Tại sao Trump có thể tái đắc cử?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Yascha Mounk, “Trump Could Win Again”, The Atlantic, 20/08/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Có nhiều lý do Tổng thống Donald Trump có thể thất cử vào năm 2020. Ông vô cùng không được ưa thích. Hầu hết người Mỹ ghê tởm sự cố chấp thiếu khoan dung của ông. Chính quyền của ông đã đầy các vụ bê bối đủ kiểu. Ông không thực hiện được nhiều lời hứa to tát của mình. Nước Mỹ có thể đang trượt vào suy thoái.

Đặt tất cả những thứ này lại với nhau, sẽ thật dễ dàng để tưởng tượng rằng Đảng Dân chủ đang cưỡi một cơn sóng lớn màu xanh vào Nhà Trắng trong năm tới. Nhưng tôi sợ rằng khả năng cao hơn là Trump có thể sẽ tuyên bố chiến thắng vào ngày 3 tháng 11 năm 2020.

Tỉ lệ ủng hộ Trump là chỉ số được sử dụng phổ biến nhất để đo lường khả năng tái đắc cử của ông. Nếu thoạt nhìn, nó sẽ giúp các đối thủ của vị tổng thống cảm thấy thoải mái. Chẳng hạn, theo chỉ số theo dõi của FiveThirtyEight, nhiều người Mỹ tin rằng ông thực hiện vai  trò tổng thống không tốt so với những người tin rằng ông làm tốt: Khoảng 54% không tán thành với thành tích của ông. Chỉ có 42 phần trăm tán thành nó.

Trump không chỉ không được lòng dân mà điều đó cũng khó có thể được đảo ngược trong tương lai gần. Rốt cuộc, mức độ ủng hộ dành cho ông đã liên tục ở mức thấp kể từ tháng thứ hai của nhiệm kỳ tổng thống, đồng thời đã dao động rất ít kể từ đó cho tới nay.

Nhưng tỉ lệ ủng hộ thấp kéo dài của Trump không phải là một rào cản lớn đối với việc tái đắc cử như nhiều người vẫn nghĩ. Ví dụ, đáng chú ý là tỉ lệ ủng hộ của Trump thời điểm này rất giống với tỉ lệ của hai tổng thống gần đây vốn đã tái đắc cử với khoảng cách rất lớn. Trong khi 42% tán thành thành tích của Trump, thì cũng chỉ có 43% ủng hộ thành tích của cả Barack Obama và Ronald Reagan ở cùng thời điểm trong các nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của họ.

Hơn nữa, hiện Trump thực sự dường như đang được người dân ủng hộ nhiều hơn so với ngày ông đánh bại Hillary Clinton. Chúng ta có thể hiểu được cách vị thế của Trump trước công chúng đã thay đổi như thế nào kể từ chiến dịch năm 2016 bằng cách xem xét mức độ ủng hộ cá nhân của ông. Trung bình 41% người Mỹ hiện nay nói rằng họ có ấn tượng tốt về ông, trong khi trung bình 55% cho biết họ có ấn tượng xấu, tức cán cân ủng hộ là âm 14%. Trong các cuộc thăm dò cuối cùng được thực hiện trước cuộc bầu cử năm 2016, trung bình 38% người Mỹ có thiện cảm với Trump, và trung bình 59% có quan điểm tiêu cực, tức cán cân ủng hộ âm 21%.

Vì bầu cử là một sự lựa chọn chứ không phải một cuộc trưng cầu dân ý, nên việc tập trung chủ yếu vào mức độ ủng hộ dành cho người đương nhiệm sẽ là sai lầm. Năm 2016, Trump đã được bầu mặc dù không được nhiều người ủng hộ vì lý do đơn giản là đối thủ của ông cũng rất không được lòng dân. Để Trump thua trong cuộc bầu cử năm 2020, các cử tri không chỉ cần ghét ông; mà họ còn cần ghét ai đó ít hơn. Liệu đó có phải là trường hợp sẽ xảy ra?

Cách rõ ràng để đánh giá vị thế của Trump so với các đối thủ cạnh tranh là hỏi người Mỹ dự định sẽ bỏ phiếu cho ai trong một cuộc đối đầu trực tiếp. Đến bây giờ, các cuộc thăm dò tổng tuyển cử như vậy cho thấy một bức tranh hỗn hợp. Joe Biden sẽ đánh bại Trump. Bernie Sanders cũng có xu hướng cao điểm hơn Trump, mặc dù với biên độ nhỏ hơn đáng kể. Nhưng tất cả các ứng cử viên lớn khác, bao gồm Elizabeth Warren, Kamala Harris, và Pete Buttigieg, đều có xu hướng ngang ngửa với Trump: Trong khi họ hơn điểm Trump trong nhiều cuộc thăm dò ý kiến, họ vẫn ở sau ông trong nhiều cuộc thăm dò khác.

Như Nate Silver đã chỉ ra, sẽ là một sai lầm nghiêm trọng khi cho rằng các cuộc thăm dò trực tiếp thực hiện ở giai đoạn đầu này là một chỉ dẫn đáng tin cậy cho kết quả tương lai. Rốt cuộc, các cuộc thăm dò được thực hiện vào cuối năm, trước cuộc bầu cử tổng thống, trung bình sai lệch khoảng 11 điểm so với kết quả kiểm phiếu cuối cùng.

