Vì sao TQ không thừa nhận Triều Tiên là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân?

Print Friendly, PDF & Email

 

Tác giả: Chu Giang Minh (Trung Quốc) | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Gần đây Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) cho biết Trung Quốc sẽ không thừa nhận Triều Tiên là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, và Trung Quốc có quyết tâm kiên định về việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Đồng thời ông còn nói vũ khí hạt nhân (VKHN) không mang lại an toàn cho Triều Tiên. Logic ấy cũng thích hợp với Nhật, Hàn Quốc khi chúng không mang lại an toàn cho hai nước này mà chỉ làm tình hình khu vực xấu đi. Điều này nghe ra dường như là một vấn đề rất đáng quan tâm: vì sao một quốc gia rõ ràng đã hoàn thành thử nghiệm VKHN rồi mà lại cần phải được các quốc gia khác thừa nhận mình có phải là quốc gia sở hữu VKHN hay không? Rốt cuộc thì quốc gia sở hữu VKHN có địa vị quốc tế như thế nào?

Hiện nay chỉ có 5 nước sau đây được quốc tế thừa nhận là quốc gia sở hữu VKHN [nuclear weapons state]: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh. Đây cũng là 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nhưng không phải vì 5 nước này có địa vị Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nên mới được cộng đồng quốc tế cho phép hợp pháp sở hữu VKHN mà đây là một kết quả của một cuộc chơi chính trị quốc tế.

Nước Pháp năm 1960 tiến hành thử VKHN, Trung Quốc năm 1964 hoàn thành lần thứ nhất thử VKHN. Thời ấy tuy Pháp và Trung Quốc thuộc vào hai khối phương Tây và phương Đông nhưng lại đều thuộc vào số các quốc gia mà Mỹ và Liên Xô không mong muốn có VKHN độc lập. Trong khối phương Tây, Mỹ giúp Anh sở hữu VKHN nhưng lại phản đối Pháp phát triển VKHN. Vì quan hệ xấu với Trung Quốc mà Liên Xô rút tất cả các chuyên gia VKHN về nước, từ chối cung cấp cho Trung Quốc bất cứ tri thức và tài liệu nào có liên quan tới VKHN. Dù vậy nhưng Pháp và Trung Quốc vẫn dựa vào sức mình hoàn thành việc thử VKHN và bắt đầu bố trí VKHN có thể dùng cho chiến đấu thực tế.

Vì thời ấy Mỹ và Liên Xô đã thừa hiểu rằng cùng với sự phát triển khoa học kỹ thuật thì công nghệ VKHN đã càng ngày càng không có giới hạn không thể vượt qua, nếu ngày càng có nhiều quốc gia sở hữu VKHN thì chẳng những đe dọa địa vị uy quyền tuyệt đối của các nước lớn hiện có mà còn gây ra sự đe dọa an ninh cực kỳ nghiêm trọng.

Năm 1968, Mỹ, Anh và Liên Xô nộp lên Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc “Hiệp ước không phổ biến Vũ khí hạt nhân” (NPT). Hiệp ước này quy định quyền lợi và nghĩa vụ của các quốc gia có VKHN và quốc gia không có VKHN. Các quốc gia có VKHN không được chuyển nhượng VKHN và các công nghệ liên quan cho quốc gia chưa có VKHN. Các quốc gia không có VKHN có quyền sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân nhưng không được tìm kiếm khả năng có VKHN.

Xét theo tình hình sở hữu VKHN trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hai phe Đông và Tây đều sử dụng thành công cơ chế Hiệp ước nói trên để cấm các nước đồng minh của mình phát triển VKHN, trong đó kể cả Triều Tiên đã được công nhận là đã bước qua ngưỡng cửa hạt nhân. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, do chịu sức ép an ninh từ bên ngoài, một số quốc gia ở ngoài hai phe Đông, Tây đã chọn con đường phát triển VKHN. Ví dụ vào thập niên 1960, Trung Quốc và Pháp đã hoàn thành thử VKHN, cũng như Israel và Nam Phi thời ấy bị cô lập, đã chọn con đường phát triển VKHN và họ đều thành công. Tuy chịu sức ép quân sự lớn từ việc Trung Quốc đại lục phát triển thành công VKHN, và Chính phủ Tưởng Giới Thạch của Đài Loan từng có dự định nghiên cứu phát triển và sở hữu VKHN, nhưng mưu toan này đã bị cơ quan tình báo Mỹ phá hoại và ngăn cản. Từ đây có thể thấy, quốc gia nào thuộc hai phe Đông Tây đều rất khó độc lập tự chủ nghiên cứu phát triển VKHN.

Sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, cơ chế [cấm] phổ biến VKHN bắt đầu mất hiệu quả, bởi lẽ cơ chế an ninh tập thể mà Chiến tranh Lạnh dựa vào nay đang bị tan rã. Ví dụ, Ấn Độ và Pakistan xuất phát từ mối lo về an ninh của mình đã hầu như đồng thời phát triển được VKHN.

Sau khi bước qua được ngưỡng cửa hạt nhân, chuyên gia hạt nhân Pakistan là Abdul Qadeer Khan đã xây dựng một mạng lưới mua bán công nghệ và vật liệu VKHN, mở rộng nghiệp vụ đến ba đại châu, thành viên mạng này có nhiều nhà khoa học, kỹ sư thương gia và người môi giới. Do Qadeer Khan cố ý phổ biến công nghệ hạt nhân nên hầu như tất cả các nước đang chịu sức ép về an ninh đều tiến hành giao dịch mua bán với ông. Khách hàng gồm Iran, Lybia, và Triều Tiên – những nước vào đầu những năm 2000 đều là cái gai trong mắt Mỹ, đều cho rằng phát triển VKHN sẽ có lợi cho việc tăng cường an ninh quốc gia.

Thế nhưng các quốc gia từng mua hàng tại siêu thị buôn lậu hạt nhân đều không thể nào được cộng đồng quốc tế thừa nhận là quốc gia sở hữu VKHN. Ngay cả Ấn Độ và Pakistan sớm hoàn thành thử VKHN trước ba nước nói trên cũng không thể có được tấm vé gia nhập Câu lạc bộ VKHN. Ấn Độ là quốc gia sau Chiến tranh Lạnh đã hoàn thành thử bom hạt nhân sớm nhất và bước đầu có năng lực tấn công hạt nhân tam vị nhất thể [tấn công hạt nhân bằng tên lửa vượt đại châu, bằng máy bay ném bom chiến lược và từ tàu ngầm], về ngoại giao có quan hệ tốt với Nga và Mỹ, nhưng cho tới nay vẫn chưa được công nhận địa vị quốc gia sở hữu VKHN.

Năm quốc gia hạt nhân lớn đều hiểu rất rõ, về cơ bản, vấn đề có hay không có VKHN không còn là vấn đề công nghệ nữa mà là một vấn đề chính trị cực kỳ nhạy cảm. Tuyệt đối không thể thừa nhận bất cứ quốc gia mới nào sở hữu VKHN, và điều đó tuyệt nhiên không phải là nhằm vào Triều Tiên.

Nguồn tiếng Trung: 为什么不会承认朝鲜是核国家?  

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]