Thế giới hôm nay: 13/04/2020

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

OPEC và các đồng minh phê duyệt thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu toàn cầu gần 10 triệu thùng mỗi ngày (tức khoảng một phần mười tất cả nguồn cung toàn cầu). Giá dầu đã giảm từ hơn 60 đô la xuống mức thấp nhất là 20 đô la do nhu cầu giảm vì covid-19 lây lan. Dự thảo thỏa thuận được Mỹ, Nga và Ả Rập Xê Út chấp thuận, mặc dù Mexico gây ra hỗn loạn vào phút cuối khi đe dọa sẽ phủ quyết.

Số ca tử vong vì covid-19 tại các bệnh viện Anh đã vượt quá 10.000 người. Boris Johnson, lãnh đạo chính trị cao cấp nhất của thế giới bị mắc bệnh, vừa được Bệnh viện St Thomas ở London cho xuất viện, nơi ông trải qua ba đêm hồi sức tích cực. Thủ tướng nói trong một thông điệp video rằng “mọi sự có thể đã khác” đối với ông. Ông sẽ không lập tức trở lại làm việc, theo yêu cầu của bác sĩ.

Chính phủ Israel đóng cửa các khu dân cư Chính thống giáo cực đoan ở Jerusalem để ngăn chặn sự lây lan của covid-19. Cho đến nay, Israel ghi nhận 10.878 trường hợp nhiễm và 103 ca tử vong. Cộng đồng dân Do Thái theo Chính thống giáo cực đoan đã trở thành tâm dịch ở nước này. Trong khi đó, các cuộc đàm phán thành lập một liên minh cầm quyền mới đã phải dừng lại, làm tăng khả năng sẽ lại có một cuộc bầu cử khác vào mùa hè.

Chính phủ Đài Loan phản đối một hạm đội hải quân Trung Quốc, dẫn đầu là tàu sân bay Liêu Ninh, vừa đi qua bờ biển phía đông và phía nam hòn đảo. Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ. Tàu Liêu Ninh là tàu sân bay duy nhất hoạt động trong khu vực, sau khi các thủy thủ trên hai con tàu Mỹ bị covid-19 tấn công.

Hai người chết vì Ebola tại Cộng hòa Dân chủ Congo, làm tiêu tan hy vọng rằng đất nước này có thể tuyên bố hết dịch vào Chủ nhật Phục sinh. Ít nhất 2.276 người đã chết trong đợt bùng phát dịch bắt đầu từ 20 tháng trước. Quốc gia nghèo và có chính quyền tồi tệ này cũng đang phải chiến đấu chống lại sự lây lan của covid-19.

Trong một thông điệp Phục sinh trước Nhà thờ Thánh Peter hầu như trống rỗng ở Rome, Đức Giáo hoàng Francis đã kêu gọi đoàn kết toàn cầu để chống lại covid-19. Lần đầu tiên Vatican phải phát trực tuyến các buổi lễ Tuần Thánh, trong nỗ lực ngăn chặn xuất hiện ca nhiễm mới trong thành phố.

Báo Anh Mail on Sunday đưa tin Julian Assange đã có hai đứa con trong thời gian ẩn náu tại đại sứ quán Ecuador ở London để trốn dẫn độ về Thụy Điển. Ông và Stella Morris, luật sư người Nam Phi đại diện cho ông, có hai đứa con dưới ba tuổi. Assange hiện đang ở trong một nhà tù Anh, cố gắng tránh bị dẫn độ sang Mỹ về tội danh hack máy tính và gián điệp.

TIÊU ĐIỂM

Covid-19 vẫn hoành hành ở New York

Thành phố New York đã chôn cất người nghèo và người không thân nhân trên đảo Hart suốt từ năm 1869. Đoạn phim lạnh lẽo cho thấy những ngôi mộ tập thể cho các nạn nhân covid-19 ở đây đã được phát trên khắp thế giới. Bất chấp nhiều nhà xác tạm thời được xây mới và xe tải đông lạnh được sử dụng, thành phố vẫn không đủ chỗ quản xác người chết.

Số người chết tiếp tục tăng. Thứ Bảy vừa rồi là ngày thứ sáu liên tiếp ghi nhận hơn 700 người chết ở bang này. Ít nhất 9.385 người New York đã chết vì căn bệnh này. Nhưng có dấu hiệu hy vọng. Cuối tuần qua, thống đốc bang New York Andrew Cuomo nói rằng dịch có thể đang qua đỉnh. Số người nhập viện hằng ngày đang ổn định. Yêu cầu ở nhà trên toàn tiểu bang có hiệu lực cho đến ngày 29 tháng 4. Song ít ai tin rằng thành phố không bao giờ ngủ sẽ thức dậy vào ngày hôm đó.

