Lịch sử lực lượng dân quân biển Trung Quốc và hàm ý cho tương lai

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Derek Grossman & Logan Ma, “A Short History of China’s Fishing Militia and What it May Tell Us”, Maritime Issues, 05/04/2020.

Biên dịch: Đỗ Minh Châu | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Nếu lịch sử là một cách tốt để dự báo những điều sẽ xảy ra trong tương lai, thì Bắc Kinh rất có khả năng sẽ tăng cường lực lượng dân quân biển trong mọi viễn cảnh khả dĩ. Điều đó đồng nghĩa với việc lực lượng này sẽ trở thành một lực lượng đáng gờm trong những năm tới.

Lực lượng dân quân – ngư dân có vũ trang của Trung Quốc – hay còn được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ gọi chính thức là Dân quân Biển thuộc Lực lượng Vũ trang Nhân dân (PAFMM) – đóng vai trò chủ đạo trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm áp đặt tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. PAFMM là lực lượng ngư dân có vũ trang được chính phủ Trung Quốc bảo trợ, chưa rõ quân số, nằm dưới sự chỉ huy và kiểm soát trực tiếp của Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA). Lực lượng này đã tồn tại trong nhiều thập niên và hỗ trợ lực lượng Hải cảnh Trung Quốc (CCG) và Hải quân Trung Quốc (PLAN) trong việc triển khai các hoạt động trong khu vực.

PAFMM đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thiết lập sự hiện diện trên thực tế của Trung Quốc ở khu vực đang có tranh chấp – qua đó thay đổi thực tế trên biển – nhằm thách thức khả năng kiểm soát các khu vực tranh chấp của các quốc gia tham gia tranh chấp khác. Hình thái tác chiến “vùng xám” kinh điển này được thiết kế để “không đánh mà thắng” thông qua việc áp đảo kẻ thù bằng tàu cá số lượng lớn có hỗ trợ từ phía sau bởi lực lượng hải cảnh hoặc có thể là cả tàu chiến hải quân, tùy thuộc vào tình huống, theo đội hình các vòng tròn đồng tâm ngày càng tăng cường.

Tuy nhiên sự tồn tại của dân quân biển ở Trung Quốc là vô cùng độc đáo, bởi quốc gia duy nhất có một lực lượng tương tự để giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển là nước láng giềng Việt Nam. Đúng vậy, Hà Nội đã chính thức thành lập lực lượng dân quân biển của họ vào năm 2009 với mục đích duy nhất là cạnh tranh trực tiếp với PAFMM trong một cuộc “chiến tranh nhân dân trên biển”. Vậy câu hỏi cần được đặt ra là: tại sao Bắc Kinh lại thành lập một lực lượng dân quân biển và PAFMM đã phát triển như thế nào theo thời gian? Lịch sử của lực lượng này nói lên điều gì về tương lai của nó?

Lực lượng dân quân biển cách mạng

Sau hồi kết của nội chiến Trung Quốc và sự ra đời của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), dưới sự lãnh đạo tối cao của Mao Trạch Đông, đã tìm cách bảo vệ bờ biển Trung Quốc trước lực lượng quân sự của chính phủ Quốc Dân Đảng vốn đã rút lui ra Đài Loan và các đảo nhỏ ngoài khơi khác. Sự xâm nhập của lực lượng Quốc Dân Đảng vào vùng nước ven biển Trung Quốc đặt ra một thách thức nghiêm trọng bởi ĐCSTQ lúc bấy giờ sở hữu một lực lượng hải quân còn yếu kém. Do đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc xem việc thành lập một lực lượng dân quân biển có tổ chức để chống lại mối đe dọa này như một giải pháp khắc phục dễ dàng và nhanh chóng trước vấn đề cấp thiết này. Trên thực tế, Trung Quốc đã sở hữu lực lượng dân quân biển trước khi ĐCSTQ lên nắm quyền, nhưng ĐCSTQ đã cung cấp ngân sách và đào tạo để biến các lực lượng địa phương rời rạc thành một lực lượng gắn kết ở cấp quốc gia với nhiệm vụ bảo vệ chế độ mới.

