Tổng kết nước Mỹ bốn năm dưới thời Trump

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Phạm Phú Khải

Đã từng có nhận định rằng chỉ có loại người thích hay cuồng Trump, hoặc không thích hay thù ghét Trump, chứ không có ở giữa. Có thật vậy không?

Những người không ủng hộ cả Trump/Cộng hòa, và Biden/Dân chủ, thì sao? Hoặc những người bàng quan, không quan tâm, chán ngán hiện tình?

Những thành tựu dưới thời Trump

Ông Trump, và những người ủng hộ ông, cho rằng ông là “tổng thống vĩ đại nhất”, đưa đến nền kinh tế vĩ đại nhất xưa nay.

Còn những người chống Trump thì sao? Nhẹ, thì phủ nhận những nhận xét trên; nặng, thì bác bỏ những mọi thành tựu của Trump trong bốn năm qua; cực nặng, thì chỉ thấy toàn những tổn hại của Trump đem đến cho nước Mỹ.

Sự thật nằm ở đâu?

Chúng ta nên nhớ rằng, trong bốn năm điều hành lãnh đạo quốc gia, một tổng thống, dù dở hay yếu đến mấy, nếu không thành công lớn thì cũng sẽ có những thành đạt cố định nào đó. Mỹ là cường quốc lớn nhất thế giới, nên bất cứ chính quyền nào cũng sẽ để lại vài dấu ấn cho riêng mình.

Ông Trump, như tất cả các đảng viên Cộng hòa kể từ thời Ronald Reagan, ủng hộ chủ trương cắt giảm thuế, bãi bỏ quy định (deregulation), thẩm phán bảo thủ, đường phố an toàn hơn, quân đội mạnh hơn và nợ chính phủ thấp hơn; ông Trump đã chống lại Obamacare và việc mở cửa biên giới.

Về thuế, Trump chủ trương cắt giảm thuế để kích thích doanh nghiệp và kinh tế. Nó làm giảm doanh thu hàng năm của chính phủ tới 150 tỷ đô la trong vòng 10 năm, bằng 0,7% tổng sản lượng quốc nội; nhưng vẫn khiêm nhường so với thời của tổng thống George W Bush và Ronald Reagan.

Về quy định liên bang (federal rules), kể từ khi ông Trump nhậm chức, ước tính số lượng này tăng rất nhẹ, 0,5%, chỉ là một phần mười hai so với những năm của Obama và Bush.

Về thẩm phán tối cao, ba thẩm phán Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh và Amy Coney Barrett thuộc khuynh hướng bảo thủ đã được điền vào tối cao pháp viện.

Về quản lý biên giới, năm 2019 có 360 ngàn người bị trả về nước (tuy tính ra vẫn ít hơn so vớ thời Obama, năm 2013 có đến 432 ngàn). Mới đây, Hạ viện Mỹ đề nghị nhận 15 ngàn người tị nạn năm 2021, trong khi 85 ngàn được nhận vào Mỹ năm 2016 v.v…

Về mặt thuế quan, nhất là thuế quan đối với Trung Quốc, thì vẫn còn nhiều tranh cãi. Tuy ông Trump tuyên bố người ngoại quốc trả 80 tỷ đô la doanh thu mà thuế quan tăng lên, các nhà kinh tế nhận thấy rằng trên thực tế, những người nhập khẩu Mỹ đã trả số tiền đó.

Về kinh tế và phát triển, trước đại dịch Covid-19, lương của một phần tư người lao động nghèo nhất đã tăng 4,7% một năm, và sự tự tin của các doanh nghiệp nhỏ gần đạt mức cao nhất trong 30 năm.

Về mặt đối ngoại thì chính quyền Trump, tuy hoàn thành một số việc, nhưng cũng đưa đến những hệ quả tiêu cực.