Tuy nhiên, cũng sẽ thiếu sót nếu bỏ qua hoàn toàn các cuộc thăm dò trực tiếp. Tinh thần đảng phái đã tăng lên trong những thập niên qua, các cuộc thăm dò sớm đã trở nên chính xác hơn. Trong năm cuộc bầu cử kể từ đầu thiên niên kỷ tới nay, chúng chỉ sai lệch so với kết quả thực tế trung bình 6%; trong hai cuộc bầu cử vừa qua, mức độ sai lệch chỉ trung bình 2%. Mặc dù các cuộc thăm dò ý kiến này ​​không thể dự đoán chính xác tương lai, nhưng chúng mang lại một kiểm tra quan trọng cho phán đoán trực giác của chúng ta.

Những gì chúng ta biết cho đến nay đều có thể phù hợp với cả hai khả năng: Đảng Dân chủ sẽ giành được một chiến thắng vang dội hoặc Trump sẽ đảm bảo tái đắc cử với một khoảng cách an toàn. Ngay hiện tại, công luận, ở mức tốt nhất, cũng chỉ mới đem lại một lợi thế rất nhỏ trong cuộc tổng tuyển cử cho Đảng Dân chủ. Do đại cử tri đoàn, như năm 2016 cho thấy, có nhiều khả năng ủng hộ Trump nhiều hơn so với đối thủ của ông, đây là một sự thoải mái trong lạnh giá.

Rất nhiều thứ có thể thay đổi theo cả hai hướng. Nhưng có một lý do cuối cùng để chúng ta nghĩ rằng cơ hội tái đắc cử của Trump là tốt hơn so với vẻ bề ngoài.

Trump là một ứng viên đã được biết rõ. Sau ba năm Đảng Dân chủ – với lý do chính đáng – đã tấn công ông ta từ mọi góc độ có thể, thật khó để tưởng tượng rằng các cuộc tấn công đó có thể đột nhiên thay đổi thành công cách mà hầu hết người Mỹ nhìn nhận về ông. Liệu có cách tấn công mới nào có thể làm thay đổi quan điểm của những cử tri lâu nay trung thành với Trump?

Ngược lại, cho đến nay, Đảng Cộng hòa không có nhu cầu hoặc cơ hội tập trung các cuộc tấn công của mình vào bất kỳ ai trong số 16 ứng viên Đảng Dân chủ đang chạy đua để giành được đề cử của đảng mình. Một khi phía Cộng hòa ra tay, họ có khả năng làm giảm mức độ ủng hộ dành cho bất cứ ai nổi lên như là người chiến thắng bên phía Dân chủ.

Điều này sẽ đặc biệt đúng nếu ứng cử viên Dân chủ được chọn chỉ trở nên nổi tiếng ở cấp độ quốc gia trong vòng vài năm qua, như Kamala Harris hoặc Pete Buttigieg. Nhưng cỗ máy tấn công của phe Cộng hòa cũng có thể ảnh hưởng đến quan điểm ​​về các ứng cử viên đã được công chúng biết đến lâu hơn, chẳng hạn như Joe Biden hoặc Bernie Sanders. Hãy nhớ rằng khi bà Clinton từ bỏ chức Ngoại trưởng vào tháng 2 năm 2013, gần hai phần ba người Mỹ đã có quan điểm ủng hộ bà. Vào mùa thu năm 2016, khi bà là ứng cử viên Đảng Dân chủ cho chức tổng thống, chỉ còn hơn một phần ba người Mỹ giữ quan điểm tích cực như vậy.

Kể từ năm 1945, chín tổng thống đã tìm cách tái đắc cử nhiệm kỳ hai. Trong số này, sáu người đã thành công. Hai trong số ba người còn lại, George H. W. Bush và Gerald Ford, đã kế vị các tổng thống cùng đảng của chính mình, vì vậy họ về cơ bản đã tìm kiếm nhiệm kỳ tổng thống thứ ba hoặc thứ tư (cho đảng mình). Vị tổng thống duy nhất không thể tái tranh cử thành công sau khi giành được quyền lực từ đảng đối lập là Jimmy Carter – và ông ta lúc đó đang phải đối mặt với những thách thức lớn bất thường do sự kết hợp của một cuộc khủng hoảng kinh tế ở trong nước và sự sỉ nhục quốc gia ở nước ngoài.

Trump tất nhiên là một tổng thống khác thường. Và do đó, cũng có thể cuối cùng ông sẽ chứng minh cho sự khác thường của mình một cách không hề thi vị – bằng cách thất bại trong nỗ lực tái tranh cử.

Nhưng những gì hoàn toàn có thể không nhất thiết phải là một khả năng thực tế.

Yascha Mounk là Giáo sư tại Đại học Johns Hopkins, và là một nghiên cứu viên cao cấp tại German Marshall Fund. Ông là tác giả của cuốn sách The People vs. Democracy: Why Our Freedom Is in Danger and How to Save It.