Mỹ nên thúc đẩy dân chủ ở Nga và Trung Quốc như thế nào?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Larry Diamond, “Democracy Demotion Foreign Affairs, July/August 2019.

Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Tái khởi động việc thúc đẩy dân chủ

Không có một biện pháp kỹ thuật nào có thể giải quyết các vấn đề gây thiệt hại cho tiến trình thúc đẩy dân chủ . Vấn đề là rất lớn, sâu sắc và đã tồn tại từ lâu. Do đó giải pháp cũng phải dài hơi như thế. Trước tiên, các nhà lãnh đạo Mỹ phải nhận thức rằng họ đang một lần nữa đứng giữa cuộc cạnh tranh toàn cầu về các giá trị và tư tưởng. Cả Đảng Cộng sản Trung Quốc và Điện Kremlin đều đang chiến đấu quyết liệt và bất chấp. Chiến thuật trung tâm của Kremlin là bác bỏ việc tồn tại sự thật khách quan, chứ đừng nói đến các giá trị phổ quát. Nếu không tồn tại sự thật khách quan, và không có giá trị đạo đức nào sâu sắc hơn bản thân quyền lực, thì kẻ nói dối vĩ đại nhất sẽ thắng – và dĩ nhiên đó là Putin. Giới lãnh đạo của Trung Quốc thì đang chơi một cuộc chơi dài hơi hơn: thâm nhập vào các xã hội dân chủ và chậm rãi làm suy yếu chúng từ bên trong. Họ có trong tay nhiều thủ pháp hơn, cùng với một nền tảng tài lực mạnh hơn hẳn Nga – trong đó quan trọng nhất là mạng lưới khổng lồ các cá nhân và tổ chức thuộc đảng Cộng sản, nhà nước và các chủ thể phi chính phủ.

Bài liên quan: Lý giải sự suy thoái toàn cầu của dân chủ hiện nay

Đấu tranh chống lại các chiến dịch chuyên chế thâm độc nhằm bóp méo thông tin, xâm nhập xã hội, và chiến tranh ý thức hệ sẽ là tối quan trọng đối với việc bảo vệ dân chủ. Các chính phủ dân chủ phải bắt đầu bằng việc giáo dục người dân của họ, giới truyền thông đại chúng, các trường đại học, viện nghiên cứu, các công ty, chính quyền địa phương,  cũng như các cộng đồng kiều bào về mối nguy hại từ các chiến dịch chuyên chế nhằm gây ảnh hưởng này và sự cần thiết của sự “cảnh giác mang tính xây dựng”, theo lời báo cáo “China’s Influence and American Instruments” (Ảnh hưởng của Trung Quốc và các công cụ của Hoa Kỳ) – một báo cáo năm 2018 của nhóm các chuyên gia về Trung Quốc được soạn bởi Viện Hoover và Asia Society – mà trong đó tôi là đồng biên tập với Orville Schell. Biện pháp phản ứng phải mang tính xây dựng, theo đó nó phải tránh thể hiện thái độ phản ứng thái quá hay chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đồng thời tìm cách đẩy mạnh các giá trị dân chủ nhiều nhất có thể. Song các biện pháp này phải đề cao cảnh giác trong việc phát hiện và giám sát các nỗ lực ở hải ngoại của Nga và Trung Quốc nhằm khuếch trương ảnh hưởng của họ.  Do đó, các xã hội dân chủ phải trước sau minh bạch một cách nghiêm ngặt trong mọi hợp đồng, tài trợ, trao đổi giữa các cơ quan và các quan hệ khác với Nga, Trung Quốc. Đồng thời, các nền dân chủ nên đòi hỏi sự “có đi có lại” nhiều hơn từ hai nước này: ví dụ, họ không thể cho các báo, đài phát sóng được cho là “độc lập” của các nước chuyên chế này quyền tự do hoạt động không giới hạn ở nước họ, trong khi báo chí của họ thì bị kiềm chế nghiêm ngặt, bị từ chối visa; còn các mạng tin tức truyền hình cáp của họ thì hoàn toàn bị cấm phát sóng ở Nga và Trung Quốc. Các nền dân chủ, các định chế dân chủ như các trường đại học và viện nghiên cứu cũng phải hợp tác sâu sát hơn cùng nhau nhằm chia sẻ thông tin và cùng bảo vệ chính mình trước các chiến thuật “chia để trị”.