Chính sách đối ngoại, đặc biệt là Trung Quốc

Dưới áp lực của ông Trump, một số nước thuộc khối NATO cũng đã chịu chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng. Ông Trump tin rằng, nhờ ông mà đã gia tăng 19% ngân sách quốc phòng của khối NATO, tức khoảng 130 tỷ đô la, so với năm 2016.

Riêng về quan hệ với Trung Quốc, thì chưa có chính quyền Mỹ nào từ trước đến nay thẳng thắn công kích những sai trái của Trung Quốc, như chính quyền Trump.

Các viên chức hàng đầu của chính quyền Trump, từ ngoại giao đến quốc phòng đến tình báo/an ninh quốc gia, liên tục chỉ thẳng vào mặt Trung Quốc như mối đe dọa không chỉ riêng cho Mỹ mà còn toàn cầu.

Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Nikki Haley, biện luận rằng Trung Quốc là mối nguy vô cùng lớn của Mỹ, cho nên phải thật sự cứng rắn với Trung Quốc.

Trung Quốc tạo ra những thách thức về trí tuệ, công nghệ, chính trị, ngoại giao và quân sự đối với Hoa Kỳ. Như thế phản ứng cần thiết phải nhiều mặt, đòi hỏi hành động trong các lĩnh vực riêng biệt như tình báo, thi hành pháp luật, kinh doanh tư nhân và giáo dục đại học. Trong những năm gần đây, nhiều vấn đề được xem là đòi hỏi sự phản ứng của “toàn bộ chính phủ”. Cần có một phản ứng không chỉ là “toàn bộ chính phủ” mà là “toàn bộ quốc gia”. May mắn thay, có sự ủng hộ trên toàn phổ quan chính trị để chống lại các chính sách hiếu chiến mới của Trung Quốc. Chúng ta phải hành động ngay bây giờ, trước khi quá muộn. Những mối nguy là rất cao. Nó có thể là sự sống hoặc cái chết.

Cựu Phụ tá Cố vấn An ninh Quốc gia Nadia Schadlow năm 2018, hiện là thành viên cao cấp tại Viện Hudson và Hoover, trình bày những thách thức Mỹ đang đối diện, đặc biệt đối với Trung Quốc, và đề nghị phải có biện pháp mới để giải quyết. Schadlow biện luận rằng, việc ủng hộ cho Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001 với mong đợi lạc quan rằng, ngoài thị trường to lớn cho thương mại kinh tế, sẽ đưa đến dân chủ hóa, với “ảnh hưởng sâu sắc về nhân quyền và tự do chính trị”, nhưng nó không diễn ra. Vì sao? Vì Trung Quốc không hề có ý định hội tụ với phương Tây. Đảng Cộng sản Trung Quốc không bao giờ có ý định chơi theo luật của phương Tây; họ quyết tâm kiểm soát thị trường hơn là mở cửa, và họ đã làm như vậy bằng cách giữ tỷ giá hối đoái thấp một cách giả tạo, mang lại lợi thế không công bằng cho các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, và dựng lên các rào cản pháp lý chống lại các công ty không phải của Trung Quốc.

Schadlow xác định rằng, trong một thế giới đầy cạnh tranh giữa các cường quốc, bất bình đẳng kinh tế và khả năng công nghệ lóe mắt, nơi mà các hệ tư tưởng cũng như mầm bệnh lây lan với sự dữ dội của virus, thì nguy cơ cao và hậu quả quá thảm khốc nếu chỉ đơn thuần gắn bó với những gì đã chạy tốt trong quá khứ. Schadlow cho rằng, ông Trump nhận ra vấn đề này sớm hơn nhiều nhà làm chính sách tại Washington, và ông Trump muốn thay đổi những ảo tưởng trước đây, nhằm giúp bảo đảm trật tự quốc tế sẽ vẫn thuận lợi cho các lợi ích và giá trị của Hoa Kỳ cũng như của các xã hội tự do và cởi mở khác.

