Email

isis-637888

Nguồn: Omar Ashour, “The Islamic State’s European Strategy”, Project Syndicate, 01/09/2016

Biên dịch: Trịnh Ngọc Phương Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Những cuộc tấn công khủng bố do các thành viên và những người ủng hộ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) thực hiện trong năm qua đã làm gióng lên hồi chuông báo động tại châu Âu, nhưng theo Cơ sở Dữ liệu Khủng bố Toàn cầu, mức độ thường xuyên của chúng vẫn chưa nghiêm trọng bằng mức mà châu Âu đã trải qua hồi những năm 1970. Tuy nhiên, trong khi những làn sóng khủng bố trước đó tại châu Âu bắt nguồn từ các mâu thuẫn nội bộ, làn sóng chết chóc hiện nay có liên quan đến sự bất ổn bên ngoài lục địa.

Những cuộc tấn công gần đây nhất đang nổi lên từ khoảng chân không chính trị được tạo ra sau sự sụp đổ của những nhà lãnh đạo độc tài ở Trung Đông và Bắc Phi. Vì vậy, do bạo lực tại Syria, Iraq, và Libya; cũng như tình trạng chia rẽ lớn tại Ai Cập; hay tình hình an ninh mong manh tại Tunisia và Algeria không có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc, nên có ít căn cứ để tin rằng những đợt tấn công tại châu Âu sẽ nhanh chóng chấm dứt.

Tệ hơn nữa, cuộc đảo chính đẫm máu tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7 – khiến 270 người chết và 1.500 người khác bị thương chỉ trong vài giờ – càng làm quốc gia này trở thành một mục tiêu thu hút đối với ISIS. ISIS trục lợi từ những quốc gia bất ổn, nơi chúng có thể chiêu mộ chiến binh và thực hiện những cuộc tấn công – hoặc bằng việc thành lập những “tỉnh chính thức” như ở Syria, Iraq , Libya và Ai Cập; hoặc bằng việc hỗ trợ các cơ sở bí mật và các đơn vị chiến đấu nhỏ, như chúng đã làm tại Tunisia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hai phương thức hoạt động – nổi dậy và khủng bố – đi đôi với nhau. Khi một tổ chức nổi dậy mất quyền kiểm soát lãnh thổ hoặc đà chiến đấu, nó chuyển hướng sang khủng bố, dựa trên lý lẽ rằng việc tấn công những mục tiêu dân thường là ít tốn kém và dễ dàng hơn, đồng thời mang cùng hiệu quả về mặt chính trị. Đây là lý do ISIS trực tiếp tấn công châu Âu, dù chúng đang mất quyền kiểm soát lãnh thổ tại Iraq, Syria, và Libya.

ISIS có nhiều mục đích khi theo đuổi chiến lược này. Nó tin rằng những cuộc tấn công khủng bố tại châu Âu sẽ răn đe phương Tây không dám tấn công những lãnh thổ mà nó đang kiểm soát, và nó muốn trả đũa cho hơn 20.000 thành viên đã mất mạng do những đợt không kích của phương Tây. Hơn thế nữa, ISIS muốn tăng cường tinh thần bài Hồi giáo (của người dân châu Âu), từ đó cô lập tín đồ Hồi giáo châu Âu khỏi phần còn lại của xã hội và gia tăng nguồn quân chiêu mộ của mình tại đây. Tương tự, nó muốn gây hiềm khích giữa các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc thiểu số tại châu Âu (sự chia rẽ giữa hai nhánh Sunni-Shia và Sunni-Alevi là 2 ví dụ rõ nét).

Mục đích sử dụng khủng bố của ISIS không có gì mới; nhưng khả năng thực hiện những cuộc tấn công của nó thì có. ISIS đã duy trì thành công những hoạt động khủng bố của mình tại châu Âu dù bị không kích nặng nề từ năm 2014 nhờ lợi dụng được một nhóm nhỏ khoảng hơn 5.000 người châu Âu đã tham gia chiến đấu tại Syria.

Số lượng chiến binh châu Âu được ISIS huấn luyện và trở về nhà đến nay vẫn chưa được xác định chính xác. Abdelhamid Abaaoud, người dẫn đầu cuộc tấn công vào tháng 11/2015 tại Paris, tuyên bố mình là một trong 90 tên khủng bố được đào tạo bởi ISIS tại châu Âu. ISIS được cho rằng đã huấn luyện 400 đến 600 chiến binh nhằm phục vụ cho các “chiến dịch bên ngoài” có liên quan đến chiến tranh du kích thành thị, thiết bị nổ tự chế, giám sát, phản gián và làm giả giấy  tờ.

