Nguồn: Joseph Nye, “China’s Soft and Sharp Power”, Project Syndicate, 04/01/2018.
Biên dịch: Phan Nguyên
Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ đô la vào việc gia tăng quyền lực mềm nhưng gần đây nước này đã vấp phải một làn sóng phản ứng ở các quốc gia dân chủ. Một báo cáo mới của Quỹ Quốc gia vì Dân chủ lập luận rằng chúng ta cần suy nghĩ lại về quyền lực mềm bởi vì nội hàm khái niệm vốn được sử dụng kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh dường như không còn đủ để mô tả tình hình hiện tại nữa.
Bản báo cáo gọi các ảnh hưởng mang tính chuyên chế được cảm nhận khắp thế giới này là “quyền lực sắc nhọn” (sharp power). Một bài viết trang bìa gần đây của tờ The Economist định nghĩa “quyền lực sắc nhọn” là việc dựa vào “lật đổ, bắt nạt và áp lực, những yếu tố kết hợp nhau để khiến các quốc gia phải tự kiểm duyệt hành vi của mình”. Trong khi quyền lực mềm sử dụng sức hấp dẫn của văn hóa và các giá trị để nâng cao sức mạnh quốc gia, quyền lực sắc nhọn giúp các chế độ chuyên chế cưỡng ép hành vi của người dân trong nước và thao túng công luận ở nước ngoài.
Khái niệm “quyền lực mềm” – tức khả năng tác động tới người khác thông qua sự hấp dẫn và thuyết phục thay vì quyền lực cứng thông qua cưỡng ép và mua chuộc – đôi khi được sử dụng để miêu tả bất cứ hành vi thực thi quyền lực nào không liên quan tới việc sử dụng vũ lực. Nhưng đây là một cách hiểu sai lầm. Quyền lực thường dựa vào việc quân đội hay nền kinh tế của quốc gia nào mạnh hơn nhưng nó cũng có thể dựa vào việc câu chuyện của ai hấp dẫn hơn.
Một câu chuyện thuyết phục cũng là một nguồn của quyền lực. Thành công kinh tế của Trung Quốc đã tạo ra cả quyền lực cứng và quyền lực mềm nhưng bên trong các giới hạn nhất định. Một gói viện trợ kinh tế của Trung Quốc thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường có thể tỏ ra tốt đẹp và hấp dẫn nhưng nó sẽ không còn như vậy nữa nếu các điều khoản trở nên bất cập như trong trường hợp dự án cảng biển tại Sri Lanka gần đây.
Tương tự, các hành vi thực hiện quyền lực cứng về mặt kinh tế cũng làm suy giảm quyền lực mềm trong câu chuyện của Trung Quốc. Ví dụ, Trung Quốc đã từng phạt Na Uy vì đã trao giải Nobel Hòa bình cho ông Lưu Hiểu Ba. Nước này cũng đe dọa hạn chế quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc đối với một nhà xuất bản Australia khi họ cho ra lò một cuốn sách phê phán Trung Quốc.
Nếu chúng ta sử dụng khái niệm “quyền lực sắc nhọn” như là một cách viết tắt cho chiến tranh thông tin thì sự tương phản của nó với quyền lực mềm trở nên rõ ràng hơn. Quyền lực sắc nhọn là một dạng quyền lực cứng. Nó thao túng thông tin, vốn là một thứ vô hình, nhưng tính chất vô hình, không sờ nắm được không phải là một đặc điểm nổi bật của quyền lực mềm. Ví dụ, các lời đe dọa cũng thường vừa vô hình vừa mang tính ép buộc.
Khi giới thiệu khái niệm quyền lực mềm vào năm 1990, tôi viết rằng quyền lực mềm được đặc trưng bởi sự tự nguyện và không bị định hướng, trong khi quyền lực cứng dựa vào các lời đe dọa và dụ dỗ. Nếu ai đó dí súng vào bạn, đòi bạn đưa tiền và lấy đi chiếc ví của bạn, những điều bạn nghĩ và muốn thường cũng chẳng quan trọng gì nữa. Đó chính là quyền lực cứng. Nhưng nếu anh ta thuyết phục bạn đưa tiền của bạn cho anh ta thì anh ta đã thay đổi những gì bạn nghĩ và muốn. Đó chính là quyền lực mềm.
Sự trung thực và tính cởi mở tạo ra đường phân ranh giữa quyền lực cứng và quyền lực mềm trong ngoại giao công chúng. Khi các hãng tin tức chính thức của Trung Quốc như Tân Hoa xã phát sóng công khai tại các nước khác, thì nó đang sử dụng các kỹ thuật quyền lực mềm, và chúng ta nên chấp nhận điều đó. Nhưng khi Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI) bí mật hậu thuẫn (tài trợ) cho 33 đài phát thanh tại 14 quốc gia, ranh giới của quyền lực sắc nhọn đã bị vượt qua và chúng ta nên lột trần sự vi phạm nguyên tắc tự nguyện này.