Cố vấn an ninh quốc gia hiện nay của tổng thống Trump, Robert C. O’Brien, vừa mới phổ biến quan điểm trên tạp chí Foreign Affairs, biện luận rằng tham vọng của Tập Cận Bình không chỉ là để kiềm chế người dân Trung Quốc. Đảng Cộng Sản Trung Quốc nhắm đến việc phát tán tuyên truyền, giới hạn tự do ngôn luận, và lợi dụng thông tin cá nhân cho mục tiêu xấu xa. Nhằm chống lại sự hung hăng của Trung Quốc, thì việc đầu tiên Washington phải nhìn nhận ra được là bản chất của nó và bảo vệ nước Mỹ, trước khi quá trễ.

Chính sách năm 2013 của Trung Quốc về “hiện trạng tư tưởng” cho rằng, “tuyệt đối không có cơ hội hoặc lối thoát cho những suy nghĩ hoặc quan điểm sai lầm được lan truyền.” “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn tin rằng quyền lực bắt nguồn từ việc kiểm soát cả chiến trường vật chất và lĩnh vực văn hóa,” nhà báo và cựu quan chức chính phủ Australia John Garnaut đã lưu ý. “Lời nói không phải là phương tiện của lý trí và sự thuyết phục. Chúng là những viên đạn. Ngôn từ là để định nghĩa, cô lập và tiêu diệt đối thủ ”. Bên trong Trung Quốc, phương pháp này có nghĩa là các buổi học bắt buộc về tư tưởng cộng sản, và việc sử dụng các ứng dụng điện thoại thông minh dạy “Tư tưởng Tập Cận Bình”. Nó có nghĩa là kiểm duyệt nghiêm ngặt tất cả các phương tiện truyền thông. Các nguồn thông tin bên ngoài bị cấm – từ báo chí nước ngoài đến Twitter, Facebook và WhatsApp.

Xin nhắc lại, ký giả và cố vấn John Garnaut mà ông O’Brien đề cập đã có những nhận xét sâu sắc về Tập Cận Bình và Đảng Cộng Sản Trung Quốc, và nay đã tác động lên các nhà làm chính sách Mỹ.

Ông O’Brien khẳng định Washington sẽ tăng cường khả năng kiên trì của các định chế, đồng minh và đối tác của Mỹ để thắng thế đối với những thử thách mà Trung Quốc đưa lại, về ý thức hệ và các mặt khác. Washington sẽ tiếp tục áp đặt giá phải trả lên Bắc Kinh để ngừng hay giảm các hoạt động gây tổn hại cho quyền lợi của Mỹ, cũng như đồng minh và đối tác của Mỹ. Mỹ sẽ không để ĐCSTQ trở nên lớn mạnh dựa trên những phí tổn hoặc từ trợ giúp của Mỹ nữa. O’Brien cho rằng, Chiến lược An ninh Quốc gia 2017 của Mỹ gọi cách tiếp cận này là “chủ nghĩa hiện thực có nguyên tắc” (principled realism). O’Brien kết luận: “Hòa bình lâu dài đến từ sức mạnh. Mỹ là quốc gia mạnh nhất trên trái đất, và phải lên tiếng, chiến đấu, và trên hết, trung thành với các nguyên tắc của mình – đặc biệt là quyền tự do ngôn luận – trái ngược hoàn toàn với hệ tư tưởng Mác-Lênin mà ĐCSTQ ôm ấp.”

Tựu chung, chính Trump, và các nhân viên cao cấp trong chính quyền Trump, từ Haley, Schadlow, O’Brien, Mike Pompeo, Mike Pence, v.v… đều thể hiện chủ trương chính trị hiện thực (politcal realism) trong các bài viết, phát biểu, suốt những năm qua.

