Chủ nghĩa cộng sản sụp đổ năm 1989: Một chiến thắng không trọn vẹn

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Javier Solana, “The Partial Triumph of 1989”, Project Syndicate, 22/10/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Ngày 9 tháng 11 năm 1989 là một ngày mà thế hệ chúng tôi sẽ không bao giờ quên, một ngày sẽ mãi mãi được ghi vào lịch sử loài người. Vào ngày đó gần 30 năm trước, Bức tường Berlin sụp đổ. Sự tan rã của khối Xô-viết cho thấy chủ nghĩa cộng sản đã trở thành thất bại ý thức hệ lớn thứ hai của thế kỷ 20, sau sự sụp đổ của chủ nghĩa phát xít mấy thập niên trước đó. Chủ nghĩa tư bản tự do và lực lượng ủng hộ chính của nó, Hoa Kỳ, đã giành vị thế tối cao, dường như sẽ được hưởng một nền bá quyền lâu dài, không bị cản trở.

Nhiều quốc gia phát triển mạnh mẽ trong môi trường mới đó. Chẳng hạn, Ba Lan đã thiết lập một chính phủ phi cộng sản ngay trước khi Bức tường Berlin sụp đổ, và sau khi vượt qua một số vấn đề quá độ ban đầu, đã suôn sẻ trở thành thành viên của NATO và Liên minh châu Âu. Lần cuối cùng nền kinh tế Ba Lan trải qua một đợt suy  thoái là vào năm 1991. Và vào năm 2009, khi GDP của các quốc gia thành viên khác của EU đều giảm, GDP của Ba Lan đã tăng gần 3%.

Tuy nhiên, ngày nay chúng ta biết rằng năm 1989 đánh dấu không phải sự cáo chung của lịch sử, mà chỉ là sự kết thúc một chương trong lịch sử mà thôi. Nền dân chủ tự do phương Tây, thứ mà Francis Fukuyama dự đoán sẽ có vị trí tối cao vĩnh cửu sau năm 1989, giờ phải đối mặt với một thách thức ngày càng nghiêm trọng từ các lực lượng phi tự do.

Thời kỳ thống trị của nước Mỹ cũng hóa ra ngắn ngủi. Ngày 11 tháng 9 năm 2001, các cuộc tấn công khủng bố chống lại Hoa Kỳ cho thấy một cường quốc có thể dễ bị tổn thương như thế nào trước các chủ thể phi nhà nước mới nổi. Ngoài ra, việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới cùng năm đó đã tạo thêm động lực cho Trung Quốc trỗi dậy ngoạn mục. Bá quyền của Mỹ sụp đổ, và thế giới dần dần quen với trật tự đa cực.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã phá vỡ nhiều giả định trước đây. Trở lại tháng 11 năm 1989, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dường như cực kỳ dễ bị tổn thương. Mũi nhọn khác của chủ nghĩa cộng sản – Liên Xô – đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngày càng rõ rệt, trong khi Trung Quốc vẫn đang liếm láp vết thương của mình sau cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn.

ĐCSTQ đã phản ứng với hai sự kiện này bằng cách đóng tất cả các cánh cửa đối với tự do hóa chính trị. Cuối cùng, trái với nhiều dự đoán, sự sụp đổ của Liên Xô đã không dẫn đến sự sụp đổ của ĐCSTQ. Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc cũng không làm suy yếu mô hình chuyên chế của họ, ít nhất là cho đến nay. Ngược lại, ĐCSTQ đang củng cố sự cầm quyền của mình dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, và một số chính phủ thậm chí đã bắt đầu coi mô hình phát triển độc đoán của Trung Quốc như một nguồn cảm hứng.

Nhưng luận điệu của chính quyền Trung Quốc về mô hình thay thế có một số điểm không chính xác. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gần đây đã kỷ niệm 70 năm ngày thành lập, nghĩa là đã tồn tại lâu hơn Liên Xô. Nhưng nhà nước Trung Quốc cộng sản không phải 70 tuổi: bất chấp quan điểm chính thức, sự cất cánh kinh tế của Trung Quốc chủ yếu là nhờ các cải cách tự do hóa năm 1978 của Đặng Tiểu Bình, và các nhà lãnh đạo của đất nước không còn nuôi dưỡng các tham vọng cộng sản. Như nhà kinh tế học Branko Milanović lập luận trong cuốn sách mới Capitalism, Alone, mô hình Trung Quốc ngày nay đại diện cho một loại chủ nghĩa tư bản khác, chứ không phải là một hệ thống kinh tế hoàn toàn khác với chủ nghĩa tư bản. Theo nghĩa này, dự đoán của Fukuyama vẫn chưa được chứng minh là sai, vì chủ nghĩa tư bản vẫn không có đối thủ trên toàn thế giới.

