Nguồn: Kevin Rudd & Daniel Rosen, “China Backslides on Economic Reform”, WSJ, 23/09/2020.
Người dịch: Phan Nguyên
Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới hiễn vẫn báo cáo tăng trưởng dương. Trung Quốc là nước đầu tiên bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và cũng là nước đầu tiên vượt qua, đạt mức tăng trưởng 3,2% trong quý gần đây nhất trong khi Hoa Kỳ giảm 9,5% và các nền kinh tế tiên tiến khác phải chịu mức giảm hai con số. Giám sát công nghệ cao, xét nghiệm toàn diện và các biện pháp ngăn chặn tích cực từ trên xuống đã giúp Trung Quốc kiểm soát được virus trong khi các nước khác vẫn đang phải vật lộn. Trung Quốc thậm chí có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế dương theo năm trong năm 2020.
Sự phục hồi này là có thật, nhưng đằng sau những con số ngắn hạn, sự khởi động lại nền kinh tế vẫn còn nhiều điều đáng ngờ. Sự bứt phá về tăng trưởng của Trung Quốc không phải là sự khởi đầu của một sự phục hồi mạnh mẽ mà chỉ là sự phục hồi không đồng đều được thúc đẩy bởi xây dựng cơ sở hạ tầng. Dữ liệu Quý II cho thấy sự mất cân bằng tương tự ở các quốc gia khác đang phải vật lộn với virus: Đầu tư đóng góp 5 điểm phần trăm vào tăng trưởng, trong khi tiêu dùng giảm, âm 2,3 điểm.
Kể từ năm 2017, China Dashboard, một dự án hợp tác của Tập đoàn Rhodium và Viện Chính sách Xã hội Châu Á, đã theo dõi chặt chẽ chính sách kinh tế của Trung Quốc để tìm các dấu hiệu tiến triển. Bất chấp các cam kết lặp đi lặp lại của các cơ quan chức năng Trung Quốc nhằm mở cửa hơn nữa và giải quyết tình trạng quá phụ thuộc vào nợ, China Dashboard đã quan sát thấy những nỗ lực bị trì hoãn và thậm chí là cảsự phản đối cải cách. Sự bùng phát Covid-19 tạo cơ hội cho Bắc Kinh chuyển hướng và thực hiện cải cách thị trường. Các tín hiệu từ các nhà lãnh đạo vào mùa xuân này gợi ý về việc khắc phục các cơ chế thị trường không hiệu quả. Nhưng đáng chú ý là danh sách dài các cải cách được hứa hẹn vào tháng 5 gần giống với danh sách trước đó – chẳng hạn như tách quản lý vốn khỏi quản lý kinh doanh tại các công ty nhà nước và mở cửa cho đầu tư nước ngoài đồng thời tăng “chất lượng” của đầu tư ra nước ngoài – đã được thông qua tại Hội nghị trung ương Đảng lần thứ ba vào năm 2013. Nói cách khác, những cải cách được hứa hẹn gần đây đã không xảy ra, và không có gì trong các tuyên bố mới giải thích tại sao lần này sẽ khác.
Một cái nhìn trung thực về các động lực đằng sau tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay cho thấy sự tăng cường các giải pháp do nhà nước quản lý, chứ không phải là các cải cách thực sự. Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã thúc đẩy sự phục hồi dựa vào đầu tư của Trung Quốc. Trong nửa đầu năm 2020, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, đầu tư vào tài sản cố định tăng 2,1% ở các DNNN và giảm 7,3% ở khu vực tư nhân. Tồn kho của các công ty tư nhân trong nước tăng mạnh trong cùng kỳ – một dấu hiệu cho thấy khó bán hàng – trong khi tồn kho của các DNNN giảm nhẹ, cho thấy bản chất tăng trưởng không đồng đều của Trung Quốc.
Có lẽ minh chứng quan trọng nhất cho sự không tin tưởng vào thị trường là chương trình “lưu thông nội bộ” do Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra lần đầu tiên vào tháng Năm. Nhìn bề ngoài, sáng kiến mới này được cho là nhằm mở rộng nhu cầu trong nước để bổ sung, chứ không phải thay thế nhu cầu bên ngoài. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang cố gắng thúc đẩy tiêu dùng trong nước bằng cách coi đây là một ưu tiên chính trị. Do nhu cầu của các hộ gia đình vẫn đang giảm, chúng ta có thể sẽ chứng kiến nhiều trợ cấp hơn cho các nhà sản xuất và các biện pháp can thiệp khác của chính phủ, thay vì các biện pháp trao quyền cho người mua. Canthiệp thị trường theo ý muốn và ra lệnh bằng nghị quyết rằng tiêu dùng sẽ tăng không phải là dấu hiệu của một nền kinh tế tiên tiến.
