Mặt trái của nền dân chủ trực tiếp lại được phơi bày

Print Friendly, PDF & Email

referendum

Nguồn: Nina L. Khrushcheva, “Direct Democracy Strikes Again,” Project Syndicate, 04/10/2016.

Biên dịch: Trần Văn Thắng | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Một lần nữa, một cuộc trưng cầu dân ý đã làm đảo lộn một đất nước. Hồi tháng 6, cử tri người Anh đã quyết định đưa đất nước họ ra khỏi Liên minh châu Âu; hiện nay, một đa số sít sao người Colombia đã từ chối một thỏa thuận hòa bình với Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC). Người dân Colombia đã thực hiện một bước nhảy vọt trong bóng tối – và có lẽ là bước nhảy vọt trở lại vực thẳm bạo lực của một cuộc chiến không hồi kết.

Những người theo chủ nghĩa dân túy ở khắp mọi nơi chắc chắn đang ăn mừng kết quả này như một lời khiển trách rõ ràng đối với giới tinh hoa tư lợi, những người đã “thao túng” chính phủ của họ để chống lại người dân. Và họ cho rằng người dân nên có tiếng nói trực tiếp trong những quyết định quan trọng ảnh hưởng đến cuộc sống của họ – dường như ngay cả các quyết định về chiến tranh và hòa bình.

Nhưng nếu thực sự có một sự “thâm hụt dân chủ” như những người theo chủ nghĩa dân túy khẳng định, thì việc tăng cường sử dụng các cuộc trưng cầu dân ý không phải là phép chữa. Ngược lại, các cuộc trưng cầu dân ý có xu hướng làm cho vấn đề tồi tệ hơn và có thể làm suy yếu bản thân nền dân chủ. Ví dụ, đây là một câu chuyện cũ: Napoleon III đã sử dụng một cuộc bỏ phiếu như vậy để biến chức tổng thống dân cử thành danh hiệu hoàng đế mà người bác của ông, Napoleon Bonaparte, từng nắm giữ.

Sau sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít và trong Chiến tranh Lạnh, các nền dân chủ trên thế giới dường như nhận ra rằng các cuộc trưng cầu dân ý (referendums) và bỏ phiếu toàn dân (plebiscites) là công cụ của những kẻ chuyên quyền vốn tìm cách tập trung quyền lực. Adolf Hitler đã sử dụng các cuộc trưng cầu dân ý ở Sudetenland và Áo để củng cố Đế chế thứ Ba. Và, sau Hitler, Joseph Stalin đã sử dụng các cuộc trưng cầu dân ý nhằm hợp nhất Đông Âu vào khối Xô viết.

Gần đây hơn, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý chóng vánh ở Crimea nhằm biện minh cho việc thôn tính lãnh thổ này. Vận dụng truyền thống của Napoleon III, Hitler, và Stalin, ông đã sử dụng dân chủ trực tiếp để theo đuổi những mục đích độc tài.

Chắc chắn, không phải mọi cuộc trưng cầu dân ý gần đây đều là công cụ của quyền lực độc tài. Nhưng sự xuyên tạc và dối trá của những kẻ độc tài trong những năm 1930 chắc chắn đã được thể hiện trong chiến dịch “Rời EU” của Anh, và ở phe phản đối trong cuộc trưng cầu của Hà Lan hồi tháng 4 nhằm phê chuẩn một thỏa thuận về tự do thương mại và liên kết EU-Ukraine.

Ở Anh, Boris Johnson đã bất chấp đạo lý khi giúp dẫn dắt chiến dịch “Rời EU” với mục tiêu làm mất ghế và có khả năng thay thế Thủ tướng David Cameron. Nhưng khi Cameron từ chức hồi tháng 7, những người ủng hộ Brexit của Johnson đã phản bội ông, nên ông phải dàn xếp để trở thành ngoại trưởng trong chính phủ mới của bà Theresa May.

Trong trường hợp Hà Lan, những người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, vốn tìm cách chia rẽ Hà Lan và EU, đã lợi dụng bi kịch MH-17, chiếc máy bay rời Amsterdam và bị nhóm ly khai được Nga hậu thuẫn bắn rơi trên bầu trời Ukraine, để lại một vết thương sâu đậm trong tinh thần công chúng Hà Lan.

Các cuộc trưng cầu dân ý của Anh, Hà Lan, và Colombia đều đòi hỏi các vấn đề phức tạp phải được đơn giản hóa triệt để, điều này làm tăng cường sức mạnh của các nhà lãnh đạo dân tuý. Ở Hà Lan, các cử tri được yêu cầu chấp thuận hoặc từ chối một thỏa thuận dài hơn 2.000 trang, và chắc chắn chỉ một số ít cử tri thực sự đọc nó. Thay vào đó, hầu hết dựa vào các đề tài bàn luận nông cạn của nhà lãnh đạo dân túy Geert Wilders, vốn cung cấp một đánh giá kém ngay thẳng về vấn đề.

