Điều gì xảy ra nếu Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: What would happen if Britain left the EU with no deals?, The Economist, 06/08/2018.

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Thiếu hụt lương thực, máy bay không cất cánh và kiểm soát biên giới với Ireland đều là các khả năng.

Theo kế hoạch, Brexit sẽ diễn ra vào ngày 29 tháng 03 năm 2019, hai năm sau khi Theresa May viện dẫn Điều 50, điều khoản về rút khỏi EU của Hiệp ước Madrid. Anh và Liên minh châu Âu đang cùng hướng tới một hiệp ước cho phép Anh rời EU và một thỏa thuận khung cho thương mại trong tương lai. Nhưng khoảng cách giữa hai bên là rất lớn. Và có khả năng là ngay cả khi đạt được một thỏa thuận thì Quốc hội Anh vẫn có thể bác bỏ nó. Tuy nhiên, Điều 50 quy định việc rút khỏi EU sẽ tự động diễn ra trừ khi có sự đồng thuận để kéo dài thời gian đàm phán. Vì vậy, Anh có thể rời khỏi EU vào tháng 3 năm sau mà không hề có một thỏa thuận nào cả: một kịch bản Brexit bế tắc. Điều đó có nghĩa là gì?

Những người kiên định ủng hộ Brexit hài lòng với ý tưởng này. Họ nói rằng sẽ không có vấn đề gì nếu Anh giao thương với EU trên cơ sở các điều khoản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), giống như hầu hết các nước thứ ba. Và họ sẽ hài lòng với việc loại bỏ tất cả các luật lệ và quy định của EU theo kịch bản mà một số người gọi là Brexit triệt để.

Tuy nhiên, bởi người ta không chuẩn bị nhiều cho một kịch bản Brexit mà không có thỏa thuận nào, hậu quả có thể sẽ rối loạn. Các quy tắc của EU và WTO sẽ yêu cầu kiểm tra hải quan và áp đặt thuế quan đối với thương mại song phương, điều này sẽ gây ra những hàng dài chờ đợi tại Dover và phá vỡ các chuỗi cung ứng tức thời (JIT), cũng như áp đặt kiểm soát biên giới ở Ireland. Anh sẽ phải rời các cơ quan quản lý của EU về các lĩnh vực như an toàn hàng không, dược phẩm, vật liệu hạt nhân, thanh tra thực phẩm và xe hơi, và sẽ không có thời gian để thiết lập các cơ quan quản lý mới của riêng mình. Điều đó có nghĩa là máy bay có thể không được phép bay và đồng vị phóng xạ để điều trị ung thư có thể sẽ không được nhập khẩu, trong khi nhập khẩu thực phẩm và xuất khẩu xe hơi cũng có thể bị gián đoạn.

Chính phủ của bà May hứa hẹn sẽ công bố hướng dẫn cho các doanh nghiệp và cá nhân về những hậu quả có thể xảy ra. EU đã ban hành tư vấn về lập kế hoạch dự phòng tương tự. Đã có những thảo luận về việc dự trữ thực phẩm và vật tư y tế, cũng như trưng dụng bãi đậu xe cho xe tải dọc theo đường cao tốc ở Kent. Tuy nhiên, phần lớn các cuộc thảo luận này chỉ mang tính chiến thuật chứ không phải thực tế. Không có nhà đàm phán nào nghiêm túc muốn có một Brexit mà không có thỏa thuận. Bà May hy vọng rằng việc thảo luận về kịch bản tệ nhất đó có thể cho bà một lợi thế đàm phán để thuyết phục EU linh hoạt hơn đối với các Kế hoạch Chequers[1] của bà về một thỏa thuận thương mại cho phép Anh được quyền tiếp cận toàn diện thị trường đơn nhất EU về hàng hóa. Bà cũng muốn thuyết phục các nghị sĩ trong đảng của mình cũng như cử tri rằng họ nên ủng hộ thỏa thuận Chequers vì một kịch bản Brexit mà không có thỏa thuận sẽ quá nghiệt ngã.

Tuy nhiên, dường như không có điều nào trong số này có vẻ hiệu quả. Bà May phát hiện ra rằng các nhà lãnh đạo EU ủng hộ Ủy ban châu Âu trong việc từ chối phần lớn kế hoạch Chequers. Họ cho rằng việc không có thỏa thuận nào sẽ là một lựa chọn tồi tệ đến mức bà May sẽ phải nhượng bộ nhiều hơn và chấp nhận các điều khoản được đưa ra tại Brussels. Đồng thời, nhiều nghị sĩ và cử tri của Đảng Bảo thủ lại nghĩ rằng kế hoạch Chequers nhượng bộ quá nhiều cho EU.

Rốt cuộc, người ta có thể tránh được một Brexit mà không có thỏa thuận, nhưng những tháng đầu năm tới có thể sẽ khá căng thẳng. Và ngay cả khi Anh rời khỏi EU theo đúng lịch trình với một thỏa thuận, thì sự bế tắc có thể sẽ không biến mất hoàn toàn. Bởi vì lúc đó sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài đến tháng 12 năm 2020, thời điểm mà nguy cơ Anh rời khỏi EU mà không đạt được một thỏa thuận thương mại được dàn xếp toàn diện sẽ quay trở lại.

————

[1] Chỉ kế hoạch rút khỏi EU mà nội bộ chính quyền Anh thống nhất tại Chequers. Xem nội dung của các kế hoạch tại https://metro.co.uk/2018/09/12/what-is-the-chequers-deal-7935902/