Nguồn: Anastasia Edel, “The Remains of the Romanovs”, The New York Times, 10/07/2017.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Ngày 17/07/1918, khi lực lượng Bạch Vệ tiến về khu vực do Hồng Quân kiểm soát ở quanh Yekaterinburg, Siberia, 12 lính Bolshevik được vũ trang đã đưa một nhóm 11 người đang bị lưu đày xuống tầng hầm trong căn biệt thự của một thương gia, nơi từng được gọi là Nhà Ipatiev, nay là “Nhà Mục đích Đặc biệt” (House of Special Purpose). Người nhỏ tuổi nhất trong nhóm này, cậu bé ốm yếu 13 tuổi tên là Aleksei, được bế trên tay cha cậu, người đàn ông mà cả gia đình quen gọi là Nicky, còn với tôi, và hàng triệu người Liên Xô khác, là “bạo chúa khát máu” Nicholas II.
Vị Sa hoàng bị lưu đày đã đi cùng với các cô con gái nhỏ, Anastasia, Maria, Tatyana và Olga; vợ ông, Alexandra; và người hầu của họ. Chỉ huy toán lính, Yakov Yurovsky, đọc nhanh những gì được viết trên một tờ giấy: “Cách mạng đang chết dần và các người cũng phải chết cùng nó.” Đêm cứ thế tràn ngập tiếng súng.
Thảm sát nhà Romanov
Đây không phải kết thúc, cũng chẳng phải khởi đầu, cho hoàn cảnh tuyệt vọng của nhà Romanov, triều đại đã cai trị nước Nga trong hơn 300 năm. Vài tuần trước đó, anh trai của Sa hoàng, Michael, người ủng hộ Nicholas thoái vị hồi tháng 03/1917, đã bị bắn chết tại một khu rừng Siberia. Một ngày sau, chị dâu của Nicky, Elizabeth, bề trên trong một dòng tu; em họ Sergei; và các cháu trai Ivan, Constantine, Vladimir và Igor đã bị đánh đập và ném xuống một giếng mỏ ngập nước tại Alapayevsk, gần Yekaterinburg. Từ dưới đáy giếng, sâu khoảng 18m, những người sống sót sau trận tàn sát đã làm bất an những người lính Bolshevik bằng cách hát những bài kinh Chính thống giáo, cho đến khi những tên lính kia ném lựu đạn vào họ. Nhưng kết quả khám nghiệm tử thi sau đó tiết lộ rằng một số thành viên nhà Romanov phải vài ngày sau mới chết.
Đợt hành quyết dòng họ Romanov cuối cùng diễn ra vào năm 1919, tại Pháo đài Thánh Peter và Paul ở Petrograd, nơi mà, sau nhiều tháng bị cầm tù, hai anh họ của Sa hoàng Nicholas, Dmitri và George, cùng chú Paul của ông, đã bị bắn ngay rìa của một ngôi mộ tập thể. Hàng loạt viên chức nước ngoài và những người Nga có tước vị cao quý đã phải nài xin chính phủ Bolshevik để được thả ra. Khi bác bỏ một đơn yêu cầu do nhà văn Maxim Gorky đệ trình thay mặt cho Thái công Nicholas Mikhailovich, Chủ tịch Hiệp hội Lịch sử Hoàng gia Nga, Vladimir Lenin nói, “Cách mạng không cần các sử gia.”
Người ta ước tính rằng đến năm 1920, trong số 53 người nhà Romanov sống vào thời điểm Bolshevik lên nắm quyền vào tháng 10/1917, chỉ có 35 người còn sống. Họ là những người đã chạy trốn khỏi Nga bằng bất cứ phương tiện nào có thể, hoặc đi bộ, hoặc bằng thuyền. Khoảng một tá người nhà Romanov, bao gồm mẹ của Nicholas, Maria Feodorovna; chị gái Xenia và chồng là Alexandr, đã được di tản khỏi Crimea bằng các tàu chiến được gửi bởi người thân của họ từ hoàng gia Anh, George V. Tại châu Âu, họ hòa vào dòng dân nhập cư Nga đã trốn khỏi đất nước do sự khủng bố của Bolshevik. Không có quốc tịch, phần lớn bị mất quyền lực và bị chấn thương tâm lý nặng nề, người nhà Romanov đã phải học cách sống mà không có đất nước nơi họ đã nắm quyền cai trị suốt ba thế kỷ – đồng thời khóc thương cho những người bị bỏ lại phía sau.