Bằng chứng về vai trò của ĐCSTQ đối với các lực lượng địa phương xuất hiện vào đầu những năm 1950, khi Cục Thủy sản [水产部] đóng vai trò quyết định trong việc tổ chức lực lượng dân quân biển. Cục đã khởi xướng việc tập thể hóa hoạt động đánh cá địa phương và xác định ranh giới các ngư trường lớn. Họ cũng đề ra chỉ tiêu đánh bắt và xây dựng chính sách đánh bắt cá. Sự hiện diện của các cựu sĩ quan Hải quân Trung Quốc trong Cục có thể cho thấy sự tham gia chặt chẽ của quân đội trong các hoạt động của dân quân. Ví dụ, đô đốc Yuan Yelie, Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc vào năm 1957, đã đảm nhận vị trí Cục phó (Thứ trưởng) Cục Thủy sản vào tháng 5 năm 1960. Huấn luyện kiểu hải quân đã giúp lực lượng dân quân biển thực hiện các hoạt động phòng thủ chống lại lực lượng quân sự của Quốc Dân Đảng có ý định quấy phá các tuyến hàng hải địa phương của Trung Quốc. Quả thực, lực lượng quân sự Quốc Dân Đảng đã sử dụng chiến tranh phi chính quy dưới hình thức du kích trên biển, khiến Trung Quốc càng cần phải dùng giải pháp tương tự để chống lại.

Có ít nhất hai cách giải thích khác nhau cho sự trỗi dậy của lực lượng dân quân biển của Trung Quốc: tập thể hóa và ảnh hưởng của học thuyết hải quân Liên Xô.

Đầu tiên, như một phần của việc áp dụng chủ nghĩa Mác – Lênin tại Trung Quốc, Mao đã tìm cách áp đặt tập thể hóa lên toàn xã hội Trung Quốc. Các cộng đồng ven biển truyền thống đã bị xáo trộn sau cuộc nội chiến Trung Quốc và một khi ĐCSTQ lên nắm quyền, họ đã nhanh chóng tập thể hóa các khu vực này. Chẳng hạn, tại Sơn Đông, vào tháng Tư năm 1956, ĐCSTQ đã thành lập 786 hợp tác xã đánh cá bao gồm gần 76.000 hộ gia đình, tức 9/10 số ngư dân ở Sơn Đông. Bắc Kinh có lẽ đã tin rằng việc tập thể hóa hoạt động đánh cá là cần thiết để tái thiết đất nước sau chiến tranh.

Cách giải thích thứ hai cho sự tồn tại của lực lượng dân quân biển của Bắc Kinh bắt nguồn từ mối quan hệ giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Liên Xô trong giai đoạn bắt đầu hình thành chiến lược hải quân. Trong những năm 1920, một Liên Xô mới thành lập đã áp dụng lối tư duy hải quân gọi là “Trường phái mới”. Về cơ bản, những người theo học thuyết này lập luận rằng quốc gia của họ, vốn là một cường quốc lục địa, nên tập trung phần lớn nguồn tài nguyên của mình vào việc bảo vệ bờ biển thay vì nhấn mạnh việc hiện đại hóa hải quân để đi bành trướng thế lực như tư duy của “Trường phái cũ” thời nước Nga Sa hoàng. Điều này đã giúp Moskva đỡ tốn khoản chi phí lớn vào một lĩnh vực nơi các cường quốc phương Tây đã vượt xa.

