Tác giả: Hồ Quốc Tuấn, Nguyễn Thị Ngọc Trang, & Trần Ngọc Thơ
Lời mở đầu
Báo cáo World Economic Outlook tháng 10 năm 2018 cho thấy căng thẳng thương mại, với Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là một trong những trung tâm, là một trong những rủi ro lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Mặc dù một số phân tích cho rằng Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, một phân tích của FT Confidential Research cho rằng Việt Nam là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất trong chiến tranh thương mại do mức độ phụ thuộc lớn của nền kinh tế vào xuất khẩu.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích những tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đối với Việt Nam, cả về tích cực và tiêu cực. Chúng tôi cũng đưa ra nhìn nhận về quan điểm ứng phó với chiến tranh thương mại của giới lãnh đạo Việt Nam thông qua các phát biểu chính thức của thủ tướng. Cuối cùng, chúng tôi thảo luận một số điểm quan trọng mà Việt Nam cần chú ý trong chiến lược ứng phó với chiến tranh thương mại.
Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung tới Việt Nam
Chúng tôi cho rằng chiến tranh thương mại đem lại cả thách thức và cơ hội cho Việt Nam. Trong ngắn hạn, Việt Nam có thể hưởng lợi từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thông qua kênh xuất khẩu và đầu tư nước ngoài.
Tại hội nghị “Tác động của chiến tranh thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc đến kinh tế TP.HCM”, TS Võ Trí Thành cho rằng khi hàng nhập từ Trung Quốc vào Mỹ giảm do thuế nhập khẩu cao, Mỹ sẽ tìm nguồn hàng từ các nước khác, cụ thể là hàng dệt may và điện tử từ Việt Nam do đây là hai mặt hàng mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều xuất khẩu sang Mỹ. Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ trong 9 tháng đạt gần 35 tỉ USD, tăng 12,5%. Đặc biệt, điện thoại và linh kiện tăng đến 46% và dệt may tăng gần 12%, da giày tăng gần 13%.
Việt Nam cũng có thể hưởng lợi từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó các doanh nghiệp chuyển dịch một số khâu sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Các công ty đa quốc gia đang bắt đầu chuyển những công đoạn sản xuất có tỷ suất sinh lợi cao đến Việt Nam. Các nhà sản xuất lớn như Intel, Foxconn, LG và Samsung đang chuyển nhà máy của họ sang Việt Nam. Lợi thế từ 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) và những hiệp định đang chờ phê chuẩn như EU-Vietnam FTA hoặc sắp có hiệu lực như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Tiến bộ và Toàn diện (CPTPP) khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia.
Doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang chuyển đơn hàng sản xuất những mặt hàng bị Mỹ áp thuế cao sang Việt Nam. Một số nhà sản xuất Trung Quốc có thể sẽ tăng đầu tư sản xuất ở Việt Nam hoặc hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để thực hiện việc sản xuất đơn hàng cho đối tác của họ ở thị trường Mỹ lâu nay. Bà Anna Ho, CEO của Công ty Silstar Machinery chia sẻ với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng cả tháng nay bà liên tiếp đón các đoàn doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm bao bì nhựa của Trung Quốc cũng như các nhà mua mặt hàng này từ Mỹ đến tìm hiểu khả năng sản xuất mặt hàng này của doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, chiến tranh thương mại cũng tạo ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Nguy cơ đầu tiên là rủi ro hàng Việt Nam cũng sẽ bị Mỹ áp thuế cao do doanh nghiệp Trung Quốc núp bóng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt, lo ngại rằng có nguy cơ thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam, lấy xuất xứ rồi xuất khẩu sang Mỹ. Khi đó, cả thép của doanh nghiệp Việt cũng có nguy cơ bị Mỹ đánh thuế cao. Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam cũng bày tỏ lo ngại Mỹ có thể truy nguồn gốc sản phẩm và áp thuế suất chống phá giá, gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Xu thế doanh nghiệp Trung Quốc chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam tuy giúp tăng đơn hàng xuất khẩu và đầu tư nước ngoài nhưng cũng làm gia tăng nguy cơ Việt Nam trở thành thiên đường ô nhiễm của các doanh nghiệp FDI. Trong cuộc họp báo công bố các số liệu thống kê kinh tế xã hội của Tổng cục Thống kê ngày 28/9, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê bày tỏ lo ngại rằng làn sóng dịch chuyển doanh nghiệp Trung Quốc có thể khiến Việt Nam trở thành nơi tập kết cho các công nghệ lạc hậu, ô nhiễm, quy mô nhỏ từ quốc gia láng giềng khổng lồ.
