16/09/1932: Gandhi tuyệt thực để phản đối phân biệt đẳng cấp

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Gandhi begins fast in protest of caste separation, History.com

Biên dịch: Lê Hồng Loan

Vào ngày này năm 1932, trong phòng giam của mình tại Nhà tù Yerwada gần Bombay, Mohandas Karamchand Gandhi bắt đầu tuyệt thực để phản đối quyết định của chính phủ Anh phân biệt hệ thống bầu cử Ấn Độ dựa theo đẳng cấp.

Là một nhà lãnh đạo trong chiến dịch của người Ấn Độ nhằm giành quyền tự trị, Gandhi đã dành cả cuộc đời để truyền bá phong trào phản kháng thụ động của riêng mình trên khắp Ấn Độ và thế giới. Đến năm 1920, khái niệm của ông về Satyagraha (hay “chấp trì chân lý”) đã khiến Gandhi trở thành một nhân vật có ảnh hưởng rất lớn đối với hàng triệu môn đồ. Bị chính quyền Anh bỏ tù từ năm 1922-24, ông rút khỏi hoạt động chính trị một thời gian trong những năm 1920, nhưng năm 1930 ông đã trở lại với một chiến dịch bất tuân dân sự mới.

Điều này đã khiến Gandhi phải vào tù một lần nữa trong một thời gian ngắn trước khi người Anh nhượng bộ trước yêu cầu của ông và mời ông đại diện cho Đảng Quốc đại Ấn Độ tại một hội nghị bàn tròn ở London.

Sau khi trở về Ấn Độ vào tháng 01 năm 1932, không để lãng phí thời gian, Gandhi đã bắt đầu một chiến dịch bất tuân dân sự khác, khiến ông lại bị bỏ tù một lần nữa. Tám tháng sau, Gandhi tuyên bố ông sẽ bắt đầu một cuộc “tuyệt thực đến chết” để phản đối việc nước Anh ủng hộ một bản hiến pháp mới của Ấn Độ, mang lại cho các tầng lớp thấp nhất của đất nước – được gọi là tầng lớp “tiện dân” – quyền có đại diện chính trị riêng của họ trong thời gian 70 năm. Gandhi tin rằng điều này sẽ chia rẽ một cách vĩnh viễn và không công bằng các tầng lớp xã hội Ấn Độ. Là một thành viên của đẳng cấp cao hơn gọi là Vaisya (Vệ xá), hay đẳng cấp thương nhân, Gandhi vẫn ủng hộ việc giải phóng những người thuộc đẳng cấp tiện dân, những người mà ông gọi là Harijans, hay “những đứa con của Thượng đế”.

“Đây là một cơ hội tuyệt vời,” Gandhi cho biết từ phòng giam của mình tại Yerovda, “để tôi hiến dâng cuộc đời mình như một sự hy sinh cuối cùng cho những người bị áp bức.” Mặc dù một số nhân vật công chúng khác ở Ấn Độ – bao gồm cả Tiến sĩ Bhimrao Ramji Ambdekar, đại diện chính trị chính thức của những người thuộc đẳng cấp tiện dân – nghi ngờ cam kết thực sự của Gandhi đối với các tầng lớp thấp hơn, sáu ngày tuyệt thực của Gandhi đã kết thúc sau khi chính phủ Anh chấp nhận các điều khoản chính của một thỏa thuận giữa những người Ấn Độ đẳng cấp cao hơn và những người thuộc tầng lớp tiện dân, qua đó giúp đảo ngược quyết định phân biệt đẳng cấp.

Khi Ấn Độ dần tiến tới độc lập, ảnh hưởng của Gandhi ngày càng tăng lên. Ông tiếp tục dùng biện pháp tuyệt thực như một phương pháp phản kháng vì ông biết rằng chính phủ Anh sẽ không thể chịu được áp lực từ sự quan tâm của công chúng đối với người đàn ông mà họ gọi là Mahatma, hay “Linh hồn Vĩ đại”. Vào ngày 12 tháng 01 năm 1948, Gandhi đã thực hiện thành công cuộc tuyệt thực cuối cùng của mình ở New Delhi để thuyết phục người Ấn độ giáo và người Hồi giáo ở thành phố đó hợp tác vì hòa bình. Vào ngày 30 tháng 01, chưa đầy hai tuần sau khi ngừng tuyệt thực, ông đã bị một kẻ cực đoan Ấn độ giáo ám sát trên đường đến một buổi cầu nguyện buổi tối.