Rốt cuộc, “Trường phái mới” đã thắng thế và đã khiến Moskva thiết kế các lực lượng có thể giúp bảo vệ các khu vực ven biển của lục quân thông qua việc nhanh chóng mua sắm các tàu nhỏ và tàu ngầm hạng nhẹ, với mục tiêu nhắm vào các phương tiện, khí tài truyền thống của đối thủ. Trọng tâm là chiến tranh phi chính quy được dẫn dắt bởi tàu ngầm ven biển, tàu ngư lôi và tàu tuần tra, được hỗ trợ bởi các máy bay hải quân. Học thuyết này đã tác động lớn đến ĐCSTQ, và họ cuối cùng đã áp dụng chiến lược hải quân này cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ví dụ, tư lệnh Hải quân Trung Quốc Xiao Jingguang từng du học tại Moskva vào những năm 1920 đã học các lý thuyết của “Trường phái mới”. Chắc chắn là hợp lý nếu Trung Quốc tiếp nhận “Trường phái mới” bởi Trung Quốc lúc bấy giờ phải đối mặt với những thách thức giống hệt của Liên Xô: chi phí cho các lực lượng xa bờ quá đắt đỏ và Bắc Kinh cũng bận tâm hơn với các diễn biến trên đất liền.

Sau đó không lâu vào năm 1965, truyền thông nhà nước bắt đầu đề cập đến một lực lượng dân quân biển chính thức được hỗ trợ bởi PLAN. Cũng trong khoảng thời gian này, PLAN đã thành lập các trường dân quân biển gần trụ sở ba hạm đội tại Thanh Đảo, Thượng Hải và Quảng Châu. Các trường này có các khóa huấn luyện kĩ năng lái tàu, sử dụng vũ khí, kỹ thuật và liên lạc. PLAN còn có những báo cáo thuật lại thành công của các trận đánh, tuần tra và huấn luyện – tất cả đều thực hiện theo học thuyết “chiến tranh nhân dân” của Mao. Xuyên suốt nửa đầu thập niên 1970, báo chí đã khắc họa PLAN như một lực lượng ven biển không bao giờ đi vượt quá phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Thay vào đó, chủ đề chung là PLAN chỉ hỗ trợ lực lượng dân quân biển.

Dân quân biển phát huy tác dụng

Mặc dù được thành lập với mục đích tuần tra bờ biển và giám sát, lực lượng dân quân biển đã dần phát triển thành một lực lượng bảo vệ chủ quyền biển vào những năm 1970. Lực lượng này dần đóng nhiều vai trò hơn như cứu hộ hàng hải, tham gia các hoạt động chiến đấu, chống buôn lậu, và quan trọng nhất là áp đặt chủ quyền.

Về các hoạt động áp đặt chủ quyền của Trung Quốc, lực lượng PAFMM từ sớm đã thể hiện đóng góp đáng kể vào việc chiếm các đảo từ tay Nam Việt Nam trong Hải chiến Hoàng Sa vào tháng 1 năm 1974 . Thực tế là Bắc Kinh chưa có một lực lượng hải quân đáng kể vào năm 1974 và có thể nói PAFMM có nhiều năng lực thực hiện các chiến dịch đổ bộ hơn cả hải quân. Dù thế nào, sự hiện diện của các tàu đánh cá Trung Quốc quanh Hoàng Sa đã làm chậm lại quá trình đưa ra quyết định của Nam Việt Nam trong việc sử dụng vũ lực chống lại PAFMM cũng như đáp trả lại động thái của PLAN. Việc có thêm thời gian đã tạo điều kiện cho Bắc Kinh phối hợp hiệu quả hơn. Khi hai tàu đánh cá chở 500 lính PLA tới Tây Hoàng Sa, hành động đó đã dẫn tới sự đầu hàng ngay lập tức từ lực lượng Nam Việt Nam đang bảo vệ các đảo này.

Một bài học then chốt rút ra cho Bắc Kinh là tận dụng lực lượng dân quân biển có hiệu quả hơn trong việc tránh sự can thiệp của Hoa Kỳ ngay cả khi đối thủ là một đồng minh của Hoa Kỳ. Công bằng mà nói, đây là cốt lõi trong chiến lược sử dụng các lực lượng phi chính quy ở các “vùng xám” trên và Biển Hoa Đông và Biển Đông. Sự ra mắt của PAFMM trên trường quốc tế đã thành công vang dội, càng tô đậm diễn ngôn cho rằng lực lượng dân quân biển đóng vai trò thiết yếu trong thành công của chiến lược biển của Trung Quốc tại Biển Đông. Sau Hải chiến Hoàng Sa năm 1974, PAFMM đã tham gia hầu như mọi chiến dịch quân sự lớn của PLAN cũng như của Hải cảnh Trung Quốc nhằm gây khó dễ cho các quốc gia khác trong khu vực tranh chấp hoặc chiếm các đảo khác từ đối phương.