Không chỉ vậy, Hoa Kỳ phải phục hồi sự hiện diện, cũng như nâng cao hiểu biết về các quốc gia ở tuyến đầu của trận chiến quyền lực mềm với các nhà nước chuyên chế. Điều này đồng nghĩa với việc cần đẩy mạnh các chương trình như học bổng Fulbright (cái mà chính quyền Trump liên tục kêu gọi cắt giảm); học bổng Boren, tức chương trình tài trợ các sinh viên Mỹ đi học các ngôn ngữ thiết yếu ở nước ngoài; cùng các chương trình khác của Bộ Ngoại Giao nhằm gửi người Mỹ đến sống, làm việc, giảng dạy, trình diễn, và học tập ở nước ngoài. Nước Mỹ cũng nên tái chào đón người dân từ các quốc gia ấy – chẳng hạn như bằng cách đưa đến Mỹ nhiều hơn nữa các nhà báo, chuyên gia chính sách, lãnh đạo xã hội dân sự, các dân biểu dân cử, và quan chức chính phủ trong khuôn khổ các chương trình hợp tác và đào tạo. Đây chính xác không phải là lúc để nước Mỹ hướng vào trong và đóng cánh cửa của họ đối với người nước ngoài, tuyên bố rằng họ cần tập trung vào các vấn đề của mình.

Để đối chọi lại với bộ máy tuyên truyền toàn cầu của Nga và Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ cần phải tái khởi động và mở rộng mạnh mẽ các nỗ lực ngoại giao công chúng. Trung Quốc đang không ngần ngại tìm cách khống chế quan điểm của thế giới về họ, về các ý định của họ, và về mô hình quản trị của họ. Trong khi đó Nga cũng đang lan truyền thông điệp của mình – đề cao nước Nga và Putin như những người bảo vệ cho các giá trị Ki Tô Giáo truyền thống trong thời đại của quyền của người đồng tính, chủ nghĩa nữ quyền, và đa nguyên văn hóa – bên cạnh thái độ xem thường đối với dân chủ và những lời nói dối trắng trợn về Hoa Kỳ. Washington phải trả đòn bằng các chiến dịch thông tin được đo ni cho phù hợp với các bối cảnh địa phương và có thể nhanh chóng chạm đến người dân nhằm thể hiện các giá trị của mình. Đồng thời, họ cũng phải tiến hành một cuộc tranh đấu dài hơi nhằm lan truyền các giá trị, tư tưởng, kiến thức, và kinh nghiệm của những người được sống trong các xã hội tự do. Họ phải vận dụng các cách thức sáng tạo để vượt tường lửa Internet và xuyên thủng môi trường chuyên chế – chẳng hạn như lan truyền các video và bài viết đề cao dân chủ bằng tiếng địa phương qua USB. Nước Mỹ cũng phải tạo ra các công cụ mới nhằm giúp đỡ người dân ở các chế độ chuyên chế một cách an toàn, đồng thời cẩn trọng vượt qua kiểm duyệt và kiểm soát Internet.

