27/09/1938: Franklin D. Roosevelt kêu gọi Hitler giữ hòa bình

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Franklin Roosevelt appeals to Hitler for peace, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1938, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt (FDR) đã viết thư cho Thủ tướng Đức Adolf Hitler về mối đe dọa chiến tranh ở châu Âu. Thủ tướng Đức từng đe dọa xâm lược Sudetenland của Tiệp Khắc, và trong bức thư, là bức thứ hai Roosevelt gửi cho Hitler trong vòng vài ngày, Roosevelt nhắc lại sự cần thiết phải tìm ra một giải pháp hòa bình cho vấn đề này.

Trước đó, FDR đã viết thư cho Hitler, kêu gọi đàm phán với Tiệp Khắc về mong muốn của Đức đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên và công nghiệp của Sudetenland, thay vì dùng vũ lực. Hitler trả lời rằng người Đức có quyền trên khu vực này bởi cách thức “đáng xấu hổ” mà Hiệp ước Versailles, vốn chấm dứt Thế chiến I, đã biến Đức trở thành một “nước bị bài xích” trong cộng đồng quốc tế.

Hiệp ước đã trao Sudetenland, một vùng lãnh thổ mà Hitler và nhiều người ủng hộ ông ta tin rằng vốn dĩ thuộc về Đức, cho nhà nước Tiệp Khắc. Do đó, Hitler lý luận, cuộc xâm lược của Đức nhắm vào Sudetenland là chính đáng, vì hành động sáp nhập chỉ có nghĩa là trả lại khu vực này về đúng nguồn gốc văn hóa và lịch sử của nó. Hitler đảm bảo với Roosevelt rằng ông ta cũng muốn tránh một cuộc chiến quy mô lớn khác ở châu Âu.

Trong lá thư ngày 27/09, Roosevelt bày tỏ sự yên tâm trước sự đảm bảo của Hitler, nhưng vẫn nhấn mạnh lại mong muốn “các cuộc đàm phán [giữa Đức và Tiệp Khắc] cần được tiếp tục cho đến khi tìm được một giải pháp hòa bình.” FDR cũng đề nghị rằng một hội nghị bao gồm tất cả các quốc gia liên quan đến cuộc xung đột hiện tại phải được triệu tập càng sớm càng tốt. Ông nhắm đến cái tôi của Hitler, khi nói rằng “nếu ông đồng ý với giải pháp đi theo cách thức hòa bình này, tôi tin rằng hàng trăm triệu người trên khắp thế giới sẽ công nhận hành động của ông là một hành động lịch sử tuyệt vời của toàn nhân loại.” FDR sau đó đảm bảo với Hitler rằng Mỹ sẽ giữ thái độ trung lập đối với chính trị châu Âu, nhưng Mỹ vẫn thừa nhận trách nhiệm phải tham gia “như một phần của thế giới các nước láng giềng.”

Cuối cùng, Hitler đã phớt lờ lời đề nghị của cộng đồng quốc tế về một giải pháp hòa bình và xâm lược Tiệp Khắc vào tháng 03/1939. Cuộc xâm lược này mới chỉ là phát súng đầu tiên trong nhiệm vụ của Hitler nhằm kiểm soát châu Âu và tạo ra “Đệ tam Đế chế” với vị trí địa chính trị tối cao thuộc về người Đức.