Bán đảo Triều Tiên bên miệng hố chiến tranh

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Lê Như Mai

Những ngày gần đây, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không ngừng leo thang. Đáp trả lại những hành động khiêu khích của CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên), chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc lựa chọn đánh đòn phủ đầu bằng vũ khí thông thường đối với Triều Tiên, trong đó có thể sử dụng bom, tên lửa, tấn công mạng hay các hoạt động tác chiến đặc biệt trên mặt đất khác, nếu phát hiện Triều Tiên chuẩn bị tiến hành vụ thử vũ khí hạt nhân lần thứ sáu. Đây là lần đầu tiên Nhà Trắng công khai cân nhắc đánh phủ đầu để ngăn chặn một vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Bài viết này phân tích những diễn biến trên bán đảo Triều Tiên trong vài tháng trở lại đây để xác định những thay đổi trong cách tiếp cận của Mỹ đối với vấn đề.

Mối đe doạ từ Triều Tiên

Trong quá khứ, Triều Tiên đã thể hiện nhất quán quyết tâm phát triển vũ khí hạt nhân, và kèm theo hàng loạt các vụ thử tên lửa khác, đi ngược lại cảnh báo của Mỹ và các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đáng chú ý nhất chính là hai vụ thử hạt nhân lần thứ tư và thứ năm trong năm 2016. Vụ thử thứ tư (01/2016) là lần Triều Tiên cho thử thành công bom nhiệt hạch (bom H), thứ vũ khí hạt nhân có sức công phá gấp hàng nghìn lần bom nguyên tử thông thường. Trong vụ thử thứ năm (09/2016), Triều Tiên thông báo họ đã có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để triển khai trên tên lửa đạn đạo. Nếu điều đó là sự thực, chỉ cần nước này thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa, Triều Tiên sẽ có khả năng tấn công hạt nhân đến lãnh thổ của Mỹ. Theo đó, Triều Tiên chính là mối đe doạ trực tiếp nhất đối với an ninh của nước Mỹ.

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức đến nay, tần suất và mức độ của các hành vi khiêu khích đến từ Triều Tiên còn tăng lên nhanh chóng. Triều Tiên dường như chủ động thử tên lửa vào những dịp quan trọng để gửi đi thông điệp của họ. Đó là các thời điểm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang có chuyến thăm đến Mỹ (02/2017), ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (06-07/04/2017), và trước chuyến thăm 3 ngày của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đến Hàn Quốc (16/04/2017). Đáng chú ý nhất, nhân kỷ niệm 85 ngày thành lập quân đội, ngày 25/04/2017, Triều Tiên đã tiến hành một cuộc tập trận pháo binh bắn đạn thật quy mô lớn với sự tham gia của khoảng hơn 300 khẩu pháo tầm xa. Tất cả những động thái này nhằm gửi đi thông điệp “thách thức” đến Mỹ và Hàn Quốc.

Bên cạnh hành động cụ thể, Triều Tiên cũng có những phát ngôn khiêu khích và đe doạ nhắm đến Mỹ, các nước đồng minh của Mỹ và thậm chí là Trung Quốc – đồng minh lâu năm, đồng thời cũng là quốc gia được cho là có khả năng gây ảnh hưởng lớn nhất đến nước này. Ngày 11/04/2017, truyền thông nhà nước của Triều Tiên cảnh báo sẽ tấn công phủ đầu Mỹ bằng vũ khí hạt nhân nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hung hăng nào từ phía Mỹ. Ngày 23/04/2017, Triều Tiên cũng tuyên bố sẵn sàng đánh chìm tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ. Không chỉ vậy, Triều Tiên cũng đe dọa tấn công Úc, một đồng minh của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương khi Ngoại trưởng Úc Julia Bishop công khai phê phán chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Mặc dù tránh nhắc tên Trung Quốc, bài bình luận đăng trên Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm 22/04/2017 cảnh báo những hậu quả thảm khốc với nước “láng giềng” nếu nước này hùa với Mỹ tiếp tục các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Triều Tiên.

