Thế giới hôm nay: 19/08/2019

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

TIN VẮN

Sau nhiều tuần bạo lực, các cuộc tuần hành ủng hộ dân chủ mới nhất ở Hồng Kông dường như đã diễn ra một cách hòa bình. Hàng trăm ngàn người đã tập trung tại Công viên Victoria sau khi bị cảnh sát từ chối cho phép diễu hành qua trung tâm thành phố. Cuối tuần trước, người biểu tình đã chiếm sân bay thành phố. Luận điệu từ chính phủ Trung Quốc đã trở nên cứng rắn hơn.

Các tài liệu chính phủ bị rò rỉ về tác động tiềm tàng của Brexit không có thỏa thuận cho thấy người Anh có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men, cũng như tình trạng chậm trễ nghiêm trọng tại các cảng biển. Thủ tướng Boris Johnson nói rằng Anh không có gì phải sợ khi rời Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận. Bộ trưởng phụ trách các công tác chuẩn bị hậu Brexit cho biết các tài liệu này đã nêu bật “kịch bản trong trường hợp xấu nhất”.

Một đám cháy lớn ở Bangladesh khiến 10.000 người mất nhà cửa. Đám cháy lan rộng qua Chalantika, một khu ổ chuột đông đúc ở thủ đô Dhaka. Không có báo cáo về người chết và ngọn lửa hiện đã được kiểm soát. Khoảng 100 người đã chết trong các vụ hỏa hoạn khác tại thành phố được phòng cháy lỏng lẻo này trong năm nay.

Một kẻ đánh bom tự sát của Nhà nước Hồi giáo đã giết chết 63 người khách dự đám cưới ở Afghanistan. Gần 200 người khác bị thương. Nhóm khủng bố này không tham gia các cuộc đàm phán giữa các chiến binh Taliban và Hoa Kỳ. Tổng thống Donald Trump rất muốn cải thiện an ninh tại đây để rút hàng ngàn lính Mỹ về nước.

Khoảng 500 người biểu tình cực hữu đã tập hợp tại Portland, Oregon, nơi họ xung đột với các nhà hoạt động chống phát xít, bất chấp sự hiện diện đông đảo của cảnh sát. Đây là cuộc biểu tình cực hữu lớn nhất ở Mỹ kể từ khi Donald Trump trở thành tổng thống. Portland, được coi là một thành phố phần lớn theo xu hướng tự do, đã trở thành một chiến trường giữa hai bên. Ông Trump cho biết chính quyền của ông đang xem xét việc coi những người chống phát xít là “một tổ chức khủng bố”.

Nicolas Dujovne, Bộ trưởng Tài chính Argentina, đã từ chức. Nền kinh tế Argentina đã chịu áp lực kể từ khi Tổng thống Mauricio Macri thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử sơ bộ vào tuần trước. Đồng peso đã mất 1/5 giá trị so với đồng đô la Mỹ và các tổ chức xếp hạng tín dụng đã hạ mức xếp hạng của nước này. Các thị trường lo ngại rằng một chính phủ bảo hộ mới bây giờ có nhiều khả năng sẽ được hình thành.

Softbank, một công ty đầu tư của Nhật Bản, cho biết họ sẽ cho nhân viên của mình vay 20 tỷ đô la để đầu tư vào Quỹ Vision Fund mới của mình, theo báo cáo của Wall Street Journal. Masayoshi Son, ông chủ Softbank, có thể góp một nửa số tiền đó. Quỹ đầu tư mạo hiểm khổng lồ về công nghệ này đã được hậu thuẫn bởi các công ty như Apple và Goldman Sachs.

TIÊU ĐIỂM HÔM NAY

Xét xử cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak

Bất chấp những nỗ lực để trì hoãn các thủ tục tố tụng, phiên tòa thứ hai xét xử Najib Razak liên quan đến tham nhũng tại quỹ 1MDB, một quỹ đầu tư của nhà nước, dự kiến ​​sẽ bắt đầu vào hôm nay. Cựu thủ tướng Malaysia, người khẳng định sự vô tội của mình, đã mất quyền lực trong cuộc bầu cử năm ngoái. Cương lĩnh chống tham nhũng của đối thủ của ông đã thu hút sự ủng hộ của người dân Malaysia, những người cảm thấy kinh hoàng vì 4,5 tỷ đô la đã biến mất khỏi 1MDB, theo Bộ Tư pháp Mỹ. Chính phủ hiện tại của Malaysia hứa sẽ dọn dẹp mớ hỗn độn này.

Bên cạnh truy tố ông Najib, chính phủ Malaysia cũng tìm cách truy tố các tổ chức hợp tác với 1MDB, bao gồm cả Goldman Sachs. Ngân hàng này phủ nhận các hành vi sai trái, nhưng cựu chủ tịch phụ trách Đông Nam Á của ngân hàng, Tim Leissner, đã nhận tội tại Mỹ về các cáo buộc rửa tiền và hối lộ ở nước ngoài. Đầu tháng này, Malaysia đã đệ đơn tố cáo hình sự đối với 12 nhân viên cũ và năm nhân viên hiện tại của Goldman Sachs theo một đạo luật vốn buộc các nhân viên cấp cao chịu trách nhiệm về các hành vi phạm tội có thể đã được thực hiện trong phạm vi giám sát của họ. Các nhà chức trách dường như muốn đưa vụ việc tại ngân hàng này ra làm gương.

