Khi Stalin đối mặt Hitler: Ai hơn ai? (P5)

Nguồn: Stephen Kotkin, “When Stalin Faced Hitler – Who Fooled Whom?”, Foreign Affairs,19/09/2017.

Biên dịch: Nguyễn Hữu Toàn | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Phần I;  Phần IIPhần III; Phần IV

Stalin: Ảo tưởng sức mạnh

Chế độ của Stalin lặp lại một khuôn mẫu đã được in sâu xuyên suốt trong lịch sử của nước Nga: Giới cầm quyền Nga thường phát động những công cuộc hiện đại hóa ép buộc để vượt qua hoặc ít nhất là giải quyết được tình trạng chậm phát triển của một đất nước tự xem mình là cường quốc với một sứ mệnh đặc biệt nhưng thực chất đang bị tụt hậu quá xa so với các cường quốc khác. Nỗ lực cấp bách phải chấn hưng đất nước, một lần nữa, sản sinh ra một nền độc tài cá nhân. Chế độ của Stalin định hình tư tưởng công chúng và cả bản sắc cá nhân, và chính Stalin cũng đã cá nhân hóa những khát vọng và ước mơ về một xã hội xã hội chủ nghĩa hiện đại cũng như một nhà nước Xô-viết hùng mạnh. Chỉ với những bức điện và những cuộc gọi ngắn gọn, ông có thể thúc đẩy cả bộ máy cồng kềnh của Đảng-nhà nước Xô-viết vào các chương trình hành động với những thông điệp mang tính kỉ luật và đe dọa, cũng như làm kích động những công chức trẻ tuổi có cảm tình gần gũi với ông hay hàng triệu người khác chưa từng gặp mặt ông phải vào guồng.

Chế độ của Stalin không chỉ cam kết xây dựng một nhà nước hiện đại mà còn làm cho xã hội ưu việt hơn cả hệ thống thị trường và tư hữu, vượt lên trên sự đối đầu giai cấp và sự chia rẽ xã hội – một sự đổi mới đối với xã hội bóc lột của giai cấp tư sản, cũng như đấu tranh cho công bằng xã hội trên quy mô toàn cầu. Trong thế giới quan và hành động, đó là một chế độ bị coi như một “âm mưu” nhưng chính nó lại nhìn thấy “âm mưu” khắp mọi nơi và trong mọi thứ, thường xuyên thao túng tâm lý của chính mình. Trong quản trị, chế độ này đã thiết lập một cuộc vận động cho việc lập kế hoạch và kiểm soát vốn làm gia tăng những hoạt động trái pháp luật kiểu “tùy cơ ứng biến”, nỗ lực không ngừng thiết lập kỷ cương trật tự, và một hệ thống mà trong đó việc tuyên truyền và những huyền thoại về “bộ máy chính quyền” là phần được hệ thống hóa nhiều nhất. Giữa đỉnh điểm của sự mơ hồ và giả tạo đó, thậm chí những quan chức cao cấp nhất cũng phải vận hành theo nền chính trị của điện Kremlin. Sự tập trung hóa cao độ thường dẫn đến con đường tự sát, nhưng sự sùng bái đối với khả năng không bao giờ sai lầm của Đảng và đặc biệt là của Stalin đã chứng minh là điểm yếu nguy hiểm nhất trong phương pháp cai trị sai lầm của ông.

Xu hướng của Stalin là một người theo chủ nghĩa dân tộc Nga theo hướng đế quốc, và chống lại phương Tây là động lực cốt lõi của nền văn hóa – chính trị lai giữa Nga và Á – Âu này của người Nga. Ban đầu, chiến dịch đầy tham vọng của Liên Xô nhằm cân bằng sức mạnh với phương Tây trên thực tế đã làm gia tăng sự phụ thuộc của nước này vào công nghệ cũng như bí quyết của phương Tây. Nhưng sau khi thu thập những công nghệ từ nhiều nền kinh tế phát triển ở phương Tây, chế độ của Stalin đã tiến hành phát triển ngành công nghiệp quân sự và những ngành công nghiệp liên quan khác của riêng mình trên một quy mô chưa từng có thậm chí đối với một quốc gia coi mục tiêu quân sự là hàng đầu. Tuy nhiên, về mặt địa-chính trị, trong khi chế độ Nga Hoàng khi trước đã gia nhập các liên minh nước ngoài để đảm bảo an ninh cho đất nước, thì Liên Xô chủ yếu tìm kiếm, hoặc chỉ thiết lập những hiệp ước bất tương xâm mà thôi. Hình thức liên minh chính thức duy nhất của Liên Xô được lập ra với nước Pháp, nhưng lại thiếu yếu tố liên minh về quân sự. Vì thế, tình trạng tự cô lập của đất nước này trở nên cực đoan hơn bao giờ hết.