Những hành vi này của Triều Tiên cho thấy, các biện pháp mà Mỹ đang áp dụng hiện tại đã không có tác dụng. Ngược lại, nguy cơ Triều Tiên tấn công lãnh thổ Mỹ bằng vũ khí hạt nhân đang tăng đến mức độ báo động. Ngay cả Trung Quốc, đồng minh duy nhất, cũng là nước viện trợ năng lượng và lương thực chủ chốt cho Triều Tiên, cũng không thể khiến Bình Nhưỡng thay đổi. Theo đó, Triều Tiên trở thành một mối đe dọa hiện hữu nhất (imminent threat) đối với nước Mỹ. Thực tế đó giải thích tại sao, lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ buộc phải cân nhắc đánh đòn phủ đầu nếu Triều Tiên tiếp tục thử vũ khí hạt nhân.

Chính sách cứng rắn của Donald Trump

Ngay từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố các quan điểm cứng rắn với vấn đề hạt nhân của Iran hay Triều Tiên. Nhà Trắng khẳng định “Mỹ sẽ phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa tân tiến nhất để chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa từ những nước như Iran hay Triều Tiên”. Theo đó, Mỹ không lùi bước trước phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc, quyết tâm triển khai Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc trong những tháng đầu năm 2017. Trong cuộc phỏng vấn với Financial Times (02/04/2017), ông Trump cũng tuyên bố rất dứt khoát rằng nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Triều Tiên, Mỹ sẽ tự xử lý, hàm ý sẽ tấn công Triều Tiên bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh.

Trong ba tháng trở lại đây, Mỹ cũng có hành động cứng rắn để cảnh báo Triều Tiên. Ngoài việc thúc đẩy Hàn Quốc sớm hoàn tất quá trình triển khai THAAD, Mỹ còn cùng với nước này tiến hành các cuộc tập trận chung thường niên. Ngày 25/04/2017, tàu ngầm hạt nhân USS Michigan đã cập cảng thành phố Busan (Hàn Quốc), một động thái thể hiện sự hợp tác hải quân của liên minh Mỹ – Hàn. Ngày 26/04/2017, Đô đốc Hải quân Mỹ Harry Harris cũng tiết lộ đội tàu sân bay USS Carl Vinson với sức mạnh không quân vượt trội đang di chuyển đến vị trí có thể bắn tới bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, Tổng thống Trump còn phát biểu trên trang Twitter cá nhân, phê phán cách hành xử của Triều Tiên là “rất tệ”.

Có thể thấy, cách tiếp cận của chính quyền Donald Trump đối với Triều Tiên là mạnh mẽ và dứt khoát hơn nhiều so với các chính quyền tiền nhiệm. Trump được cho là một nhà lãnh đạo phi truyền thống, bên ngoài các trường phái chính trị chủ chốt ở Washington. Xuất thân từ một doanh nhân, Trump có cách tiếp cận thực dụng, đề cao tính toán thiệt hơn ngắn hạn thay vì có cách tiếp cận dài hơi và tổng thể. Với tính cách thẳng thắn, bộc trực đến bốc đồng, Trump thường xuyên đưa ra những phát ngôn công kích trực diện và thiếu tinh tế làm căng thẳng các quan hệ ngoại giao của Mỹ. Tổng thống Trump cũng làm cho thế giới bất ngờ với quyết định tấn công Syria bằng tên lửa hành trình Tomahawk một cách chớp nhoáng và sử dụng “bom mẹ” để tiêu diệt các cơ sở ngầm của Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan. Tất cả những yếu tố này cho thấy chính quyền Mỹ hiện nay có khả năng theo đuổi các biện pháp mạnh mẽ hơn để xử lý vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.

Các lựa chọn của Washington

Để đối phó với Triều Tiên, mà trước mắt nhất là ngăn chặn vụ thử hạt nhân tiếp theo của nước này, Mỹ có bốn lựa chọn, gồm có: (i) trừng phạt kinh tế; (ii) tấn công mạng; (iii) đàm phán ngoại giao và cuối cùng là (iv) sử dụng vũ lực, cụ thể hơn là tấn công phủ đầu. Sau cuộc họp của Nhà Trắng với 100 Thượng nghị sĩ hôm 26/04/2017, có vẻ vẫn chưa có một phương án cụ thể nào được đưa ra. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, về lý thuyết, lựa chọn thứ tư có tính khả thi cao hơn cả đối với Washington.

