Tác giả: Đinh Lê Hồng Giang
Đại dịch coronavirus về cơ bản sẽ không làm thay đổi cấu trúc trục chiến lược Moskva và Bắc Kinh song sẽ tạo ra những tổn thương cho mối quan hệ vốn không hề đơn giản này. Nước Nga sẽ càng trở nên phụ thuộc hơn vào Trung Quốc trong bối cảnh bất ổn giá dầu và suy thoái kinh tế toàn cầu sau đại dịch.
Ngay khi dịch bệnh mới chỉ bắt đầu phát triển tại Trung Quốc, Moskva đã có phản ứng hết sức quyết liệt, gây khó hiểu cho phía Bắc Kinh. Vào thời điểm ấy, mặc dù chưa có ca nhiễm nào trong nước, chính phủ Nga đã ngay lập tức hạn chế rồi đình chỉ các chuyến bay, phong toả đường biên giới, ngắt kết nối các tuyến vận chuyển đường sắt. Sau đó Nga ra chỉ thị cấm nhập cảnh tạm thời công dân Trung Quốc, chú trọng kiểm tra thân nhiệt người gốc Á ở toàn bộ hệ thống giao thông công cộng. Nga cũng đã trục xuất cả trăm Hoa kiều do vi phạm luật cách ly.
Việc giám sát đặc biệt các công dân Trung Quốc bằng các thiết bị nhận diện khuôn mặt bị Đại sứ quán Trung Quốc lên án là phân biệt đối xử, và những hành động khắc nghiệt như vậy không tồn tại ở bất kỳ quốc gia nào, thậm chí là ở Mỹ hay các nước châu Âu. Việc đại dịch có nguồn gốc xuất phát từ Trung Quốc cũng khiến người Nga trở nên thiếu thiện cảm hơn đối với nước này. Theo điều tra xã hội của Trung tâm Levada, từ tháng 11 năm 2019 đến cuối tháng 1 năm 2020, số lượng đánh giá tiêu cực tăng từ 18% lên 24%, đồng thời số lượng người có thiện cảm với Trung Quốc giảm từ 72% xuống chỉ còn 65% trong cùng thời gian điều tra.
Tình trạng này là trái ngược với tinh thần hữu nghị được tô vẽ trên các phương tiện đại chúng thời đại Putin-Tập Cận Bình. Được biết, Nga và Trung Quốc đang ngày càng liên kết chặt chẽ với nhau trong các vấn đề khu vực và quốc tế nhằm cạnh tranh chiến lược với Mỹ và phương Tây. Hai bên đã tìm cách làm dịu đi những mâu thuẫn và tạo điều kiện cho các cơ hội hợp tác như một liên minh không chính thức. Do vậy, những phản ứng quyết liệt của Moskva đối với Bắc Kinh trong thời gian đầu của đại dịch khiến cho người ta không ít bất ngờ.
Nhờ những biện pháp cứng rắn, đến cuối tháng 3, số lượng ca nhiễm COVID-19 tại Nga ít hơn rất nhiều so với các nước châu Âu khác. Dù vậy, đầu tháng 4, tình hình đã trở nên nghiêm trọng, hiện đã có tới hơn 10.000 ca nhiễm bệnh và 100 ca tử vong. Các con số vẫn tiếp tục tăng nhanh. Xã hội Nga bắt đầu trở nên hoang mang. Việc thiếu những điều kiện y tế cần thiết để chống dịch cũng tăng lên nỗi sợ hãi về những hậu quả kinh tế mà đại dịch gây ra.
Sự bùng phát của đại dịch đã khiến cho kim ngạch xuất nhập khẩu quý I của Nga với Trung Quốc giảm tới 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Nga gồm khoáng sản, gỗ và nguyên liệu thô đều bị ảnh hưởng nặng bởi suy thoái thương mại. Lệnh cấm nhập cảnh tạm thời công dân Trung Quốc vào Nga cũng đã khiến ngành công nghiệp du lịch nước này mất đi 3 tỷ rubble chỉ trong hai tháng đầu năm và sẽ lên tới hơn 31 tỷ nếu tiếp tục cấm nhập cảnh đến hè.
