Luận tội Trump: Nên hay không?

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Phạm Phú Khải

Nên hay không luận tội Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã là một đề tài gây lắm tranh cãi và chia rẽ tại Hoa Kỳ không lâu sau khi ông Trump nhậm chức.

Ông Trump, cũng như những người ủng hộ ông, phản đối mọi ý kiến hay nỗ lực nào quy tội hay luận tội ông. Ngoài lập trường ủng hộ ông Trump bằng mọi giá, kể cả chống lại mọi lý do để luận tội ông, những người khác chống luận tội là vì họ không thấy nó sẽ đi đến đâu cả, và có nguy cơ làm cho nước Mỹ vốn đang chia rẽ trầm trọng càng chia rẽ hơn.

Giáo sư tâm lý Michael F. Mascolo, chẳng hạn, cho rằng mặc dầu vị tổng thống đang chiếm Nhà Trắng hiện nay là một trong những điều tồi tệ nhất xảy ra cho Hoa Kỳ, nhưng trong bầu không khí đầy nghi ngờ, thiếu nhân nghĩa và chính trị kiểu “thắng được hết” (winner-take-all politics), động lực luận tội có nhiều khả năng chia rẽ hơn là đoàn kết. Mascolo cho rằng có những cách khác ngoài luận tội, mang tính tôn trọng và quan tâm thật sự, sẽ động viên người dân và có kết quả tốt trên đường dài.

Còn đại đa số người dân Mỹ nghĩ sao về vấn đề này?

Theo cuộc thăm dò và quan sát dư luận xã hội của FiveThirtyEight thì vào đầu tháng Mười, tỷ lệ ủng hộ luận tội và chống lại luận tội là ngang ngửa, 45 phần trăm mỗi bên, nhưng hai tuần sau, tỷ lệ người Mỹ ủng hộ luận tội gia tăng lên 49,1 phần trăm và chống đối tụt giảm còn 43,5 phần trăm. Trong các cuộc thăm dò dư luận khác, tuy tỷ lệ có chênh lệch vài phần trăm so với FiveThirtyEight, cũng cho ra kết quả là phần lớn người Mỹ ủng hộ tiến trình luận tội hiện nay.

Đi sâu vào chi tiết hơn thì có sự khác biệt trong quan điểm của bên ủng hộ cũng như chống đối. Chẳng hạn, 53,1 phần trăm người Mỹ ủng hộ quá trình tiến hành luận tội, tức ủng hộ quốc hội tiến hành cuộc điều tra trước, trong khi 48,1 phần trăm ủng hộ luận tội và có thể truất phế. Kết quả thăm dò này cho thấy đa số (quá bán) người dân Mỹ ủng hộ tiến trình luận tội, nhưng nó không đồng nghĩa với việc luận tội và truất phế tổng thống mà không cần tiến hành điều tra.

Cuộc điều tra luận tội lần này xoay quanh việc Tổng thống Trump có yêu cầu Tổng thống Ukraine điều tra đối thủ chính trị của ông Trump, tức đảng viên Dân chủ Joe Biden (và con trai Hunter Biden), cho lợi ích cá nhân và mục tiêu chính trị cho ông Trump không. CNN liệt kê chi tiết diễn tiến từ đầu cho đến hôm nay. Có vài điểm đáng bàn.

Đầu tiên là sự bất hợp tác từ ông Trump, tức phía hành pháp/Nhà Trắng, và cả luật sư riêng của ông Trump, điều có nguy cơ gây bất lợi thêm cho ông Trump trong thời gian tới. Tuy Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao không hợp tác với Hạ viện, một số viên chức cao cấp từng hay đang phục vụ trong chính quyền Hoa Kỳ đã ra điều trần với những bằng chứng khá bất lợi cho ông Trump.

Kế đến là một số nhà lập pháp thuộc Đảng Cộng hòa đã gây gián đoạn cuộc điều tra luận tội tổng thống vào ngày 23 tháng Mười vừa qua. Họ làm như thế vì biện hộ rằng cuộc điều tra kỳ này được thực hiện một cách bí mật, khác với truyền thống luận tội trước đây. Họ cũng biện luận rằng lẽ ra một nghị quyết cần được toàn Hạ viện biểu quyết và thông qua trước khi tiến hành điều tra, như đã từng xảy ra năm 1974 với Richard Nixon và năm 1998 với Bill Clinton. Tuy nhiên phía Dân chủ cho rằng chiếu theo hiến pháp cũng như luật lệ của Hạ viện thì họ không cần nghị quyết để tiến hành điều tra. Phía Dân chủ cũng biện luận rằng vấn đề đang được luận tội khác với các cuộc điều tra khác trước đây bởi nó chưa từng được cơ quan công quyền nào điều tra, do đó họ cần thực hiện giai đoạn đầu để thu thập thông tin, và sau đó sẽ đến giai đoạn mở rộng để công chúng và truyền thông được tham dự.