Một nguy cơ khác đối với Việt Nam là những hàng hóa tiêu dùng và nông sản của Mỹ và Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại sẽ chuyển hướng sang Việt Nam. Một ví dụ là mặt hàng thịt lợn Mỹ. Trung Quốc áp thuế bổ sung tới 25% khiến thuế nhập khẩu thịt lợn Mỹ vào Trung Quốc lên tới 71%, do đó thịt lợn Mỹ gần như không còn cơ hội thâm nhập vào Trung Quốc. Giá lợn hơi Việt Nam đang ở mức từ 48.000-50.000 đ/kg, thuộc hàng cao nhất thế giới. Trong khi đó, giá thịt lợn Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam chỉ vào khoảng hơn 1,5 USD/kg, tương đương với khoảng 35.000 đồng. Số thịt lợn Mỹ không thể thâm nhập thị trường Trung Quốc có thể sẽ tràn vào Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, cho biết thịt Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam tăng gần 50% trong nửa đầu năm 2018.
Những tình huống tương tự cũng có thể xảy ra với nông sản Trung Quốc. Hiện tại Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn của các sản phẩm như trái cây, lúa gạo, thủy sản … từ Việt Nam. Với nguồn cung lớn và giá rẻ, rau quả Trung Quốc gây áp lực cạnh tranh rất lớn đối với nông sản Việt Nam ở cả thị trường xuất khẩu của Trung Quốc lẫn thị trường nội địa Việt Nam. Đó là chưa kể, trái cây từ Mỹ cũng sẽ có thể nhập vào Việt Nam nhiều hơn sau khi bị thị trường Trung Quốc đánh thuế cao.
Về dài hạn, rủi ro lớn nhất là chiến tranh thương mại làm tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm, các doanh nghiệp hạn chế chi tiêu vốn trong khi điều kiện thị trường tài chính tiền tệ chuyển từ nới lỏng sang thắt chặt. Điều này có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Bảng 1. Tóm tắt các ảnh hưởng tiêu cực và tích cực của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung với Việt Nam
Tác động tích cực | Tác động tiêu cực |
|
|
Nhìn chung, chúng tôi cho rằng trong ngắn hạn các tác động tích cực có thể lớn hơn các tác động tiêu cực, tuy nhiên về dài hạn, tổn thất do rủi ro bị Mỹ áp thuế, tổn hại môi trường và suy giảm tăng trưởng có thể rất nặng nề.
Lãnh đạo Việt Nam nhận thức về chiến tranh thương mại như thế nào?
Trước khi chiến thương mại bùng phát, ngay từ những tháng đầu năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” như là quan điểm xuyên suốt trong điều hành.[1]
Sau khi chiến thương mại bùng phát, với việc đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh, nhiều chuyên gia kinh tế Việt Nam đề xuất chính phủ cần phải có những giải pháp ứng phó thích hợp. Đáng kể nhất là các đề xuất về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần phải đi trước một bước bằng cách phá giá tiền đồng để tăng khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Trong lúc dư luận vẫn còn đang tranh cãi về đề xuất phá giá tiền đồng thì Thủ tướng lại một lần nữa khẳng định nguyên tắc dĩ bất biến ứng vạn biến mà ông đã đề cập hồi đầu năm. Ông khẳng định không thay đổi các chính sách kinh tế, tài chính trong năm 2018, kể cả thuế môi trường xăng dầu. Không chạy trước đón đầu biến động thị trường tài chính quốc tế như nhiều người khuyến nghị khi chưa có yếu tố tác động cụ thể… và cần ổn định tỷ giá VND theo mức linh hoạt 2% so với cuối năm 2017.
Quan điểm này của chính phủ tương đồng với nhận định của Thẩm Kiến Quang, nhà kinh tế của Mizuho Securities châu Á, về đối sách của Trung Quốc, cho rằng “trong bối cảnh sức ép bên ngoài tăng lên, Trung Quốc cần đẩy nhanh cải cách mở cửa, lấy chiến tranh thương mại Trung – Mỹ làm động lực bên ngoài để Trung Quốc ‘gia nhập WTO lần hai’”. Đây cũng có thể coi là cách làm dĩ bất biến ứng vạn biến, có thể sẽ biến việc xấu thành việc tốt. Nhận định này cũng trùng khớp với việc mới đây tờ South China Morning Post loan tin lãnh đạo Trung Quốc đang xem xét gia nhập hiệp định CPTPP như là một cách thức dĩ bất biến ứng vạn biến trong quan hệ đối ngoại.
