Tác động đối ngoại của quá trình luận tội Trump

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Carl Bildt, “Impeachment and the Wider World”, Project Syndicate, 20/11/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Một lần nữa, Hoa Kỳ đang trải qua sự kịch tính của thủ tục luận tội chống lại tổng thống. Nhưng, không giống như trong quá khứ, những tác động của lần này đối với phần còn lại của thế giới có thể là đáng kể.

Hãy so sánh hai trường hợp luận tội tổng thống thời hiện đại so với cuộc điều tra luận tội đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến nỗ lực nhằm thuyết phục chính phủ Ukraine tuyên bố điều tra hình sự đối với một trong những đối thủ Dân chủ hàng đầu của ông, cựu Phó Tổng thống Joe Biden và con trai của ông Biden. Trường hợp đầu tiên là một cuộc khủng hoảng dần hình thành sau cuộc đột nhập lúc nửa đêm vào các văn phòng của Ủy ban Quốc gia Dân chủ năm 1972, và sau đó nhấn chìm hệ thống chính trị Hoa Kỳ trong hai năm, lên đến đỉnh điểm là sự từ chức của Tổng thống Richard Nixon vào tháng 8 năm 1974. Trường hợp thứ hai là cuộc điều tra của điều tra viên đặc biệt đối với Tổng thống Bill Clinton, người đã bị luận tội tại Hạ viện Hoa Kỳ năm 1998, nhưng được Thượng viện tha bổng vào tháng 2/1999.

Trong cả hai trường hợp, gốc rễ của cuộc khủng hoảng là ở trong nước. Nixon bị buộc tội lạm dụng quyền lực cho mục đích chính trị trong nước, và sau đó cản trở quá trình điều tra. Clinton bị buộc tội khai man và các trường hợp lạm dụng quyền lực khác liên quan đến hành vi cá nhân của ông. Trường hợp chống lại Trump lại rất khác: chính sách đối ngoại của Mỹ là trung tâm của cuộc điều tra này.

Quan hệ của Mỹ với Ukraine không phải là một vấn đề nhỏ. Chính sách của Mỹ đối với Ukraine được sinh ra từ các cam kết đối với an ninh châu Âu và quốc tế của nước này. Ít nhất là kể từ khi Nga sáp nhập Crimea và xâm nhập vào miền đông Ukraine năm 2014, việc giúp Ukraine bảo vệ độc lập và chủ quyền đã là mối quan tâm chính sách đối ngoại hàng đầu của cả Mỹ và Liên minh châu Âu.

Hơn nữa, không giống như hai cuộc khủng hoảng luận tội trước đây, cuộc khủng hoảng này có thể gây nhiễu cho bộ máy chính sách đối ngoại Hoa Kỳ. Trong vụ Watergate, Henry Kissinger, lúc đó là ngoại trưởng kiêm cố vấn an ninh quốc gia, đã giữ cho chính sách đối ngoại tiếp tục hoạt động bình thường, với hồ sơ Chiến tranh Việt Nam lẫn quan hệ Xô – Mỹ vẫn được duy trì ở vị trí cao trong chương trình nghị sự. Tương tự như vậy, trong suốt trường hợp luận tội Clinton, sự kiện xảy ra ngay trước Chiến tranh Kosovo, giới ngoại giao và hoạch định chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đã không chịu bất kỳ sự gián đoạn lớn nào.

Rõ ràng, khó nói được điều tương tự trong trường hợp cuộc điều tra luận tội Trump. Các thủ tục tố tụng đã tiết lộ những rạn nứt sâu sắc giữa một bên là bộ máy chính sách đối ngoại đang cố gắng duy trì chính sách mà Hoa Kỳ đã tuyên bố đối với Ukraine, và một bên là Nhà Trắng đang theo đuổi các mục tiêu cơ bản khác biệt. Liệu bộ máy đó có còn khả năng thực hiện công việc của mình trong các vấn đề hệ trọng này hay không bây giờ là một câu hỏi mở. Về phía Nhà Trắng, đáng chú ý là sự vắng mặt của “những người trưởng thành trong phòng”. Dưới thời Ngoại trưởng Mike Pompeo, người cũng liên quan đến vụ bê bối, một Bộ Ngoại giao vốn đã bị lu mờ ảnh hưởng đã trở thành một chiến trường chính trong cuộc chiến luận tội nói chung.