Tương tự, cuộc trưng cầu Brexit đặt ra một vấn đề với rất nhiều nhánh câu hỏi mà không cử tri nào có thể xem xét đầy đủ. Và trong cuộc bỏ phiếu toàn dân của Colombia, các cử tri đáng lẽ cần có hiểu biết sâu sắc về quá trình tìm kiếm sự thật và hòa giải cũng như lịch sử hậu chế độ apartheid của đất nước Nam Phi xa xôi để có thể đánh giá được chính xác thỏa thuận hòa bình.

Các chính phủ đại diện được thành lập để quản lý những dạng vấn đề phức tạp này. Chúng ta bỏ phiếu cho các nghị sĩ – hoặc với tư cách cá nhân hoặc như một phần của một đảng chính trị với một cương lĩnh tương đối dự đoán được – để tán thành những chính sách công mà chúng ta ủng hộ. Nhưng, như Edmund Burke từng có nhận định nổi tiếng, “Nghị sĩ của quý vị nợ quý vị không chỉ sự tận tụy mà còn cả nhận định của anh ta; và anh ta sẽ phản bội quý vị, thay vì phụng sự, nếu anh ta hy sinh nhận định của mình để nghe theo quan điểm của quý vị.”

Các chiến dịch dân túy trong các cuộc trưng cầu dân ý lớn trong năm nay khác nhau ở những khía cạnh quan trọng. Ví dụ, những người Colombia phản đối thỏa thuận hòa bình đã kêu gọi các chuẩn mực công lý phổ quát cho các tội ác chiến tranh của quân đội và FARC, không phải chủ nghĩa đặc thù quốc gia như ở Anh và Hà Lan. Tuy nhiên, tất cả đều được thúc đẩy bởi mong muốn hạ gục các chính phủ và thể chế mà họ phản đối. Và tất cả đều sẵn lòng theo đuổi truyền thống của các nhà độc tài, và sử dụng đến sự bôi nhọ, xuyên tạc, và các yêu sách không tưởng.

Trong thế giới thực, các thỏa hiệp lộn xộn là một thực tế của đời sống dân chủ; và điều duy nhất lộn xộn hơn một thỏa thuận hòa bình là bản thân chiến tranh. Miễn là các thỏa hiệp không vi phạm các quyền cá nhân, việc công dân trong các nền dân chủ chấp nhận chúng là cần thiết vì lợi ích của một nền quản trị hoạt động tốt. Khi chúng ta rút gọn một thỏa thuận hòa bình, một hiệp ước thương mại, hoặc tư cách thành viên EU thành một câu hoặc một đoạn, cuộc tranh luận dân chủ thực sự sẽ nhường chỗ cho ồn ào chính trị của những lựa chọn từ bỏ, trao đổi phiếu, và những giao dịch bên lề.

Có thể nói đây là thời điểm đặc biệt thiếu khôn ngoan để tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý, do tình trạng bất ổn dân chủ đã diễn ra ở nhiều quốc gia kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tại EU, các chính trị gia dòng chính phải chấp nhận một số trách nhiệm cho việc đổ lỗi một cách giảo hoạt lên “Brussels” về mọi vấn đề, hoặc cho việc né tránh sự thật về ý nghĩa thực sự đằng sau các hiệp định thành viên hay liên kết của EU với các nước láng giềng. Ở một mức độ nào đó, các nhà lãnh đạo dòng chính đã đặt nền móng cho những kẻ mị dân dân túy đang lấn át lập luận hợp lý bằng những lời kêu gọi mang tính bản địa chủ nghĩa đầy giận dữ.

Nền quản trị kiểu trưng cầu dân ý không có nhiều điểm sáng. Trong những thập niên sau khi California đưa ra các “sáng kiến bỏ phiếu” trên toàn tiểu bang – những sáng kiến có thể được đề xuất bởi bất kỳ cử tri nào và yêu cầu đa số đơn giản (tức quá bán) để được thông qua – tiểu bang này trên thực tế đã trở nên không thể quản lý được. Đương kim thống đốc California Jerry Brown đã dành tám năm qua để dọn dẹp mớ hỗn độn về chính sách tài khóa mà các cử tri của tiểu bang này gây ra từ năm 1978 khi họ thông qua Dự Luật 13, giảm 57% thuế tài sản.

Châu Âu có thể sớm trở nên rối loạn chức năng như California. Tháng này, vị thủ tướng ngày càng độc đoán của Hungary, Viktor Orbán, đã tổ chức trưng cầu dân ý để phản đối một chính sách di cư chung của EU. Nếu có thêm nhiều nước EU phải sử dụng đến các sáng kiến như vậy, sự hội nhập châu Âu có thể sẽ bị đảo ngược. Chỉ cần nghe các chính trị gia kêu gọi trưng cầu dân ý là có thể biết nền dân chủ trực tiếp có thể dẫn đến nơi nào.

Nina L. Khrushcheva là giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học The New School, New York, và nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách Thế giới.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Direct Democracy Strikes Again
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]