Việc những người sống sót không thể chôn cất người thân đã qua đời càng khiến họ thêm đau đớn. Trong số tất cả những người nhà Romanov bị ám sát, chỉ có một người duy nhất được chôn cất – đó là anh họ của Nicholas, Dimitry. Thi thể của ông được một người hầu lấy cắp khỏi ngôi mộ tập thể và được chôn cất tại sân nhà riêng. Thi thể của những người bị hành quyết tại Alapayevsk được các lực lượng bảo hoàng thu lượm từ giếng mỏ, nhưng sau đó lại bị đưa đi xa hơn về phía đông, trở thành con tin của quân Bạch Vệ đang tháo lui. Những thi thể này sau đó được chôn tại nghĩa trang Nga ở Bắc Kinh, nơi đã bị phá hủy vào năm 1957. Một lớp nhựa đường giờ đây đã bao phủ mộ phần của họ.
Thi thể của gia đình hoàng gia vẫn không được tìm thấy, dù điều tra viên hình sự Nikolai Sokolov đã ra sức tìm kiếm trong thời gian chiếm đóng ngắn ngủi của quân Bạch Vệ tại Yekaterinburg. Theo một lời đồn dai dẳng nhưng không bao giờ được chứng minh, đầu của Sa hoàng và Hoàng hậu không được tìm thấy bởi chúng đã được đem đến cho Lenin như là bằng chứng của việc tiêu diệt gia đình Romanov.
Cho tới khi trút hơi thở cuối cùng, mẹ của Sa hoàng vẫn mong chờ một lá thư từ “đứa con bất hạnh Nicky,” từ chối không chịu tin các tờ báo viết về cái chết của ông. Ngay sau khi đến Paris vào năm 1920, Sokolov, khi ấy cũng là một người lưu vong ở châu Âu, đã cố gắng trao cho người nhà Romanov một chiếc hộp chứa những gì ông cho là bằng chứng mà ông đã tập hợp từ Ganina Yama, một khu mỏ khác ở phía bắc Yekaterinburg, nơi có các thi thể của gia đình hoàng gia bị giết hại. Nhà Romanov đã không chấp nhận lời đề nghị này.
Việc thiếu bằng chứng đã tạo thuận lợi cho phe Bolshevik. Sau khi quyền lực được củng cố, họ đã cố gắng xóa mối liên hệ giữa mình với cuộc đổ máu vốn đã tạo nền tảng cho nhà nước họ đang xây dựng. Vào thập niên 1940, các cuốn sách liên quan đến “những hành động công lý cách mạng” chống lại nhà Romanov đã bị thu hồi. Thông tin cá nhân của chỉ huy vụ hành quyết Sa hoàng, Yurovsky, từng được trưng bày một cách kiêu hãnh trong Bảo tàng Cách mạng Moskva, nay cũng biến mất.
Chậm rãi nhưng chắc chắn, ký ức về dòng họ Romanov đã bị xóa khỏi tâm trí của người dân cả nước. Đến khi tôi lớn lên ở Liên Xô và bắt đầu học lịch sử ở trường vào đầu thập niên 1980, sách giáo khoa hầu như không đề cập đến tên của họ, mà thay vào đó là những thuật ngữ vô nghĩa như “sa hoàng,” “bạo chúa” và “chuyên quyền.”
Tìm kiếm sự thật
Một điểm tương đồng giữa lịch sử và tội phạm là ở đâu đó, sẽ có ai đó luôn đào bới để tìm sự thật. Không rõ chính xác điều gì đã thúc đẩy Geli Ryabov, một nhà làm phim có liên hệ với Bộ Nội vụ Liên Xô, bắt đầu cuộc tìm kiếm của mình, với sự giúp đỡ của nhà địa chất địa phương, Aleksandr Avdonin, để tìm xác của Sa hoàng bị giết ở một nơi gọi là Pig’s Meadow, cách Ganina Yama một vài dặm. Cũng không biết tại sao sếp của Ryabov, Bộ trưởng Nội vụ Nikolai Shchelokov, người vô tình có liên hệ chặt chẽ với lãnh tụ Liên Xô Leonid Brezhnev, lại ủng hộ Ryabov.
