Thấy gì từ cú “tự đảo chính” của Putin?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Sergei Guriev, “Putin’s Meaningless Coup”, Project Syndicate, 18/01/2020.

Biên dịch: Phan Nguyên

Vladimir Putin có thể sẽ tiến hành các dàn xếp để duy trì vai trò lãnh đạo nước Nga sau nhiệm kỳ tổng thống của mình, điều không làm ai bất ngờ. Trong thông điệp liên bang hàng năm vào đầu tuần này, ông đã vạch ra một lộ trình để sửa đổi các thể chế chính trị Nga, trong đó hàm ý một đợt cải cách hiến pháp lớn. Toàn bộ nội các do Thủ tướng Dmitry Medvedev dẫn đầu đã ngay lập tức từ chức.

Các đề xuất của Putin vẫn mơ hồ và đôi khi tự mâu thuẫn. Nhưng chúng mang lại những thông tin có giá trị về kế hoạch của ông sau năm 2024, khi nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp của ông – và về mặt pháp lý là nhiệm kỳ cuối cùng – kết thúc. Trước tiên, Putin sẽ chuyển quyền lực từ vị trí tổng thống sang Duma Quốc gia (tức Quốc hội) và chuyển các quyền lực đáng kể, chưa được xác định cụ thể sang cho Hội đồng Nhà nước do Putin lãnh đạo (cơ quan này không được đề cập trong Hiến pháp) và Hội đồng An ninh (được đề cập nhưng không được mô tả trong Hiến pháp).

Những thay đổi được đề xuất khác bao gồm việc giảm cơ chế kiểm soát và cân bằng của hiến pháp, xóa bỏ độc lập tư pháp, xóa quyền tự chủ của các chính quyền thành phố và ưu tiên pháp luật Nga hơn so với các nghĩa vụ quốc tế. Hiến pháp Nga quy định rất rõ ràng rằng chỉ có một Hội nghị lập hiến mới có thể thay đổi các nguyên tắc nền tảng này của hệ thống chính trị Nga. Putin nói rằng ông sẽ không triệu tập một hội nghị như vậy. Theo nghĩa này, bài phát biểu của ông đã vạch ra một kế hoạch công khai và minh bạch cho một cuộc đảo chính, hay chính xác hơn, theo cách nói của các nhà khoa học chính trị, là một cuộc tự đảo chính (self-coup hay autogolpe) – biện pháp từng là một công cụ yêu thích của các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh.

Trên thực tế, cuộc đảo chính này sẽ không gây tác động đáng kể: sự sửa đổi triệt để các thể chế chính trị không dẫn tới sự thay đổi nào trong chế độ chính trị Nga. Theo định nghĩa, chế độ chính trị là một tập hợp các quy tắc, chính thức hoặc không chính thức, quyết định sự lựa chọn các nhà lãnh đạo và chính sách. Trước đảo chính, Putin phụ trách cả hai. Sau cuộc đảo chính, thực tế này không thay đổi, và ông dự định sẽ giữ nguyên như vậy. Như Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia, đã nói vào năm 2014 (khi ông còn là phó chánh văn phòng của Putin): “Có Putin; có nước Nga. Không có Putin – không có nước Nga”.

Tất nhiên, đất nước sẽ tồn tại lâu hơn bất cứ người nào. Ý của Volodin đang nói đến chế độ chính trị Nga, thứ mà Putin đã tạo ra dựa trên viễn kiến của chính mình. Chế độ đó cuối cùng có thể được định hình lại, nhưng có lẽ phải đến sau khi Putin bước ra khỏi quyền lực.

Liệu Putin có bị ép phải từ bỏ quyền lực hay không là một câu hỏi nghiêm túc trong một thời gian dài. Một số người có thể đã nghĩ (hoặc hy vọng) rằng ông sẽ chọn cách nghỉ hưu vào năm 2024. Nếu như vậy, ông sẽ chuẩn bị cho việc đó bằng cách đưa ra các biện pháp kiểm soát và cân bằng nhằm bảo vệ sự an toàn và tài sản của mình sau khi rời nhiệm sở.