Tuy phê bình cung cách lãnh đạo và chính sách của Trump, giáo sư Stephen Walt nhận định Trump có vẻ trở thành một nhà hiện thực; hơn nữa, phải chăng là một nhà cân bằng ngoài nước không chừng! (offshore balancer, một xu hướng thuộc chủ nghĩa hiện thực mà Walt cổ võ cho chính sách đối ngoại). Có người nhận định rằng, Trump có thể là một nhà hiện thực hơn hẳn tất cả các ứng viên tổng thống Mỹ xưa nay.

Những cách nhìn khác

Không phải những người ủng hộ chủ nghĩa hiện thực đều ủng hộ chính quyền Trump, điển hình là Walt. Phê bình Trump, thật ra, là vô số và đến từ tứ phía. Nhưng xu hướng phê phán Trump mạnh mẽ nhất là đến từ chủ nghĩa quốc tế cấp tiến (liberal internationalism), với những nguyên do và mục tiêu khác nhau.

Trước hết cần phải làm rõ điều này. Với sự hung hăng trỗi dậy của Trung Quốc, trong những năm qua có thể nói cộng đồng chính sách ngoại giao Mỹ thuộc nhiều xu hướng khác nhau đều thấy có nhu cầu đưa ra những biện pháp mạnh mẽ để kiềm chế và bắt Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các hành xử độc đoán và tệ hại của họ. Có người cổ võ chính sách tách rời (decoupling). Có người thì cho rằng, cứ tiếp tục tiếp cận nhưng phải quyết đoán hơn để Trung Quốc phải chịu trách nhiệm. Có người đề nghị mang lại chính sách ngăn ngặn (containment), một thời thành công trong chính sách đối với Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.

Nhưng ngoài chính sách đối phó với Trung Quốc ra, phần lớn cho rằng các chính sách của ông Trump là thiển cận, gián đoạn và kể cả phá hoại.

Bài phê bình mới nhất “Sự kết thúc quyền lực Mỹ” (The End of American Power) là từ Eliot Cohen trên tạp chí Foreign Affairs ngày 27 tháng 10 vừa qua. Cohen hiện là Trưởng khoa Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp tại Đại học Johns Hopkins. Cohen biện luận rằng, nếu Trump tái đắc cử, nhiều thứ sẽ không thay đổi: cái nhìn thiển cận về chính sách ngoại giao; cung cách tiếp cận về lãnh đạo thất thường; coi thường đồng minh, và yêu thích các nhà độc tài. Nhưng ngoài phạm trù chính sách, Cohen cho rằng sự thắng cử lần nữa của Trump sẽ cho thế giới dấu hiệu rằng Washington đã từ bỏ khát vọng lãnh đạo toàn cầu và từ bỏ mọi khái niệm về mục đích đạo đức trên trường quốc tế. Nó sẽ mở ra một thời kỳ hỗn loạn và xung đột gay gắt, khi các quốc gia dùng đến luật rừng và tranh giành để tự bảo vệ mình. Nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ xác nhận điều mà nhiều người đã bắt đầu lo sợ: rằng thành phố sáng chói trên một ngọn đồi đã trở nên mù mờ và sức mạnh của Mỹ chỉ còn là dĩ vãng. Nhiệm kỳ thứ hai của Trump có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ bước vào một cuộc khủng hoảng nhiều mặt, có khả năng thâm sâu như những năm 1850 và những năm 1930. Nhưng lần này, đất nước lại có một nhà lãnh đạo bị tê liệt bởi lòng tự kiêu, kém cỏi, và thậm chí còn kém hiểu biết về một trong những điều mà người tiền nhiệm của Đảng Cộng hòa thường gọi là “niềm hy vọng cuối cùng, tốt nhất của con người”.

Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một chuyên gia hàng đầu về bang giao quốc tế, đã đưa ra những nhận xét khá bi quan về chính sách ngoại giao của Trump, cũng trên tạp chí Foreign Affairs. Haass cho rằng, tìm ra chữ “sáng tạo” (creation) cũng thật là khó trong các chủ trương an ninh quốc gia của Trump suốt 4 năm qua. Haass biện luận Trump đã thừa hưởng một hệ thống không hoàn hảo, nhưng dù sao nó có giá trị, tuy nhiên Trump lại cố gắng loại bỏ nó mà không đưa ra phương án thay thế. Kết quả là Hoa Kỳ và một thế giới trở nên tồi tệ hơn đáng kể. Sự gián đoạn này sẽ để lại một dấu ấn lâu dài, khi sự gián đoạn đó tiếp tục hoặc tăng tốc. Nếu Donald Trump được bầu vào nhiệm kỳ thứ hai, thì “sự hủy diệt” (destruction) cũng có thể trở thành một thuật ngữ phù hợp hơn để mô tả thời kỳ này của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Haass kết luận rằng, nếu không khéo thì chủ nghĩa cô lập, chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương mang đặc tính dân tộc là một viễn ảnh về thế giới không gì khác ngoài sự báo động.

Tạp chí The Economist nhận định rằng, ông Trump đã đối xử với các đồng minh của Mỹ với một tư tưởng nhỏ nhen. Lẽ ra người lãnh đạo Mỹ phải nhìn nhận rằng, các đồng/liên minh có giá trị nâng cao tầm ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới. Những đồng minh gần nhất đã được rèn luyện trong chiến tranh, và một khi bị đổ vỡ sẽ không thể dễ dàng ghép lại với nhau trong thời bình. Khi các quốc gia đã từng chiến đấu cùng với Mỹ nhìn vào sự lãnh đạo của ông Trump, họ phải vất vả để nhận ra nơi mà họ từng ngưỡng mộ. Đồng minh, đa phương và ngoại giao là quan trọng, còn quan trọng hơn cả sức mạnh quân sự. Điển hình là sức mạnh quân sự của Mỹ một mình không thể chuyển hóa các nước khác, như các cuộc chiến kéo dài tại Afghanistan và Iraq đã chứng minh. Cung cách lãnh đạo của Trump trong bốn năm qua đã làm suy giảm uy tín của Mỹ và sự ủng hộ của thế giới dành cho Mỹ đã xuống thấp đáng kể.

Tạp chí kết luận: “Ông Trump đã đối đầu với một Trung Quốc đang trỗi dậy và tạo điều kiện cho một số liên minh đang xây dựng ở châu Á và châu Âu nghiêm túc trong việc phòng thủ của mình. Nhưng sự tàn phá trên đường đi là rất lớn. Công việc sửa chữa không thể bắt đầu sớm đủ.”

Lời kết

Tạp chí The Economist phân tích rằng, ngoài một số thành tựu nhất định, ông Trump đã để lại nhiều mảnh vụn khắp nơi. Cung cách điều hành lãnh đạo của Trump là cực kỳ chia rẽ, và ông không thèm đoái hoài gì đến những công dân Mỹ không ủng hộ/bỏ phiếu cho ông. Trong khi hầu hết các tổng thống gần đây đều coi tinh thần đảng phái là độc hại cho nước Mỹ, thì ông Trump lại coi đó là trọng tâm trong văn phòng của mình. Tuy sự chia rẽ cao độ đã diễn ra trước thời ông Trump, nhưng Trump vừa là tác nhân vừa là sản phẩm, làm nhân rộng hố chia rẽ này hơn. Ngày nay, có đến 73% người theo đảng Cộng hòa và Dân chủ không đồng ý nhau về những cái được xem là dữ kiện căn bản (basic facts). Khảo sát cho biết, một trong năm người Mỹ cho rằng bạo lực được xem là chính đáng nếu bên kia thắng cuộc bầu cử sắp diễn ra. Điều đáng lo ngại hơn nữa là, 60% cử tri nghĩ rằng các thành viên của đảng kia là mối đe dọa đối với nước Mỹ, hơn 40% sẽ gọi họ là ác nhân và 20% cho họ là động vật. Thật là đáng quan ngại trước những suy nghĩ không chỉ cực đoan mà còn đầy thù nghịch như thế.