Xét lựa chọn thứ nhất, rõ ràng là biện pháp trừng phạt kinh tế được Mỹ và cộng đồng quốc tế thực hiện trong suốt nhiều năm qua đã không có tác dụng. Trên bình diện đơn phương, Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận gần như hoàn toàn đối với Triều Tiên kể từ Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953). Mỹ đã bổ sung một vài lệnh trừng phạt nữa với Triều Tiên, như Sắc lệnh 13687 (02/01/2015) sau khi Bình Nhưỡng tấn công mạng của công ty Sony Music Entertainment và Sắc lệnh 13722 (16/03/2016) sau khi nước này thử hạt nhân lần thứ tư. Trên bình diện đa phương, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, đánh vào nguồn tài chính chi cho chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này, bao gồm Nghị quyết 1718 (07/2006), Nghị quyết 1874 (06/2009), Nghị quyết 2087 (01/2013), Nghị quyết 2094 (03/2013), Nghị quyết 2270 (03/2016)Nghị quyết 2321 (11/2016). Ngoài ra, Tổng thống Trump còn cố gắng thúc đẩy Trung Quốc hạn chế viện trợ cho Triều Tiên. Trên thực tế, Trung Quốc cũng đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu than từ Bình Nhưỡng hồi tháng 02/2017. Nhưng cho đến nay, các lệnh trừng phạt chồng chéo nhau không những không ép được Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa, trái lại còn khiến nước này quyết tâm hơn trong việc theo đuổi tham vọng chiến lược của mình.

Trên phương diện trừng phạt kinh tế, Trung Quốc có lẽ là tia hy vọng sáng nhất đối với Mỹ. Tuy nhiên, tính khả thi của “con bài Trung Quốc” là không cao. Suốt nhiều năm cầm quyền của Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, Hàn Quốc xích lại gần Trung Quốc để thúc đẩy nước tác động lên Triều Tiên nhưng không thành công. Trung Quốc lại có lợi ích sát sườn trong duy trì chế độ của Triều Tiên, đồng thời có nghĩa vụ bảo vệ Triều Tiên theo Hiệp ước đồng minh song phương năm 1961. Theo đó, khả năng Trung Quốc chấm dứt hoàn toàn viện trợ cho Triều Tiên là gần như không thể. Cho dù Trung Quốc có gia tăng các biện pháp trừng phạt, đặc biệt là cắt giảm nguồn viện trợ lương thực và năng lượng cho Triều Tiên, tác dụng của các hành động này phải mất nhiều thời gian mới có thể được phát huy, trong khi Triều Tiên vẫn tiếp tục có các hành động thách thức uy tín của Mỹ.

Về lựa chọn tấn công mạng, khả năng gây ra thiệt hại cho các cơ sở hạt nhân hay vô hiệu hóa các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên bằng virus máy tính Stuxnet như trường hợp của Iran trước đó là không hề cao. Bởi lẽ, hệ thống thông tin của Triều Tiên vốn đã rất bảo mật, tách biệt gần như hoàn toàn với các hệ thống khác nên virus máy tính từ bên ngoài rất khó có thể xâm nhập vào Triều Tiên. Trong khoảng thời gian 2009 – 2010, Mỹ cũng đã thử phát tán virus Stuxnet tấn công chương trình hạt nhân của Triều Tiên nhưng thất bại.

Với lựa chọn thứ ba, Mỹ đã thử đàm phán ngoại giao với Triều Tiên nhiều lần trong quá khứ, dù hai nước này không hề có quan hệ ngoại giao chính thức. Các cuộc đàm phán được tổ chức để giải quyết hai cuộc khủng hoảng hạt nhân vào năm 1993 và năm 2002. Đàm phán 6 bên giữa Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nga và Nhật Bản kéo dài từ năm 2003 cho đến năm 2009 trước khi Triều Tiên tuyên bố rút khỏi bàn đàm phán và sẽ không bị ràng buộc bởi bất kỳ thỏa thuận nào đạt được trước đó. Kể từ đó đến nay, mọi nỗ lực kêu gọi nối lại Đàm phán 6 bên đều thất bại. Vào năm 2012, Mỹ cũng đã một lần nữa nhượng bộ ngồi vào bàn đàm phán và cho ra Thỏa thuận chung với Triều Tiên với điều khoản: Triều Tiên sẽ ngừng các hoạt động làm giàu uranium tại cơ sở hạt nhân Yongbyon để đổi lấy viện trợ lương thực từ Mỹ. Sau đó, Triều Tiên vẫn vi phạm thỏa thuận khi tiếp tục chương trình hạt nhân và tên lửa của mình. Như vậy, Mỹ đã kiên trì đàm phán suốt nhiều năm, nhưng không gặt hái được kết quả như mong muốn. Chính vì lẽ đó, vào tháng 03/2017, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tuyên bố: Mỹ loại trừ việc đàm phán trực tiếp với Triều Tiên.

