Thế giới hôm nay: 23/03/2020

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Chủng mới của coronavirus tiếp tục càn quét toàn thế giới, đưa số ca nhiễm đã xác nhận vượt qua 310.000 và hơn 13.000 người tử vong. Thủ tướng Úc tuyên bố hạn chế các quán rượu và nhà hàng. Thủ đô Ấn Độ, Delhi, đã bị phong tỏa. Bologna – vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Ý – cấm mọi hoạt động ngoài trời. Và tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã phê chuẩn một tuyên bố tình trạng thảm họa đối với tiểu bang New York, cho thấy ông có thể làm điều tương tự với các tiểu bang khác, tạo cơ sở cho việc chi trả tài trợ liên bang.

Các nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ ở Thượng viện Mỹ tiếp tục tranh cãi về một dự luật kích cầu nhằm làm dịu tác động của đại dịch coronavirus lên nền kinh tế lớn nhất thế giới. Gói này có thể vượt quá 1,8 nghìn tỷ đô la và sẽ là gói giải cứu tài chính lớn nhất từ trước tới nay. Một điểm quan trọng là liệu, và bằng cách nào, các công ty được giải cứu bằng nguồn tài trợ của liên bang có thể bảo vệ người lao động của mình.

Nhà lãnh đạo tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei, từ chối lời đề nghị giúp chống covid-19 của Mỹ, gọi lời đề nghị hỗ trợ nhân đạo này là “lạ lùng”. Iran có số ca bệnh cao nhất ở Trung Đông. Chính quyền Iran đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến nỗ lực chặn dịch của họ gặp khó khăn.

Ủy ban tổ chức Olympic Tokyo đã bắt xem xét khả năng hoãn sự kiện mùa hè này, theo lời các quan chức nói với Reuters. Quyết định hoãn sẽ đi ngược lại mong muốn của chính phủ Nhật Bản, bên khăng khăng rằng sự kiện phải diễn ra. Thế vận hội đã trở thành một dự án được ưu tiên hàng đầu của thủ tướng Abe Shinzo.

Primark, một nhà bán lẻ thời trang nhanh, có kế hoạch đóng cửa tất cả 189 cửa hàng tại Anh, chỉ vài ngày sau khi đóng cửa các cửa hàng ở châu Âu và Mỹ. Họ cũng hủy đơn đặt hàng tương lai từ các nhà cung cấp. Việc đóng cửa của Primark theo sau động thái tương tự của John Lewis và Topshop, cho thấy tình hình khó khăn mà các nhà bán lẻ phải đối mặt khi người tiêu dùng ở nhà để tránh lây lan coronavirus.

Cơ quan quản lý tài chính của Vương quốc Anh yêu cầu các công ty có cổ phiếu niêm yết ở London trì hoãn công bố kết quả sơ bộ ít nhất hai tuần. Báo cáo tài chính thường sẽ được công bố trước các báo cáo thường niên. Cơ quan quản lý cho biết họ muốn các công ty có đủ thời gian để đánh giá thiệt hại do covid-19 gây ra và đảm bảo rằng các nhà đầu tư được cung cấp thông tin chính xác.

Một trận động đất mạnh 5,3 độ richter đã làm rung chuyển Zagreb, thủ đô Croatia, phá vỡ các tòa nhà và đổ đầy mảnh vỡ lên các con đường của thành phố. Thủ tướng Andrej Plenkovic gọi đó là trận động đất lớn nhất Zagreb sau 140 năm. Nó khiến một đứa trẻ 15 tuổi bị thương trong tình trạng nguy kịch và làm bị thương một số người khác, gây áp lực lên các bệnh viện trong một thành phố vốn đang phải phong tỏa một phần vì covid-19.

TIÊU ĐIỂM

Tòa tối cao Mỹ hoãn xử án

Lần đầu tiên kể từ 1918, một cuộc khủng hoảng y tế công làm gián đoạn các phiên xét xử tại Tòa án Tối cao Mỹ. Trong số 11 phiên tranh luận trực tiếp dự kiến sẽ diễn ra từ hôm nay đến 1 tháng 4, có hai vụ liên quan đến việc liệu một công tố viên New York và các ủy ban của Quốc hội có thể ra trát yêu cầu nộp hồ sơ tài chính của Tổng thống Donald Trump hay không. Chưa rõ khi nào phiên xét xử sẽ tiếp tục trong khi đại dịch đang trở nên tồi tệ hơn, do đó việc tòa dự kiến tuyên án vào cuối tháng 4 cũng đang bị nghi ngờ.

Nhiều vụ có thể được giải quyết mà không cần tranh luận hoặc khi tòa án mở cửa trở lại vào tháng Mười. Các vụ quan trọng hơn bao gồm trường hợp hồ sơ tài chính của ông Trump và một cuộc tranh cãi về việc liệu các bang có thể trừng phạt “các đại cử tri bất trung”, những người không bỏ phiếu theo cách họ đã cam kết tại cử tri đoàn hay không. Các thẩm phán có thể nghe điều trần về các trường hợp như vậy trong một phòng xử án trống. Hoặc họ có thể tìm thấy một giải pháp công nghệ giúp bảo vệ họ trong khi vẫn thông tin cho người Mỹ về các vấn đề được công chúng quan tâm.

Người Anh vẫn ra đường bất chấp covid-19

Vào ngày 20 tháng 3, thủ tướng Anh Boris Johnson đã yêu cầu tất cả các quán rượu và nhà hàng nước này phải đóng cửa để giúp ngăn chặn covid-19. Tuy nhiên, dữ liệu được công bố vào cuối tuần cho thấy người Anh vẫn còn giao du nhiều hơn người dân ở hầu hết các nước phương Tây khác. Citymapper, một ứng dụng giúp lập hành trình với 20 triệu người dùng, tạo một “chỉ số di chuyển” ước tính số lượng người di chuyển ở 40 thành phố, rồi so sánh với một ngày bình thường.

