Liên Xô đã chết vĩnh viễn!

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Ghia Nodia, The Soviet Union is Dead for Good,” Project Syndicate, 29/12/2016.

Biên dịch: Trịnh Ngọc Thao | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Đêm giao thừa năm nay đánh dấu kỷ niệm lần thứ 25 ngày Liên Xô chính thức tan rã. Nhưng, thay vì ăn mừng, nhiều người Nga – và một số người ở phương Tây – lại phân vân về kết cục đó.

Tổng thống Nga Vladimir Putin dẫn đầu danh sách những người nghi ngờ. Hồi năm 2005 ông đã đưa ra lập trường về việc Liên Xô tan rã, khi gọi đó là “một thảm kịch địa chính trị lớn của thế kỷ 20.” Và một số người ở phương Tây cho rằng các nhà nước mới nổi lên từ đống đổ nát – cụ thể là Ukraine và các nước cộng hòa Baltic – sẽ là nguồn cơn chính cho thái độ oán giận và chủ nghĩa trả thù của Nga trong thế giới hậu Chiến tranh Lạnh.

Những nghi ngại này trái ngược hoàn toàn với sự đồng thuận chiếm ưu thế nhiều năm sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu các năm 1989–91. Người ta thừa nhận rộng rãi rằng sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh không chỉ đánh dấu sự giải phóng Trung và Đông Âu mà còn là chiến thắng của các tư tưởng tự do.

Nhưng sự tan rã của Liên Xô cũng có thể được xem là chiến thắng của chủ nghĩa dân tộc. Quả thật, vì lo sợ bạo lực dân tộc chủ nghĩa mà Tổng thống Mỹ khi đó là George H. W. Bush và Thủ tướng Đức Helmut Kohl đã cố gắng giúp Tổng thống cuối cùng của Liên Xô, Mikhail Gorbachev, duy trì Liên Xô (dù chỉ diễn ra sau khi Liên Xô đồng ý cho các nước Baltic ly khai). Họ đã thất bại – và sau đó tuyên bố chiến thắng về sự sụp đổ hoàn toàn của đế chế Xô Viết.

Trên thực tế, các Hiệp ước Belovezha, chính thức hóa việc tan rã của Liên Xô, đã hoàn thành tiến trình tan rã vốn bắt đầu từ năm 1989. Mối bất hòa giữa các nước khối Warsaw và các nước cộng hòa Xô Viết là rất quan trọng, nhưng có một sự tương đồng cốt yếu: trong tất cả các nước này, Điện Kremlin đã áp đặt chủ nghĩa cộng sản bằng nòng súng. Liên Xô có thể sống sót chừng nào Nga còn duy trì việc kiểm soát đế chế – và nếu Gorbachev sẵn sàng sử dụng vũ lực nhằm kéo dài sự kiểm soát đó.

Nhiều chiến lược gia và học giả phương Tây đã đưa ra đánh giá của mình dựa trên một giả định sai lầm: Liên Xô cũng có thể được tự do, nếu tên gọi của nó được sửa đổi hợp lý và một bản hiến pháp đúng đắn được soạn thảo cho nó. Nhưng điều đó là vô vọng. Các dân tộc hợp thành Liên Xô có lịch sử khác nhau từ rất lâu trước khi Nga thống trị; và, dưới chính sách dân tộc của hệ thống Xô Viết, bản sắc của họ với tư cách là thành viên của các đơn vị chính trị độc lập trên thực tế đã được củng cố. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, họ nhanh chóng thể hiện các ưu tiên chính trị và xã hội rất khác nhau. Người ta không thể tưởng tượng được ngay cả một không gian chính trị tự do một phần, như Nga đã trở thành lúc đó, mà họ có thể cùng chia sẻ.

Dĩ nhiên, sau khi giành được độc lập, một số quốc gia-dân tộc mới đã vật lộn để phát triển các thể chế dân chủ và các nền kinh tế khả dĩ. Các nước khác, không ngạc nhiên, đã trở thành các nền độc tài hoàn toàn. Nhưng trước khi bắt đầu những con đường đó, hai tiếng “tự do” có thể chỉ được áp dụng một cách đầy đủ với ý nghĩa rằng họ được giải phóng khỏi sự kiểm soát của Điện Kremlin.

Việc Liên Xô giải thể đáng được ăn mừng, bởi vì nó đã tạo ra một cơ hội mới cho sự phát triển trên khắp vùng đất rộng lớn mà Liên Xô từng kiểm soát. Nó cũng nên được ăn mừng vì quá trình giải thể này đạt được theo một cách thức tương đối trật tự và hòa bình.

Chắc chắn, ở một số quốc gia, đặc biệt là đất nước tôi, Gruzia, đã có một thời kỳ nội chiến và hỗn loạn. Nhưng đó là trách nhiệm của chính chúng tôi. Vào thời kỳ hoàng kim của Liên Xô, khi những người Gruzia thuộc thế hệ của tôi mơ về sự sụp đổ cuối cùng của đế chế này (bởi vì mọi đế chế cuối cùng đều tan rã), chúng tôi đã không dám tưởng tượng rằng nó sẽ xảy ra với cách thức hòa bình và trật tự như vậy.

Thế nhưng, bất chấp sự giải thể trong hòa bình và trật tự, Liên Xô vẫn từ chối tan rã hoàn toàn. Putin đã quyết tâm biến cay đắng của việc Nga mất kiểm soát với các láng giềng kế cận thành trọng tâm trong chính sách của ông, cả trong nước và quốc tế. Các cuộc xâm lược mà ông ra lệnh – ở Gruzia năm 2008 và Ukraine năm 2014 – đã đem lại sự hài lòng tạm thời cho những người Nga bị vây hãm cần khẳng định dân tộc mình. Nhưng hành vi hung hăng của Putin cũng gây ra nỗi sợ trong các nước láng giềng, cùng với mối lo ngại và sự bối rối rộng khắp trong cộng đồng quốc tế.

Chưa rõ các dự án chính trị khác mà Putin sẽ tìm cách thực hiện để khôi phục sự vĩ đại đã mất của Nga là gì. Nhưng dù ông có làm gì đi nữa thì các Hiệp ước Belovezha đã tạo ra một thực tế khó có thể đảo ngược. Hầu hết các quốc gia thuộc Liên Xô cũ đã phí phạm nhiều cơ hội trong suốt 25 năm qua; tuy nhiên, giờ đây họ đã quen với việc làm chủ số phận của chính mình. Putin rồi sẽ nhận ra việc khôi phục Liên Xô là không thể.

Ghia Nodia là Viện trưởng Viện Caucasus vì Hòa bình, Dân chủ, và Phát triển tại Tbilisi, Gruzia.

Copyright: Project Syndicate 2016 – The Soviet Union is Dead for Good