02/02/1949: Mỹ bác bỏ đề xuất hội đàm với Stalin

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: United States rejects proposal for conference with Stalin, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1949, trước đề xuất của nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin mời Tổng thống Harry S. Truman đến Liên Xô để tham dự một hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Dean Acheson đã lên tiếng từ chối và mô tả ý tưởng này là một “cuộc tập trận chính trị.” Sự ngờ vực lẫn nhau này đã trở thành minh chứng cho đối đầu ngoại giao Mỹ – Xô vốn rất đặc trưng trong những năm đầu Chiến tranh Lạnh.

Stalin đã đề xuất ý tưởng Truman đến thăm Liên Xô, hoặc có thể dừng chân tại Ba Lan hay Tiệp Khắc, trong một tuyên bố mà ông ám chỉ rằng vấn đề sức khoẻ khiến mình không thể đến Mỹ để gặp người đồng nhiệm. Chương trình nghị sự của Stalin cho một cuộc họp như thế là quá sơ sài, chủ yếu là hai bên cùng tuyên bố rằng họ sẽ không sử dụng chiến tranh để giải quyết mâu thuẫn.

Ngoại trưởng Acheson nói rằng ông thấy ý tưởng này “gây bối rối,” lập luận rằng các cam kết hiệp ước và việc tuân thủ Hiến Chương Liên Hiệp Quốc đã loại trừ chiến tranh giữa hai cường quốc. Hơn nữa, nếu không có một chương trình nghị sự cụ thể hơn, Acheson sẽ không chấp nhận để nước Mỹ tham gia bất kỳ đàm phán trực tiếp nào với Liên Xô. Trong bất kỳ trường hợp nào, vị Ngoại trưởng kết luận, Tổng thống Truman cũng không muốn đi “cả nửa vòng trái đất” để gặp lãnh đạo Liên Xô. Acheson cũng bày tỏ nỗi thất vọng rằng giờ thì bất kỳ quốc gia nào cũng có thể “chơi trò chơi chính trị quốc tế” với một vấn đề quan trọng như hòa bình thế giới.

Đề xuất mơ hồ của Stalin và phản ứng mang tính phỉ báng của Acheson là điển hình của cuộc khẩu chiến giữa Liên Xô và Mỹ trong những năm cuối của thập niên 1940 và suốt thập niên 1950. Cuộc khẩu chiến này cho thấy cả hai bên đều thiếu tin tưởng lẫn nhau và đã thất bại trong việc định hình bất kỳ nền tảng nào cho đàm phán ngoại giao. Mặc dù mối quan hệ giữa hai nước đã ấm dần lên trong những năm 1960 và 1970, họ vẫn không ngừng có những lời lẽ qua lại.