Nguồn: President Carter hosts shah of Iran, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1977, Tổng thống Jimmy Carter đã hoan nghênh Mohammad Reza Pahlavi, Quốc vương của Iran, cùng với vợ ông, Hoàng hậu Farrah, đến Washington. Trong hai ngày tiếp theo, Carter và Pahlavi đã thảo luận về việc cải thiện quan hệ giữa hai nước. Hai năm sau đó, số phận chính trị của hai nhà lãnh đạo này sẽ càng trở nên gắn bó hơn khi những người theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan lật đổ Quốc vương và bắt giữ người Mỹ làm con tin ở Tehran.
Tuy nhiên, vào năm 1977, Mỹ và Iran đã có mối quan hệ ngoại giao khá thân thiện. Các cuộc thảo luận chính thức giữa Carter và Pahlavi tập trung vào các triển vọng hòa bình cho Trung Đông cũng như cách thức chống lại cuộc khủng hoảng năng lượng nhắm vào Mỹ và các quốc gia phương Tây khác vào đầu những năm 1970.
Vào thời điểm đó, Carter hy vọng sẽ nhận được sự trợ giúp của Iran trong việc nối lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Ai Cập và đảm bảo sự ủng hộ của Iran trong việc hỗ trợ các cuộc đàm phán không phổ biến vũ khí hạt nhân với Liên Xô. Tại một cuộc họp báo trong ngày hôm đó, Carter và Pahlavi khẳng định mong muốn hợp tác về sản xuất năng lượng thay thế và bảo tồn nguồn dầu mỏ. Tối hôm đó, gia đình Carters đã tổ chức bữa tối cho Quốc vương và hoàng hậu. Chuyến thăm này cũng bao gồm những khoảnh khắc bình dị cùng với gia đình Carter, trong thời gian đó, Hoàng hậu được chụp hình đang nắm tay và nói chuyện với cháu nội của Carters, Jimmy.
Cuộc thăm viếng kết thúc với kết quả tích cực, và trong tháng tiếp theo, Jimmy và Rosalynn Carter đã tới Tehran, nơi gia đình họ ca ngợi vị Quốc vương là “một hòn đảo ổn định” ở Trung Đông. Sự ổn định đó đã trở nên lung lay khi Pahlavi bị lật đổ bởi một nhóm người theo Hồi giáo chính thống hồi tháng 01/1979 và bị thay thế bằng một chế độ do Ayatollah Khomeini lãnh đạo.
Vào tháng 10, vị Quốc vương bị lưu đày đã đến Mỹ để điều trị ung thư. Sự hiếu khách của Carter đối với nhà vua là nguyên nhân khiến một nhóm sinh viên Iran cực đoan tấn công đại sứ quán Mỹ ở Tehran vào ngày 04/11/1979 và bắt 66 người Mỹ làm con tin. Cuộc khủng hoảng con tin kéo dài 444 ngày và việc Carter không thể bảo đảm các con tin được giải phóng đã góp phần vào thất bại của ông trước Ronald Reagan trong cuộc bầu cử năm 1980.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]