Đương nhiên, quảng cáo và sự thuyết phục luôn luôn đòi hỏi một mức độ thiết kế câu chuyện nhất định, điều làm hạn chế sự tự nguyện (trong tiếp thu của người nghe), tương tự như tác động từ các yếu tố mang tính cấu trúc của môi trường xã hội. Nhưng sự lừa dối cao độ trong việc thiết kế câu chuyện có thể được coi như là một hành vi cưỡng bức. Mặc dù không mang tính bạo lực nhưng nó cũng ngăn cản các lựa chọn có ý nghĩa.
Những kỹ thuật ngoại giao công chúng nào được nhìn nhận rộng rãi như là tuyên truyền không thể tạo ra quyền lực mềm. Trong kỷ nguyên thông tin, các nguồn lực khan hiếm nhất chính là sự chú ý của công chúng và sự khả tín. Đó là lý do tại sao các chương trình trao đổi giúp phát triển các quan hệ cá nhân và liên lạc hai chiều giữa các sinh viên và các nhà lãnh đạo trẻ thường là các công cụ hiệu quả hơn trong việc tạo ra quyền lực mềm so với các chương trình phát sóng chính thức của nhà nước chẳng hạn.
Hoa Kỳ từ lâu đã có các chương trình tổ chức các chuyến thăm cho các nhà lãnh đạo trẻ của nước ngoài và giờ đây Trung Quốc cũng đang thành công trong việc học tập kinh nghiệm này. Đây là một biện pháp thực thi quyền lực mềm thông minh nhưng khi việc cấp thị thực bị thao túng hoặc quyền tiếp cận bị hạn chế nhằm kiểm soát sự chỉ trích và khuyến khích đối phương tự kiểm duyệt hành vi của mình, thì ngay cả những chương trình trao đổi như vậy vẫn có thể được xem là quyền lực sắc nhọn.
Khi các nền dân chủ phản ứng lại quyền lực sắc nhọn và chiến tranh thông tin của Trung Quốc, họ cần cẩn thận để không phản ứng thái quá. Phần lớn quyền lực mềm mà các nền dân chủ có được đến từ xã hội dân sự, có nghĩa rằng sự cởi mở, công khai là một tài sản quan trọng. Trung Quốc có thể tạo nên nhiều quyền lực mềm hơn nếu nước này nới lỏng sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng đối với xã hội dân sự. Tương tự, sự thao túng truyền thông và dựa vào các kênh liên lạc bí mật thường làm giảm quyền lực mềm. Các nền dân chủ nên chống lại cám dỗ sao chép các công cụ “quyền lực sắc nhọn” mang tính chuyên chế này.
Ngoài ra, việc đóng cửa các công cụ quyền lực mềm hợp pháp của Trung Quốc có thể phản tác dụng. Quyền lực mềm thường được sử dụng cho các mục đích mang tính cạnh tranh, bên được bên mất, nhưng nó cũng có thể có các khía cạnh giúp cả hai bên cùng thắng.
Ví dụ, nếu cả Trung Quốc và Hoa Kỳ muốn tránh xung đột, các chương trình trao đổi giúp tăng sự hấp dẫn của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc và ngược lại sẽ giúp ích đối với cả hai bên. Về những vấn đề có qua có lại như chống biến đổi khí hậu, nơi cả hai nước đều hưởng lợi từ sự hợp tác, quyền lực mềm có thể giúp xây dựng lòng tin và tạo ra mạng lưới quan hệ giúp cho sự hợp tác như vậy khả dĩ hơn.
Dù sẽ là sai lầm nếu ngăn cấm các nỗ lực quyền lực mềm của Trung Quốc chỉ vì chúng thỉnh thoảng biến thành quyền lực sắc nhọn nhưng cũng cần phải giám sát ranh giới này một cách cẩn thận. Ví dụ, Hanban, cơ quan chính phủ quản lý 500 Học viện Khổng Tử và 1.000 Lớp học Khổng Tử mà Trung Quốc tài trợ tại các đại học và trường học khắp thế giới để dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc phải chống lại mong muốn đặt ra các hạn chế làm suy giảm quyền tự do học thuật. Việc vượt qua giới hạn đó đã khiến một số Học viện Khổng Tử bị giải thể.
Như những trường hợp trên cho thấy, sự phòng vệ tốt nhất chống lại việc Trung Quốc sử dụng các chương trình quyền lực mềm làm các công cụ quyền lực sắc nhọn là việc phơi bày ra ánh sáng các nỗ lực như vậy. Và đây chính là điều mà các nền dân chủ có lợi thế.
Joseph S. Nye, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng và chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ, là Giáo sư tại Đại học Harvard. Ông là tác giả của cuốn Is the American Century Over?.
Copyright: Project Syndicate 2018 – China’s Soft and Sharp Power