Và cuối cùng, đánh đòn phủ đầu chắc chắn là một lựa chọn hết sức mạo hiểm với mức độ rủi ro cao và để lại những hệ luỵ nghiêm trọng. Nếu cuộc tấn công phủ đầu từ Mỹ không phá hủy được hết các cơ sở hạt nhân, tên lửa hay căn cứ quân sự của Triều Tiên, tính mạng và sự an nguy của người dân Hàn Quốc, Nhật Bản và chính nước Mỹ sẽ bị đe dọa vì những đòn đáp trả sau đó của Triều Tiên. Một cuộc chiến tranh tổng lực là không thể tránh khỏi và rất khó để dự đoán về sự can thiệp của Nga và Trung Quốc. Các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc chắc chắn không muốn để xảy ra chiến tranh nếu mối đe doạ Triều Tiên là không rõ ràng. Do đó, trong quá khứ, Mỹ luôn đặt lựa chọn sử dụng vũ lực ở vị trí sau cùng.

Nhưng tại thời điểm hiện tại, khi mà mối đe doạ từ Triều Tiên trở nên hiện hữu, biện pháp quân sự có vẻ như trở nên khả thi hơn. Nếu lựa chọn đánh phủ đầu, Mỹ có thể tiến hành một cuộc tấn công nhanh chóng và chuẩn xác vào những căn cứ quân sự, cơ sở hạt nhân hay tên lửa của Triều Tiên để giảm thiểu rủi ro đã nêu. Rõ ràng, những động thái dùng biện pháp quân sự đối với Syria hay Afghanistan của Mỹ đã cho thấy, sử dụng vũ lực hoàn toàn có thể là một lựa chọn được chính quyền mới cân nhắc một cách nghiêm túc.

Tóm lại, tính chất của cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hiện nay đang khá nghiêm trọng, buộc Mỹ đã phải cân nhắc đến việc sử dụng vũ lực, mà cụ thể là tấn công phủ đầu. Triều Tiên đã cố gắng phát triển các năng lực hạt nhân có khả năng đe doạ nước Mỹ và liên tiếp thách thức các cảnh báo của Washington. Song song với những hoạt động tái bố trí quân sự, Mỹ kêu gọi Liên Hợp Quốc gia tăng các biện pháp trừng phạt và khẳng định đang cân nhắc mọi lựa chọn có thể để đối phó với Triều Tiên. Như đã phân tích, tấn công phủ đầu không phải là lựa chọn duy nhất cho Mỹ, nhưng là lựa chọn duy nhất còn lại khi mà các “con bài” khác tỏ ra không hiệu quả.

Tuy nhiên, có rất nhiều rào cản để chính quyền Mỹ tiến hành chiến tranh chống lại Triều Tiêu. Một cuộc chiến tranh tổng lực với sự tham chiến của binh lính Mỹ cần phải được Quốc hội thông qua. Bởi theo quy định của Hiến pháp Mỹ, Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền chính thức tuyên bố chiến tranh. Ngoài ra, Mỹ cần thuyết phục Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về tính cấp thiết của chiến dịch quân sự chống Triều Tiên. Khi ngoại giao không mang lại kết quả, Mỹ có thể hành động một mình như đã làm với Iraq năm 2003. Điều này đòi hỏi Mỹ phải triển khai một lượng lớn vũ khí và khí tài đến Đông Bắc Á. Dù quá trình này còn mất nhiều thời gian, nhưng có thể thấy Washington đang từng bước xây dựng dư luận và khởi động cỗ máy chiến tranh của họ.

Lê Như Mai là sinh viên năm thứ tư Khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao và hội viên của CLB Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Galileo, Học viện Ngoại giao. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]