Israel có thể bế tắc chính trị lần thứ tư liên tiếp

Trong sáu tuần qua, Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu và đối thủ chính của ông, Benny Gantz, dường như đã đứng trước cơ hội thành lập được một chính phủ mới. Họ đang ở thế chuẩn bị ký một thỏa thuận liên minh, song các cuộc đàm phán đã bị đổ vỡ. Thỏa thuận này, vốn đã được đồng thuận về nguyên tắc, bị hủy bỏ do không có đảm bảo rằng ông Netanyahu, người đang đối mặt với cáo buộc hình sự, sẽ không can thiệp vào hệ thống pháp luật và tư pháp trong thời gian đó.

Hôm qua, Tổng thống Reuven Rivlin từ chối cho thêm thời gian và tuyên bố sẽ không gia hạn ủy quyền cho ông Gantz để thành lập chính phủ, và cũng không trao nó cho ông Netanyahu. Nếu họ không hóa giải được tình trạng bế tắc trong vòng ba tuần, người Israel sẽ lại đi bầu cử vào mùa hè này, lần thứ tư trong vòng chưa đầy 18 tháng.

Quyết định của Argentina về khoản nợ của mình

Tuần này, Tổng thống Alberto Fernández sẽ quyết định có nên đưa ra lời đề nghị cuối cùng cho các chủ nợ nước ngoài về khoản nợ khổng lồ của Argentina hay không. Ngoài ra, ông có thể tìm cách trì hoãn đàm phán vì sự lây lan của covid-19. Ông Fernández đã gia hạn phong tỏa đất nước đến ngày 26 tháng 4. Nhưng giờ đây Argentina phải đối mặt với một đợt vỡ nợ khác, một sự lặp lại của lịch sử mà ông từng hứa sẽ không bao giờ xảy ra trong nhiệm kỳ của mình.

Trong một nghị định vào ngày 5 tháng 4, chính phủ cho biết họ sẽ tạm ngừng thanh toán cho các chứng khoán định giá bằng ngoại tệ được phát hành ở thị trường nội địa trong thời gian còn lại của năm vì ưu tiên chống covid-19. Các cơ quan tín dụng đã ngay lập tức hạ tín nhiệm Argentina xuống mức “vỡ nợ một phần”. Bộ trưởng kinh tế Martin Guzmán có kế hoạch trả cho các chủ nợ quốc tế chưa tới một nửa khoản nợ 83 tỷ đô la. Nhưng chính phủ cũng đang xem xét viện dẫn một điều khoản “bất khả kháng”, với lý do đại dịch, hoãn mọi cuộc đàm phán và do đó tránh vỡ nợ trong tháng này.

Điều tra dân số Bắc Macedonia bị trì hoãn

Hôm nay người Macedonia lẽ ra đã biết kết quả bỏ phiếu của họ, song đại dịch covid-19 đã làm hoãn cuộc bầu cử. Tồi tệ hơn, cuộc bỏ phiếu sớm cũng làm trì hoãn cuộc điều tra dân số rất cần thiết của nước này. Lần điều tra cuối cùng là vào năm 2002. Phép tính cộng trừ số người chết và người được sinh ra tử kể từ đó cho thấy đất nước có dân số chính thức là 2,07 triệu người. Nhưng, giám đốc văn phòng thống kê Apostol Simovski nói rằng con số đó là không chính xác.

Ông e ngại rằng con số thật là “không quá 1,5 triệu người” vì không ai biết có bao nhiêu người đã di cư kể từ năm 2002. Nếu đó là sự thật, và nhiều người nghĩ rằng ông quá bi quan, thì Bắc Macedonia đã mất một phần tư dân số kể từ khi độc lập vào năm 1991. Sự suy giảm như vậy quả là thảm khốc, nhưng hy vọng rằng tất cả sẽ được công bố khi điều tra dân số được tổ chức trong vòng một năm tới. Cho đến lúc đó, tất cả các số liệu thống kê dân số của đất nước vẫn hoàn toàn chưa chính xác.

Congo chống cả dịch Ebola và Covid-19

Đầu tháng 3, một bệnh nhân đã khỏi Ebola được xuất viện từ một trung tâm điều trị ở Beni, miền đông Congo. Nhân viên y tế reo hò, nhảy múa, và ăn mừng. Đáng buồn thay, sự ăn mừng của họ là quá sớm. Chỉ hai ngày trước khi Congo chính thức được tuyên bố sạch dịch Ebola vào Chủ nhật Phục sinh, xác của một người đàn ông đã được xét nghiệm dương tính với căn bệnh này. Vụ bùng phát dịch bắt đầu từ 20 tháng trước đã giết chết ít nhất 2.276 người.

Các quan chức y tế hiện đang truy tìm hơn 100 người tiếp xúc gần với anh ta nhưng không hiểu làm thế nào căn bệnh này được lây cho anh ta, người đã không tiếp xúc với bất cứ ai được biết là mắc bệnh Ebola. Điều này khiến Congo cùng một lúc vật lộn với hai cuộc khủng hoảng y tế; covid-19 cũng đang dần lây lan. Hiện có ít nhất 234 ca nhiễm được xác nhận. Nhưng các phòng xét nghiệm của đất nước chỉ có thể xử lý được khoảng 100 xét nghiệm mỗi ngày. Nhiều trường hợp khác có khả năng đã bị bỏ sót.