Cuộc cách mạng hướng tới sự công bằng tiếp theo

Print Friendly, PDF & Email

economic-justice

Nguồn: Robert J. Shiller, “The Coming Anti-National Revolution,” Project Syndicate, 19/09/2016.

Biên dịch: Phan Thu Hiền | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Trong nhiều thế kỷ qua, thế giới đã trải qua một chuỗi các cuộc cách mạng tri thức chống lại sự áp bức dưới nhiều hình thức. Chúng diễn ra trong tâm trí con người và lan rộng – cuối cùng đến gần như khắp thế giới – không qua chiến tranh (vốn có khuynh hướng bao gồm nhiều nguyên nhân khác nhau), mà qua ngôn ngữ và công nghệ truyền thông. Cuối cùng, không như những nguyên nhân của chiến tranh, những ý tưởng mà chúng thúc đẩy trở nên không thể tranh cãi.

Tôi nghĩ cuộc cách mạng tiếp theo như vậy, rất có thể diễn ra vào một lúc nào đó trong thế kỷ 21, sẽ thách thức những tác động kinh tế của các quốc gia-dân tộc. Nó sẽ tập trung vào sự bất công bắt nguồn từ thực tế là một số người sinh ra ở những nước nghèo còn những người khác thì sinh ra ở những nước nước giàu, một cách hoàn toàn ngẫu nhiên. Khi có nhiều người hơn làm việc cho các công ty đa quốc gia và gặp gỡ và hiểu biết hơn về những người đến từ những đất nước khác, cảm quan của chúng ta về sự công bằng đang bị ảnh hưởng.

Điều này không phải là chưa có tiền lệ. Trong cuốn 1688: The First Modern Revolution (1688: Cuộc cách mạng hiện đại đầu tiên), sử gia Steven Pincus đã lập luận thuyết phục rằng cái gọi là “Cách mạng Vinh quang” được hiểu đúng nhất không phải là việc Quốc hội Anh lật đổ một vị vua Công giáo (James II), mà nên được hiểu là sự khởi đầu của một cuộc cách mạng thế giới giành công bằng. Đừng nghĩ đến chiến trận. Thay vào đó, hãy nghĩ về những quán cà phê với những tờ báo được chia sẻ miễn phí vốn trở nên phổ biến khoảng thời gian đó – những địa điểm dành cho sự trao đổi thông tin phức tạp. Thậm chí, Cách mạng Vinh quang đã đánh dấu rõ ràng sự khởi đầu thừa nhận khắp thế giới về tính chính danh của một nhóm người không chia sẻ sự “thống nhất tư tưởng” mà một vị vua nhiều quyền lực đòi hỏi.

Cuốn sách nhỏ có nhan đề Common Sense (Lẽ thông thường) của Thomas Paine, tác phẩm bán rất chạy ở Mười ba Thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ sau khi được xuất bản vào tháng 1 năm 1776, đánh dấu một cuộc cách mạng khác, khác với cuộc Chiến tranh Cách mạng chống lại Anh nổ ra vào năm sau đó (và có nhiều nguyên nhân). Tầm ảnh hưởng của Common Sense là vô hạn, bởi vì nó không chỉ được bán ra mà còn được đọc to ở nhà thờ và những buổi hội họp. Quan niệm rằng vì lý do nào đó mà những bậc quân vương thế tập ưu việt hơn chúng ta về mặt tinh thần đã bị kiên quyết phản đối. Phần lớn thế giới ngày nay, bao gồm cả nước Anh, cũng đồng ý với điều đó.

Điều tương tự cũng có thể nói là đúng với việc bãi bỏ dần chế độ nô lệ, vốn đạt được gần như không qua chiến tranh, mà qua nhận thức phổ biến mới xuất hiện về sự tàn ác và bất công của nó. Các cuộc nổi dậy năm 1848 trên khắp châu Âu thực chất là một cuộc biểu tình chống lại các đạo luật bầu cử chỉ giới hạn quyền bỏ phiếu trong một nhóm thiểu số nam giới: giới điền chủ hoặc quý tộc. Quyền bầu cử cho phụ nữ đến sau đó không lâu. Trong thế kỷ 20 và 21, chúng ta đã chứng kiến dân quyền được mở rộng đến các nhóm thiểu số về chủng tộc và giới tính.

Tất cả các cuộc “cách mạng công lý” trong quá khứ đều bắt nguồn từ truyền thông được cải thiện. Áp bức phát triển mạnh ở những nơi xa xôi, nơi ta không thể gặp hoặc nhìn thấy những người chịu áp bức.