Tính đến nay, ISIS đã giáng những đòn nặng nề nhất vào Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ. Đã có hơn 230 người chết tại Pháp và khoảng 700 người bị thương, trong khi các con số này tại Thổ Nhĩ Kỳ là 220 và 900. Thật ra, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ là hai nguồn cung cấp chiến binh nước ngoài khá lớn tại Iraq và Syria, ước tính có khoảng 700 công dân Pháp và 500 người Thổ Nhĩ Kỳ đang chiến đấu dưới cờ ISIS.

Vậy vì sao ISIS lại tập trung vào Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ? Những phát hiện đầu tiên của 2 học giả cho thấy những phản ứng tiêu cực trước nguyên tắc thế tục của Pháp – truyền thống thế tục trong đời sống công cộng và chính trị – trong cộng đồng thanh niên Hồi giáo Sunni bị gạt ra lề xã hội tại các quốc gia Pháp ngữ. Điều này được cho là đã thúc đẩy sự cực đoan hóa của họ và tạo điều kiện cho việc chiêu mộ những kẻ cực đoan.

Nhưng có thêm nhiều yếu tố khác cần được xem xét. Ví dụ, chính sách đối ngoại của Pháp trong thế kỷ 21 gây nhiều bất mãn tại Trung Đông. Pháp phản đối chiến tranh Iraq năm 2003; can thiệp quân sự chống lại nhà độc tài Libya (M. Gaddafi), ngăn chặn nguy cơ tội ác chống lại nhân loại vào tháng 3/2011; và giải cứu một nền dân chủ mong manh tại Mali có người Hồi giáo chiếm đa số vào năm 2013. Trong khi những chính sách này được ủng hộ tại đa phần Trung Đông, ISIS cùng những kẻ ủng hộ và đồng chí của chúng nhìn nhận mọi việc theo một cách khác.

Bản thân Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã là một mô hình nhà nước hấp dẫn đối với các quốc gia nơi người Hồi giáo chiếm đa số khác. Cho đến khi xảy ra những khó khăn gần đây nhất của quốc gia này, nền dần chủ có vẻ như ngày càng thành công (dù còn nhỏ và mới bắt đầu), và tốc độ tăng trưởng kinh tế là 9% trong những năm gần đây.  Với xu hướng nghiêng về phương Tây của quốc gia này, không có gì ngạc nhiên khi ISIS dành hẳn một vài số báo trong ấn phẩm tạp chí chính thức của nó, Dabiq, để công kích mô hình này và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Một tổ chức tiền thân của ISIS, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Iraq, được báo cáo là đã thực hiện một vụ nổ bom xe hơi tự chế tại Thổ Nhĩ Kỳ ngay từ hồi tháng 4/2012.

Châu Âu cần tập hợp các nền dân chủ của mình xung quanh một chiến lược chung nhằm chống lại những thách thức an ninh này. Những dấu hiệu của sự mất đoàn kết và phân mảnh – không kể đến những âm mưu đảo chính đẩm máu – đã giúp ích cho mục tiêu mà ISIS đã công bố là “làm suy yếu sự cố kết của châu Âu.”

Dù Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ là những mục tiêu nổi bật của ISIS, các nước này không đứng một mình. Tuy nhiên, nếu xét lập trường mà họ đang chia sẻ, mối quan hệ song phương của 2 nước càng trở nên đặc biệt quan trọng, và các nhà ngoại giao từ mỗi quốc gia nên bắt tay vào việc củng cố nó. Thêm bất kỳ căng thẳng nào nữa sẽ làm giảm đi tiềm năng hợp tác chiến lược. Bây giờ chính là thời điểm để họ sát cánh bên nhau.

Omar Ashour, Giảng viên Cao cấp về Nghiên cứu An ninh và Chính trị Trung Đông tại Đại học Exeter và nghiên cứu viên liên kết của Viện Chatham House, là tác giả của cuốn sách The De-Radicalization of Jihadists: Transforming Islamist Movements, và Collusion to Collision: Islamist-Military Relations in Egypt.

Copyright: Project Syndicate 2016 – The Islamic State’s European Strategy.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]