Nước Nga đương đầu với thảm họa chảy máu chất xám

russia-brain-drain

Nguồn: Yelena Mukhametshina, “Russia Must Deal With Catastophic Brain Drain”, The Moscow Times, 07/10/2016.

Biên dịch: Phương Nguyễn | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Với thảm nạn chảy máu chất xám, chỉ có kẻ cai trị và người ra đi là kẻ thắng: đất nước là kẻ thảm bại.

Sau đợt chảy máu chất xám của những năm 1990, Nga lại một lần nữa chứng kiến nạn bỏ nước ra đi ngày càng tăng.  Người ta bỏ đi khi đó vì kinh tế đang sụp đổ, giờ đây mặc dù chính phủ đang cố gắng đa đạng hóa nền kinh tế nhưng người dân vẫn ra đi, một chuyên gia thuộc Ủy ban Sáng kiến Dân sự (CCI) viết như vậy trong báo cáo mang tiêu đề “Di cư khỏi nước Nga cuối thể kỷ 20 và đầu thế kỷ 21”.

Đối với một nước Nga có dân cư thưa thớt, nạn di cư là mối đe dọa ngày càng tăng vì những mất mát về nguồn lực nhân khẩu học, xã hội, kinh tế, và tri thức. Theo Cục Thống kê Nga (SSS), từ 1989 đến 2014 có khoảng 4,5 triệu người Nga rời bỏ đất nước. Số người ra đi thấp nhất là vào năm 2009 với 32.500 di dân, nhưng con số bắt đầu tăng từ 2011, và đến 2014 thì con số một lần nữa ngang bằng mức năm 1995.

Tuy nhiên, chuyên gia của CCI là Alexander Grebenyuk cho rằng những con số thống kê đó không đáng tin cậy và không đầy đủ. Không ai có thể thống kê bao nhiêu người Nga ra nước ngoài học tập hay làm việc và không trở về. Ví dụ, SSS cho rằng năm 2014 có khoảng 4.780 người đi Đức, trong khi đó Đức ghi nhận con số gấp 5 lần. Với trường hợp di cư đi Mỹ, thì con số khác biệt là 1.937 của SSS và thực tế là 9.079 người. Nhưng sự khác biệt lớn nhất là trường hợp Tây Ban Nha; SSS nói năm 2014 chỉ có 437 người Nga di cư đến Tây Ban Nha, trong khi Madrid đưa ra con số 8.286 người.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, dù bằng con số ước lượng bảo thủ nhất có thể, SSS cần phải nâng con số lên gấp ba hoặc bốn lần để phản ánh sát thực tế.

Phần lớn những người bỏ đi sống ở những vùng biên giới hoặc những khu vực giàu có. “Họ là những người có tiềm năng nhưng không thể phát huy được nếu ở lại”, Grebenyuk nói.

Những người di cư đến phương Tây hầu hết là học giả, sinh viên đại học và các thương gia. Số di dân giàu có ngày càng tăng. Họ chủ yếu là các cựu quan chức chính phủ, gia đình các nhà chính trị, và các thành phần ưu tú trong giới tài chính và công chức.

Không chỉ vốn rời bỏ nước Nga mà cả công việc làm ăn.

Người Nga bỏ đi vì môi trường làm ăn nhiều bất trắc, thiếu cạnh tranh lành mạnh, tham nhũng tràn lan, lo sợ cho an toàn cá nhân và tài sản kinh doanh, thiếu đầu tư cho khoa học và giáo dục, cũng như lương thấp.

Trong số những lí do xã hội và chính trị của cuộc ra đi ồ ạt có cảm tình với phe đối lập chính trị, sự yếu kém của các định chế công và mất lòng tin vào hệ thống tư pháp và thực thi pháp luật.

Người Nga ra đi vì họ muốn có một cuộc sống tốt hơn, còn giới cai trị lấy làm mừng vì loại bỏ được những người bất đồng và ngăn chặn bất ổn xã hội. “Cả hai bên đều vui vẻ,” tác giả bản báo cáo viết. Tuy nhiên cuộc di dân ồ ạt làm cho nước Nga không những mất đi thành phần năng động nhất của xã hội mà còn “trói buộc những người ở lại vào một quá trình phát triển chậm hơn nữa”.

Theo bà Emilia Slabunova, chủ tịch Đảng Yabloko,đợt bùng nổ di cư từ 2012 là phản ứng đối với kết quả bầu cử quốc hội và bầu cử tổng thống. “Chúng ta lại sắp thấy làn sóng ra đi mới,” bà nói. “Để ngăn chặn làn sóng này, nước Nga phải dân chủ hóa đời sống chính trị và tạo điều kiện thuận lợi cho khoa học và giáo dục phát triển.”

Theo ông Alexei Grazhdankin, Phó Giám đốc Trung tâm Levada, nhà cầm quyền nếu muốn ngăn chặn đà ra đi của công nhân có tay nghề và những người có khả năng, “nhất thiết phải tạo điều kiện phù hợp về sinh sống và làm việc, cần chú ý đến không chỉ quyền lợi của đa số, mà còn cả những nhóm khác. Điều này đúng với cả chính trị nội bộ,” ông nói.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]