‘Giải Nobel’ khoa học xã hội và nhân văn

Print Friendly, PDF & Email

Tác  giả: Nguyễn Hải Hoành

Giải Nobel khoa học – giải thưởng quốc tế danh giá nhất được trao hàng năm kể từ năm 1901, mới đầu chỉ dành cho các nhà khoa học tự nhiên (trừ toán học), nhà văn và những người có đóng góp lớn vì hoà bình thế giới. Năm 1969 Ngân hàng Thụy Điển bổ sung thêm Giải Nobel Kinh tế. Cho tới nay vẫn chưa có giải Nobel toán học, nhưng đã có một số giải quốc tế về toán. Năm 1936, Hội Toán học quốc tế lập giải Huy chương Fields, trao 4 năm một lần cho các nhà toán học không quá 40 tuổi. Huy chương Fields năm 2010 được trao cho nhà toán học Việt Nam Ngô Bảo Châu (sinh năm 1972). Năm 2003 Quỹ tưởng niệm Niels Henrik Abel của Na Uy lập giải thưởng quốc tế về toán học trao hàng năm gọi là Giải Abel trị giá 750.000 Euro.

Khoa học xã hội và nhân văn là một ngành tri thức quan trọng nhưng hơn 100 năm qua chưa hề có một giải thưởng quốc tế nào dành cho ngành này. Để bù đắp thiệt thòi đó, năm 2003 Thư viện Quốc hội Mỹ đã lập Giải thưởng Thành tựu trọn đời về Khoa học xã hội và nhân văn John W. Kluge (John W. Kluge Prize for Lifetime Achievement in the Humanities and Social Sciences) để trao cho các nhà khoa học hoạt động trên lĩnh vực triết học, sử học, tôn giáo học, ngôn ngữ học, nhân học, phê bình văn học…

Tên giải thưởng lấy theo tên của nhà tài trợ John W. Kluge, một người Mỹ kinh doanh ngành truyền hình; năm 2000 ông tặng 73 triệu USD cho Thư viện Quốc hội Mỹ làm quỹ lập giải thưởng này.

Cho tới nay, giải John W. Kluge được coi là giải thưởng quốc tế lớn nhất trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; giới báo chí thường gọi là giải Nobel khoa học xã hội và nhân văn.

Để tìm ra chủ nhân giải Kluge, hằng năm Thư viện Quốc hội Mỹ mời hơn 2.000 nhân vật tên tuổi trên toàn thế giới tham gia bình xét và chọn ra mỗi năm 9 ứng viên; từ danh sách đó, Giám đốc Thư viện Quốc hội Mỹ lựa lấy một hoặc vài người để trao một giải thưởng Kluge trị giá một triệu USD Mỹ.

Có lẽ do khó tìm được sự nhất trí trong việc đánh giá thành tựu khoa học xã hội – nhân văn nên suốt 16 năm qua chỉ có 7 năm (2003, 2004, 2006, 2008, 2012, 2015 và 2018) chọn được người để trao giải Kluge – tổng số có 11 người. Các năm còn lại không có ai được chọn.

Danh sách chủ nhân giải Kruge các năm qua

Giải Kluge năm 2003 (giải đầu tiên) được trao cho nhà triết học Ba Lan Leszek Kolakowski, sinh năm 1927, chuyên nghiên cứu về sự sụp đổ hệ tư tưởng của Liên Xô, nổi tiếng với tác phẩm “Các trào lưu chính của chủ nghĩa Mác” (Main Currents of Marxism), xuất bản năm 1976.

Giải Kluge năm 2004 được trao cho hai người: Jaroslav Pelikan giáo sư Đại học Yale, sinh năm 1923, chuyên nghiên cứu về Ki tô giáo và giáo lý Ki tô giáo; và Paul Ricoeur, triết gia Pháp, sinh năm 1913, nổi tiếng về các nghiên cứu hiện tượng học và chú giải học.

Giải Kluge năm 2006 được trao cho hai nhà sử học: Ying-shih Yu (余英時 Dư Anh Thời), người Mỹ gốc Hoa (Đài Loan), sinh năm 1930, giáo sư ba trường Đại học Harvard, Yale, Princeton, nổi tiếng với tác phẩm “Sĩ và văn hóa Trung Quốc”; và John Hope Franklin, người Mỹ gốc Phi, sinh năm 1915, giáo sư danh dự Đại học Duke, cựu Hội trưởng Hội Sử học Mỹ, chuyên nghiên cứu lịch sử nước Mỹ, cuốn sách “Từ nô lệ tới tự do” (From Slavery to Freedom, 1947) của ông công bố năm 1947, in hơn ba triệu bản, cho tới nay vẫn là tác phẩm kinh điển về lịch sử cộng đồng da đen cư trú trên đất Mỹ.