Sự ngưng trệ của kinh tế Trung Quốc là một rủi ro nghiêm trọng đối với Nga. Nhiều khu vực của nước này đã diễn ra tình trạng thiếu hụt và giá cả thực phẩm tăng vọt do sự gián đoạn nguồn cung. Các công ty vừa và nhỏ ở Viễn Đông có thể phá sản do phụ thuộc nặng vào kinh doanh với Trung Quốc, theo ước tính sẽ có khoảng 1,1 triệu người Nga đăng ký phá sản trong những tháng tới.
Thêm vào đó, “chiến tranh giá dầu” với Saudi Arabia đã khiến cho thị trường Nga liên tiếp rơi vào “Ngày thứ Hai đen tối” (9/3) và “Ngày thứ Năm đen tối” (12/3), chứng kiến sự sụt giảm kỷ lục của giá dầu và đồng rubble tiếp tục mất 1/3 giá trị. Nước Nga vốn chỉ mới dần ổn định sau những căng thẳng do khủng hoảng Ukraine nay lại gánh chịu hàng loạt những cú sốc kinh tế mới gây ra bởi đại dịch và chiến tranh giá dầu. Mức sống và các điều kiện xã hội của người dân Nga tiếp tục xấu đi.
Bắc Kinh hiện đã loan tin chiến thắng trước đại dịch coronavirus và đang khởi động lại nền kinh tế. Trung Quốc vốn là nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, dĩ nhiên sẽ không bỏ qua những thuận lợi có được từ giá dầu giảm. Đầu tháng tư, các công ty Trung Quốc đã ký thoả thuận mua về từ Nga hơn 1,6 triệu tấn dầu. Doping từ “vàng đen” sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc giảm chi phí sản xuất và giá thành, từ đó nhanh chóng phục hồi, thoát khỏi suy thoái.
Lúc này, dịch bệnh ở Nga đang lan rộng. Trước mắt, dù phải bán rẻ cho Trung Quốc song việc bán được dầu có thể giúp Nga duy trì nguồn thu ngân sách vốn đã rất phụ thuộc vào các sản phẩm dầu mỏ. Nhưng nếu tình hình dịch bệnh kéo dài và gặp phải nguy cơ “vỡ trận” như ở Italy, chính phủ Nga sẽ phải rất khó khăn để có thể vừa cứu nền kinh tế, vừa ngăn chặn sụp đổ hệ thống y tế và giảm thiểu những bất mãn xã hội đang tăng lên.
Nếu tình hình khả quan hơn, số nạn nhân của đại dịch không nhiều, thì Nga có thể sớm nối lại các hình thức hợp tác với Trung Quốc. Tuy nhiên, các yếu tố tiêu cực là không thể tránh khỏi do giá dầu thấp cùng với việc Mỹ và Liên minh Châu Âu không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt dù Điện Kremlin có thiện ý hỗ trợ các nước này chống dịch. Nga sẽ trở nên phụ thuộc hơn nữa vào Trung Quốc, nước hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Kim ngạch hai chiều vào năm ngoái đạt tới 110 tỷ đô la, mức cao kỷ lục từ sau Chiến tranh Lạnh.
Nhưng việc trở thành “đối tác đàn em” (junior partner) của Trung Quốc là điều khó chấp nhận đối với Nga. Ngay cả khi ủng hộ Sáng kiến Vành đai và Con đường, Moskva vẫn chỉ xem việc kết hợp sáng kiến này với Liên minh Kinh tế Á-Âu là một phần của chiến lược Đại Á-Âu của mình. Trên thực tế, nước Nga đã không thể làm gì hơn việc cung cấp nguyên liệu thô và tài nguyên thiên nhiên cho Trung Quốc; trong khi với một nền kinh tế năng động, Trung Quốc sẽ luôn có những sáng kiến cho Nga.
Dù là đối tác chiến lược quan trọng nhất nhưng ít có khả năng Trung Quốc sẽ ưu tiên cứu trợ kinh tế Nga sau đại dịch bởi lẽ châu Âu mới là thị trường tiêu thụ chính mà họ nhắm đến. Các biến động trong kim ngạch thương mại với Nga không tạo ra nhiều bất lợi cho Trung Quốc. Nhưng về mặt địa chính trị, COVID-19 đã làm xấu thêm quan hệ giữa hai nước này với Mỹ. Lầu Năm Góc vẫn không có ý định làm dịu đi những chính sách đối đầu với cả Nga lẫn Trung Quốc, yếu tố này buộc hai nước phải tiếp tục đồng hành dù thiếu niềm tin chiến lược với nhau.