02/05/1933: Quái vật Loch Ness được nhìn thấy

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Loch Ness Monster sighted, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Mặc dù những câu chuyện về một con quái thú sinh sống ở hồ Loch Ness của Scotland đã xuất hiện từ 1.500 năm trước, nhưng câu chuyện về Quái vật Loch Ness thời hiện đại chỉ mới xuất hiện trong một bản tin địa phương vào ngày này năm 1933. Tờ Inverness Courier tường thuật rằng một cặp vợ chồng đã nhìn thấy “một con vật khổng lồ lăn tròn rồi lặn xuống mặt nước.” Câu chuyện về con Quái vật (cái tên do một biên tập viên Courier chọn) đã trở thành một hiện tượng truyền thông, khi nhiều tòa soạn ở London gửi các phóng viên đến Scotland, và một rạp xiếc trao giải 20.000 bảng Anh cho người nào bắt được con quái thú.

Hồ Loch Ness, nằm ở Cao nguyên Scotland, là hồ nước ngọt lớn nhất ở Anh; nó sâu gần 800 feet và rộng khoảng 23 dặm. Các học giả nghiên cứu về Quái vật Loch Ness đã tìm thấy nhiều đề cập tới “Nessie” trong lịch sử Scotland; chúng xuất hiện vào khoảng năm 500, khi người Picts ở địa phương đã khắc lại hình ảnh một sinh vật thủy sinh lạ vào các tảng đá gần Loch Ness.

Văn bản sớm nhất viết về Quái vật Loch Ness là cuốn tiểu sử viết vào hồi thế kỷ 7 về Saint Columba, nhà truyền giáo người Ireland đã mang Kitô giáo đến Scotland. Năm 565, theo người viết tiểu sử, Columba đang trên đường đến thăm vua của tộc người Picts phía Bắc gần Inverness thì dừng lại ở Loch Ness để đối đầu với một con quái thú đã giết chết những người sống gần hồ. Khi thấy con thú lớn tấn công một người khác, Columba đã can thiệp, kêu tên Đức Chúa và ra lệnh cho con vật “nhanh chóng quay lại hồ.” Con quái vật đã rút lui và không còn giết bất kỳ ai khác nữa.

Năm 1933, một con đường mới đã được hoàn thành dọc theo bờ Loch Ness, giúp cho các lái xe đi qua có thể nhìn hồ rõ ràng hơn. Sau khi vụ việc “nhìn thấy quái vật” vào tháng 04/1933 được đưa lên báo chí địa phương vào ngày 02/05, sự quan tâm đã ngày càng tăng lên, đặc biệt là sau khi một cặp vợ chồng khác tuyên bố đã nhìn thấy con quái thú trên đất liền khi nó đang băng qua đường.

Đã có một số tòa soạn báo Anh đã gửi các phóng viên tới Scotland, bao gồm tờ Daily Mail của London, vốn đã thuê tay thợ săn dã thú Marmaduke Wetherell để bắt con quái vật. Sau một vài ngày tìm kiếm, Wetherell đã báo lại việc tìm thấy dấu chân của một con thú lớn bốn chân. Tờ Daily Mail liền giật tít “Quái vật Loch Ness không phải thần thoại mà là sự thật” (MONSTER OF LOCH NESS IS NOT LEGEND BUT A FACT.) Hàng loạt khách du lịch đã kéo đến Loch Ness và ngồi trên thuyền hay trên ghế để chờ đợi con vật xuất hiện. Các bản dấu chân thạch cao đã được gửi đến Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Anh, nơi đã kết luận rằng đó là dấu vết của một con hà mã, cụ thể là dấu chân hà mã, có thể đã được làm cho lớn hơn. Kết luận này đã tạm thời làm giảm cơn sốt Quái vật Loch Ness, nhưng những câu chuyện nhìn thấy quái vật vẫn tiếp tục.

Một bức ảnh nổi tiếng chụp năm 1934 đã cho thấy một sinh vật giống khủng long, với một cái cổ dài vươn khỏi vùng nước tối tăm. Điều này khiến một số người suy đoán rằng “Nessie” là cá thể sống sót duy nhất của loài Plesiosaurs vốn đã tuyệt chủng từ lâu. Khủng long sống dưới nước Plesiosaurs được cho là đã biến mất cùng với các loài khủng long khác từ 65 triệu năm trước. Tuy nhiên, hồ Loch Ness đã bị đóng băng trong suốt kỷ băng hà gần đây, nên có lẽ sinh vật này đã từ biển tới sông Ness vào khoảng 10.000 năm trước. Loài Plesiosaurs, được cho là máu lạnh, sẽ không thể sống trong vùng nước lạnh giá của Loch Ness. Những người khác gợi ý có nhiều khả năng nó là một loài nguyên thủy, một con cá voi nguyên thủy có chiếc cổ giống bò sát, được cho là đã tuyệt chủng từ 18 triệu năm trước. Những người hoài nghi thì lập luận rằng những gì mọi người đang nhìn thấy ở Loch Ness là “thủy triều giả” (seiches) – những dao động trên mặt nước do dòng nước lạnh chảy vào một hồ nước ấm hơn.

Các nhà điều tra nghiệp dư gần như thường xuyên canh chừng bên hồ, và trong những năm 1960, một số trường đại học Anh đã tiến hành các cuộc thám hiểm Loch Ness, sử dụng thiết bị sonar để tìm kiếm sâu dưới nước. Không có điều gì sáng giá được tìm thấy, nhưng trong các cuộc thám hiểm, thiết bị sonar đều phát hiện những vật thể lớn di chuyển dưới nước mà người ta không thể giải thích.

Năm 1975, Viện Khoa học Ứng dụng Boston đã kết hợp sonar và chụp ảnh dưới nước trong một chuyến thám hiểm Loch Ness. Một bức ảnh, sau khi được rửa, đã cho thấy những chiếc vây khổng lồ của một sinh vật tương tự như plesiosaur. Các cuộc thám hiểm dùng sonar tiếp theo trong thập niên 1980 và 1990 lại chỉ toàn đem đến các kết luận thiếu thuyết phục. Năm 1994, người ta tiết lộ rằng bức ảnh nổi tiếng năm 1934 chỉ là một trò lừa đảo, nhưng điều đó hầu như không làm giảm nhiệt tình của du khách, cũng như của các nhà điều tra chuyên nghiệp và nghiệp dư dành cho huyền thoại Quái vật Loch Ness.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]