Nan giải vấn đề kế vị lãnh đạo của Singapore

Print Friendly, PDF & Email

lee

Nguồn: Stephan Ortmann, “Singapore’s Succession Struggles,” East Asia Forum, 24/09/2016.

Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Khi ông Lý Hiển Long bị ngất trong bài phát biểu thường niên về chính sách hôm 21 tháng 8, không chỉ người dân Singapore mà các lãnh đạo trên thế giới đều bàng hoàng. Dù ông đã bình phục nhanh chóng và kết thúc bài phát biểu của mình sau một thời gian nghỉ ngơi ngắn, sự cố này đã thu hút sự chú ý về vấn đề kế nhiệm lãnh đạo ở một đất nước từ lâu đã có nền chính trị dễ đoán và ít thay đổi.

Trong khi Singapore vẫn duy trì diện mạo của một nền dân chủ, Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền đã thống trị nền chính trị kể từ khi nước này giành được độc lập bằng cách tạo ra những rào cản lớn đối với các đảng chính trị đối lập, và hiện nay PAP nắm hơn 90% số ghế trong Quốc hội. Để duy trì mức độ kiểm soát này, PAP đã chuyển giao thành công quyền lực cho thế hệ tiếp theo gồm các nhà lãnh đạo được “chọn mặt gửi vàng.” Nhưng hiện tại, việc kế nhiệm vị trí lãnh đạo vẫn chưa rõ ràng dù đương kim thủ tướng đã 64 tuổi.

Sự chưa rõ ràng ở mức độ này là một diễn tiến mới trong nền chính trị hậu độc lập của Singapore, vốn đã quen với vai trò chủ đạo của PAP. Lãnh đạo Đảng và thủ tướng đầu tiên, Lý Quang Diệu, thường được gọi một cách trìu mến là người cha lập quốc của dân tộc. Người kế nhiệm ông, Ngô Tác Đống, được xem là người thế chỗ tạm thời cho thủ tướng đương nhiệm, con trai Lý Quang Diệu.

Mặc dù Singapore tự hào về chế độ trọng dụng nhân tài của mình, nghiên cứu của Michael Barr lại chỉ ra điều ngược lại. Trong một bài viết gần đây có nhan đề “The Lees of Singapore”, Barr lập luận rằng gia tộc họ Lý nằm ở trung tâm của một hệ thống chính trị kết hợp “sự sùng bái cá nhân vào hệ tư tưởng của dân tộc.” Ông kết luận rằng Li Hongyi (Lý Hồng Nghị), con trai thứ của thủ tướng hiện nay, sẽ là người có khả năng cao nhất kế nhiệm cha mình.

Li Hongyi, con trai của Thủ tướng Lý Hiển Long. Nguồn: Văn phòng Thủ tướng Singapore

Nhưng chưa người con nào của thủ tướng Lý Hiển Long tỏ ý muốn dấn thân vào chính trị, có nghĩa là Singapore có thể phải tìm bên ngoài nhà họ Lý. Nếu một trong số họ trở thành thủ tướng, điều này sẽ gây nghi ngờ về những giá trị đề cao nhân tài được xây dựng cẩn thận ở Singapore.

Mặc dù vẫn chưa có người kế thừa rõ ràng trong gia tộc, danh sách người kế nhiệm trực tiếp tiềm năng cho chức thủ tướng hiện đang rất rộng. Hôm mùng 4 tháng 9, một tờ báo thân chính phủ đã đưa ra sáu gương mặt kế nhiệm tiềm năng. Họ gồm Heng Swee Keat (Vương Thụy Kiệt; Bộ trưởng Tài chính), Chan Chun Sing (Trần Chấn Thanh; Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ), Tan Chuan-Jin (Trần Xuyên Nhân; Bộ trưởng Bộ Phát triển Xã hội và Gia đình), Ng Chee Meng (Hoàng Chí Minh; Quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Trường học), Ong Ye Kung (Vương Ất Khang; Quyền Bộ trưởng Bộ giáo dục – Đại học và Kỹ năng) và Lawrence Wong (Hoàng Tuần Tài; Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc gia).