Andrew S. Erickson và Conor M. Kennedy đã thống kê kỹ lưỡng các hoạt động của PAFMM nhằm hỗ trợ Hải cảnh Trung Quốc và PLAN kể từ năm 1974. Trong số các sự cố, năm 1978 PAFMM tham gia vào các hoạt động “biển tàu” áp đảo quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông đang tranh chấp với Nhật Bản, và kể từ 2016, lực lượng này liên tục củng cố sự hiện diện tại đây. Erickson và Kennedy có chỉ ra sự gia tăng các cuộc va chạm ở Biển Đông kể từ Hải chiến Hoàng Sa, bao gồm việc Trung Quốc chiếm Đá Vành Khăn và Bãi cạn Scarborough từ Philippines vào năm 1995 và 2012. Bắc Kinh còn nỗ lực ngăn chặn tiếp tế của Manila cho Bãi Cỏ Mây vào năm 2014 và kể từ 2017 Bắc Kinh đã liên tục quấy nhiễu ngư dân Philippines tại bãi Sandy Cay và Đảo Thị Tứ gần đó. PAFMM cũng thường xuyên quấy phá các tàu của Việt Nam, và vào tháng 5/2014, họ đã giúp Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 tại vùng biển Việt Nam bằng cách va đâm vào các tàu tuần tra và tàu cá của Việt Nam. Ngoài ra, Bắc Kinh dường như tự tin rằng hành động quấy nhiễu của PAFMM đối với tàu hải quân Mỹ dưới ngưỡng dẫn đến hành động đáp trả mạnh mẽ từ phía Hoa Kỳ. Do vậy họ đã sử dụng lực lượng dân quân biển để chống lại tàu USNS Impeccable vào năm 2009 và tàu Howard O. Lorenzen vào năm 2014.

Tương lai của PAFMM

PAFMM đã và đang phát triển từ một lực lượng nhỏ, ven bờ thành một thành tố năng động và thiết  yếu trong chiến lược quốc gia về biển của Trung Quốc. Sự thật là PAFMM không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ trong quá trình hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc những năm 1980. Điều đó đồng nghĩa với việc tiếp tục hiện đại hóa và ưu tiên phát triển các hệ thống ngày càng hiện đại sẽ không làm giảm giá trị của PAFMM trong thời gian tới. Thực ra, có vẻ điều ngược lại sẽ xảy ra – vai trò của PAFMM rất có thể sẽ lớn dần song song với lực lượng Hải cảnh và Hải quân để hỗ trợ tốt hơn cho các lực lượng này. Nguồn gốc khiêm tốn của PAFMM như là một sản phẩm của tập thể hóa và “Trường phái mới” gợi ý rằng nếu Trung Quốc phải làm chậm lại quá trình hiện đại hóa quân đội do điều kiện kinh tế hay một lí do nào khác, Bắc Kinh vẫn hoàn toàn có thể dựa vào PAFMM như một lựa chọn thay thế rẻ hơn và đơn giản hơn về công nghệ nhằm giải quyết các tranh chấp chủ quyền và bảo vệ bờ biển. Nếu lịch sử là một chỉ dấu tốt để dự báo tương lai, thì Bắc Kinh rất có khả năng sẽ tăng cường lực lượng dân quân biển trong mọi viễn cảnh khả dĩ. Điều đó đồng nghĩa với việc lực lượng này sẽ trở thành một lực lượng đáng gờm trong những năm tới.

Derek Grossman là nhà phân tích quân sự cao cấp tại RAND Corporation. Ông từng là chuyên viên cập nhật tin tình báo cho trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách Châu Á và Thái Bình Dương tại Lầu Năm Góc.

Logan Ma là trợ lý nghiên cứu tại RAND Corporation.