07/05/1960: Brezhnev trở thành Chủ tịch Liên Xô

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Brezhnev becomes president of the USSR, History.com

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày này năm 1960, Leonid Brezhnev, một trong những người thân tín nhất của vị lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev, đã được chọn làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao – tức nguyên thủ quốc gia của Liên Xô. Đây là một bước quan trọng trong sự gia tăng quyền lực của Brezhnev, kết thúc bằng việc sau đó ông bước lên nắm quyền kiểm soát Liên Xô vào năm 1964.

Brezhnev đã từng là một cấp phó thân tín của Khrushchev kể từ những năm 1940. Khi Khrushchev dần thăng tiến qua các cấp bậc, vị cấp phó thân tín này của ông cũng thăng tiến theo.

Sau khi Stalin qua đời vào năm 1953, Khrushchev nhanh chóng củng cố quyền lực của mình và đã thành công trong việc trở thành Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Liên Xô. Vị trí này luôn luôn là vị thế nắm quyền lực thực sự ở Liên bang Xô viết – Tổng Bí thư là người có thể kiểm soát bộ máy Đảng rộng lớn trên khắp Liên Xô. Vị trí Chủ tịch (hoặc gọi một cách chính thức hơn là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao) chủ yếu mang tính biểu tượng. Chủ tịch thường chào đón các vị khách nước ngoài và xử lý các vấn đề thông thường thuộc chính phủ, nhưng việc hoạch định chính sách luôn luôn thuộc thẩm quyền của Tổng Bí thư.

Vào tháng 5 năm 1960, Khrushchev đưa Brezhnev vào vị trí Chủ tịch. Dù vị trí này không có mấy ý nghĩa về thực quyền, nó đã cho phép Brezhnev tiếp xúc với nhiều quan chức và quan khách nước ngoài, cũng như đi công du khắp thế giới với vai trò là nguyên thủ quốc gia của Liên Xô. Ông đã tận dụng tối đa những cơ hội này và sớm được xem là một quan chức mẫn cán và có năng lực chứ không chỉ đơn giản là một con rối của Khrushchev.

Năm 1964, Khrushchev bị hạ bệ và Brezhnev được bổ nhiệm làm Tổng Bí thư. Brezhnev giữ chức vụ đó trong 18 năm cho đến khi ông qua đời vào năm 1982. Thời đại của ông được đánh dấu bởi một mức độ ôn hòa nhất định trong các quy định, một sự ổn định rất cần thiết trong giới cầm quyền, một sự đàn áp đôi khi gay gắt đối với người dân, và thái độ cứng rắn trong quan hệ với Hoa Kỳ.