Sáu ứng viên thủ tướng thế hệ thứ 4 của Singapore. Nguồn: The Straits Time.

Bất chấp sự đa dạng sắc tộc của Singapore và những thảo luận gần đây về nhu cầu đại diện tốt hơn cho các nhóm thiểu số, mọi ứng cử viên kế nhiệm tiềm năng đều là người gốc Hoa và một nửa trong số họ từng kinh qua quân đội.

Trong số những ứng cử viên tiềm năng, Bộ trưởng Tài chính Vương Thụy Kiệt từng được xem là người sáng giá nhất cho đến khi ông bị đột quỵ trong một cuộc họp nội các ngày 12 tháng 5, 2016. Dù gần như đã bình phục hoàn toàn, tình trạng sức khỏe của ông vẫn gây nghi ngại về khả năng kế nhiệm vị trí thủ tướng. Nhưng tính đến thời điểm này, vẫn chưa có ai qua mặt được ông trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 15 tháng 1 năm 2021.

Trong khi vẫn còn thời gian, nhưng cơ hội nhận diện một ứng cử viên có thể duy trì sự thống trị của đảng cầm quyền trong tương lai đang nhanh chóng bị thu hẹp. Điều này rất quan trọng đối với PAP vì các đảng đối lập đang ngày càng được ủng hộ và bất mãn đang gia tăng – chủ yếu là do dòng người nước ngoài đổ vào ồ ạt và chi phí sinh hoạt đắt đỏ.

Rắc rối hơn là hàng loạt thất bại về mặt quản trị gần đây của chính phủ, bao gồm việc bí mật thu hồi tàu điện do một nhà sản xuất có trụ sở ở Trung Quốc chế tạo (vụ việc do hãng tin FactWire đặt tại Hồng Kông tiết lộ) cũng như số lượng khủng hoảng y tế gia tăng như trường hợp virus Zika.

Người dân Singapore hiện nay đã trở nên đòi hỏi cao hơn so với trong quá khứ – nhiều người kỳ vọng được tham gia vào quá trình ra quyết định lựa chọn vị lãnh đạo tiếp theo. Một nhà lãnh đạo được lòng dân ít nhất phải được định nghĩa là người có thể giành được sự ủng hộ của người dân Singapore trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Một người như vậy có thể là Bộ trưởng Tài chính và Phó Thủ tướng Tharman Shanmugaratnam vốn được lòng dân, nhưng hiện nay ông không được xem là người kế nhiệm tiềm năng.

Một mặt, các cựu lãnh đạo bao gồm cả Lý Quang Diệu đã khẳng định rằng chỉ có một thủ tướng người Hoa mới có thể được đa số người dân Singapore chấp nhận. Mặt khác, Tharman từng bày tỏ trong một cuộc phỏng vấn năm 2015 với tờ Straits Times rằng ông không hứng thú với vị trí thủ tướng và chỉ tiếp nhận khi buộc phải làm vậy. Nhưng danh sách ứng cử viên cho thấy đảng PAP có thể sẽ gặp khó khăn khi tìm kiếm một nhà lãnh đạo được lòng dân và có thể đẩy lùi những lời kêu gọi một cuộc cải cách căn bản hơn đối với hệ thống do một đảng thống trị.

Việc thiếu một người kế nhiệm rõ ràng đang đe dọa phá hủy hàng thập niên ổn định hậu độc lập của nền chính trị Singapore. Và tình trạng mập mờ càng kéo dài thì những hệ quả tiềm tàng đối với PAP càng nghiêm trọng.

Stephan Ortmann là nghiên cứu viên tại Khoa Nghiên cứu Châu Á và Quốc tế, Đại học Thành thị Hồng Kông.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]