Stalin luôn gọi chủ nghĩa Phát-xít là “phản động,” coi đó là một phương pháp để giữ gìn trật tự thế giới cũ của tầng lớp tư sản. Nhưng Hitler dần trở thành một người mà cả Mác lẫn Lenin đều đã không giúp Stalin sẵn sàng trong việc đương đầu. Là một người sùng bái Đức lâu năm, Stalin có vẻ đã bị quyến rũ bởi sức mạnh và sự dũng cảm của chế độ độc tài toàn trị của Đức. Trong một thời gian, ông ta đã khôi phục được trạng thái cân bằng cá nhân lẫn chính trị nhờ hiệp ước phi thường của ông với Hitler, hiệp ước đã làm chệch hướng bộ máy chiến tranh của Đức, cung cấp cho Liên Xô các thiết bị công nghiệp của Đức, cho phép ông chinh phục và Xô-viết hóa các vùng biên giới cũ của chế độ Nga Hoàng, và đặt Liên Xô vào vai trò làm trọng tài cho các vấn đề thế giới. Hitler đã bị kích động, và miễn cưỡng ngả theo lòng tham của Stalin. Nhưng khả năng bòn rút lợi ích của Stalin từ tình trạng cực kì nguy hiểm mà Hitler gây ra cho châu Âu và thế giới đã hết tác dụng sớm hơn nhiều so với dự kiến của nhà độc tài này. Điều này đã tạo ra tình trạng căng thẳng không thể xoa dịu được trong cuộc đời và sự cai trị của Stalin, tuy nhiên ông vẫn kiên quyết không chịu nắm bắt tình hình mới, và không chỉ vì ông muốn có được các công nghệ của Đức. Mặc dù sở hữu khả năng nắm bắt tâm lý con người, sự khôn ngoan phi thường, và trí tuệ sắc bén, Stalin đã bị mù quáng bởi ý thức hệ và những ý tưởng cứng nhắc. Thủ tướng Anh Winston Churchill không hề kiểm soát bất kì một sư đoàn nào trên biên giới của Liên Xô, nhưng Stalin vẫn hoàn toàn bị ám ảnh bởi chủ nghĩa đế quốc của Anh, thậm chí liên tục bất bình vì Hiệp ước Versailles ngay cả sau khi Hitler đã xé bỏ nó từ lâu, cũng như không ngừng nghĩ rằng Hitler đang câu kết với người Anh ngay sau lưng mình.

Lựa chọn của Hitler

Đối với Hitler, bản hiệp ước năm 1939 là một sự khó chịu cần thiết, mà nếu may mắn, sẽ không tồn tại được lâu. Cách hiểu theo kiểu phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa Darwin xã hội, một mất một còn về địa chính trị của ông có nghĩa là Liên Xô và Anh Quốc sẽ phải bị tiêu diệt nhằm cho phép nước Đức thực hiện được số mệnh chủng tộc thượng đẳng của mình. Chắc chắn là trong trung hạn, Hitler nghĩ về việc thống trị lục địa châu Âu, điều sẽ đòi hỏi một “không gian sinh tồn” (Lebensraum) ở phía Đông. Nhưng trong dài hạn, ông ta muốn thống trị thế giới, điều cần đến một hạm đội xa bờ với những căn cứ ở vành đai Đại Tây Dương, và một đế chế thuộc địa ở những vùng nhiệt đới nhằm cung cấp nhiên liệu thô. Điều này sẽ xung đột với sự tồn tại tiếp tục của Đế chế Anh, ít nhất là vào thời điểm đó. Vì thế Hitler buộc phải đặt mình trước lựa chọn khó khăn là hoặc tăng cường những thỏa thuận trong bản hiệp ước năm 1939 với Stalin và thách thức toàn bộ đế chế Anh, điều có nghĩa là thừa nhận ít nhất một phần ảnh hưởng của Liên Xô ở khu vực Balkan và Biển Đen bên cạnh vùng Baltic – hoặc tự giải phóng khỏi sự phụ thuộc vào Moskva và sau đó đối đấu với nước Anh. Cuối cùng, các thực tế về quân sự đã giúp định hình nên chuỗi sự kiện sau đó: Hitler không sở hữu năng lực không quân và hải quân vượt trội hay đủ nguồn lực để áp đảo về mặt quân sự trước nước Anh; nhưng ông ta có lực lượng bộ binh đủ mạnh để nghiền nát Liên Xô.