Bằng cách công bố kế hoạch phá bỏ các biện pháp kiểm soát và cân bằng, Putin cho thấy ông dự định sẽ tiếp tục nắm quyền, mặc dù vẫn chưa chắc chắn ông sẽ cấu trúc lại hệ thống như thế nào. Giới tinh hoa Nga đã thảo luận rất nhiều về các lựa chọn của Putin, từ khi ông bắt đầu nhiệm kỳ hiện tại vào năm 2018. Ví dụ, ông có thể tạo ra một liên bang mới với Belarus, cho phép ông quay lại giới hạn nhiệm kỳ từ vạch xuất phát.

Putin đã chọn làm theo tấm gương của Tổng thống Kazakhstan Nurultult Nazarbayev, người đã từ chức tổng thống nhưng vẫn giữ nhiều quyền hành của một vị tổng thống. Không lâu trước khi từ chức, Nazarbayev đã củng cố quyền lực của Hội đồng An ninh Kazakhstan và sau đó trở thành chủ tịch cơ quan này. Ông cũng chính thức được bổ nhiệm làm “Lãnh đạo Quốc gia” có quyền phủ quyết đối với tất cả các quyết định bổ nhiệm quan trọng.

Putin dường như cũng đang đặt nền móng cho việc chọn một người kế vị trung thành. Trong số các đề xuất của ông có đề xuất về yêu cầu cư trú nghiêm ngặt hơn đối với các ứng cử viên tổng thống: hiện tại, họ phải sống ở Nga ít nhất mười năm; Putin muốn tăng ngưỡng này lên 25  năm. Hơn nữa, ông muốn loại trừ bất cứ ai đã từng có quốc tịch hoặc giấy phép cư trú của nước ngoài. Dù người Putin đang cố gắng loại bỏ bằng quy tắc này là ai – có lẽ là lãnh đạo phe đối lập Mikhail Khodorkovsky, người đã rời khỏi Nga vào năm 2013 – thì người đó cũng đang gây ra mối đe dọa quá lớn cho người kế vị mà ông muốn.

Đề xuất hạ thấp hiệu lực của luật pháp quốc tế và quyết định của các cơ quan quốc tế ở Nga dường như cũng nhằm mục đích tương tự. Tòa án Nhân quyền Châu Âu thường xuyên lật ngược các bản án hình sự mà các cơ quan tư pháp do Putin kiểm soát đưa ra đối với một nhân vật đối lập nổi tiếng khác, Alexei Navalny.

Để ngăn chặn sự kháng cự của người dân đối với trò chơi quyền lực này, Putin cũng tuyên bố sẽ tăng chi tiêu xã hội hàng năm khoảng 0,5% GDP. Và ông đã thay thế một Medvedev rất không được lòng dân bởi một nhà kỹ trị ít tên tuổi nhưng có năng lực cao, Mikhail Mishustin, người trước đây phụ trách cơ quan thuế.

Giống như các thủ tướng “phi chính trị” khác của Putin – Mikhail Fradkov (2004-07) và Viktor Zubkov (2007-08) – Mishustin thiếu sức lôi cuốn cần thiết để thách thức Putin. Và trong khi Mishustin được đánh giá cao vì đã giúp hợp lý hóa và số hóa hệ thống thuế, thì sự nổi tiếng của ông cũng bị giảm bớt phần nào bởi thực tế là thuế đã tăng lên đáng kể dưới thời kỳ lãnh đạo của ông.

Putin dường như đã nghĩ đến mọi thứ. Nhưng thực tế rằng ông thấy cần phải dùng đến những biện pháp kỹ lưỡng như vậy để bảo vệ bản thân và người kế vị tương lai cho thấy vị trí của ông khó khăn đến nhường nào. Sự ủng hộ của người dân dành cho ông hiện ở mức “thấp” (64%) vào tháng 12/2019. Còn người kế vị trung thành càng khó có thể mon men đến được gần con số đó.

Vì vậy, thông điệp trong bài phát biểu gần đây của Putin không phải là chế độ của ông sẽ được chuyển hóa. Nó sẽ không thay đổi, một điều mà thị trường tài chính dường như thừa nhận khi hầu như không phản ứng gì trước tin tức này. Thay vào đó, thông điệp ở đây là Putin biết chế độ của ông đang ở lề trái của lịch sử – và ông quyết tâm giữ nó ở đó cho đến cùng.

Sergei Guriev, cựu kinh tế trưởng của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu và cựu hiệu trưởng Trường Kinh tế Mới ở Moskva, là Giáo sư Kinh tế tại Đại học Science Po, Paris.