Trả lời Bloomberg, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, điều quan trọng với Việt Nam là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xuất khẩu và giữ ổn định đời sống cho 96 triệu người dân trong nước. Thủ tướng liên tục nói Việt Nam “tự cường” khi đối mặt với những thách thức toàn cầu và sẽ tìm kiếm nhiều hơn nữa các hợp tác thương mại với nước ngoài thông qua 12 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã hoàn thành. “Chúng tôi phải dựa vào sức mạnh nội tại để vượt qua mọi trở ngại và duy trì đà tăng trưởng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Qua phát biểu của Thủ tướng, có thể thấy được chiến lược ứng phó của chính phủ Việt Nam với chiến tranh thương mại là đề cao ổn định vĩ mô, giá trị tiền đồng, theo đuổi nhiều hơn các hiệp định thương mại để tăng xuất khẩu. Điều này tương tự như chiến lược “dĩ bất biến ứng vạn biến” của Trung Quốc.
Mặc dù cải cách nền kinh tế được đề cập, nó không đóng vai trò quan trọng trong thông điệp của thủ tướng. Điều này khiến chúng tôi lo ngại cải cách kinh tế nội địa không được chú ý đúng mức. Nói cách khác, có thể chiến tranh thương mại sẽ khiến Việt Nam sao nhãng mục tiêu cải cách kinh tế trong nước theo hướng kinh tế thị trường mà chỉ tập trung vào các giải pháp chiến thuật để duy trì ổn định vĩ mô và tăng xuất khẩu. Chẳng hạn như kế hoạch cổ phần hóa DNNN, một trong 3 trụ cột chính của tái cơ cấu nền kinh tế, đã có những dấu hiệu chậm lại một cách đáng ngại. Theo kế hoạch năm 2018 phải cổ phần hóa 85 DNNN nhưng đến tháng 7/2018 mới chỉ cổ phần hóa được 19 doanh nghiệp. Đáng ngại nhất, hai đầu tàu kinh tế là TP.HCM phải cổ phần hóa 39 doanh nghiệp và Hà Nội 11 doanh nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa cổ phần hóa được doanh nghiệp nào.
Việt Nam nên phản ứng lại với bất định từ chiến tranh thương mại như thế nào?
Giải pháp chiến thuật trong ngắn hạn
Trong ngắn hạn, để hạn chế hàng Trung Quốc núp bóng hàng Việt Nam để xuất sang Mỹ, chính phủ trung ương và chính quyền địa phương của Việt Nam cần có chiến lược thu hút FDI có tính sàng lọc cao hơn. Đặc biệt là chính quyền địa phương cần phải giám sát chặt và sẵn sàng từ chối các dự án có xu hướng che giấu xuất xứ từ Trung Quốc để xuất sang Mỹ. Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại rằng các giải pháp này khó có thể được thực hiện vì những rào cản về pháp lý và tư duy nhiệm kỳ ngắn hạn của các lãnh đạo địa phương. Ngoài ra, chính phủ Việt Nam có thể cũng lo ngại sẽ bị phía Trung Quốc chỉ trích vì phân biệt đối xử với nhà đầu tư Trung Quốc.
Ở một khía cạnh khác, Việt Nam có thể và thật ra cần phải hành xử quyết đoán hơn để ngăn chặn các dự án đầu tư gây tổn hại môi trường bằng cách thiết lập các chuẩn mực thẩm định tác động đến môi trường chặt chẽ hơn và nâng cao hiệu quả giám sát và xử lý vi phạm. Đây là một vấn đề cấp thiết mà chính phủ Việt Nam không thể lơ là vì tác động tiêu cực của các dự án phá hủy môi trường lên sức khỏe người dân là rất nghiêm trọng và có thể làm mất niềm tin của người dân cũng như khiến người dân có ác cảm với các dự án nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc.
Để ứng phó với việc hàng tiêu dùng và nông sản của Trung Quốc và Mỹ tràn vào Việt Nam do tác động của chiến tranh thương mại, chính phủ Việt Nam có thể chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong việc tiếp cận vốn và xây dựng các thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao. Chính phủ cũng có thể áp dụng các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm khắt khe hơn và khuyến khích phát triển các sản phẩm nông sản sạch, chất lượng cao để đối đầu với hàng Trung Quốc.