Một cam kết ganh đua uy thế kéo dài với người Anh, nước mà Hitler đoán là sẽ được nhận ngày càng nhiều hơn nguồn hỗ trợ to lớn từ Hoa Kỳ, đã khiến quyết định kết liễu Liên Xô nhanh chóng trở thành một màn dạo đầu cần thiết. Hơn nữa, tuy Hitler và bộ chỉ huy cấp cao của Đức hiểu rằng Liên Xô chưa sẵn sàng tấn công Đức, nhưng một cuộc xâm lược của Đức sẽ tương đương với một cuộc chiến tranh ngăn chặn, cả hai đều giống nhau theo logic của Hitler, bởi Liên Xô vẫn ngày càng mạnh hơn và có thể chủ động tấn công Đức vào thời điểm họ nghĩ rằng mình có nhiều lợi thế hơn. Và vì thế vào năm 1940, trong khi hối thúc Nhật Bản tấn công các vị trí của Anh ở Đông Á, Hitler đã đề nghị chính phủ Anh ký một hiệp ước giống như hiệp ước mà ông đã ký với Stalin, nhưng dường như đã bị chết lặng khi chính phủ Anh không chấp thuận đề nghị này. Nhà lãnh đạo Đức Quốc xã đã nắm bắt được suy nghĩ của đế quốc Anh, và ông đã thật lòng khi hứa rằng để đổi lấy sự tự do hành động trên lục địa Châu Âu, ông sẽ giữ nguyên trạng Đế chế Anh. Ông tiếp tục hi vọng rằng nước Anh với sự yếu kém rõ ràng về lực lượng lục quân sẽ không thể đánh bại được ông, và sẽ sớm đi đến những thỏa thuận với ông. Nhưng Hitler đã không hiểu được mong muốn lâu đời của người Anh về một sự cân bằng quyền lực trên lục địa châu Âu (an ninh của cả đế chế Anh phụ thuộc một phần vào điều này). Và ông đã nhận định quá xa về những lợi ích chung giữa London và Moskva hơn chính cách hai nước này nhìn nhận lợi ích chung giữa họ với nhau.

Trong suốt quá trình chuẩn bị cho cuộc chiến tranh chớp nhoáng với Liên Xô, Hitler vẫn tiếp tục giành nhiều nguồn lực để chuẩn bị cho một cuộc chiến dài hơi trên biển và trên không với Anh và Mỹ. Tháng 5 và tháng 6 năm 1941 vẫn chưa phải là giai đoạn đen tối nhất đối với nước Anh: Đức đánh chìm tàu chiến Anh và không kích các thành phố của nước này, và nước Anh đã để mất vị trí của họ ở vùng Balkan. Sau khi lực lượng lính dù Đức chiếm được Crete vào cuối tháng 5 năm 1941, vị trí của người Anh dường như lâm vào thế cực kì nguy hiểm. Mười một ngày trước cuộc xâm lược Liên Xô, Hitler đã cho soạn thảo Chỉ thị số 32, “Chuẩn bị cho thời kỳ hậu Chiến dịch Barbarossa.” Chỉ thị này đã phác thảo quá trình chia nhỏ và khai thác các lãnh thổ của Liên Xô, cũng như cuộc tiến công gọng kìm vào kênh đào Suez và các vị trí của Anh ở vùng Trung Đông; xâm lược Gibraltar, vùng Tây-Bắc Phi, các đảo của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ở Đại Tây Dương, nhằm mục đích loại bỏ người Anh ra khỏi khu vực Địa Trung Hải; và xây dựng những căn cứ vùng duyên hải ở Tây Phi và có thể là Đông Phi. Cuối cùng, sẽ cần đến một căn cứ của Đức ở Afghanistan để chiếm nốt Ấn Độ từ tay nước Anh.

