22/09/1945: Tướng Patton nói không cần “phi quốc xã hóa” nước Đức

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: General Patton questions necessity of Germany’s “denazification”, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1945, Tướng George S. Patton nói với các phóng viên rằng ông thấy không cần thiết phải “phi quốc xã hóa” nước Đức và so sánh cuộc tranh cãi về chủ nghĩa Quốc xã với “cuộc chiến tranh cử của giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa”.

Xuất thân từ một gia đình có truyền thống quân nhân, Patton tốt nghiệp Học viện Quân sự West Point năm 1909, sau đó phục vụ tại Quân đoàn Xe tăng trong Thế chiến I. Nhờ trải nghiệm này, Patton trở thành một người ủng hộ nhiệt thành cho chiến tranh xe tăng. Sang Thế chiến II, với tư cách là chỉ huy của Tập đoàn quân số 7 Hoa Kỳ, ông đã chiếm được Palermo, Sicily, vào năm 1943 bằng chính những chiếc xe tăng như thế.

Sự táo bạo của Patton bộc lộ rõ hơn vào năm 1944, khi với tư cách là chỉ huy của Tập đoàn quân số 3, ông đã đánh chiếm phần lớn miền bắc nước Pháp bằng một chiến lược phi chính thống và tàn nhẫn.

Những lời từ miệng Patton cũng gây nguy hiểm cho sự nghiệp của ông như người Đức. Khi vị tướng mắng mỏ và tát một người lính đang nhập viện vì được chẩn đoán tổn thương tâm lý do chiến tranh – người mà ông cho là “giả vờ bệnh” – báo chí đã quay lưng lại với Patton và gây áp lực buộc phải giáng chức ông. Vị chỉ huy có lẽ đã nghỉ hưu sớm nếu không có sự can thiệp của Tướng Dwight Eisenhower và George Marshall. Sau vài tháng không hoạt động, ông đã quay trở lại làm việc.

Và thực sự thì ông làm được việc – trong Trận Bulge, mà Patton một lần nữa thành công khi sử dụng một chiến lược phức tạp và nhanh nhạy để xoay chuyển tình thế, biến cuộc tấn công của quân Đức ở Bastogne thành cuộc phản công của Đồng minh, đẩy lùi người Đức về phía đông qua sông Rhine. Tháng 03/1945, binh sĩ của Patton tràn qua miền nam nước Đức để tiến vào Tiệp Khắc – vốn dĩ là nơi Đồng minh không cho phép ông đánh chiếm, vì đã cân nhắc đến kế hoạch chính trị của Liên Xô đối với Đông Âu sau chiến tranh.

Patton có nhiều tài năng, nhưng ngoại giao không phải là một trong số đó. Sau chiến tranh, khi đóng quân ở Đức, ông đã chỉ trích quá trình phi quốc xã hóa, cũng như việc loại bỏ các cựu đảng viên Đức Quốc Xã khỏi nhiều vị trí chính trị, hành chính và chính phủ – lý do có lẽ chỉ đơn giản là ông quá ngây thơ. Tuy nhiên, những tuyên bố báo chí không nhạy bén chính trị gây nghi ngờ về mặt chính sách này đã dẫn đến việc Eisenhower loại Patton khỏi vị trí chỉ huy quân Mỹ ở Bavaria. Ông được chuyển đến Tập đoàn quân số 15, nhưng vào tháng 12/1945, ông bị gãy cổ trong một tai nạn xe hơi và qua đời chưa đầy hai tuần sau đó ở tuổi 60.