Nhật ký Bắc Kinh (06/07/20): Số phận người Duy Ngô Nhĩ ở Bắc Kinh

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary”, Nikkei Asian Review, 7/2020.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc mới áp đặt lên Hong Kong hôm 30/6, bất chấp quốc tế phản đối kịch liệt, cấm sử dụng “Hồng Kông độc lập” và các khẩu hiệu tương tự. Người dân cũng có thể bị bắt chỉ vì mang theo tờ rơi kêu gọi độc lập cho Đài Loan, Khu tự trị Tây Tạng hoặc Khu tự trị Tân Cương của người Duy Ngô Nhĩ.

Hành vi này bị coi là thúc đẩy ly khai, theo đó bị cấm trong luật với mức án tối đa là tù chung thân – bên cạnh các tội danh khác như lật đổ, khủng bố và cấu kết với các thế lực nước ngoài.

Sở dĩ tôi chú ý điểm này vì hôm Chủ nhật 5 tháng 7 là kỷ niệm 11 năm “bạo loạn Urumqi” ở thủ phủ Tân Cương. Trong cuộc bạo động ở vùng tây bắc, người Hán và phần lớn là người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi đã đụng độ, khiến 200 người chết.

Vẫn còn đó dấu vết của tình trạng bất ổn. Nhiều người Duy Ngô Nhĩ bị đưa vào “cơ sở cải tạo” và vẫn bị chính quyền giám sát nghiêm ngặt.

Văn phòng Bắc Kinh của Khu tự trị Tân Cương của người Duy Ngô Nhĩ nằm cách Quảng trường Thiên An Môn khoảng 10 km về phía tây bắc. Tôi ghé qua vào trưa thứ Bảy, vì được một người bạn cho biết tôi có thể sẽ được “ăn món Tân Cương ngon nhất Bắc Kinh” tại một nhà hàng ở đây.

Nhìn từ bên ngoài, tòa nhà trông như cung điện. Điều này cho thấy tầm quan trọng của Tân Cương đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tôi tìm cách vào khu nhà nhưng nhận ra cổng trước đã bị khóa.

“Hoạt động [tại nhà hàng] đã bị ngừng từ tháng Giêng do coronavirus,” một nhân viên ở cửa ra vào nói với tôi. “Kế hoạch là mở cửa lại từ tháng 6, nhưng đã bị hoãn vì số ca nhiễm tăng trở lại.”

Một người đàn ông khoảng 40 tuổi đạp xe đến. “Thật sự không mở?” anh ta hỏi. “Tôi phải bỏ hết mọi việc để tới đây ăn naan.

Anh ta có vẻ thất vọng khi bắt đầu đạp xe về nhà.

Người Duy Ngô Nhĩ đánh mất độc lập vào tay nhà Thanh kể từ giữa thế kỷ 18. Sau khi triều đại này sụp đổ năm 1912, họ tuyên bố độc lập vào năm 1933 và một lần nữa vào năm 1944. Nhưng lần nào nền độc lập của họ cũng rất ngắn ngủi.

Khu tự trị được thành lập vào năm 1955 dưới chính quyền Cộng sản, theo sau sự khai sinh của nước “Trung Hoa mới” – Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa – vào năm 1949.

Thời điểm đó, cư dân gốc Hán chiếm khoảng 10% dân số vùng. Giờ là hơn 40%. Vẫn tồn tại sự căm phẫn ăn sâu trong người Duy Ngô Nhĩ, những người cảm thấy bị tước đoạt của cải bởi người Hán đến sau.

Cuộc bạo loạn năm 2009 chính là khi nỗi tuyệt vọng và tức giận bị dồn nén ấy vỡ tung.

Có một quận tên là Weigongcun gần văn phòng khu tự trị ở Bắc Kinh. Công nhân nhập cư người Duy Ngô Nhĩ sinh sống ở đây từ giữa những năm 1980. Các con phố từng có nhiều quán ăn nhỏ phục vụ ẩm thực Tân Cương.

Nhưng cảnh quan của khu này đã gần như thay đổi hoàn toàn. Nó được tổ chức lại từ những năm 2000, với những tòa chung cư mới đua nhau mọc lên. Tôi tự hỏi những người Duy Ngô Nhĩ sống ở đó giờ đã đi đâu?

Nghĩ lại, ngày nay tôi hiếm khi thấy bóng người Duy Ngô Nhĩ ở các nơi khác của Bắc Kinh. Tôi sợ rằng việc thiết lập luật an ninh Hồng Kông sẽ càng làm cho quyền tự do của họ thêm mai một.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng của Nikkei ở Trung Quốc.