Giải pháp chiến lược dài hạn 1: Hướng đến một nền kinh tế thị trường thực chất
Để tránh nguy cơ bị Mỹ áp thuê cao lên hàng Việt Nam do hàng Trung Quốc núp bóng xuất xứ Việt Nam để xuất sang Mỹ, Việt Nam không có cách nào khác ngoài việc phải hướng tới một nền kinh tế thị trường thực chất.
Ngoài Canada và Mexico, Mỹ còn đang hướng đến các thỏa thuận mậu dịch và đầu tư với các đối tác khác EU và Nhật với điều khoản “poison pill” chống lại các nước phi thị trường. Trong khi đó, chính quyền Mỹ đã có những nghiên cứu cảnh báo Việt Nam giống như một “Trung Hoa mới” (New China). Những rủi ro về một nền kinh tế phi thị trường cần phải được nhận diện, và tất nhiên phải có các giải pháp thích hợp.
Chúng tôi chưa thấy các phương tiện truyền thông trong nước và các chuyên gia kinh tế Việt Nam chú ý phân tích các cảnh báo này. Nếu như cuộc chiến thương mại lan rộng vượt khỏi cuộc chiến Mỹ-Trung và trở thành quy mô toàn cầu, có khả năng Việt Nam sẽ gặp phải những rắc rối mới phát sinh từ việc bị Mỹ quy là một hình ảnh của Trung Hoa mới.
Các văn kiện chính thức của Đảng chỉ rõ Việt Nam luôn theo đuổi một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cho đến nay Việt Nam đã được 69 nước công nhận là nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác quan trọng như ASEAN, EU, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand. Thế khó cho Việt Nam là cho đến giờ Mỹ vẫn cho rằng Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường (NME).
Nếu Việt Nam không tăng tốc thương lượng và thậm chí có những thỏa thuận đặc biệt với phía Mỹ để được công nhận là nền kinh tế thị trường, có khả năng Việt Nam sẽ gặp khó nếu như Mỹ áp đặt điều khoản “poison pill”. Đây là rủi ro mà Việt Nam không thể xem nhẹ.
Việt Nam dường như đang đi đúng hướng nhằm thỏa mãn các tiêu chí kinh tế thị trường theo điều khoản 19 U.S.C. 1677 của Mỹ bằng việc hướng đến hoàn toàn xóa bỏ trợ cấp giá cho giá điện, xăng dầu, y tế.
Tuy nhiên, ở mặt ngược lại, nhiều người vẫn cho rằng phá giá tiền tệ mới chính là thứ vũ khí hữu hiệu nhất để tăng tính cạnh tranh thương mại của Việt Nam. Điều này thường là lựa chọn ưa thích tại Việt Nam, vốn thường có lối tư duy nhiệm kỳ. Mặt trái của chính sách phá giá hoặc thiếu rõ ràng về cách điều hành tỷ giá có thể đặt Việt Nam vào rủi ro bị Mỹ xếp vào nền kinh tế phi thị trường, thậm chí là thao túng tiền tệ. Vì vậy, theo quan điểm chúng tôi, chính sách tỷ giá cần phải linh hoạt và minh bạch hơn nữa thì Việt Nam mới có tránh bị liệt vào danh sách thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ. Để nhận diện liệu tỷ giá có hướng về thị trường như cam kết của NHNN hay không, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy Việt Nam cần phải có một cơ chế kiểm soát quyền lực của tỷ giá.
Lợi ích dài hạn của một chính sách kinh tế thị trường phù hợp với Việt Nam không phải chỉ để được Mỹ chính thức công nhận là một nền kinh tế thị trường thực thụ, để thoát khỏi cái gọi là điểu khoản “poison pill” do họ áp đặt. Trên tất cả, một nền kinh tế thị trường thực thụ chính là để cho Việt Nam vượt ra khỏi các rào cản phát triển do chính mình tạo ra bấy lâu.