Mỹ từng có một công cụ rất hữu dụng trong các cuộc chiến về thông tin và tư tưởng: Sở Thông tin Hoa Kỳ (USIA). Song, vào năm 1999, cơ quan này đã bị chấm dứt hoạt động trong một thỏa thuận giữa chính quyền Clinton và Thượng Nghị sĩ Đảng Cộng Hòa của bang North Carolina Jesse Helms, người kêu gọi giảm bớt can dự của Hoa Kỳ ở nước ngoài. Nhằm tiếp tục duy trì ngân sách cho can dự của Mỹ ở hải ngoại, chính quyền Clinton đã miễn cưỡng đóng cửa USIA. Ngân sách và các hoạt động của tổ chức này được chuyển sang – chưa bao giờ thật sự hiệu quả– cho Bộ Ngoại Giao, khiến một công cụ thiết yếu trong việc thúc đẩy dân chủ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đến năm 2016, chính quyền Obama thành lập Trung tâm Can dự Toàn cầu (Global Engagement Center), một nhóm nằm trong Bộ Ngoại Giao có nhiệm vụ chống lại các hoạt động tuyên truyền và bóp méo thông tin từ nước ngoài. Tuy nhiên, Rex Tillerson, Ngoại trưởng đầu tiên của Trump, đã không sử dụng hết các nguồn lực được phân bổ; và sáng kiến này đến nay mới lấy được đà hoạt động nhờ công của Ngoại trưởng mới Mike Pompeo, người hiểu tầm quan trọng của cơ quan này.

Cái mà nước Mỹ cần lúc này không chỉ là một chương trình đơn nhất mà là cả một cơ quan thông tin với đội ngũ chuyên gia thông tin làm việc lâu dài, nhanh nhạy, có sáng tạo công nghệ – hay như lời James Clapper, cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia – là “một USIA ở mức tối đa”. Mục đích của việc tái lập USIA không phải là nhằm đánh bại Trung Quốc hay Nga trong cuộc chiến “bóp méo thông tin”. Mặt khác, cơ quan này –  cùng với Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ (USAGM), đơn vị quản lý các đài phát sóng hải ngoại độc lập của Mỹ như Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, Đài Châu Âu Tự do/Radio Tự do – sẽ thực thi châm ngôn của nhà báo nổi tiếng Edward R.Murrow, giám đốc USIA dưới thời Tổng thống Kenedy, rằng “Sự thật là lời tuyên truyền tốt nhất và nói dối là cách tuyên truyền tệ nhất”. Và sự thật là con người muốn sống trong tự do. Cách hiệu quả nhất để chống lại chương trình tuyên truyền của Nga và Trung Quốc là phơi bày cách mà hai quốc gia khổng lồ này thật sự được cai trị. Những sự thật và phân tích này sau đó phải được truyền bá một cách rộng rãi và sáng tạo trong lòng nước Nga và Trung Quốc, trong các xã hội khép kín, ngoài ra là cả các xã hội mở hơn, mà vì ảnh hưởng của các nỗ lực tuyên truyền từ Nga và Trung Quốc, đã không còn nhận thức được đúng và thật bản chất của hai chế độ này.

Minh bạch cũng có thể đóng một vai trò trong cuộc chiến vì dân chủ. Điểm yếu của mọi chế độ chuyên chế, bao gồm Nga và Trung Quốc, là nạn tham nhũng sâu sắc và khó chữa của họ. Không một quốc gia nào có thể kiểm soát được tham nhũng nếu không xây dựng nhà nước pháp quyền. Nhưng điều đó sẽ là không tưởng đối với hai nước này – bởi lẽ ở Trung Quốc, điều ấy có nghĩa là đặt đảng Cộng sản dưới một cơ quan tư pháp độc lập, và bởi ở Nga, chế độ hiện tại là một tập đoàn tội phạm có tổ chức đang giả trang như một nhà nước. Song các nền dân chủ dẫn đầu vẫn có một vài con bài trong tay mình, bởi lẽ phần lớn số tài sản cá nhân kếch xù tích lũy được từ các hoạt động tham nhũng được đổ vào các nhà băng, các cấu trúc tập đoàn, và thị trường bất động sản ở châu Âu và Mỹ thông qua các kẽ hở pháp lý và chỉ làm lợi cho một số ít có đặc quyền. Những kẽ hở này cho phép các nhà độc tài cùng thân hữu của họ che giấu và rửa các khoản tiền bẩn thông qua các công ty ma và các giao dịch bất động sản ẩn danh. Nước Mỹ, về phần họ, có thể ra các đạo luật chấm dứt những chiêu thức này đơn giản bằng cách yêu cầu mọi công ty, mọi đăng ký ủy thác, và mọi giao dịch bất động sản ở Hoa Kỳ phải khai báo người chủ sở hữu thật sự. Họ cũng có thể cấm các cựu quan chức và nghị sĩ Hoa Kỳ tham gia vận động hành lang cho các chính phủ nước ngoài, đồng thời cải thiện thẩm quyền pháp lý và nguồn lực của các cơ quan như Mạng lưới Thi hành pháp luật chống Tội phạm Tài chính (Financial Crimes Enforcement Network) của Bộ Tài Chính nhằm phát hiện và truy tố hoạt động rửa tiền.