Kinh tế Thái Lan tăng trưởng chậm lại

Số liệu GDP hàng quý của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á sẽ được công bố hôm nay. Các nền kinh tế khác trong khu vực gần đây đã công bố các số liệu không được đẹp và Thái Lan, vốn phụ thuộc vào thương mại và du lịch, sẽ không phải ngoại lệ. Tốc độ tăng trưởng hàng năm trong Quý II có thể đã chậm lại xuống còn khoảng 2,5%, tốc độ thấp nhất trong bốn năm rưỡi qua. Nền kinh tế Thái Lan – vốn lớn hơn nhiều so với bốn nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào cộng lại – đang bị đè nặng bởi các thách thức thương mại, nợ của hộ gia đình và hạn hán.

Trong tháng này, một chính phủ liên minh mới giữa quân đội và phe bảo hoàng đã công bố gói kích thích trị giá 10 tỷ đô la. Chính phủ cũng đã hủy việc tăng lương tối thiểu được hứa hẹn trước đây và đang thúc đẩy việc miễn thị thực cho khách du lịch Trung Quốc và Ấn Độ. Đầu tháng này, ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất trong một động thái bất ngờ. Tất cả những điều này sẽ giúp giảm bớt sự suy thoái và giữ cho nền kinh tế tăng trưởng ở mức 2-3%. Nhưng với tốc độ này, việc đạt được vị thế quốc gia có thu nhập cao vào năm 2036, một tham vọng của chính phủ, sẽ mất vài thập niên nữa.

Quốc hội Anh muốn ngăn chặn một Brexit không thỏa thuận

Hầu hết các nghị sĩ muốn ngăn chặn một Brexit không thỏa thuận. Họ chỉ không thể đồng ý về cách làm như thế nào. Jeremy Corbyn, lãnh đạo Công Đảng cánh tả, đã đề nghị lãnh đạo một chính phủ tạm quyền. Chính phủ này sẽ trì hoãn việc rút Anh ra khỏi Liên minh châu Âu và tiến hành một cuộc tổng tuyển cử mới, với việc đảng của ông cam kết sẽ hỗ trợ một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai.

Jo Swinson, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do, đã loại trừ việc hợp tác với ông Corbyn vì Corbyn không thể giành được sự ủng hộ của các nghị sĩ Đảng Bảo thủ đang dao động. Họ không thích Brexit mà không có thỏa thuận, nhưng càng ghét cay ghét đắng ý tưởng ông Corbyn sẽ nắm tạm quyền, dù ngắn bao lâu đi nữa. Đối với những người cố gắng tránh một Brexit vô trật tự, sớm cho thấy những sai sót của một “chính phủ đoàn kết quốc gia” là một điều tốt. Các trợ lý tham mưu đang đề nghị các nghị sĩ nên ủng hộ một kế hoạch đơn giản hơn: buộc chính phủ phải hoãn Brexit thông qua một đạo luật thay vì hạ bệ chính phủ. Với việc Thủ tướng Boris Johnson cam kết sẽ đưa Anh ra khỏi EU vào ngày 31 tháng 10, thời gian hiện đang rất cấp bách.

Bức màn sắt ở Hungary

Hungary là nơi “viên gạch đầu tiên đã được gỡ khỏi Bức tường Berlin”, Helmut Kohl, thủ tướng đầu tiên của nước Đức thống nhất, đã nói như vậy vào năm 1990. Ba mươi năm trước đây, gần 700 “khách du lịch” Đông Đức, vốn tới thị trấn Sopron của Hungary để thực hiện một chuyến “dã ngoại toàn châu Âu”, đã đi qua biên giới tới Áo và từ đó đến Tây Đức, tận dụng sự tan băng của Chiến tranh Lạnh và sự do dự của những người lính biên phòng Hungary. Hàng chục ngàn người nữa sẽ theo chân họ trong vài tuần sau đó trước khi bức tường sụp đổ vào tháng 11.

Hôm nay Angela Merkel và Viktor Orban, các nhà lãnh đạo của Đức và Hungary, sẽ gặp nhau ở Sopron để kỷ niệm sự kiện đặc biệt đó. Sự kiện này sẽ đối diện với một sự mỉa mai: Bà Merkel là một cựu công dân Đông Đức nhưng hiện đang lãnh đạo một nước Đức thống nhất, dân chủ; còn ông Orban có xuất thân chính trị là một người đấu tranh cho tự do nhưng sau khi nắm quyền đã trở thành một nhà lãnh đạo bán chuyên chế.

Bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng

Công ước về Buôn bán Quốc tế các Loài có Nguy cơ Tuyệt chủng (CITES) liệt kê gần 6.000 loài động vật đang bị đe dọa do khai thác quá mức. Trong số này có cả voi. Năm 1989, loài voi phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng sau khi một nửa số lượng của chúng đã bị xóa sổ bởi nạn săn trộm chỉ trong một thập niên. CITES đã đưa loài động vật này vào Phụ lục I của nó, cấm hầu như tất cả các hoạt động mua bán quốc tế đối với các sản phẩm từ voi.

Tuần này, tại hội nghị tại Geneva, CITES sẽ xem xét liệu có nên nới lỏng các quy định ở những nơi mà số lượng voi đã phục hồi hay không. Các quốc gia muốn nới nhẹ quy định có lý do chính đáng. Nhiều nước đã đầu tư mạnh mẽ để hồi phục đàn voi và bây giờ cho rằng người nghèo phải có một phần động lực kinh tế trong việc tiếp tục việc bảo vệ đàn voi, ví dụ như bằng cách được phép bán ngà voi. Nhưng kinh nghiệm tại các quốc gia như Namibia và Nam Phi cho thấy ngay cả một thị trường hợp pháp nhỏ cũng khuyến khích hành vi săn trộm bằng cách cho phép những người buôn bán chợ đen biến ngà voi bất hợp pháp thành ngà voi hợp pháp.