Ngoài chính sách ngoại giao, thất bại lớn nhất của Trump là cách quản lý đại dịch tại Mỹ. Dù ông có đổ lỗi cho Trung Quốc và WHO như thế nào đi nữa. Ông Trump sẽ phải trả giá nặng nề cho sự thất bại quản lý Covid-19 trong kỳ bầu cử này.

Cohen, Haass và bao nhiêu học giả chuyên gia khác trong lĩnh vực ngoại giao có quan điểm khác với các viên chức hàng đầu của Trump, chủ yếu vì các giả định khác nhau, đưa đến cách nhìn thế giới khác nhau.

Xu hướng quốc tế cấp tiến tin tưởng vào quy định/luật lệ chung, tính tương thuộc giữa nhà nước, đồng minh và đối tác đều có lợi, và các định chế quốc tế. Đa phương, do đó, là cách tốt nhất để xây dựng trật tự và ổn định lâu dài. Họ nhìn con người hay nhà nước như những người biết tính toán lợi hại, không quá xấu mà cũng không quá tốt.

Trong khi đó, xu hướng chính trị hiện thực tin rằng hệ thống chính trị thế giới là vô chính phủ, cạnh tranh là tàn nhẫn, một mất một còn, trong đó quốc gia nào cũng muốn trục lợi cho phần mình tối đa. Đơn phương, và song phương, do đó, là cách tốt nhất để phát huy quyền lợi quốc gia. Họ nhìn con người chủ yếu là xấu xa, chỉ muốn thủ lợi cho mình mà không quan tâm đến lợi ích của người khác.

Thật ra thì, hai xu hướng này không nhất thiết phải đối chọi nhau. Nó có thể bổ túc cho nhau.

Đối với các nhà nước độc tài toàn trị như Trung Quốc, thì chính sách và chiến lược của chính quyền Trump, được sự cố vấn của chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc, như Michael Pillsbury, là cần thiết. Bởi vì, với chế độ này thì không thể dùng chủ nghĩa quốc tế cấp tiến với họ. Chính sách này đã hoàn toàn thất bại kể từ thập niên 1970 đến nay. Cho nên phải thay đổi sách lược. Trung Quốc hay các nước côn đồ chỉ thay đổi cách hành xử khi nào Mỹ mạnh mẽ sẵn sàng trừng phạt những nhà nước nào dùng các luật chơi bất công và gây thiệt hại cho Mỹ và các nước khác, hay có ý đồ phá hoại nền dân chủ và nhân quyền tại Mỹ.

Với các đồng minh của Mỹ, đặc biệt các nền dân chủ trên thế giới, chủ nghĩa quốc tế cấp tiến sẽ giúp Mỹ tạo niềm tin nơi đồng minh, bảo vệ các quy luật chung và các định chế quốc tế, giải quyết các vấn đề quốc tế bằng biện pháp đa phương. Từ đó, tưởng thưởng những nước nào tôn trọng luật chơi và trừng phạt những nước nào vi phạm hay coi thường nó. Quyền lực cứng luôn có giới hạn của nó, trong cũng như ngoài nước, và quyền lực mềm luôn có giá trị của nó, trong lẫn ngoài nước.

Những hộp dụng cụ/đồ nghề này, nước Mỹ sáng chế ra, và điêu luyện hơn ai hết. Điều quan trọng là giới lãnh đạo chính trị Mỹ cần xây dựng lại một đại chiến lược (Grand Strategy) để qua đó các chuyên viên ngoại giao, quốc phòng và tình báo áp dụng một cách uyển chuyển với từng đối tượng và tình thế để có lợi nhất cho nước Mỹ.

Tôi không rõ ông Joseph Biden có khả năng làm điều này trong bốn năm tới không! Nhưng ông Trump, trong bốn năm qua đã chứng minh ông không những không có khả năng mà còn không quan tâm việc cần tiến hành như thế. Và đó là điều thật đáng quan ngại.