Cuối cùng, nếu nước Mỹ muốn thắng cuộc chiến toàn cầu vì dân chủ, họ sẽ phải khởi đầu từ ở nhà. Người dân trên toàn cầu phải một lần nữa thấy nước Mỹ như một nền dân chủ xứng đáng cho họ noi theo. Điều này sẽ không xảy ra nếu Quốc hội tiếp tục bế tắc, nếu các cuộc bầu cử tiếp tục phụ thuộc vào “tiền đen”, nếu hai đảng tiếp tục thao túng phạm vi địa lý các đơn vị bầu cử một cách trơ trẽn nhằm tối đa hóa ưu thế đảng phải, và nếu một đảng nào đó trở nên gắn liền với các nỗ lực không khoan nhượng nhằm áp chế lá phiếu của các sắc tộc thiểu số.

Tấm gương Mỹ

Đây không phải lần đầu tiên tự do toàn cầu ở vào thế bị đe dọa. Quay trở lại năm 1946, khi Chiến Tranh Lạnh đang đến gần, nhà ngoại giao George Kennan đã gửi “Bức điện dài” nổi tiếng của ông từ Đại Sứ quán Mỹ ở Moskva. Kennan hối thúc người Mỹ phải nhận thức rõ về bản chất không rõ ràng của mối đe dọa chuyên chế, củng cố quyết tâm và năng lực quân sự tập thể của các nền dân chủ nhằm đối chọi và đẩy lùi tham vọng chuyên chế, đồng thời làm mọi thứ có thể để tách các nhà lãnh đạo chuyên chế tham nhũng khỏi người dân của họ.

Song Kennan cũng hiểu rằng: tài sản lớn nhất của nước Mỹ chính là nền dân chủ của họ, rằng họ phải tìm được “lòng dũng cảm và sự tự tin” để giữ vững niềm tin của họ, tránh trở nên “giống như kẻ họ đang đối đầu”. Kennan khuyến cáo: “mọi biện pháp dũng cảm và táo bạo nhằm giải quyết các vấn đề nội tại của xã hội chúng ta… đều là một chiến thắng ngoại giao trước Moskva, đáng giá như hàng ngàn công hàm ngoại giao và thông cáo chung”.

Ngày nay, khi nước Mỹ đấu tranh với không chỉ một mà hai đối thủ chuyên chế đầy quyết tâm, những khuyến nghị của Kennan rất xứng đáng được nhớ tới. Hoa Kỳ đang đứng trước một bờ vực, đối mặt với một thời điểm mà tự do và dân chủ sẽ bị thử thách. Nước Mỹ vẫn là nền dân chủ không thể thiếu trong hệ thống khổng lồ các liên minh và tổ chức của thế giới. Giờ đây, hơn mọi lúc nào khác , số phận của nền dân chủ Mỹ có mối liên hệ mật thiết với cuộc đấu tranh toàn cầu cho tự do. Và kết quả của cuộc đấu tranh ấy phụ thuộc vào cách mà người Mỹ hồi phục lại phẩm chất của nền dân chủ của mình cũng như niềm tin của họ vào giá trị và những hứa hẹn của nền dân chủ ấy.

Larry Diamond là Giáo sư Khoa học Chính trị và Xã hội học tại Đại học Stanford, đồng thời là Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Hoover và Viện Freeman Spogli.