Nếu Hitler dồn hết tất cả sức mạnh của mình vào “chiến lược ngoại vi” này thay vì xâm chiếm Liên Xô, thì có lẽ Anh sẽ không có cơ hội sống sót. Cuộc chiến với Liên Xô sẽ được tiến hành vào một lúc nào đó trong tương lai khi nước Anh đã bị đá văng ra khỏi cục diện cuộc chiến. Khi đó có lẽ sẽ không còn một nước Anh cứng đầu để hỗ trợ cho một lực lượng Đồng minh do Mỹ dẫn đầu đổ bộ vào Tây Âu nữa.

Sự sáng suốt của Bismarck

Không thể nắm bắt được con người Hitler nếu chỉ tìm hiểu qua nguồn gốc xã hội, cuộc đời hay những ảnh hưởng lên ông lúc còn trẻ. Đối với Stalin cũng như vậy. Yếu tố chính trong việc hình thành bản sắc của Stalin là việc xây dựng và điều hành một thể chế độc tài, qua đó ông đảm nhận trách nhiệm đối với quyền lực của Liên Xô trên thế giới. Nhân danh chủ nghĩa xã hội, Stalin rảo bước trong văn phòng của ông và dần hình thành thói quen luân chuyển hàng triệu nông dân, công nhân, thậm chí toàn bộ cả nước – trên 1/6 diện tích thế giới, dựa vào những ý tưởng của riêng mình mà không cần hỏi ý kiến ai. Nhưng thế giới của ông đã trở nên cực kì chật chội. Hitler đã khiến nhà độc tài Liên Xô kẹt trong chính “Góc Nhỏ” của mình.

Kế hoạch đối phó với Hitler của Stalin khác xa với chính sách xoa dịu của người Anh, đó là Stalin vừa cố gắng răn đe, vừa cố gắng chung sống với Hitler. Nhưng chính sách của Stalin cũng có phần tương đồng với sự xoa dịu của người Anh trong việc ông đã bị thúc đẩy bởi ao ước mù quáng là tránh chiến tranh bằng mọi giá. Ông đã thể hiện được sức mạnh của năng lực nhưng lại thiếu sức mạnh của ý chí. Cả sự kiên quyết đáng sợ lẫn sự ranh ma quỷ quyệt, những điều đã giúp ông đánh bại được các kẻ thù của mình và nghiền nát những lực lượng chống đối bên trong chính quyền của ông, đều không hiện diện vào năm 1941. Ông rút khỏi ý định cố gắng ngăn chặn Hitler về mặt quân sự cũng như thất bại trong việc ngăn ngừa ông ta trên phương diện ngoại giao.

Tuy nhiên, cuối cùng, câu hỏi ai là người đã tính toán sai không phải là điều dễ trả lời. Hitler thích nói rằng “Trong số những người có thể tuyên bố đã đặt nền móng cho Đệ Tam Đế chế, chỉ có một nhân vật vĩ đại đầy cảm hứng trở nên nổi bật, đó là Bismarck.” Nhưng Bismarck đã tạo nên thành công của nhiệm kì thủ tướng của mình bằng cách tránh xung đột với nước Nga. Khi bức tượng bán thân của Bismarck được chuyển từ Văn phòng Thủ tướng cũ sang Văn phòng Thủ tướng mới của Hitler, nó đã bị vỡ ở phần cổ. Một bản sao khác đã được làm vội vã và được làm cho cũ đi một cách nhân tạo bằng cách ngâm trong trà lạnh. Không ai đã kể với Hitler về điềm gở này cả./.