Giải mã danh hiệu ‘lãnh đạo nòng cốt’ của Tập Cận Bình

Print Friendly, PDF & Email

xi-core-leader-1

Nguồn: Peh Shing Huei, “Return of ‘core leader’ title implies a dismantling of CCP’s unwritten rules,” TODAY (Singapore), 04/11/2016.

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Với những ai không theo dõi sát sao chính trị cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tin tức về việc chủ tịch Tập Cận Bình được trao danh hiệu mới là nhà “lãnh đạo nòng cốt” có vẻ giống chuyện bé xé ra to.

Tuy nhiên, cách gọi mới của ông Tập là một chuyện quan trọng. Nó mở đường cho việc tháo dỡ dần những quy tắc và chuẩn mực bất thành văn của Đảng Cộng sản vốn điều chỉnh hành vi của giới tinh hoa và quá trình chuyển giao lãnh đạo trong gần ba thập niên qua.

Nó cũng báo hiệu một kỷ nguyên mới của sự khó dự đoán ngày càng lớn trong cuộc đấu tranh quyền lực trong Đảng Cộng sản, xé rách những luật lệ hiện có.

Cụm từ “lãnh đạo nòng cốt” trong Đảng Cộng sản cũng giống như vỏ ốc xà cừ trong cuốn tiểu thuyết Chúa ruồi: Một biểu tượng nhân tạo của quyền lực mà ban đầu vốn vô nghĩa.

Trong hàng thập niên, các nhà lãnh đạo Đảng như Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình không cần đến nó để thâu tóm quyền lực.

Lần đầu tiên nó được nhắc đến là vào ngày 16 tháng 6 năm 1989, 12 ngày sau cuộc đàn áp Thiên An Môn đẫm máu. Hôm ấy, Đặng nói “một nền lãnh đạo tập thể phải có một nòng cốt; không có nòng cốt thì không nền lãnh đạo nào có thể đủ vững mạnh.”

Đặng gọi Mao là “nòng cốt” – hay hexin (hạch tâm) trong tiếng Trung – của thế hệ lãnh đạo thứ nhất của Trung Quốc, và nói mình là nòng cốt của thế hệ lãnh đạo thứ hai.

Quan trọng hơn, Đặng còn ban danh hiệu mới được tạo ra này cho nhà lãnh đạo mới khi đó là Giang Trạch Dân.

“Mục đích của Đặng là củng cố quyền lực của một bí thư mới còn yếu, được chọn trong bối cảnh khủng hoảng và cấp bách,” chuyên gia kỳ cựu về Trung Quốc Alice Miller viết trên tờ China Leadership Monitor hồi tháng 7 năm nay.

Bước đi của Đặng đã có tác dụng. Sau khi chứng kiến hai người tiền nhiệm của mình (tức Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương – NBT) bị thất sủng và thanh trừng, Giang đã có đủ khả năng củng cố quyền lực của mình.

Khi người kế nhiệm Giang là Hồ Cẩm Đào không được trao danh hiệu này, nó được nhiều người xem là một dấu hiệu của vai trò lãnh đạo yếu đuối.

Giờ sau 14 năm vắng mặt, nó đã trở lại. Trong một quãng thời gian tương đối ngắn chưa đến bốn năm, ông Tập đã tích lũy đủ ảnh hưởng chính trị để phủi bụi khỏi chiếc vương miện bị bỏ quên.

Cũng giống như vỏ ốc, “nòng cốt” đã mang một ý nghĩa và sức sống mới, vượt qua nguồn gốc ban đầu của mình. Quyền lực của ông Tập sẽ không bị thách thức trong ngắn hạn.

Những quy tắc bất thành văn của Đặng

Một ý nghĩa quan trọng trong sự trở lại của “lãnh đạo nòng cốt” là dự kiến nhiều quy tắc bất thành văn của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ bị dỡ bỏ.

Từ những năm 1980, Đặng Tiểu Bình đã cố gắng thiết lập một bộ quy tắc chi phối nền chính trị cấp cao và đưa ra một quy trình chuyển giao quyền lực trật tự hơn.

Ông muốn chấm dứt sự thanh trừng đã thành thói. Mao đã tiêu diệt hai người kế nhiệm được chọn của mình, trong khi người thứ ba bị loại bỏ sau khi Người cầm lái vĩ đại (Mao) qua đời.

Để làm vậy, Đặng đưa Đại hội Đảng thành một sự kiện thường xuyên, được tổ chức năm năm một lần. Trong cao điểm của Đại nhảy vọt và Cách mạng văn hóa, đại hội bị đứt quãng 13 năm.

Quan trọng hơn, ông cũng đưa ra những nguyên tắc về giới hạn tuổi, giới hạn nhiệm kỳ, và quá trình chuyển giao hệ thống.

Tất cả khiến thế giới mờ ám của nền chính trị cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc có được vẻ ngoài minh bạch và, với ngoại lệ là biến cố Thiên An Môn, chúng dẫn đến một thời kỳ tương đối dễ dự đoán trong lịch sử Đảng.

Đặng chấm dứt chế độ nhiệm kỳ suốt đời của cán bộ – một nguyên tắc sau này được Giang và các đồng minh của ông khai thác để giành ưu thế trước đối thủ.