Giải Kluge năm 2008 được trao cho hai nhà sử học Romila Thapar (nữ) and Peter Brown. Bà Romila Thapar người Ấn Độ, sinh năm 1931, giáo sư đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, chuyên nghiên cứu về lịch sử Ấn Độ cổ đại. Ông Peter Brown người Ireland, sinh năm 1935, chuyên nghiên cứu về cổ sử La Mã và châu Âu thời trung cổ.

Chủ nhân giải Kruge năm 2012 là Fernando Henrique Cardoso, người Brazil, sinh năm 1931, một trong các học giả hàng đầu và là nhà thực hành môn kinh tế chính trị học trong lịch sử châu Mỹ Latinh hiện nay. Ông là người đầu tiên nhận giải Kluge trong số các học giả ở lĩnh vực xã hội học, chính trị học và kinh tế học. Cardoso từng nhiều năm làm bộ trưởng trong chính phủ Brazil và từng là Tổng thống thứ 34 của nước này, nhiệm kỳ 8 năm (1/1/1995-1/1/2003).

Giải Kruge năm 2015 tìm được hai chủ nhân đều là triết gia: Jürgen Habermas, sinh năm 1929, một trong các triết gia đương đại quan trọng nhất của nước Đức, nhân vật trung kiên của trường phái Frankfurt chủ nghĩa Mác phương Tây, được giới triết học gọi là “Hegel thời nay” và “triết gia lớn nhất của thời đại hậu cách mạng công nghiệp”; và Charles Margrave Taylor, sinh năm 1931, người Canada (Montreal, Quebec), giáo sư danh dự đã nghỉ hưu của McGill University, nổi tiếng về những đóng góp cho triết học chính trị, lịch sử triết học và lịch sử tri thức, từng được tặng giải thưởng Kyoto, giải Templeton, giải Berggruen về triết học.

Giải Kruge năm 2018 được trao cho bà Drew Gilpin Faust (Mỹ), sinh năm 1947, sử gia nổi tiếng, Hiệu trưởng thứ 28 ĐH Harvard.

Người châu Á đầu tiên được tặng giải Kluge, ông Dư Anh Thời được báo giới Trung Quốc đại lục ca ngợi là “nhà sử học Trung Quốc vĩ đại nhất đương thời”, tác giả của hơn 30 đầu sách bao quát lịch sử Trung Quốc hơn 2000 năm. Vài tác phẩm tiêu biểu của ông: “Xem xét ý nghĩa hiện đại của văn hóa Trung Quốc từ hệ thống giá trị”, “Sử học và truyền thống”, “Giải thích hiện đại về truyền thống tư tưởng Trung Quốc”, “Hồ Thích trong lịch sử tư tưởng cận đại Trung Quốc”… Ông là một trong số rất ít người có vinh dự được làm việc ở 3 trường đại học thuộc Ivy League. Năm 2001 ông nghỉ hưu tại Princeton. Dư Anh Thời từng đến Việt Nam dự hội thảo về Nho giáo năm 2008 với cương vị Giám đốc Viện Yenching (Yên Kinh). Năm 2014 ông được tặng giải thưởng Hán học đầu tiên (“Đường thưởng” [Tang Prize], của Đài Loan), được coi là “Giải Nobel phương Đông” trị giá 1,6 triệu USD.

Từ danh sách trên có thể thấy hầu hết chủ nhân giải Kluge khi nhận giải đều có tuổi đời rất cao, trẻ nhất 71 tuổi, già nhất 91 tuổi, bình quân hơn 80 tuổi. Điều đó chứng tỏ lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn quả là không dễ có sáng tạo, chủ yếu dựa vào tích luỹ kiến thức và cần cù lao động. Hơn nữa việc bình chọn thành tựu trong lĩnh vực này là rất khó. Chưa một nhà khoa học xã hội – nhân văn nào thuộc các nước XHCN xưa và nay được trao giải Kluge.