Hơn nữa, chính Trump có thể làm cho câu chuyện luận tội hiện tại trở nên tồi tệ hơn nhiều đối với phần còn lại của thế giới. Trong cuộc luận tội đối với Clinton, Nhà Trắng cam kết duy trì hoạt động như bình thường và tránh tham gia vào các tranh chấp đảng phái hàng ngày liên quan đến quá trình này. Nhưng Trump đã áp dụng cách tiếp cận hoàn toàn ngược lại, nhất là bằng cách tấn công (trên Twitter) đối với cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine trong khi bà đang ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện.

Rõ ràng, Trump dường như bị ám ảnh về mọi chi tiết của quá trình điều tra. Mỗi phút ông ta dành thời gian để tweet và xem tin trên Fox News sẽ một phút mà các quan chức khác của Phòng Bầu dục phải dành để tập trung theo dõi các vấn đề cấp bách khác của nhà nước. Về mặt này, cuộc khủng hoảng của Trump có nhiều điểm tương đồng với Watergate, sự kiện vốn là một sự phân tâm lớn đối với Nixon. Nhưng xét việc Trump ít bị ràng buộc bởi (hoặc thậm chí nhận thức được) các nguyên tắc hiến pháp mà ông bị cáo buộc vi phạm, thì những nỗ lực của ông nhằm ngăn chặn các thủ tục tố tụng thậm chí sẽ còn có thể trở nên táo bạo hơn nữa.

Liệu hành vi của Trump có đủ để khiến ông bị phế truất khỏi vị trí tổng thống hay không sẽ do Thượng viện Mỹ quyết định. Nhưng cho dù bất cứ điều gì xảy ra đi nữa, thì cuộc khủng hoảng chính trị của Mỹ đã đến vào thời điểm bất ổn toàn cầu gia tăng. Bên cạnh một nước Nga xét lại đang tìm kiếm cơ hội giành được những lợi thế gây bất lợi cho các nước khác bất cứ khi nào có thể, thì còn có một Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán và muốn dương oai diễu võ ở châu Á lẫn trên trường quốc tế.

Trong khi đó, Trung Đông đã bước vào một giai đoạn bất ổn sâu sắc khác, đến nỗi một tia lửa duy nhất cũng có thể dễ dàng gây ra một cuộc khủng hoảng khác. Chế độ sở hữu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đang suy tính các động thái mới và tiến hành thêm các vụ thử tên lửa đạn đạo. Căng thẳng thương mại vẫn ở mức cao, bất chấp thông báo gần đây về một thỏa thuận “giai đoạn một” giữa Mỹ và Trung Quốc. Và các cuộc biểu tình rầm rộ đang càn quét toàn cầu, từ Santiago và Quito đến Beirut và Hồng Kông.

Trong thế giới kết nối ngày nay, một cuộc khủng hoảng ở bất cứ đâu cũng có thể được đưa lên tổng thống Mỹ xem xét, và các phản ứng chính sách được (hoặc không được) đưa ra đều có thể có tác động toàn cầu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây đã thu hút sự chú ý bằng cách cảnh báo về tình trạng chết não sắp xảy ra đối với NATO. Nếu lời tiên tri nghiệt ngã đó về tình trạng quan hệ xuyên Đại Tây Dương là đúng vào đầu tháng này, thì bây giờ nó càng đúng hơn khi tiến trình luận tội đã đạt đến giai đoạn cao trào.

Trong các cuộc luận tội trước đây, Mỹ vẫn là một nhân tố chiến lược trên trường quốc tế. Nhưng nước Mỹ của Trump đã được chứng minh là một nguồn gốc gây gián đoạn toàn cầu. Liệu vụ bê bối mới nhất này có dẫn đến một vụ sụp đổ chiến lược hay chỉ đơn thuần là một sự gián đoạn chiến lược tạm thời vẫn còn chưa rõ. Nhưng thế giới đều không muốn chứng kiến cả hai kịch bản đó.

Carl Bildt là ngoại trưởng Thụy Điển từ năm 2006 đến tháng 10 năm 2014, và là Thủ tướng trong giai đoạn 1991-1994, khi ông đàm phán cho việc Thụy Điển gia nhập EU. Là nhà ngoại giao quốc tế nổi tiếng, ông từng đảm trách chức vụ Đặc sứ của EU ở Nam Tư cũ, Đại diện cấp cao về vấn đề Bosnia và Herzegovina, Đặc sứ của Liên Hiệp Quốc ở khu vực Balkan, và là Đồng Chủ tịch của Hội nghị Hòa bình Dayton.