Đại dịch đã buộc mọi quốc gia phải đặt sự ổn định ngắn hạn lên trên những lo ngại trong tương lai, nhưng không quốc gia nào khác chịu gánh nặng lớn như Trung Quốc. Hồi tháng 6, Quốc vụ viện đã ra lệnh cho các ngân hàng “từ bỏ” 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 220 tỷ USD) lợi nhuận, đòn bẩy duy nhất mà nhà nước có để giảm chi phí vay nợ (cho doanh nghiệp) và hỗ trợ tăng trưởng. Vào tháng 8, cơ quan lập kế hoạch kinh tế của Trung Quốc đã ra lệnh cho sáu ngân hàng dành một gói tài trợ cho xây dựng cơ sở hạ tầng bằng các khoản vay dài hạn với lãi suất thấp hơn thị trường. Những giải pháp tạm thời này đe dọa đến sự ổn định tài chính của một hệ thống vốn đã quá nhiều nợ, dẫn đến nhiều vụ vỡ nợ và tái cơ cấu ngân hàng trong tương lai.
Trung Quốc cũng phải đối mặt với chi phí gia tăng ở nước ngoài. Bằng cách tăng cường sản xuất trong sáu tháng qua trong khi nhu cầu trong nước đình trệ, Bắc Kinh đã làm thặng dư thương mại của mình gia tăng, thúc đẩy phản ứng dữ dội của quốc tế chống lại chủ nghĩa tư bản nhà nước, không chỉ ở Washington mà còn các nơi khác. Hoa Kỳ đã chặn một số kênh nhập cư, đầu tư và hợp tác công nghệ. Không nêu tên Trung Quốc, nhưng một tài liệu chính sách của Ủy ban Châu Âu hồi tháng 6 đã chỉ trích “các khoản trợ cấp do các chính phủ không thuộc EU cấp cho các công ty ở EU”. Chính phủ và các tập đoàn công nghiệp ở Đức, Hà Lan, Pháp và Ý cũng đang thúc đẩy Trung Quốc thay đổi.
Sự nghi ngờ về hướng đi của Bắc Kinh đã thể hiện rõ ngay cả ở các công ty nước ngoài đã đầu tư hàng nghìn tỷ đô la vào Trung Quốc trong những thập niên gần đây. Một cuộc khảo sát của UBS Evidence Lab vào tháng 7 năm 2020 với hơn 1.000 giám đốc tài chính trong nhiều ngành khác nhau ở Hoa Kỳ, Trung Quốc và Bắc Á cho thấy 75% số người được hỏi đang cân nhắc chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc hoặc đã làm như vậy. Gần một nửa số giám đốc điều hành người Mỹ có kế hoạch rời đi cho biết họ sẽ chuyển hơn 60% hoạt động sản xuất tại Trung Quốc sang nước khác. Đầu năm nay, Bắc Kinh đã thực hiện các cải cách kinh tế nhằm ngăn chặn sự rời đi của các công ty nước ngoài nhưng vẫn chưa có kết quả.
Trong nhiều năm, thế giới đã theo dõi và chờ đợi Trung Quốc trở thành một nền kinh tế thị trường tự do hơn, từ đó giảm bớt lo ngại về an ninh của Mỹ. Vào thời điểm căng thẳng sâu sắc trên toàn cầu, nhiều thước đo cải cách mà chúng tôi đã thực hiện thông qua China Dashboard cho thấy chiều hướng ngược lại. Các chuẩn mực kinh tế của Trung Quốc đang ngày càng khác biệt thay vì hội tụ với phương Tây. Những thay đổi được hứa hẹn từ lâu được trình bày chi tiết lúc ông Tập mới lên nắm quyền đã không thành hiện thực.
Mặc dù Bắc Kinh nói về hiệu quả “phân bổ thị trường”, nhưng điều đó không được định hướng bởi những gì mà các nhà kinh tế học chính thống gọi là nguyên tắc thị trường. Nền kinh tế Trung Quốc thay vào đó là một hệ thống chủ nghĩa tư bản nhà nước, trong đó “trọng tài” là một cơ chế chính trị không thể kiểm soát. Điều đó có thể hoặc không thể hiệu quả đối với Trung Quốc, nhưng đó không phải là điều mà các nền dân chủ tự do nghĩ rằng họ sẽ nhận được khi mời Trung Quốc đóng vai trò đầu tàu trong nền kinh tế thế giới.
Kevin Rudd, chủ tịch Viện Chính sách Xã hội Châu Á, từng là thủ tướng Australia giai đoạn 2007-10 và 2013. Daniel Rosen là đối tác sáng lập của Rhodium Group.