Năm 1997, Giang áp đặt tuổi hưu mới ở ngưỡng 70 để buộc Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Kiều Thạch nghỉ ở tuổi 70. Giang được miễn dù đã 71 tuổi có lẽ vì vị thế nhà lãnh đạo nòng cốt của ông.

Năm năm sau, 2002, tuổi nghỉ hưu được đưa xuống 68, khiến nhà cố vấn hàng đầu Lý Thụy Hoàn không thể tiếp tục thêm một nhiệm kỳ nữa.

Điều này bắt đầu một quy định mới được gọi nôm na là qishang baxia (thất thượng bát hạ). Nó nghĩa là những ai 67 tuổi đổ xuống thì có thể ở lại, còn 68 tuổi trở lên thì phải nghỉ hưu.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã trung thành với tập quán này. Năm 2007, ba chính trị gia hơn 68 tuổi trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị nghỉ hưu. Năm 2012, bảy người, bao gồm Hồ Cẩm Đào, lùi bước.

Đừng nghĩ ông Tập sẽ tiếp tục giữ quy đinh này. Ông có động cơ để bỏ qua hướng dẫn này nhằm cho phép các đồng minh như trưởng ban chống tham nhũng Vương Kỳ Sơn, nay đã 68, tiếp tục nhiệm kỳ trong thời gian diễn ra cuộc chuyển giao lãnh đạo lớn tiếp theo tại Đại hội Đảng lần thứ 19 vào năm tới.

Khả năng như vậy càng tăng sau khi một giám đốc tại Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương Đảng nói với truyền thông hôm thứ Hai rằng qishang baxia chỉ là “truyền miệng, không đáng tin.”

Đó là một tuyên bố có hàm ý rõ ràng. Nhà lãnh đạo nòng cốt mới đang đặt nền móng cho thay đổi.

Vị hoàng thái tử vô hình

Để củng cố quyền lực hơn nữa, ông Tập cũng rất có thể sẽ thách thức truyền thống do Đặng thành lập là có một người kế nhiệm rõ ràng.

Khi đưa Giang lên làm lãnh đạo, Đặng cũng có ý bổ nhiệm một chính trị gia trẻ hơn nhiều, Hồ Cẩm Đào, vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Mục đích là để sớm chấm dứt tin đồn về chuyển giao lãnh đạo, khiến cuộc chuyển tiếp chính trị diễn ra trơn tru, và tạo sự ổn định trong Đảng.

Tập quán này đã tiếp tục, khi ông Tập được chỉ rõ là người kế nhiệm Hồ Cẩm Đào vào năm 2007, năm năm trước khi ông tiếp quản chức vụ.

Nếu kịch bản này được tiếp tục thì người kế nhiệm ông Tập sẽ được đưa lên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị vào năm sau.

Nhưng với quyền lực nằm chắc trong tay, rất có thể ông Tập sẽ không tán thành việc có một vị “thái tử” chờ đợi và cướp lấy ánh đèn sân khấu của ông.

Điều này dẫn đến quy tắc thứ ba của Đặng mà Tập có thể phá vỡ – giới hạn hai nhiệm kỳ lãnh đạo Đảng.

Nếu dỡ bỏ giới hạn tuổi và làm chậm quá trình chuyển giao lãnh đạo thành công, ông Tập có thể đưa mình vào nhiệm kỳ thứ ba. Nhiệm kỳ hiện nay của ông sẽ kết thúc năm 2022, khi ông 69 tuổi.

Hiến pháp Trung Quốc đặt giới hạn hai nhiệm kỳ đối với Chủ tịch nước, nhưng không có giới hạn cho Tổng Bí thư Đảng Cộng sản. Do vậy ông có thể thôi danh hiệu nguyên thủ nhà nước, nhưng vẫn duy trì cấp bậc quan trọng và quyền lực hơn trong Đảng. Điều này đã có tiền lệ trong Đảng Cộng sản, gần đây nhất là vào năm 1993.

Hầu hết chỉ dấu đều cho thấy ông sẽ làm vậy. Từ khi nắm quyền năm 2012, ông đã cho thấy rằng, không như những người tiền nhiệm, ông không sợ bẻ cong tập quán và phá vỡ những quy tắc bất thành văn.

Ví dụ, việc bắt giữ và kết án cựu Bộ trưởng Công an quyền lực Chu Vĩnh Khang đã phá vỡ quy tắc có từ lâu rằng ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị thì có kim bài miễn tội.

Những quy tắc bất thành văn của Đặng luôn mang theo sự mong manh dễ vỡ trong Đảng, nơi sự thể chế hóa vẫn không có hy vọng.

Chúng có vẻ đều bị coi là lời truyền miệng và những chuẩn mực ngoại vi không phù hợp với chân trời mới của nhà lãnh đạo nòng cốt.

Nền chính trị lãnh đạo của Trung Quốc chuẩn bị bước sang một giai đoạn khó đoán.

Peh Shing Huei, nguyên trưởng văn phòng Trung Quốc của The Straits Times, là tác giả cuốn When the Party Ends (Straits Times Press Books, 2014).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]