Nhật ký Bắc Kinh (15/07/20): Lưu Hiểu Ba và vấn đề Hồng Kông

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asian Review, 7/2020.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Ba năm đã trôi qua kể từ khi nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc Lưu Hiểu Ba chết trong tù vào ngày 13 tháng 7 năm 2017. Và cũng đã 10 năm kể từ khi ông được trao giải Nobel Hòa bình khi đang ở tù.

Tuy nhiên, ngược lại mong muốn của Lưu, chính phủ Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình lãnh đạo đã thẳng tay ban hành luật an ninh quốc gia mới cho Hồng Kông, trong nỗ lực chứng minh tính ưu việt của mô hình độc đảng so với mô hình dân chủ.

Tối ngày 8 tháng 10 năm 2010, tôi đứng chờ tin công bố người thắng giải Nobel Hòa bình năm đó cùng với gần 100 phóng viên của các tổ chức truyền thông nước ngoài trước tòa nhà chung cư ở Bắc Kinh, nơi ở của Lưu Hà, vợ Lưu Hiểu Ba.

Khi ai đó la lên “Ông ấy thắng rồi!”, mọi người reo hò và vỗ tay. Tôi nhớ có một người đàn ông Trung Quốc khoảng 50 tuổi đã nói trong nước mắt: “Lưu Hiểu Ba là niềm hy vọng của Trung Quốc.” Mặc dù Lưu Hà không bước ra, nhưng người đại diện của bà đã đọc một thông điệp có nội dung: “Giải thưởng không thuộc về riêng Lưu Hiểu Ba. Nó thuộc về tất cả những người ủng hộ ‘Hiến Chương 08′”.

Người ta kỳ vọng giải Nobel sẽ tạo ra cơ hội để Trung Quốc lắng nghe cộng đồng quốc tế và thay đổi, dù chỉ một chút. Nhưng Trung Quốc không thay đổi. Ngược lại, họ siết còn chặt hơn.

Lưu Hiểu Ba là một trong những trí thức tuyệt thực ở Quảng trường Thiên An Môn trước khi Giải phóng Quân Nhân dân nghiền nát phong trào ủng hộ dân chủ vào ngày 4 tháng 6 năm 1989. Ông được cho là đã kêu gọi sinh viên và những người biểu tình khác rời quảng trường để tránh đổ máu.

Lưu tiếp tục được tôn trọng ở trong và ngoài nước bởi vì ông chọn ở lại Trung Quốc và vẫn chỉ trích Đảng Cộng sản, mặc dù ông hoàn toàn có thể đi nước ngoài. Năm 2008, ông và các nhà hoạt động dân chủ khác đã soạn thảo “Hiến chương 08”, trong đó kêu gọi bãi bỏ chế độ độc đảng của Đảng Cộng sản và xây dựng nền tư pháp độc lập.

Cuối năm đó, ông bị bắt giam và bị kết án 11 năm tù vì tội âm mưu lật đổ chính quyền vào tháng 2 năm 2010. Tháng 10 năm đó, ông được trao giải Nobel Hòa bình.

Khi Lưu bị chẩn đoán mắc ung thư gan giai đoạn cuối ở trong tù và qua đời ở tuổi 61, nhiều người Hồng Kông đã tiếc thương ông. Nhìn lại, chắc hẳn nhiều người đã thấy tương lai của họ trong tương lai của Lưu. Nỗi lo của họ đã trở thành hiện thực khi luật an ninh quốc gia bắt đầu có hiệu lực từ cuối tháng 6 vừa rồi.

Lưu cho rằng tương lai của Trung Quốc nằm ở giáo dục. Ông nói về tầm quan trọng của dân chủ khi còn là giảng viên Đại học Sư phạm Bắc Kinh hồi giữa những năm 1980, truyền cảm hứng cho nhiều sinh viên tham gia phong trào ủng hộ dân chủ. Những lý tưởng của ông đã được truyền lại cho các nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông.

Tôi ghé qua Đại học Sư phạm Bắc Kinh vào thứ Hai. Tôi không thể vào khuôn viên trường vì các biện pháp phòng chống coronavirus, và cả khuôn viên yên lặng như tờ. Tôi ước gì có thể hỏi Lưu xem ông nghĩ gì về tình hình Hồng Kông hiện nay.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng của Nikkei ở Trung Quốc.

Cuộc khổ nạn của Lưu Hiểu Ba