Giải pháp chiến lược dài hạn 2: Giải quyết điểm nghẽn vốn đầu tư công của nền kinh tế
Hậu quả của các căng thẳng thương mại khiến cho IMF vào ngày 9/10 đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm 2018 và 2019. Tăng trưởng của 5 nước trong ASEAN, trong đó có Việt Nam, được dự báo sẽ chỉ ở mức 5,3% trong năm nay và giảm nhẹ xuống 5,2% vào năm tới. Tác động làm giảm tăng trưởng dài hạn của căng thẳng thương mại mới là rủi ro mà chúng tôi cho rằng đáng ngại nhất với Việt Nam. Do đó, biện pháp căn cơ để ứng phó với khả năng chiến tranh thương mại kéo dài nhiều năm là chính phủ cần có những biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn.
Đối với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, vai trò của chính phủ trong việc thực thi chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế là hết sức cần thiết để bù đắp những căng thẳng kéo dài từ chiến tranh thương mại. Trong khi đó, ở Việt Nam có một nghịch lý mà Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ ra là có tiền nhưng không tiêu hết được, ông cho rằng đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho tăng trưởng kinh tế không như mong đợi.
Đáng lưu ý là những bất cập này được cho là đến từ Luật Đầu tư công được Quốc hội thông qua năm 2015. Cho dù Luật Đầu tư công mới này được cho là làm giảm đáng kể tình trạng đầu tư tràn lan và lãng phí nhưng nó vô tình lại tạo ra một điểm nghẽn mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong tương lai. Trong thông báo mới nhất số 321/TB-VPCP, chính phủ Việt Nam đã chính thức thừa nhận điểm nghẽn mới này.
Chính phủ Việt Nam dự định chỉnh sửa toàn diện Luật Đầu tư công trình Quốc hội vào cuối năm nay. Tuy nhiên việc chỉnh sửa toàn diện Luật Đầu tư công đã bị những phản ứng ban đầu từ Ủy ban thường vụ Quốc hội, với việc Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng việc chỉnh sửa toàn diện là không cần thiết. Ngoài ra chủ tịch Quốc hội còn khẳng định “Lần họp tới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tôi sẽ cung cấp số liệu cho thấy triển khai Luật Đầu tư công không được là do triển khai thực hiện chứ không phải do Luật”.
Nếu thực sự giữa Chính phủ và Quốc hội không thể tìm được tiếng nói chung trong việc chỉnh sửa toàn diện Luật Đầu tư công, môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ để lại một điểm trừ lớn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những nhà đầu tư đang tìm cách chuyển dòng vốn đầu tư của họ ra khỏi Trung Quốc. Việc thiếu chủ động trong việc gỡ bỏ các rào cản này đối với tăng trưởng không những khiến Việt Nam không tận dụng được những lợi ích ngắn hạn do chiến tranh thương mại tạo ra, mà còn phải đối mặt với thách thức dài hạn mà nó mang lại.
Kết luận
Những phân tích trên cho thấy trở ngại của đường lối “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (nhưng chưa được Mỹ công nhận là kinh tế thị trường thực sự) ngày càng bộc lộ điểm yếu khi những căng thẳng thương mại toàn cầu phát sinh. Về dài hạn, việc Việt Nam đang tương đối bị động trong xử lý các rào cản tăng trưởng và tỏ ra sao nhãng mục tiêu cải cách kinh tế có thể khiến Việt Nam bỏ lỡ lợi ích trong ngắn hạn và gánh chịu tổn thất nặng nề qua hiệu ứng giảm tăng trưởng trong dài hạn của chiến tranh thương mại.
Một chính sách tái cấu trúc kinh tế toàn diện để có một nền kinh tế thị trường thực thụ và làm mới lại những động lực tăng trưởng sẽ giúp Việt Nam có thể hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài trong tương lai. Điều đó đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cuộc chiến thương mại có thể kéo dài trong nhiều năm.
TS Hồ Quốc Tuấn là Giảng viên tại ĐH Bristol, Vương quốc Anh; PGS Nguyễn Thị Ngọc Trang và GS Trần Ngọc Thơ giảng dạy tại ĐH Kinh tế TPHCM. Các tác giả cảm ơn Lê Hồng Hiệp và Tham Siew Yan vì những nhận xét và góp ý hữu ích.
Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng trên ISEAS Perspective.
—————————-
[1] Cách hiểu dĩ bất biến ứng vạn biến trong bài viết của Thủ tướng là “sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách để ứng phó kịp thời với những biến động tình hình quốc tế, trong nước để giữ ổn định kinh tế vĩ mô”. Xem http://thutuong.chinhphu.vn/Home/Bai-viet-cua-Thu-tuong-ve-tinh-hinh-kinh-te-vi-mo/20183/27885.vgp