Dù là tại sao thì vào năm 1979, Ryabov cũng đã gửi ba hộp sọ có vết đạn được ngâm trong lưu huỳnh đến Moskva. Tại đó, ông đã cố gắng thuyết phục các linh mục Chính thống giáo giúp chôn cất những gì ông tin là phần còn lại của gia đình Sa hoàng Nicholas, được những kẻ hành quyết đưa đến Pig’s Meadow từ Ganina Yama, sau khi dân làng phát hiện được địa điểm ban đầu. Khi các viên chức nhà thờ từ chối vì lo sợ những hậu quả từ nhà nước vô thần, Ryabov và Avdonin đã trao trả những gì họ tìm được về lại Pig’s Meadow, khắc một câu trong Phúc Âm trên một cây thánh giá được làm tạm bợ và chờ đợi thời điểm thích hợp hơn.
Năm 1989, nhà biên kịch người Nga Edvard Radzinsky cho xuất bản một bài báo bom tấn dựa trên cuốn hồi ký của Yurovsky, trong đó giải thích chi tiết việc hành quyết. Cả đất nước rung chuyển. Tháng 07/1991, sáu tháng trước khi Liên Xô tan rã, một ủy ban do Tổng thống Boris Yeltsin bổ nhiệm để tiến hành điều tra vụ hành quyết đã khai quật được phần còn lại của chín thi thể tại Pig’s Meadow. Bảy năm sau đó được dành cho nghiên cứu lưu trữ và phân tích pháp y của các chuyên gia Nga và quốc tế, bao gồm việc thu thập DNA và xét nghiệm di truyền các hậu duệ dòng họ Romanov, từ đó giúp xác nhận rằng những thi thể này thuộc về gia đình hoàng gia và những người hầu của họ.
Tám thập niên sau vụ giết hại, chín chiếc quan tài nhỏ với huy hiệu hoàng gia đã được đưa đến “cái nôi của cuộc cách mạng,” mà lúc đó đã lấy lại được cái tên ban đầu, St. Petersburg.
Một trong số 50 người nhà Romanov bay từ khắp nơi trên thế giới về dự lễ tang người thân của họ là ông láng giềng người Mỹ của tôi, Alexei Andreivich, chắt của Xenia và Sandro, những người đã trốn khỏi Crimea trên tàu chiến Anh. Từ Alexei, tôi đã biết được rằng tất cả chú bác, cháu gái và cháu trai của nhà Romanov bị ly tán bởi cuộc cách mạng đã đột nhiên nhận ra nhau trong hành lang khách sạn Astoria ở St. Petersburg.
Ngày hôm đó, trong một bài diễn văn được truyền hình từ Nhà Thờ Thánh Peter và Paul, Tổng thống Yeltsin kêu gọi cả nước cùng chuộc lỗi vì “tội lỗi tập thể” này. Alexei nói với tôi ý nghĩa của việc ông và người thân được chứng kiến những chiếc quan tài phủ cờ cuối cùng cũng được hạ xuống hầm mộ gia đình ở đó.
“Bất kể có thiếu vắng cảm giác gia đình hay không,” ông nói, “tất cả vẫn hợp lại thành một liên kết không thể phá vỡ.”
Những tranh cãi chưa hồi kết
Tuy nhiên, sự vắng mặt đáng chú ý trong đám tang năm 1998 là của các nhà lãnh đạo Nhà thờ Chính thống Nga. Các thầy phó tế, chứ không phải các giám mục, là người đã đọc lời cầu nguyện cho người chết. Lý do khiến nhà thờ giữ khoảng cách là bởi nghi ngờ về tính xác thực của những thi thể này. Cũng vì lý do đó, Maria Romanova, hậu duệ của Sa hoàng Alexander II, nay sống tại Tây Ban Nha, cũng quyết định không đến dự lễ. Tuyên bố của cô về người đứng đầu “Hoàng gia Nga” khiến nhiều thành viên trong gia đình Romanov phật ý.
