Những nghịch lý đằng sau cuộc tranh cãi về burkini

Print Friendly, PDF & Email

burkiniban

Nguồn: Ian Buruma, “The Battle of the Burkini”, Project Syndicate, 06/09/2016.

Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Gần đây đã có nhiều phản ứng về việc một số phụ nữ Hồi giáo khi tắm nắng tại các bãi biển ở Pháp mặc một loại trang phục đặc biệt che kín đầu (nhưng không che mặt) và phần lớn cơ thể. Loại trang phục đó được gọi là “burkini”, do Aheda Zanetti, một người phụ nữ Úc gốc Lebanon, thiết kế vào năm 2004 với mục đích giúp những người phụ nữ dù có theo luật Hồi giáo nghiêm khắc nhất cũng có thể bơi lội hoặc chơi thể thao nơi công cộng. Lúc đó Zanetti chẳng thể nào ngờ được phát minh của mình lại có thể gây nên một cuộc tranh cãi trên cấp độ quốc gia.

Tình hình rắc rối như hiện nay bắt đầu từ khi thị trưởng tại một số thành phố ven biển của Pháp cấm mặc burkini trên các bãi biển. Một bức ảnh xấu xí mô tả ba viên cảnh sát có vũ trang của Pháp buộc một người phụ nữ phải cởi burkini trên một bãi biển ở Nice (hình) xuất hiện trên các mặt báo thế giới chẳng bao lâu sau đó. Mặc dù lệnh cấm đã được tòa án tối cao Pháp đình chỉ nhưng nó vẫn được thực thi tại một số khu nghỉ dưỡng ven biển.

Những tranh cãi thực chất vẫn chưa chấm dứt. Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, người đang chạy đua cho một nhiệm kỳ tổng thống mới, gần đây đã xem burkini là một “sự khiêu khích”; trong khi đó, Lionnel Luca, thị trưởng Villeneuve-Loubet, gọi đó là “quá trình Hồi giáo hóa ồ ạt”. Cũng bức xúc không kém là Thủ tướng Manuel Valls khi ông kêu gọi để ngực trần chính là biểu tượng của sự tự do của chính thể cộng hòa tại Pháp. Sau tất cả, ông tổng kết rằng chẳng phải Marianne, biểu tượng của nền Cộng hòa Pháp, cũng thường được minh họa với bộ ngực trần hay sao?

Việc phản đối burkini của ông Sarkozy hoàn toàn mang tính cơ hội. Cuộc tranh cãi là một cơ hội khác làm bùng lên định kiến với nhóm thiểu số, với hi vọng giành bớt số phiếu ủng hộ phe cánh hữu Mặt trận Dân tộc của Marine Le Pen trong cuộc bầu cử năm 2017. Tuy nhiên, với truyền thống truyền giáo nhiệt huyết đã trải qua hàng thế kỉ tại Châu Âu, chủ nghĩa cơ hội của Sarkozy được che đậy bằng những từ ngữ đầy đạo đức: “Chúng ta không giam cầm phụ nữ đằng sau những tấm vải.”

Sarkozy khiến chúng ta tin rằng việc cấm burkini thật sự là để giải phóng phụ nữ Hồi giáo khỏi những cấm đoán lâu đời của những người đàn ông Hồi giáo chuyên chế, tương tự như việc những nhà cai trị thuộc địa Anh từng giúp các góa phụ Hindu giáo tại Ấn Độ không bị thiêu sống khi chồng qua đời. Điều này phản ánh một khuynh hướng rộng hơn vốn đã được ủng hộ từ cuối thế kỉ trước với mục đích mô tả luận điệu chống Hồi giáo dưới danh nghĩa nhân quyền, như thể quyền bình đẳng cho phụ nữ cũng như người đồng tính là những phong tục của phương Tây cổ đại và phải được bảo vệ trước niềm tin mù quáng của tôn giáo ngoại lai.

Theo phiên bản lịch sử của Valls, khỏa thân nơi công cộng là để duy trì truyền thống Pháp và cũng là biểu tượng của tự do. Để là một người Pháp hoàn chỉnh, có vẻ như người phụ nữ phải để ngực trần như Marianne.

Tuy nhiên, vào thế kỉ 19, khi Marianne trở thành biểu tượng của nền Cộng hòa Pháp, việc khỏa thân chỉ được chấp nhận dưới dạng lí tưởng hóa trong các bức tranh hoặc điêu khắc các vị thần Hi Lạp cũng như các nhân vật nữ chính trong các thần thoại khác. Nhìn chằm chằm vào ngực của Marianne hay thần Vệ nữ trong tranh thì không sao, nhưng một người phụ nữ còn sống sờ sờ chỉ cần lộ mắt cá chân ra một ít thôi cũng bị xem là không phải phép.