Tây Âu và Bắc Mỹ chứng kiến sự sụt giảm di chuyển mạnh nhất, khi virus cướp đi hàng trăm mạng sống ở một số nước. Nhưng trong số các nước nơi số người chết đã lên tới ba con số, Anh là một ngoại lệ. Số liệu di chuyển vào ngày 20 tháng 3 ở London, Manchester và Birmingham dao động ở mức khoảng 25% so với bình thường. New York ở mức 10%, còn Rome, Paris và Madrid đều ở mức 5% hoặc thấp hơn. Chính phủ Anh phải tiến hành nhiều biện pháp mạnh tay hơn – và người dân của họ làm theo yêu cầu – nếu không nước này có thể gặp rắc rối lớn.

Mức độ di chuyển của người dân một số thành phố so với ngày thường trước khi có dịch.

Vụ bê bối rửa tiền của Sweedbank

Đối với ngân hàng lâu đời nhất Thụy Điển, thừa nhận những thiếu sót nghiêm trọng trong các biện pháp chống rửa tiền tại các chi nhánh ở khu vực Baltic của họ là rất đau đớn. Vào ngày 19 tháng 3, Swedbank đã bị cơ quan giám sát tài chính Thụy Điển phạt 4 tỷ krona (398 triệu đô la) vì kiểm soát rửa tiền yếu kém và cố tình che giấu tài liệu khỏi các cơ quan quản lý, bên đã điều tra các báo cáo cho thấy 135 tỷ euro (145 tỷ đô la) tiền có rủi ro cao đã lưu thông qua chi nhánh Estonia của Sweedbank.

Today Clifford Chance, một hãng luật, sẽ trình bày những phát hiện của cuộc điều tra nội bộ ở Swedbank, bao gồm các giao dịch từ năm 2007 đến 2019. Ngân hàng đã đưa ra 152 sáng kiến ​​để tránh lặp lại vụ bê bối. Tuy vậy, các khoản phạt lớn vẫn đang chờ họ phía trước. Báo cáo nội bộ dự kiến ​​sẽ làm sáng tỏ hàng trăm giao dịch có khả năng vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Niềm an ủi duy nhất của Swedbank là họ không đơn độc – các ngân hàng châu Âu khác bị vướng vào các vụ bê bối rửa tiền gần đây bao gồm Danske Bank và ING. Các nhà chức trách châu Âu phải đối mặt với một hành động cân bằng: tăng cường thực thi chống rửa tiền, bao gồm án phạt, tại một thời điểm mà bảng cân đối của các ngân hàng đang rất căng thẳng do covid-19.

Người Nam Phi căng mình chống dịch

Người Nam Phi đang dần điều chỉnh theo nhịp sống mới do covid-19 mang lại. Kể từ khi ca nhiễm đầu tiên ở nước này được công bố vào ngày 5 tháng 3, Tổng thống Cyril Ramaphosa đã tuyên bố lệnh cấm du khách từ Trung Quốc và hầu hết châu Âu. Các sự kiện có hơn 100 người bị cấm. Nhưng ngày càng có nhiều người cho rằng đã quá muộn. Tính đến ngày 22 tháng 3, Nam Phi ghi nhận 274 ca nhiễm, con số chính thức cao nhất ở châu Phi cận Sahara, tăng từ mức 116 bốn ngày trước đó.

Điều này thật đáng lo ngại ở một quốc gia có số người nhiễm HIV / AIDS cao nhất thế giới và nền kinh tế bấp bênh. Tỷ lệ thất nghiệp là gần 30% và nước này đang trong đợt suy thoái thứ hai trong vòng hai năm. Các gia đình không thể để mất người trụ cột của mình và nhà nước không thể giúp đỡ nhiều. Đáng buồn thay, người Nam Phi đã quen với khủng hoảng và khó khăn. Họ lại phải cần đến sự kiên cường còn lại đó.

Ngành du thuyền gần như sụp đổ vì coronavirus

Vào đầu tháng 1, các hãng du thuyền từng mong đợi một “cơn sóng” kỷ lục – quý ăn nên làm nhất khi họ bán được phần lớn số tour của mình. Doanh thu du thuyền của Carnival, nhà khai thác lớn nhất thế giới, đã tăng 10% trong năm ngoái lên 20,4 tỷ đô la. Các giám đốc điều hành của họ đã mong đợi một năm 2020 thậm chí còn tốt hơn. Và đó là trước khi covid-19 lây lan.

Giờ đây ngành công nghiệp có doanh thu toàn cầu gần 50 tỷ đô la một năm đang gần như đóng cửa hoàn toàn. Vé đi du thuyền, được quảng bá là một cách an toàn và dễ dàng để ngắm nhìn thế giới, bị coi là những cái bẫy lây nhiễm. Cuộc khủng hoảng đã khiến một số tàu của Carnival bỗng trở nên “khét tiếng”. Diamond Princess cuối cùng đã ghi nhận 700 ca nhiễm và Grand Princess, tàu hoàn tất cách ly vào hôm nay, ghi nhận hàng chục ca. Ba hãng du thuyền lớn nhất thế giới, chiếm gần 80% công suất toàn cầu, đã đình chỉ tất cả các chuyến đi trong nhiều tháng. Với danh tiếng của các nhà khai thác bị hoen ố và cổ phiếu của họ giảm 80-90%, các nhà đầu tư tự hỏi liệu ngành công nghiệp này có thể phục hồi được hoàn toàn nữa hay không.