Một trong số những lý do cho sự hoài nghi của nhà thờ là khác biệt rõ ràng về nơi tìm thấy hài cốt: Cuộc điều tra của Sokolov năm 1918 đã xác định khu giếng mỏ tại Ganina Yama là nơi chôn cất thi thể, tuy nhiên các xác chết cuối cùng lại được tìm thấy tại Pig’s Meadow. Ngoài ra, chỉ có 9 xác chết được tìm thấy, trong khi số người bị hành quyết là 11. Tính xác thực trong câu chuyện của Yurovsky cũng còn nhiều nghi vấn. Hầu hết các chuyên gia Nga và người nước ngoài trực tiếp tham gia vào quá trình này xem những nghi ngờ đó là không chính xác. Boris Nemtsov, chủ tịch Ủy ban Romanov trong giai đoạn cuối cùng, đã thuyết phục nhà thờ không can thiệp vào đám tang.
Năm 2001, phía nhà thờ cho xây dựng một tu viện ở Ganina Yama, không phải ở Pig’s Meadow. Nhưng tranh cãi không kết thúc ở đó. Năm 2007, một nhóm người Mỹ có tên là S.E.A.R.C.H, được thành lập bởi các hậu duệ sau cuộc điều tra của Sokolov, đã phát hiện ra hai thi thể trong một hố khác tại Pig’s Meadow. Mặc dù có nhiều bằng chứng pháp y và DNA, nhà thờ vẫn từ chối thừa nhận những phần còn lại này thuộc về các con của Nicholas là Aleksei và Maria. Suốt nhiều năm, các hộp chứa “tro cốt” và một vài mảnh xương – tất cả những gì còn lại của hai đứa trẻ – đã bị nằm phủ bụi trên kệ trong kho lưu trữ của nước Nga.
Năm 2015, dưới áp lực ngày càng tăng của gia đình Romanov, một ủy ban khác, lần này được Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev thành lập, cuối cùng đã phán quyết rằng những phần còn lại này là của gia đình hoàng gia. Nhưng đám tang, dự kiến vào tháng 10, đã không diễn ra. Thay vào đó, phần thi thể còn lại được bàn giao cho nhà thờ “để kiểm tra thêm.” Bản chất của việc kiểm tra cũng như thời hạn hoàn thành chưa bao giờ được tiết lộ. Phát biểu trước giới lãnh đạo nhà thờ vào năm 2016, nhà lãnh đạo Chính thống giáo Nga, Thượng phụ Kirill, tái khẳng định nghi ngờ của nhà thờ về hành động của Ủy ban Yeltsin-Nemtsov, và ca ngợi quyết định của Tổng thống Vladimir Putin khi khởi động một cuộc điều tra “đầy đủ.” Gia đình Romanov, vẫn luôn bị giữ trong bóng tối, nay lại tiếp tục chờ đợi lời giải thích từ Nga.
Nhưng thời gian không đứng yên. Geli Ryabov đã qua đời. Một số trưởng lão nhà Romanov cũng đã qua đời. Nemtsov thì bị ám sát tại Moskva vào năm 2015. Vậy là vụ án đẫm máu này của lịch sử Nga – từ lâu đã là đối tượng của thuyết âm mưu, bất chấp việc có nhiều nghiên cứu xác thực – đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Một thế kỷ sau Cách mạng Nga, con trai và con gái của Sa hoàng Nicholas vẫn chưa được chôn cất – ngay cả khi xác ướp kẻ thù lớn nhất của nhà Romanov, Lenin, vẫn tiếp tục thu hút du khách ở thủ đô. Lịch sử đôi khi quả thật hài hước!
Anastasia Edel là tác giả cuốn “Russia: Putin’s Playground” – cuốn cẩm nang về lịch sử và văn hoá nước Nga đương đại. Các tiểu mục do Nghiên cứu Quốc tế tự đặt.
Hình: Gia hình hoàng gia Nga cùng các sĩ quan bên ngoài Cung điện Catherine. Nguồn: NYT.