Dĩ nhiên những quan điểm như thế hiện tại rất hiếm gặp tại phương Tây. Nhưng thậm chí dù phiên bản lịch sử của Valls có xuyên tạc đi chăng nữa, người ta có thể lập luận rằng những người Hồi giáo Châu Âu nào khăng khăng rằng phụ nữ theo đạo này cần phải che phủ cả người cũng là cổ hủ, đặc biệt là khi đôi lúc phụ nữ Hồi giáo không có nhiều lựa chọn về trang phục.

Thực ra, ở một số khu vực nhập cư, phụ nữ Hồi giáo cảm thấy họ cần phải trùm đầu để những người đàn ông Hồi giáo không xem mình là gái mại dâm, vốn có thể bị đàn ông xâm hại mà không bị trừng phạt. Nhưng chuyện không phải lúc nào cũng vậy. Một vài phụ nữ Hồi giáo tự nguyện chọn trùm khăn hijab hay, hiếm hơn, là chọn mặc burkini.

Vấn đề là liệu nhà nước có nên quyết định xem công dân nên hoặc không nên mặc gì hay không. Câu trả lời từ nền cộng hòa Pháp là người ta có thể ăn mặc tùy thích ở nơi riêng tư, nhưng phải tuân theo các quy định thế tục ở nơi công cộng.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, những quy định đó được áp dụng nghiêm khắc với người Hồi giáo hơn những người theo các tín ngưỡng khác. Tôi chưa từng nghe việc cảnh sát giật tóc giả của phụ nữ đạo Do Thái chính thống và khiến họ phải để đầu trần.

Một số người sẽ lí luận rằng những người theo đạo Do Thái chính thống không gây ra các vụ thảm sát dưới danh nghĩa tôn giáo. Và đúng là vậy thật. Nhưng giả định rằng phụ nữ mặc burkini đều có thể là phần tử khủng bố thì rất khó thuyết phục. Một người phụ nữ mặc đồ tắm che phủ toàn thân nằm trên bãi biển chắc chắn là người ít có khả năng xả súng hay đánh bom nhất.

Còn với luận điểm phụ nữ Hồi giáo cần nhà nước giúp đỡ để thoát khỏi việc bị đàn ông Hồi giáo buộc phải che kín đầu hay cơ thể, câu hỏi được đặt ra là liệu có đáng ngăn cản họ lựa chọn xuất hiện ở nơi công cộng theo những cách như vậy hay không.

Tôi thấy nghi ngờ về điều đó. Cách tốt nhất để giúp phụ nữ thoát khỏi sự chuyên chế trong gia đình là khuyến khích họ tự mình làm chủ đời sống công cộng, ở trường, nơi làm việc cũng như tại các bãi biển. Người phụ nữ mang khăn trùm đầu nhưng được đi học còn hơn là hoàn toàn không được đi học (vì gia đình không cho đi học nếu không mang khăn trùm đầu).

Với một số công việc công nhất định, sẽ rất chính đáng khi yêu cầu người dân phải để lộ mặt. Một số công việc có những chuẩn mực trang phục nhất định. Các công ty tư nhân có thể tiếp tục làm theo quy định riêng mà không cần phải dùng đến luật pháp quốc gia. Việc nhà nước ban hành quy định về trang phục nhất quán có thể gây ra tác dụng ngược. Ép buộc người ta phải tuân thủ theo một bản sắc chung càng thúc đẩy sự nổi loạn dai dẳng của những nhóm muốn duy trì sự khác biệt.

Thật không hay khi nói với người nào đó mang tên Fatima hay Mohammed rằng họ là người Pháp và phải tuân thủ các quy tắc xã hội do Sarkozy hay Valls đưa ra, nếu họ không được đối xử bình đẳng bởi những người mang tên Nicolas hoặc Marianne. Mang khăn đội đầu, để râu hay mặc đồ bó sát có thể vô hại với những người bị xúc phạm muốn bảo vệ lòng tự tôn. Tước đi của họ lòng tự tôn đó sẽ khiến sự phòng vệ của họ có thể nhanh chóng trở nên nguy hiểm hơn.

Ian Buruma là Giáo sư về Dân chủ, Nhân quyền và Báo chí tại Đại học Bard. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có “Murder in Amsterdam: The Death of Theo Van Gogh and the Limits of Tolerance and Year Zero: A History of 1945”.

Copyright: Project Syndicate 2016 – The Battle of the Burkini
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]