Cuộc cách mạng tiếp theo sẽ không xóa bỏ những hệ quả của việc người ta sinh ra ở đâu, nhưng những đặc quyền của việc là công dân nước nào sẽ bị thách thức. Trong khi sự trỗi dậy của thái độ bài người nhập cư trên khắp thế giới ngày nay dường như ám chỉ điều ngược lại, cảm quan về sự bất công sẽ tăng lên khi truyền thông tiếp tục phát triển. Cuối cùng, sự thừa nhận cái sai sẽ dẫn đến những thay đổi lớn.

Hiện nay, sự thừa nhận này vẫn vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ những tình cảm yêu nước vốn bắt nguồn từ một khế ước xã hội giữa những công dân đã đóng thuế trong nhiều năm hoặc thực hiện nghĩa vụ quân sự để xây dựng hay bảo vệ những điều mà họ thấy chỉ thuộc về riêng họ mà thôi. Cho phép nhập cư không hạn chế dường như đã phá vỡ khế ước này.

Nhưng những bước quan trọng nhất để giải quyết sự bất công về nơi sinh có thể sẽ không nhắm tới sự di cư. Thay vào đó, chúng sẽ tập trung vào đẩy mạnh tự do kinh tế.

Năm 1948, “định lý cân bằng giá yếu tố sản xuất” (factor price equalization theorem) của Paul A. Samuelson đã chỉ ra một cách rõ ràng rằng trong điều kiện tự do thương mại không giới hạn và không có chi phí vận chuyển (cùng với những giả định lý tưởng hóa khác), các lực lượng thị trường sẽ cân bằng giá của mọi yếu tố sản xuất, bao gồm tiền lương cho bất kỳ dạng lao động chuẩn hóa nào, trên khắp thế giới. Trong một thế giới hoàn hảo, con người không phải đến một đất nước khác để có thu nhập cao hơn. Cuối cùng, họ chỉ cần có khả năng tham gia vào sản xuất sản phẩm có thể bán trên thị trường quốc tế.

Khi công nghệ làm giảm chi phí vận chuyển và thông tin liên lạc tới gần điểm biến mất, việc đạt được sự cân bằng này đang ngày càng khả thi hơn. Nhưng điều đó đòi hỏi phải loại bỏ những rào cản cũ và ngăn chặn sự xuất hiện của những rào cản mới.

Các hiệp định thương mại tự do đang được thảo luận gần đây, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership – TPP) và Hiệp định Thương mại Tự do xuyên Đại Tây Dương (Transatlantic Trade and Investment Partnership – TTIP), đã bị đình trệ vì nỗ lực của một số nhóm lợi ích nhằm bẻ cong chúng cho mục đích của họ. Tuy nhiên, cuối cùng chúng ta cần – và có thể sẽ – đạt được những hiệp định thậm chí còn tốt hơn thế.

Để đạt được sự cân bằng giá yếu tố sản xuất, con người cần nền tảng ổn định cho một nghề nghiệp thực sự suốt đời gắn với một đất nước nơi mà họ không cư trú. Chúng ta cũng cần bảo vệ những người thua thiệt bởi thương mại quốc tế trong các quốc gia-dân tộc hiện có. Hỗ trợ Điều chỉnh Thương mại (Trade Adjustment Assistance – TAA) bắt nguồn tại Mỹ từ năm 1974. Canada đã thử nghiệm Dự án Hỗ trợ Thu nhập vào năm 1995. Quỹ Điều chỉnh Toàn cầu hoá châu Âu, bắt đầu năm 2006, có ngân sách hàng năm khiêm tốn ở mức 150 triệu EUR (168,6 triệu USD). Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề xuất mở rộng chương trình TAA. Tuy nhiên, cho đến nay, ý nghĩa của điều này vẫn chỉ ở mức những thử nghiệm hay đề xuất.

Cuối cùng, cuộc cách mạng tiếp theo rất có thể sẽ bắt nguồn từ những tương tác hàng ngày trên màn hình máy tính với những người nước ngoài mà chúng ta có thể thấy họ thông minh và tử tế – những người ngẫu nhiên sống trong nghèo đói mà không phải do lựa chọn của họ. Điều này sẽ dẫn đến những hiệp định thương mại tốt hơn, dựa trên giả định về sự phát triển cuối cùng những mức bảo hiểm xã hội lớn hơn nhằm bảo vệ người dân trong một đất nước khi chuyển đổi sang một nền kinh tế toàn cầu công bằng hơn.

Robert J. Shiller, chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2013, là giáo sư ngành kinh tế học tại Đại học Yale và là đồng tác giả của Chỉ số Case-Shiller về giá cả nhà ở tại Mỹ.

Xem thêm: Cái giá của sự bất công bằng: Về giai cấp “siêu giàu” mới nổi

Copyright: Project Syndicate 2016 – The Coming Anti-National Revolution
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]