Sau cùng, điều đáng nói là quyết định của Chánh Thẩm phán liên bang Beryl A. Howell tại Washington vào thứ Sáu tuần qua, cho phép Ủy ban Tư pháp Hạ viện được quyền xem bằng chứng bồi thẩm đoàn bí mật được thu thập bởi công tố viên đặc biệt, Robert S. Mueller III. Bình thường thì Quốc hội không có quyền xem các bằng chứng này. Nhưng năm 1974 tòa cho phép các nhà làm luật xem để cân nhắc việc luận tội Tổng thống Richard M. Nixon, cho nên phía Dân chủ tại quốc hội cũng muốn sử dụng nó trong vụ này. Howell xác định rằng không cần có nghị quyết của Hạ viện mới có thể tiến hành cuộc điều tra. Howell cũng biện luận rằng chính sách bất hợp tác của Nhà Trắng với cuộc điều tra luận tội này đã đẩy cán cân về phía cho phép tiết lộ thông tin bí mật. Cho nên nếu chính quyền Trump không kháng cáo quyết định này lên tòa phúc thẩm thì bên phía Dân chủ có thêm bằng chứng từ các bí mật vốn không được công khai từ cuộc điều tra của công tố viên Mueller III.

Trong cuộc điều tra luận tội này, có nhiều bằng chứng về sự lạm dụng quyền lực của ông Trump mà chính dân biểu và thượng nghị sĩ Cộng hòa ghi nhận là rất khó để bào chữa và bảo vệ ông, chưa kể những cú tweet ngẫu hứng và những thông điệp thiếu phối hợp từ phía Nhà Trắng. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa rõ là sẽ có đủ bằng chứng để luận tội hay không, và các bằng chứng đó sẽ kết luận ra sao về mức độ phạm tội của ông Trump.

Vậy có nên tiến hành điều tra luận tội ông Trump hay không?

Có lẽ đa số người Mỹ đã có sẵn câu trả lời. Bên ủng hộ ông Trump thì dù chưa tiến hành điều tra, ông Trump chắc chắn vô tội. Bên chống đối ông Trump thì, cũng vậy, không cần điều tra, ông Trump rõ ràng có tội và nên bị truất phế. Phần thiểu số còn lại thì muốn thấy cuộc điều tra tiến hành theo đúng thủ tục, công bằng, minh bạch, chiếu theo hiến pháp và pháp luật. Dù khả năng ông Trump bị luận tội và truất phế là rất thấp bởi Đảng Cộng hòa nắm đa số ở thượng viện, và cần đến 20 thượng nghị sĩ Cộng hòa đứng về phía Dân chủ để đủ tỷ lệ hai phần ba, sau khi Hạ viện biểu quyết luận tội ông Trump.

Quả thật, luận tội sẽ gây thêm chia rẽ. Tuy nhiên nếu không tiến hành luận tội thì cũng có nguy cơ gây thêm chia rẽ, nhất là đối với những người muốn xem hiến pháp và pháp luật là trên hết, và không một ai là ngoại lệ. Một khi vấn đề vi phạm là khá nghiêm trọng, và bằng chứng được trình bày là đáng quan tâm, mà các viên chức cao cấp trong chính quyền Trump đã cho biết qua các cuộc điều trần, chẳng hạn quyền Đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine ông William B. Taylor Jr., thì không những nó sẽ tạo một tiền lệ không tốt, mà còn có khả năng phá hoại truyền thống tôn trọng pháp luật và nguyên tắc không ai được đứng trên pháp luật. Nếu ông Trump vô tội thì ông và những người ủng hộ ông Trump thật ra không có gì phải lo lắng cả, trừ phi họ không còn niềm tin nào vào cả bộ máy công quyền, hiến pháp/pháp luật và hệ thống tam quyền phân lập.

Điều quan trọng trong vấn đề này là bất cứ một tổng thống nào, thuộc Cộng hòa hay Dân chủ, nếu cố tình lạm dụng quyền lực để triệt hạ hay chà đạp lên đối thủ của mình trong cuộc tranh cử, trái với hiến pháp và pháp luật hiện hành, thì phải bị luận tội. Nếu không mọi hành xử sai trái, nguy hiểm và độc đoán sẽ lên ngôi. Và con đường trở lại cường quyền, độc tài, như đã từng xảy ra tại Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Phi Luật Tân trong một hai thập niên qua, và bao nhiêu ví dụ khác trước đây, sẽ không còn bao xa.