Việc một Trung Quốc mang danh nghĩa cộng sản nằm trong số những người bảo vệ trung thành nhất của toàn cầu hóa là một trong những nghịch lý lớn của thời đại chúng ta. Trên thực tế, sự cởi mở của Trung Quốc đối với thế giới bên ngoài vẫn còn tương đối hạn chế. Nhưng chính phủ của nó dù sao cũng đảm nhận vai trò lãnh đạo trong một số diễn đàn kinh tế nhất định, chủ yếu là vì những quốc gia khác không muốn đóng vai trò đó. Hai cường quốc trước đây đã đóng góp nhiều nhất để thúc đẩy thương mại tự do – Hoa Kỳ và Vương quốc Anh – hiện đang rút lui hoàn toàn. Ngày nay, toàn cầu hóa phổ biến ở châu Á hơn là ở phương Tây.

Nhiều người ở Mỹ và châu Âu tin rằng những người được coi là những kẻ thua cuộc trong toàn cầu hóa đã giúp đưa những nhân vật phi tự do như Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền. Nhưng kinh tế chỉ giúp giải thích một phần cho xu hướng này.

Hãy xem xét lại trường hợp Ba Lan. Mặc dù là ví dụ tiêu biểu cho sự chuyển đổi thành công từ chủ nghĩa xã hội sang chủ nghĩa tư bản tự do, và dù đã vượt qua cuộc Đại suy thoái, đất nước này đã chấp nhận chủ nghĩa phi tự do dưới hình thức Đảng Luật pháp và Công lý (PiS), đảng gần đây đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội thứ hai liên tiếp. Mặc dù PiS đã tận dụng sự bất mãn về kinh tế của một bộ phận dân chúng, nhưng nó cũng đã khai thác mối lo lắng sâu rộng hơn về bản sắc dân tộc Ba Lan. Điều quan trọng là phải nhớ lại mức độ quyền tự trị của Ba Lan đã bị hạn chế như thế nào trong thế kỷ trước, một cách không tự nguyện (bởi sự chiếm đóng hoặc kiểm soát của các cường quốc bên ngoài) hoặc tự nguyện (bằng cách gia nhập Liên minh Châu Âu). Lịch sử này đã khiến nhiều người Ba Lan mất lòng tin vào lý tưởng quốc tế và toàn cầu.

Do đó, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa phi tự do không phải đang chống lại nhau mà đang cùng tiến lên và trở nên ngày càng vững chắc trên toàn cầu. Và sự tiến bộ của công nghệ thông tin có thể đồng thời củng cố cả hai xu hướng.

Kể từ khi phát minh ra mạng toàn cầu (cũng vào năm 1989), tác động của nó đã trở nên mơ hồ hơn so với mong đợi. Theo một nghĩa nào đó, Internet đã giúp kết nối mọi người, nhưng nó cũng đã chia xã hội thành những nhóm người chỉ muốn nghe người khác nói cùng một quan điểm. Hơn nữa, một số chính phủ đang khám phá tiềm năng của Internet – cùng các tài nguyên liên quan như dữ liệu lớn – làm công cụ kiểm soát xã hội. Một ví dụ rõ ràng là ĐCSTQ, vốn muốn tránh tất cả sự gián đoạn tiềm tàng nào có thể xảy ra đối với các kế hoạch đạt được “sự phát triển đầy đủ” vào năm 2049, năm đánh dấu cột mốc một trăm năm tồn tại của nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Trong cuốn sách 21 Lessons for the 21st Century (21 bài học cho thế kỷ 21), Yuval Noah Harari viết rằng, “Nếu ai đó mô tả cho bạn thế giới giữa thế kỷ 21 và nó nghe giống như chuyện khoa học viễn tưởng, thì có lẽ họ sai”. Nhưng ông cũng bổ sung rằng “nếu ai đó mô tả cho bạn thế giới giữa thế kỷ 21 và nó nghe không giống như khoa học viễn tưởng – thì họ chắc chắn sai”. Nói cách khác, điều chắc chắn duy nhất là sự thay đổi không lường trước được.

Bởi vì dự đoán của chúng ta hầu hết đều không chính xác, tốt nhất là nên tránh cả chủ nghĩa định mệnh lẫn sự lạc quan quá mức khi nhìn về tương lai. Ba mươi năm kể từ bây giờ, chúng ta có thể sống trong một thế giới nơi các thế lực phi tự do liên tục va chạm. Hoặc đó có thể là một thế giới nơi các giá trị như dân chủ và chủ nghĩa đa phương đã quay trở lại. Bài học từ năm 1989 là chúng ta nên khiêm tốn. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta nên thụ động: những gì chúng ta chọn làm hôm nay chắc chắn sẽ tác động tới thế giới ngày mai.

Javier Solana nguyên là cao ủy về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, tổng thư ký NATO và Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha.